Tổng quan về bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là gì?
Video Bệnh mạch vành là gì? Cách phát hiện, phòng tránh bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành, thường do sự tích tụ của chất béo được gọi là mảng bám hay xơ vữa. Bệnh mạch vành còn được gọi là bệnh tim - mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Động mạch vành ở đâu? Chúng có chức năng gì?
Động mạch vành là những mạch máu cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim để duy trì hoạt động bơm máu. Các động mạch vành nằm trực tiếp trên cơ tim của bạn. Bạn có 4 động mạch vành chính:
- Động mạch vành phải.
- Động mạch vành trái.
- Động mạch liên thất trước
- Động mạch mũ.
Điều gì xảy ra với các động mạch trong bệnh mạch vành?
Bệnh mạch vành là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là sự tích tụ của các mảng bám bên trong động mạch của bạn. Mảng bám bao gồm cholesterol, chất béo, chất thải, canxi và fibrin - chất tạo cục máu đông. Khi mảng bám tiếp tục phát triển trên thành động mạch, động mạch bị thu hẹp và cứng lại. Mảng xơ vữa có thể làm tắc nghẽn hoặc làm hỏng động mạch, làm hạn chế hoặc ngừng cấp máu đến cơ tim. Nếu tim của bạn không nhận đủ máu, nó không thể nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động bình thường. Tình trạng này được gọi là thiếu máu cục bộ. Không được cung cấp đủ máu cho cơ tim có thể dẫn đến khó chịu ở ngực hoặc đau thắt ngực. Nó cũng khiến bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Làm thế nào mà mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch?
Bệnh mạch vành xảy ra ở tất cả mọi người. Tốc độ phát triển của nó khác nhau ở mỗi người. Quá trình này thường bắt đầu khi bạn còn rất trẻ. Trước những năm tuổi vị thành niên, thành mạch máu bắt đầu xuất hiện những vệt mỡ. Khi mảng xơ vữa tích tụ ở thành trong của động mạch, cơ thể bạn sẽ chống lại quá trình đang diễn ra này bằng cách gửi các tế bào bạch cầu đến tấn công cholesterol, nhưng cuộc tấn công này thường gây tình trạng viêm nhiều hơn. Chính điều này sẽ kích hoạt các tế bào khác trong thành động mạch hình thành một màng mềm trên mảng xơ vữa.
Lớp màng mềm này có thể bị vỡ ra (do huyết áp hoặc các nguyên nhân khác). Các mảnh tế bào máu được gọi là tiểu cầu dính vào vị trí “chấn thương”, gây ra cục máu đông. Cục máu đông làm thu hẹp động mạch hơn nữa. Đôi khi cục máu đông tự vỡ ra. Một số trường hợp khác, cục máu đông chặn dòng chảy của máu qua động mạch, làm mất oxy của tim và gây ra cơn nhồi máu cơ tim.
Bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành nếu:
- Có nồng độ cholesterol cao (đặc biệt là mức LDL cholesterol "xấu" cao và mức HDL cholesterol "tốt" thấp).
- Bị huyết áp cao.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
- Bị bệnh tiểu đường.
- Là một người hút thuốc.
- Nam giới trên 45 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh.
- Đang thừa cân.
- Không hoạt động thể chất.
Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ này, hãy nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể chỉ định cho bạn đi kiểm tra bệnh mạch vành.
Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh mạch vành
Các triệu chứng của bệnh mạch vành là gì?
Bạn có thể không biết mình bị bệnh mạch vành vì ban đầu bạn có thể không có triệu chứng. Sự tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch mất nhiều năm đến nhiều thập kỷ. Nhưng khi động mạch bị thu hẹp, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng nhẹ cho thấy tim của bạn đang bơm mạnh hơn để cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau ngực hoặc khó thở, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất nhẹ như đi bộ lên cầu thang, thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi.
Đôi khi bạn sẽ không biết mình bị bệnh mạch vành cho đến khi lên cơn nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Cơn đau thắt ngực được mô tả là cảm giác nặng nề, căng tức, đè ép, đau nhức, bỏng rát. Cảm giác khó chịu cũng có thể lan lên vai trái, cánh tay, cổ, lưng hoặc hàm.
- Cảm thấy mệt.
- Chóng mặt, choáng váng.
- Buồn nôn.
- Yếu.
Các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có thể hơi khác một chút và bao gồm:
- Khó chịu hoặc đau ở vai, cổ, bụng (bụng) và / hoặc lưng.
- Cảm giác khó tiêu hoặc ợ chua.
- Lo lắng không giải thích được.
- Mồ hôi lạnh.
Tôi nên làm gì nếu tôi có các triệu chứng của bệnh mạch vành?
