Các triệu chứng của suy tim cấp
Video: Phát hiện những triệu chứng sớm của suy tim
Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở. Ngoài ra, khó thở còn gặp trong suy tim mãn tính.
Tuy nhiên, những triệu chứng của suy tim cấp tính thường đột ngột và rõ rệt: phù nề,bụng trướng, cổ trướng dịch, tăng cân bất thường,…Người bệnh cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc chán ăn.
Các triệu chứng khác của cả suy tim cấp tính và mãn tính bao gồm:
- Suy nhược
- Mệt mỏi
- Nhịp tim không đều hoặc nhanh
- Ho và thở khò khè
- Khạc ra đờm màu hồng
Giảm khả năng tập trung
suy tim có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đau tim thường do tắc nghẽn động mạch, ngăn cản oxy đến tim, dẫn đến việc bơm máu thất thường hoặc không hoạt động. Bạn nên tìm hiểu thêm về các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim. Nếu có cơn đau tim, bạn cũng có thể bị đau ngực.
Nếu không được điều trị,Người lớn tuổi có thể một số vấn đề sức khỏe cùng lúc. Điều này có thể gây khó khăn cho việc phân biệt các triệu chứng của bệnh tim với những triệu chứng do các bệnh lý khác gây ra.
Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên và không rõ lý do tại sao, hãy đi khám ngay lập tức. Việc phát hiện bệnh càng sớm càng làm tăng khả năng điều trị và giữ an toàn tính mạng người bệnh.
Phân loại suy tim cấp tính
Suy tim cấp tính hoặc mãn tính có thể khởi phát ở tim trái, tim phải hoặc cả hai bên cùng một lúc. Tâm thất xơ cứng, khiến việc bơm máu không được đúng và đủ. Bên cạch đó, nếu cơ tim quá yếu, tâm thất có thể bị giãn ra và không hoạt động hiệu quả.
Dưới đây là một số loại suy tim:
Suy tim trái
Suy tim trái xảy ra khi tâm thất trái bơm máu kém hiệu quả. Thay vì bơm máu ra ngoài cơ thể, máu lại chảy ngược về phổi, khiến bạn có thể bị hụt hơi.
Có hai loại suy tim trái:
Suy tim tâm thu là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tim, xảy ra khi cơ tim yếu hoặc phì đại cơ tim. Trong suy tim tâm thu, cơ trong tâm thất trái không thể co lại. Điều này làm giảm hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể.
Suy tim tâm trương xảy ra khi máu không thể đổ đầy tâm thất trái. Do đó, tim bơm máu đến cơ thể ít hơn bình thường. Nguyên nhân có thể là do tâm thất bị xơ cứng.
Các triệu chứng của suy tim tâm trương không thể phân biệt được với các triệu chứng của suy tim tâm thu. Vì vậy, chẩn đoán chỉ có thể được xác định bằng siêu âm tim Doppler.
Suy tim phải
Suy tim phải thường xảy ra đồng thời với suy tim trái.Việc bơm máu kém hiệu quả của tâm thất trái dẫn đến tăng áp lực và sau đó là tổn thương ở phía bên phải của tim.
Nếu tim phải suy yếu và co bóp kém, máu ứ trệ trong tĩnh mạch, dẫn đến phù nề sưng tấy chân và bàn chân.
Nguyên nhân suy tim cấp tính
Người đang khỏe mạnh bình thường có thể gặp các trường hợp gây suy tim cấp.
Nguyên nhân của suy tim cấp tính:
- Nhiễm trùng
- Phản ứng dị ứng
- Thuyên tắc phổi
- Virus gây hại cho tim
- Phẫu thuật tim phổi
- Nhịp tim bất thường nghiêm trọng
- Đau tim
Một trong các nguyên nhân trên có thể gây ra tình trạng suy tim và khi kết hợp 2 hay nhiều nguyên nhân này càng làm tăng khả năng dẫn đến suy tim.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Bệnh động mạch vành, hoặc hẹp động mạch
- Huyết áp cao
- Bệnh đái tháo đường
- Đau tim
- Rối loạn nhịp tim
- Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh đái tháo đường
- Ngưng thở khi ngủ hoặc khó thở khi ngủ
- Khuyết tật tim
- Lạm dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác
- Nhiễm virus
- Bệnh lý liên quan đến thận
Nhiều tình trạng bệnh lý làm suy yếu hoặc tổn thương tim theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến suy tim mãn tính. Nguyên nhân có thể do các yếu tố bên trong, chẳng hạn như bệnh tật hoặc dị tật bẩm sinh. Một số nguyên nhân khác đến từ các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng và lười vận động.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tim mãn tính bao gồm:
- Huyết áp cao
- Bệnh đái tháo đường
- Van tim bất thường
- Bệnh động mạch vành
- Dị tật tim bẩm sinh
- Tim bị tổn thương hoặc bị viêm
Trái tim sẽ thích nghi theo thời gian với tất cả những tình trạng trên cho đến khi nó không thể thích ứng được nữa và suy yếu. Đôi khi một trong những tình trạng mãn tính này sẽ dẫn đến một bệnh lý cấp tính.
Chẩn đoán suy tim cấp
Để chẩn đoán suy tim cấp tính, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm nhất định. Sau đó, phân loại mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh lý bằng cách sử dụng thang điểm dựa trên triệu chứng hoặc giai đoạn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Xét nghiệm suy tim cấp
Bác sĩ sẽ đánh giá tiền sử bệnh của và thực hiện khám lâm sàng. Họ sẽ nghe tim và phổi bằng ống nghe để phát hiện bất kỳ tắc nghẽn hoặc nhịp tim bất thường nào. Bác sĩ cũng có thể khám phù chân, cổ trướng ở bụng và làm nghiệm pháp phản hồi gan tĩnh mạch cổ để đánh giá.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp một số xét nghiệm và thăm dò chẩn đoán hình ảnh sau:
- Chụp X-quang phổi: Xét nghiệm hình ảnh này cho phép bác sĩ kiểm tra tim và phổi
- Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp và thận
- Nghiệm pháp gắng sức: Đo hoạt động của tim trong quá trình luyện tập thể chất.
- Điện tâm đồ: Trong quá trình thăm dò chức năng này, bác sĩ sẽ gắn các điện cực vào da và ghi lại hoạt động điện của tim.
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để đánh giá cấu trúc và hoạt động bơm máu của tim.
- Chụp mạch vành: Bác sĩ sẽ đặt ống thông từ mạch đùi hoặc cánh tay và luồn vào động mạch vành, bơm thuốc vào mạch vành và chụp mạch.
- Chụp CT. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các vấn đề về tim bằng cách hiển thị hình ảnh chi tiết về các cơ quan. Là một kiểu chụp sử dụng bức xạ là tia X, thu các hình của một bộ phận nằm trong cơ thể người bệnh, ở các góc độ và vị trí khác nhau, từ đó dùng máy tính dựng thành một ảnh 3D (ảnh ở không gian ba chiều) của bộ phận đó.
- Chụp MRI. Quá trình quét này tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan bằng cách sử từ trường mạnh và sóng vô tuyến thay vì tia X.
Phân loại và các giai đoạn của suy tim
Bác sĩ có thể phân loại mức độ nghiêm trọng của tình trạng theo một trong hai thang điểm. Phân loại này có thể giúp hướng dẫn điều trị và phục hồi.
Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) phân loại suy tim thành bốn mức độ dựa trên triệu chứng:
- Suy tim độ 1. Người bệnh không gặp bất kỳ triệu chứng nào vào bất kỳ lúc nào.
- Suy tim độ 2. Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng, nhưng cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức.
- Suy tim độ 3. Người bệnh gặp khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Suy tim độ 4. Người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi, chỉ có thể làm được những việc nhẹ.
Phân loại của Hội tim mạch và Viện nghiên cứu tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ ACC) gồm 4 giai đoạn. Nó được sử dụng để phân loại nguy cơ hoặc mức độ suy tim.
- Giai đoạn A. Người bệnh có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ gây suy tim, nhưng không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.
- Giai đoạn B. Người bệnh mắc bệnh tim, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh suy tim.
- Giai đoạn C. Người bệnh mắc bệnh tim và đang có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim.
- Giai đoạn D. Người bệnh bị suy tim giai đoạn nặng cần được điều trị chuyên khoa như máy trợ tim, ghép tim nhân tạo…
Các bác sĩ thường sử dụng hai hệ thống phân loại này cùng nhau để xác định phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa tốt nhất cho người bệnh.
Điều trị suy tim cấp tính
Nếu bạn bị suy tim cấp, bạn sẽ phải nhập viện cho đến khi tình trạng ổn định. Trong thời gian này, bạn có thể được cho thở oxy hoặc có chỉ định thở oxy về lâu dài.
Suy tim cấp tính có thể ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể. Do đó, điều trị cần tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa suy tim trong tương lai.
Trong một số trường hợp, suy tim cấp tính có thể do suy tim mãn tính không được chẩn đoán. Nguyên nhân của suy tim cấp tính sẽ quyết định kế hoạch điều trị. Bên cạnh đó thì điều trị suy tim cấp tính và suy tim mãn tính thường giống nhau.
Điều trị thường kết hợp thuốc, phẫu thuật và các thiết bị máy móc hỗ trợ.
Thuốc
Trong nhiều trường hợp, cần kết hợp ít nhất hai loại thuốc để kiểm soát các vấn đề về tim.
Một số loại thuốc này bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE). Loại thuốc này làm giãn mạch, giảm huyết áp và tăng lưu lượng máu, giúp tim bơm máu dễ dàng hơn.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II. Những loại thuốc này tương tự như chất ức chế ACE, nhưng một số người có ít tác dụng phụ hơn từ loại thuốc này.
- Thuốc chẹn beta. Những loại thuốc này làm giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim, giúp bình thường hóa nhịp tim.
- Digoxin (Lanoxin). Thuốc này tăng cường sức co bóp của tim và làm cho tim đập chậm hơn.
- Thuốc lợi tiểu. Đây là loại thuốc thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các khoảng gian bào.
- Thuốc đối kháng Aldosterone. Đây là một loại thuốc lợi tiểu có thể kéo dài tuổi thọ của những người bị suy tim nặng.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể cần thuốc để giảm cholesterol hoặc điều trị đau ngực hay sử dụng thuốc chống đông máu.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy tim, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cũng được sử dụng rộng rãi để điều trị suy tim. Một số loại phẫu thuật tim phổ biến như:
Thay thế hoặc sửa van tim. Nếu tim suy yếu do van tim có vấn đề, có thể cần điều trị chính van tim của bệnh nhân hoặc cấy ghép một van tim nhân tạo.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một mạch máu từ một bộ phận khác trên cơ thể người bệnh, giúp tạo ra đường đi mới để máu đi vòng qua vị trí động mạch bị tắc.
Bác sĩ có thể sử dụng một trong các thiết bị sau để giúp phục hồi chức năng:
- Máy tạo nhịp tim. Thiết bị này giúp tâm thất bơm hiệu quả hơn bằng cách tạo các xung điện.
- Máy khử rung tim cấy ghép (ICD). Là một thiết bị y tế nhỏ có thể cấy vào cơ thể bệnh nhân với chức năng tái lập nhịp tim ổn định bình thường và ngăn chặn nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim của buồng dưới của tim (tâm thất).
- Máy bơm trợ tim. Những thiết bị cơ học này có thể được sử dụng khi người bệnh chờ đợi một trái tim hiến tặng. Đôi khi chúng được sử dụng thay cấy ghép tim. Thiết bị này có thể kéo dài cuộc sống của những người không đủ điều kiện để phẫu thuật cấy ghép.
Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định ghép tim. Đây thường là biện pháp cuối cùng và chỉ được thực hiện nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Vì nhu cầu của người bệnh thường lớn hơn nhiều so với nguồn hiến tặng.
Thay đổi lối sống
Việc thay đổi hành vi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng suy tim. Điều này cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các tình trạng suy tim trong tương lai.
Hãy bỏ hút thuốc vì hút thuốc làm tăng nhịp tim, giảm lượng oxy trong máu và tăng huyết áp. Nếu hút thuốc, người bệnh sẽ không được đưa vào danh sách cân nhắc có thể ghép tim.
Tiên lượng của suy tim cấp tính
Tiên lượng phụ thuộc vào thể trạng, cũng như nguyên nhân và mức độ suy tim của người bệnh. Nhiều người có thể kiểm soát các triệu chứng của họ bằng thuốc trợ tim hoặc thiết bị cấy ghép.
Tiên lượng còn có thể phức tạp hơn nếu tình trạng suy tim dẫn đến tổn thương thận hoặc gan và các vấn đề liên quan tới van tim. Suy tim cũng làm tăng huyết khối.
Hãy tái khám định kỳ để xác định nguy cơ đối với những biến chứng này. Bác sĩ có thể đưa ra một kế hoạch điều trị vừa làm giảm các triệu chứng vừa giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác trong tương lai.
Cách phòng ngừa suy tim cấp tính
Không thể tránh khỏi một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như di truyền hoặc bệnh mãn tính. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm các yếu tố nguy cơ khác.
Nhiều thay đổi lối sống được khuyến nghị để phục hồi suy tim cũng có thể làm giảm hoặc loại bỏ các tình trạng dẫn đến suy tim như huyết áp cao và cholesterol cao.
Nếu bạn có nguy cơ suy tim thì bạn nên:
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
- Bỏ hút thuốc
- Kiểm soát căng thẳng
- Điều trị tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh tim mạch
Ngoài ra, chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ và thông báo bất kỳ triệu chứng bất thường nào cho bác sĩ.
Xem thêm: