Phản ứng dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bình thường, hệ thống miễn dịch của con người chịu trách nhiệm bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn và virus. Trong một số trường hợp, hệ thống miễn dịch sẽ chống lại các chất thường không gây nguy hiểm cho cơ thể con người. Một số chất này được gọi là dị nguyên, và khi cơ thể phản ứng với chúng sẽ gây ra phản ứng dị ứng.

Video làm thế nào hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc

Bạn có thể bị phản ứng dị ứng sau khi hít phải, ăn hoặc tiếp xúc với dị nguyên. Dựa vào điều này, bác sĩ có thể sử dụng dị nguyên để làm test chẩn đoán tình trạng dị ứng, hoặc thậm chí để điều trị bệnh. 

Nguyên nhân nào gây ra phản ứng dị ứng?

Các nhà nghiên cứu hiện chưa thể giải thích thỏa đáng tại sao một số người lại bị dị ứng. Dị ứng xuất hiện trong gia đình, có nghĩa là chúng có thể được di truyền. Nếu có một thành viên thân thiết trong gia đình bị dị ứng, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh dị ứng hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số chất được biết là thường gây ra phản ứng dị ứng. Những người bị dị ứng thường dị ứng với một hoặc nhiều chất sau:

  • Lông thú cưng, chẳng hạn như lông của mèo hoặc chó
  • Bị ong đốt hoặc bị côn trùng cắn
  • Một số loại thực phẩm như các loại hạt và động vật có vỏ
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như penicillinaspirin
  • Một số loại cây
  • Phấn hoa
  • Nấm mốc
  • Mạt nhà

Triệu chứng phản ứng dị ứng

Ban dị ứng. Nguồn: Verywell healthBan dị ứng. Nguồn: Verywell healthCác triệu chứng của phản ứng dị ứng có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng. Nếu bạn tiếp xúc với dị nguyên lần đầu, các triệu chứng có thể nhẹ. Những triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn tiếp xúc nhiều lần với chất gây dị ứng.

Phản ứng nhẹ

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ có thể có như:

  • Phát ban dị ứng: Xuất hiện các nốt, mảng đỏ, ngứa trên da, ấn căng thì biến mất 
  • Mề đay
  • Ngứa nhiều
  • Phù nề mí mắt, mồm, phù mặt
  • Viêm mũi dị ứng, có thể dẫn đến các triệu chứng như nghẹt mũi hoặc hắt hơi
  • Ngứa cổ họng
  • Chảy nước mắt hoặc ngứa mắt, đỏ mắt

Phản ứng nghiêm trọng

Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng (thường là với thức ăn, côn trùng đốt và thuốc) có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau bụng quặn thắt hoặc thành cơn
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau hoặc tức ngực
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Hoảng hốt hoặc lo lắng
  • Nhịp tim nhanh
  • Đỏ bừng mặt
  • Sưng mặt, mắt hoặc lưỡi
  • Chóng mặt hoặc xây xẩm
  • Yếu cơ
  • Rối loạn ý thức

Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và đột ngột được gọi là phản vệ có thể xuất hiện chỉ vài giây sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Loại phản ứng này dẫn đến các triệu chứng đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Phù nề thanh quản, co thắt phế quản
  • Không thở được
  • Tụt huyết áp đột ngột

Nếu bạn bị phản vệ, hãy tìm sự trợ giúp khẩn cấp ngay lập tức. Nếu không điều trị, phản vệ có thể diễn biến nặng dẫn đến tử vong.

Chẩn đoán phản ứng dị ứng

Bác sĩ nội khoa hoặc chuyên khoa dị ứng có thể chẩn đoán các phản ứng dị ứng. Nếu bạn gặp các triệu chứng của phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ khám và hỏi bạn về tiền sử sức khỏe. Nếu phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ghi ra chi tiết các triệu chứng và các chất nghi ngờ gây dị ứng.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây dị ứng. Các loại xét nghiệm dị ứng thường được chỉ định là:

  • Các test trên da: test lẩy da, test nội bì, test áp bì.
  • Thử nghiệm loại bỏ dị nguyên (chế độ ăn kiêng loại bỏ) nhằm phát hiện thức ăn gây dị ứng
  • Xét nghiệm máu tìm kháng thể xuất hiện trong phản ứng dị ứng.

Test da

Test da là loại thử nghiệm đưa một lượng nhỏ chất gây dị ứng lên da hoặc trong da và theo dõi phản ứng. Có các cách sau:

  • Miếng dán thử nghiệm áp lên da
  • Test lẩy da nghĩa là dùng kim lẩy nhẹ da và nhỏ dị nguyên vào vết xước
  • Tiêm trong da (Test nội bì)

Các test da có giá trị để chẩn đoán các trường hợp:

  • Dị ứng thực phẩm, chẳng hạn như dị ứng với động vật có vỏ hoặc đậu phộng
  • Dị ứng nấm mốc, phấn hoa và lông động vật
  • Dị ứng penicillin
  • Dị ứng với nọc độc, chẳng hạn như loại do ong tiết ra 
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng sau khi tiếp xúc với dị nguyên qua da

Thử nghiệm loại bỏ dị nguyên

Test loại bỏ dị nguyên rất hữu ích trong việc chẩn đoán dị ứng thực phẩm. Thử nghiệm gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn loại bỏ một loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống trong vài tuần, giai đoạn ăn trở lại và cẩn thận theo dõi các triệu chứng khi ăn lại.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu nghĩa là lấy máu kiểm tra để tìm kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong máu. Kháng thể là một loại protein mà cơ thể bạn sản xuất để chống lại các chất có hại hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm máu là một lựa chọn khi các test da không hữu ích hoặc không thể thực hiện được.

Xử trí và điều trị dị ứng

Nếu bạn gặp phản ứng dị ứng và bạn không biết nguyên nhân gây ra nó, bạn cần đi khám để xác định loại dị nguyên gây bệnh. Nếu bạn bị dị ứng đã biết và có các triệu chứng mức độ nhẹ, bạn có thể không cần đi khám.

Trong hầu hết các trường hợp, thuốc kháng histamine không kê đơn có thể giúp bạn khỏi triệu chứng dị ứng, chẳng hạn như diphenhydramine

Điều trị phản vệ

 Bút tiêm adrenanin (epinephrine) xử trí phản vệ. Nguồn: Review of Optometry Bút tiêm adrenanin (epinephrine) xử trí phản vệ. Nguồn: Review of OptometryNếu bạn hoặc người xung quanh bị dị ứng nặng, bạn cần hỗ trợ y tế ngay lập tức. Hãy kiểm tra người đó còn thở không, gọi cấp cứu 115 và người khác tới hỗ trợ, tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nếu người đó ngừng thở, ngừng tim. Trình tự cấp cứu: C-A-B: ép tim, khai thông đường thở (hoặc đặt ống mở khí quản tại chỗ), hô hấp nhân tạo.

Những người có tiền sử dị ứng thường mang theo thuốc cấp cứu, chẳng hạn như bút tiêm adrenalin để xử trí phản vệ (EpiPen, Adrenaclick, Auvi-Q). Adrenalin là thuốc cấp cứu hiệu quả trong phản vệ vì nâng huyết áp và giãn phế quản, giúp bệnh nhân thở được.

Bạn cần xử trí thuốc cho người phản vệ nặng. Nếu người đó bất tỉnh, hãy làm theo các bước sau để giúp ngăn ngừa diễn biến thành sốc phản vệ:

  • Đặt người bệnh nằm trên mặt phẳng, đầu thấp, nghiêng sang một bên tránh hít phải chất nôn.
  • Nâng cao chân để ưu tiên máu dồn về não
  • Đắp chăn cho bệnh nhân

Phòng bệnh phản ứng dị ứng

Sau khi xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, bạn có thể thực hiện các bước phòng bệnh như sau:

  • Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng
  • Cần hỗ trợ y tế khi dị ứng. 
  • Mang theo thuốc chống sốc, xử trí phản vệ

Bạn có thể không tránh được hoàn toàn phản ứng dị ứng, nhưng những bước này có thể giúp bạn ngăn ngừa các phản ứng dị ứng trong tương lai. Ví dụ, nếu bạn có phản ứng với các sản phẩm tẩy rửa gia đình, hãy cân nhắc lựa chọn các sản phẩm có công thức đặc biệt dành cho những người bị dị ứng và nhạy cảm.

Thuốc kháng histamin như: Loratadin, Cetirizin, Desloratadin,.. có hiệu quả trong việc kiểm soát các phản ứng dị ứng nhẹ.

Tiên lượng

Nếu bạn đã có tiền sử dị ứng, việc dự phòng là vô cùng quan trọng, quyết định đến nguy cơ phản vệ trong tương lai. Bạn dự phòng bằng cách tránh các chất gây dị ứng của bạn bất cứ khi nào có thể.

Tiên lượng bệnh cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của tình trạng dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng nhẹ mà xử trí ngay, tiên lượng sẽ tốt, khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể trở lại nếu bạn tiếp xúc lại với dị nguyên.

Nếu bạn bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tiên lượng sẽ phụ thuộc vào cách xử trí và thời gian xử trí, vì sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong. Nếu bạn từng bị phản vệ, hãy luôn mang theo bút tiêm adrenalin để kịp thời xử trí. Chuẩn bị sẵn hộp y tế, tập huấn cho mọi người về dị ứng và phản vệ, gọi cấp cứu ngay sẽ giúp cải thiện tình trạng và tiên lượng của bệnh.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!