Vì các triệu chứng của bệnh mạch vành có thể là triệu chứng của một cơn nhồi máu cơ tim nên bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức. Gọi 115 nếu bạn nghĩ rằng bạn đang có các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim.
Nếu cục máu đông trong động mạch vành bị vỡ ra và di chuyển vào não của bạn, nó có thể gây ra đột quỵ, mặc dù trường hợp này rất hiếm. Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:
- Liệt một bên mặt. Hãy nhìn nụ cười của bạn trong gương hoặc nhờ ai đó kiểm tra nụ cười của bạn.
- Yếu hoặc tê cánh tay.
- Khó nói / nói lắp.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi 115. Mỗi phút chậm được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ bị tổn thương lâu dài.
Chẩn đoán và xét nghiệm bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành được chẩn đoán như thế nào?
Trừ khi tình trạng của bạn là trường hợp khẩn cấp (bạn đang bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ), bác sĩ tim mạch sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, xem xét bệnh sử của bạn, xem xét các yếu tố nguy cơ và thực hiện khám sức khỏe.
Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm:
- Xét nghiệm điện tâm đồ (ECG): Xét nghiệm này ghi lại hoạt động điện của tim. Có thể phát hiện cơn nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ và các vấn đề về nhịp tim.
- Nghiệm pháp gắng sức: Đây là nghiệm pháp thực hiện trên máy chạy bộ để xác định mức độ hoạt động của tim khi hoạt động nặng nhất. Có thể phát hiện cơn đau thắt ngực và tắc nghẽn mạch vành.
- Nghiệm pháp gắng sức bằng dùng thuốc: Thay vì tập thể dục để kiểm tra tim khi nó hoạt động mạnh nhất thì thuốc được sử dụng để tăng nhịp tim và bắt chước khi tập thể dục. Xét nghiệm này có thể phát hiện chứng đau thắt ngực và tắc nghẽn mạch vành.
- Chụp vôi hóa động mạch vành: Xét nghiệm này xác định vị trí vôi hóa trong thành động mạch vành, có thể là dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch.
- Siêu âm tim: Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để đánh giá cấu trúc của tim cũng như hoạt động và chức năng tổng thể của tim.
- Xét nghiệm máu: Nhiều xét nghiệm máu được chỉ định để tìm các yếu tố ảnh hưởng đến động mạch, chẳng hạn như nồng độ trylycerid (chất béo trung tính), cholesterol, lipoprotein, protein phản ứng C (CRP), glucose, HbA1c (để xét nghiệm bệnh tiểu đường) và các xét nghiệm khác.
- Thông tim: Thủ thuật này sẽ tiến hành đưa các ống nhỏ vào mạch máu của tim để đánh giá chức năng tim bao gồm cả sự hiện diện của bệnh mạch vành.
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác có thể bao gồm:
- Chụp ảnh phóng xạ: phương pháp này tạo ra hình ảnh của tim sau khi sử dụng chất đánh dấu phóng xạ.
- Chụp mạch cắt lớp vi tính: Sử dụng CT và thuốc cản quang để xem hình ảnh 3D của trái tim khi chuyển động và phát hiện tắc nghẽn trong động mạch vành.
Quản lý và điều trị bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành được điều trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ trao đổi về kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn. Thực hiện theo kế hoạch điều trị để giảm nguy cơ mắc các vấn đề có thể do bệnh mạch vành, như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Thay đổi lối sống
Bước đầu tiên trong điều trị bệnh mạch vành là giảm các yếu tố nguy cơ của bạn. Điều này liên quan đến việc thay đổi lối sống:
- Đừng hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn về cách để bỏ thuốc
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Trao đổi với bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng về các cách thay đổi chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các lựa chọn ăn kiêng tốt bao gồm chế độ ăn Địa Trung Hải và DASH (một chế độ ăn giảm muối).
- Hạn chế sử dụng rượu bia. Giới hạn đồ uống hàng ngày không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.
- Tăng tần suất tập thể dục. Tập thể dục giúp bạn giảm cân, nâng cao thể trạng và giải tỏa căng thẳng. Hầu hết mọi người có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim bằng cách đi bộ 30 phút 5 lần mỗi tuần hoặc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Trao đổi với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào.
Thuốc men
Bác sĩ sẽ giới thiệu các loại thuốc để quản lý tốt nhất các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim của bạn. Các loại thuốc liên quan đến tim có thể được lựa chọn bao gồm:
- Thuốc để giảm nồng độ cholesterol như statin, chất cô lập axit mật, niacin và fibrat.
- Thuốc để giảm huyết áp, như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II.
- Thuốc để giảm cơn đau thắt ngực, như nitrat / nitroglycerin hoặc ranolazine.
- Thuốc để giảm nguy cơ đông máu, như thuốc chống đông máu (bao gồm cả aspirin) và kháng tiểu cầu.
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và bệnh mạch vành, bạn sẽ được kê đơn thuốc để giảm lượng đường trong máu.
Điều quan trọng là phải uống tất cả các loại thuốc theo quy định, bao gồm cả những loại thuốc điều trị bệnh tim và tất cả các bệnh lý khác. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về việc sử dụng loại thuốc nào hoặc cách dùng chúng.
Thủ thuật và phẫu thuật
Các thủ thuật can thiệp là phương pháp điều trị không phẫu thuật để loại bỏ mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch và ngăn ngừa tắc nghẽn. Các thủ thuật phổ biến là nong mạch bằng bóng và đặt stent. Các thủ thuật này được thực hiện bằng một ống dài và mỏng được gọi là ống thông. Nó được đưa vào động mạch ở cổ tay hoặc phần trên của chân thông qua một vết rạch nhỏ và dẫn đến khu vực bị tắc nghẽn của động mạch. Bóng sẽ giúp mở rộng đường kính của động mạch để khôi phục lưu lượng máu đến tim. Một stent (một giá đỡ bằng kim loại nhỏ giống như lò xo) được đặt tại chỗ để giữ cho động mạch của bạn luôn mở.
Phẫu thuật nối tắt động mạch vành (CABG - Coronary artery bypass graft) là phẫu thuật tạo ra một con đường mới cho máu lưu thông khi có tắc nghẽn trong động mạch vành. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy các mạch máu từ ngực, cánh tay hoặc chân của bạn và tạo ra một con đường mới để cung cấp máu giàu oxy đến tim.
Nếu các lựa chọn điều trị truyền thống không thành công, bác sĩ tim mạch có thể đề xuất các lựa chọn điều trị khác, chẳng hạn như điều trị phản xung động ngoại biên tăng cường (EECP - enhanced external counterpulsation). Trong quy trình này, vòng bít bơm hơi (giống như vòng bít huyết áp) được sử dụng để ép các mạch máu ở phần dưới cơ thể của bạn. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim và giúp tạo ra các đường vòng tự nhiên (tuần hoàn bàng hệ) xung quanh các động mạch vành bị tắc nghẽn. Điều trị phản xung động ngoại biên tăng cường là một phương pháp điều trị khả thi cho những người bị đau thắt ngực ổn định mạn tính, những người không thể thực hiện một thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật nối tắt và không thuyên giảm khi dùng thuốc.
Các biến chứng của bệnh mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành có thể dẫn đến các vấn đề về tim khác sau đây:
- Đau thắt ngực.
- Nhồi máu cơ tim.
- Các vấn đề về nhịp tim.
- Suy tim.
- Sốc tim.
- Ngừng tim đột ngột.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim này nếu tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ tim mạch.
Phòng ngừa bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành có thể ngăn ngừa được không?
Bạn chắc chắn có thể thực hiện những thay đổi để giảm nguy cơ phát triển bệnh mạch vành, nhưng tình trạng này không thể ngăn ngừa được 100%. Điều này là do có hai loại yếu tố nguy cơ: Những yếu tố không thể thay đổi và những yếu tố có thể thay đổi.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi bao gồm tuổi già, giới tính nam, tiền sử gia đình mắc bệnh tim và các yếu tố di truyền. Xem lại phần “ Ai có thể bị bệnh mạch vành?” ở phần trên.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ mà bạn có thể thay đổi. Đây chủ yếu là những thay đổi về lối sống như giảm cân nếu bạn thừa cân, ngừng hút thuốc nếu bạn hút thuốc, giữ huyết áp và mức cholesterol của bạn ở mức mục tiêu và kiểm soát bệnh tiểu đường. Xem “thay đổi lối sống” trong phần điều trị của bài viết này để biết thêm ví dụ.
Hãy nhớ rằng bạn càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim càng cao. May mắn thay, bạn có thể chọn cách tự giúp mình và giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi.
Tiến triển/ Tiên lượng
Bệnh mạch vành có thể được chữa khỏi không?
Bệnh mạch vành về mặt lý thuyết không thể chữa khỏi. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, hãy tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ để giúp ngăn tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Kế hoạch điều trị của bạn có thể bao gồm các thủ thuật và phẫu thuật để tăng lượng máu cung cấp cho tim, thay đổi lối sống để nhắm vào các yếu tố nguy cơ và sử dụng thuốc
Nếu bệnh mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể đề xuất một chương trình phục hồi chức năng tim để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim trong tương lai, lấy lại sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
Điều quan trọng là phải tái khám định kỳ và thực hiện tất cả các xét nghiệm do bác sĩ yêu cầu. Những điều này cần thiết để theo dõi tình trạng của bạn, theo dõi kế hoạch điều trị của bạn có tác dụng tốt hay không và thực hiện các điều chỉnh nếu cần.
Chung sống với bệnh
Hội chứng mạch vành cấp là gì?
Hội chứng mạch vành cấp tính là tên gọi của các loại bệnh mạch vành có liên quan đến sự tắc nghẽn đột ngột nguồn cung cấp máu đến tim. Một số người có các triệu chứng trước khi họ bị hội chứng mạch vành cấp tính nhưng một số người có thể không có triệu chứng cho đến khi tình trạng này xảy ra. Có những người không bao giờ có bất kỳ triệu chứng nào. Những thay đổi do hội chứng mạch vành cấp có thể thấy trên điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm máu. Hội chứng mạch vành cấp tính được xác định bởi vị trí tắc nghẽn, khoảng thời gian động mạch bị tắc nghẽn và số lượng tổn thương và được phân loại thành:
- Đau thắt ngực không ổn định: Đây có thể là một triệu chứng mới hoặc có thể xảy ra nếu bạn bị đau thắt ngực ổn định chuyển sang đau thắt ngực không ổn định. Bạn có thể bắt đầu bị đau thắt ngực thường xuyên hơn, khi bạn đang nghỉ ngơi, hoặc có thể nặng hơn hoặc kéo dài hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nếu bạn bị đau thắt ngực không ổn định, bạn sẽ cần dùng thuốc, chẳng hạn như nitroglycerin hoặc một thủ thuật để khắc phục vấn đề.
- Nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên: Đây là một loại nhồi máu cơ tim không gây ra những thay đổi lớn trên điện tâm đồ. Tuy nhiên, xét nghiệm máu sẽ cho thấy cơ tim của bạn bị tổn thương.
- Nhồi máu cơ tim có ST chênh lên: Loại nhồi máu cơ tim này là do nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn đột ngột.
Đây là những tình trạng đe dọa tính mạng cần được cấp cứu
Đau thắt ngực khác với nhồi máu cơ tim như thế nào?
Cả đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim đều là hậu quả của bệnh mạch vành. Các triệu chứng của một cơn nhồi máu cơ tim tương tự như đau thắt ngực. Nhưng đau thắt ngực là một triệu chứng cảnh báo của bệnh tim, không phải là một cơn nhồi máu cơ tim.
Đau thắt ngực | Nhồi máu cơ tim |
Gây ra bởi sự sụt giảm nguồn cung cấp máu cho tim do sự tắc nghẽn dần dần (thường do mảng xơ vữa) của động mạch | Gây ra do thiếu máu cung cấp cho cơ tim một cách đột ngột. Sự tắc nghẽn thường do cục máu đông trong động mạch vành. |
Không gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn. | Có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn. |
Các triệu chứng kéo dài vài phút và thường chấm dứt nếu bạn nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. Bạn có thể bị đau ngực hoặc khó chịu, khó thở, đánh trống ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn, suy nhược và đổ mồ hôi. Các triệu chứng thường khởi phát do hoạt động gắng sức, căng thẳng, ăn uống hoặc cảm lạnh. | Các triệu chứng thường kéo dài hơn vài phút và không biến mất hoàn toàn sau khi dùng nitroglycerin. Các triệu chứng bao gồm đau ngực hoặc khó chịu; đau hoặc khó chịu ở các khu vực khác của cơ thể; khó thở hoặc thở gấp; đổ mồ hôi hoặc mồ hôi "lạnh"; cảm thấy no, giống như bạn đang bị nghẹn hoặc khó tiêu; buồn nôn hoặc nôn mửa; cảm giác lâng lâng; yếu; lo lắng; nhịp tim nhanh hoặc không đều. |
Không cần thiết phải cấp cứu. Gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp lần đầu hoặc nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc xảy ra thường xuyên hơn. | Cần cấp cứu nếu các triệu chứng kéo dài hơn 5 phút. |
Tóm tắt
Bệnh mạch vành là tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành thường do sự tích tụ của chất béo được gọi là mảng bám hay mảng xơ vữa. Bệnh mạch vành có thể dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. May mắn thay, nếu bạn biết các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh, bạn có thể được khám định kỳ và có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm soát bệnh.
Có rất nhiều điều bạn có thể làm để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh mạch vành. Trao đổi với bác sĩ để thực hiện các thay đổi lối sống sẽ giúp bạn sống cuộc sống của mình một cách trọn vẹn nhất.
Xem thêm: