Bệnh tim và những điều bạn cần biết

Bệnh tim đề cập đến bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến tim. Có nhiều loại bệnh tim, và một trong số chúng có thể phòng ngừa được.

Bệnh tim được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 1 trong 4 trường hợp tử vong xảy ra do bệnh tim và tình trạng này ảnh hưởng đến mọi giới tính cũng như mọi nhóm chủng tộc và sắc tộc. 

Video Hở van tim nhẹ có cần điều trị?

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu thêm về các loại bệnh tim thường gặp, nguyên nhân và triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ và cách điều trị. 

Các loại bệnh tim thường gặp

Có một số loại bệnh tim khác nhau, và chúng ảnh hưởng đến tim và mạch máu theo những cách khác nhau. 

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành. Nguồn ảnh: thekeyholeheartclinic.comBệnh động mạch vành. Nguồn ảnh: thekeyholeheartclinic.comBệnh động mạch vành loại bệnh tim phổ biến nhất. 

Đây là tình trạng khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn bởi các mảng bám, làm cho chúng cứng lại và bị thu hẹp. Những mảng bám này chứa cholesterol và một số chất khác. Kết quả là, nguồn cung cấp máu cho tim giảm, và tim nhận được ít oxy và chất dinh dưỡng hơn. Theo thời gian, cơ tim yếu dần sẽ dẫn đến nguy cơ bị suy tim, rối loạn nhịp tim

Tình trạng mảng bám tích tụ trong động mạch được gọi là xơ vữa động mạch. Mảng bám trong động mạch có thể bị vỡ ra và gây tắc nghẽn, khiến máu ngừng lưu thông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim 

Nhồi máu cơ tim liên quan đến sự gián đoạn lưu lượng máu đến tim. Điều này có thể làm hỏng hoặc phá hủy một phần cơ tim.

Nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim là do mảng bám, cục máu đông hoặc cả hai trong động mạch vành. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu động mạch đột ngột thu hẹp hoặc co thắt. 

Dị tật tim bẩm sinh 

Có nhiều loại dị tật tim bẩm sinh, bao gồm:

  • Van tim không điển hình: Các van có thể không mở đúng cách hoặc bị rò rỉ máu.
  • Dị tật vách ngăn: Có một lỗ thông trên vách ngăn giữa hai tâm thất hoặc hai tâm nhĩ của tim.
  • Thiếu một trong các van tim. 

Bệnh tim bẩm sinh có thể liên quan đến các vấn đề lớn về cấu trúc, chẳng hạn như không có tâm thất hoặc tồn tại các kết nối bất thường giữa các động mạch chính đi từ tim. 

Nhiều dị tật tim bẩm sinh không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào và chỉ được phát hiện thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tiếng thổi ở tim thường có ở trẻ em, nhưng chỉ một số là do khiếm khuyết. 

Rối loạn nhịp tim 

Rối loạn nhịp tim. Nguồn ảnh: englewoodhealth.orgRối loạn nhịp tim. Nguồn ảnh: englewoodhealth.org

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim không đều, xảy ra khi các xung điện điều phối nhịp tim không hoạt động chính xác. Kết quả là tim có thể đập quá nhanh, quá chậm hoặc thất thường. 

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim, bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh 
  • Nhịp tim chậm
  • Ngoại tâm thu: đặc trưng bởi sự xuất hiện các nhịp đến sớm bất thường không nằm trong sự kiểm soát của nút xoang
  • Rung nhĩ: một dạng nhịp tim không đều. 

Người bệnh có thể cảm thấy rung trong lồng ngực hoặc đánh trống ngực. 

Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể đe dọa tính mạng hoặc dẫn đến những biến chứng nặng nề. 

Bệnh cơ tim giãn  

Trong bệnh cơ tim giãn, các buồng tim bị giãn ra, cơ tim căng ra và mỏng đi. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cơ tim giãn là nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và nhiễm độc trong quá khứ, nhưng yếu tố di truyền cũng có thể đóng một vai trò nào đó. 

Kết quả của bệnh cơ tim giãn là tim trở nên yếu hơn và không thể bơm máu như bình thường, dẫn đến rối loạn nhịp tim, hình thành cục máu đông trong tim và suy tim. 

Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến những người từ 20–60 tuổi, theo AHA. 

Suy tim 

Khi một người bị suy tim, trái tim của họ vẫn hoạt động nhưng không được hiệu quả như mong muốn. Suy tim sung huyết là một loại suy tim xảy ra do các vấn đề về chức năng bơm hoặc thư giãn của tim. 

Suy tim có thể là kết quả của bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim và một số bệnh lý khác không được điều trị. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hoặc thư giãn của tim. 

Suy tim có thể đe dọa tới tính mạng, nhưng tìm cách điều trị sớm các bệnh lý tim mạch có thể giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. 

Bệnh cơ tim phì đại

Cơ tim phì đại. Nguồn ảnh: news-medical.netCơ tim phì đại. Nguồn ảnh: news-medical.net

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy) là bệnh lý di truyền do đột biến gen mã hóa protein của cấu trúc sarcomere cơ tim. Bệnh nhân bị cơ tim phì đại sẽ có thành tim dày lên, có thể tiến triển tới tình trạng tắc nghẽn đường ra thất trái, hở van hai lá, rối loạn chức năng tâm trương, thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, phù phổi, khó thở kịch phát về đêm, ngất, tiền ngất và thậm chí là đột tử. 

Bệnh cơ tim phì đại có thể không biểu hiện triệu chứng và nhiều người bệnh không được chẩn đoán. Tuy nhiên, bệnh có thể xấu đi theo thời gian và dẫn đến nhiều vấn đề về tim. 

Bất kỳ ai có tiền sử gia đình về tình trạng này nên đi khám chuyên khoa tim mạch, vì việc điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng. 

Theo AHA, bệnh cơ tim phì đại là nguyên nhân chính gây tử vong do tim ở những người trẻ hoặc vận động viên dưới 35 tuổi. 

Hở van hai lá 

Hở van hai lá là tình trạng van hai lá đóng không kín và cho phép máu chảy ngược từ thất trái về nhĩ trái khi tim co bóp. 

Kết quả là, máu không thể đi qua tim và cơ thể một cách hiệu quả và từ đó có thể gây áp lực lên các buồng tim. Theo thời gian, tim có thể to ra và dẫn đến suy tim. 

Sa van hai lá 

Đây là tình trạng các nắp van của van hai lá không đóng lại như bình thường. Thay vào đó, chúng sa vào tâm nhĩ trái. Điều này có thể gây ra tiếng thổi ở tim. 

Sa van hai lá thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng một số người bệnh có thể cần phải được điều trị. 

Các yếu tố di truyền và các vấn đề về mô liên kết có thể gây ra tình trạng này, ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số. 

Hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ. Nguồn ảnh: johnmuirhealth.comHẹp van động mạch chủ. Nguồn ảnh: johnmuirhealth.com

Van ĐMC là lá van ngăn cách giữa ĐMC và tâm thất trái, có nhiệm vụ đóng trong thời kỳ tâm trương ngăn không cho máu đổ ngược từ ĐMC về thất trái và mở trong thời kỳ tâm thu để bơm máu từ tâm thất trái lên động mạch chủ vào hệ tuần hoàn. Nếu trong trường hợp van bị tổn thương vì bất cứ lý do gì sẽ dẫn đến tình trạng đóng không kín trong thời kỳ tâm trương gây hở van ĐMC, van không mở hết trong thời kỳ tâm thu gây hẹp van ĐMC.

Hẹp van động mạch chủ (HC) là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tống máu của thất trái.

Hẹp van động mạch chủ có thể là bẩm sinh, hoặc do thoái hóa và vôi hóa theo thời gian. 

Triệu chứng của bệnh tim

Đau ngực, khó thở là dấu hiệu thường thấy của bệnh tim. Nguồn ảnh: hopkinsmedicine.orgĐau ngực, khó thở là dấu hiệu thường thấy của bệnh tim. Nguồn ảnh: hopkinsmedicine.org

Các triệu chứng tùy thuộc vào từng loại bệnh lý tim mạch cụ thể. Một số bệnh lý không gây ra triệu chứng gì. 

Tuy nhiên, các dấu hiệu sau đây có thể cảnh báo một vấn đề tim mạch:

  • Đau ngực 
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, choáng váng
  • Phù 

Trẻ em mắc dị tật tim bẩm sinh có thể biểu hiện tím tái, da xanh và không thể vận động thể chất bình thường. 

Một số triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim: 

  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Tim đập nhanh
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Đổ mồ hôi
  • Đau cánh tay, hàm, lưng hoặc chân
  • Cảm giác bị bóp nghẹt 
  • Sưng mắt cá chân 
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim không đều 

Nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến ngừng tim, đó là khi tim ngừng đập và cơ thể không còn hoạt động được nữa. Người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào của nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp tim ngừng đập, cần tiến hành cấp cứu hết sức khẩn trương cho bệnh nhân. 

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim

Bệnh tim sẽ xuất hiện khi có: 

  • Tổn thương toàn bộ hoặc một phần của tim
  • Bất thường tại các mạch máu đi vào hoặc đi ra từ tim
  • Thiếu oxy và chất dinh dưỡng cho tim
  • Rối loạn nhịp tim 

Trong một số trường hợp, nguyên nhân là do di truyền. Tuy nhiên, lối sống và các vấn đề sức khỏe liên quan cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bao gồm:

  • Tăng huyết áp 
  • Nồng độ cholesterol cao
  • Hút thuốc
  • Uống nhiều rượu
  • Thừa cân và béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim
  • Chế độ ăn uống
  • Tuổi
  • Tiền sử tiền sản giật khi mang thai
  • Ít vận động thể chất
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Mức độ căng thẳng và lo âu cao
  • Hở van tim  

Căng thẳng quá mức, kéo dài là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch. Nguồn ảnh: vinmec.comCăng thẳng quá mức, kéo dài là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch. Nguồn ảnh: vinmec.com

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng nghèo đói và căng thẳng là hai yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng toàn cầu của bệnh tim mạch.

Điều trị bệnh tim 

Các phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh tim mà người bệnh mắc phải, nhưng một số chiến lược phổ biến bao gồm: thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật. 

Thuốc  

Thuốc điều trị bệnh tim. Nguồn ảnh: verywellmind.comThuốc điều trị bệnh tim. Nguồn ảnh: verywellmind.com

Có nhiều loại thuốc giúp điều trị các bệnh về tim. Các loại thuốc chính bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu: ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Chúng bao gồm warfarin (Coumadin) và thuốc chống đông máu đường uống tác dụng trực tiếp như dabigatran, rivaroxaban và apixaban.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Ví dụ như aspirin. Chúng cũng có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
  • Thuốc ức chế men chuyển: giúp điều trị suy tim và tăng huyết áp bằng cách làm giãn các mạch máu. Lisinopril là một ví dụ.
  • Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II: Thuốc này cũng có thể kiểm soát huyết áp. Losartan là một ví dụ.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin/ neprilysin: Những chất này có thể giúp giải phóng tim và gián đoạn các con đường hóa học làm suy yếu tim.
  • Thuốc chẹn beta: Metoprolol và các loại thuốc khác trong nhóm này có thể làm giảm nhịp tim và giảm huyết áp. Chúng cũng có thể điều trị chứng loạn nhịp tim và đau thắt ngực.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Những thuốc này có thể làm giảm huyết áp và ngăn ngừa loạn nhịp tim bằng cách giảm lực bơm của tim và làm giãn mạch máu. Một ví dụ là diltiazem (Cardizem).
  • Thuốc hạ cholesterol: Statin, chẳng hạn như atorvastatin (Lipitor), và một số loại thuốc khác có thể giúp giảm mức cholesterol lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) trong cơ thể.
  • Digitalis: Các chế phẩm như digoxin (Lanoxin) có thể làm tăng sức bơm của tim. Chúng cũng có thể giúp điều trị suy tim và rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này có thể làm giảm khối lượng công việc của tim (giảm thể tích tuần hoàn), hạ huyết áp và loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Furosemide (Lasix) là một ví dụ.
  • Thuốc giãn mạch: Dùng để hạ huyết áp. Nitroglycerin (Nitrostat) là một ví dụ. Những loại thuốc này cũng có thể giúp giảm đau ngực.  

Bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp với mỗi cá nhân. 

Đôi khi, tác dụng phụ sẽ xảy ra và có thể cần phải xem lại chế độ dùng thuốc của người bệnh. 

Phẫu thuật 

Tiến hành phẫu thuật tim có thể giúp điều trị tắc nghẽn và các vấn đề về tim khi thuốc không đủ hiệu quả. 

Một số loại phẫu thuật tim phổ biến bao gồm: 

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: cho phép máu tiếp tục đi đến một vùng của tim khi động mạch bị tắc nghẽn. Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng một mạch máu khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể để sửa chữa một mạch máu bị tắc nghẽn.
  • Chụp động mạch vành: Đây là thủ thuật tái thông các động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Nó thường được kết hợp với việc đặt stent - một ống lưới thép cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn.
  • Thay thế hoặc sửa chữa van: Bác sĩ phẫu thuật có thể thay thế hoặc sửa chữa các van tim hoạt động không bình thường.
  • Phẫu thuật sửa chữa: Bác sĩ phẫu thuật có thể sửa chữa các dị tật tim bẩm sinh, chứng phình động mạch và các vấn đề khác.
  • Cấy ghép thiết bị: Máy tạo nhịp tim, ống thông bóng và một số thiết bị khác có thể giúp điều hòa nhịp tim và hỗ trợ lưu thông máu.
  • Điều trị bằng laser: Tái thông mạch máu bằng laser xuyên cơ tim có thể giúp điều trị chứng đau thắt ngực.
  • Thủ thuật Maze: Bác sĩ có thể tạo ra các đường dẫn mới cho các xung điện đi qua, giúp điều trị rung nhĩ. 

Phòng ngừa bệnh tim

Thực hiện một lối sống lành mạnh là chìa khóa đẩy lùi bệnh tim. Nguồn ảnh: in2english.netThực hiện một lối sống lành mạnh là chìa khóa đẩy lùi bệnh tim. Nguồn ảnh: in2english.net

Một số biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng: Lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với trái tim, giàu chất xơ, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả. Chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH có thể sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, nó có thể giúp hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và có nhiều chất béo, muối và đường.
  • Tập thể dục thường xuyên: giúp tăng cường sức khỏe của tim và hệ tuần hoàn, hạ cholesterol và duy trì huyết áp. Mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải: Chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh thường từ 20 đến 25. 
  • Bỏ hoặc tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh tim mạch.
  • Hạn chế uống rượu: Phụ nữ không nên uống quá một ly tiêu chuẩn mỗi ngày và nam giới không nên uống quá hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày.
  • Quản lý các tình trạng sức khỏe liên quan: điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như huyết áp cao, béo phì và tiểu đường

Thực hiện tích cực các biện pháp trên có thể giúp bạn nâng cao sức khỏe toàn thân đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng đi kèm. 

Quan điểm 

Bệnh tim là một vấn đề sức khỏe phổ biến trong xã hội. 

Có nhiều loại bệnh lý về tim khác nhau. Một số xuất phát từ yếu tố di truyền và không thể ngăn ngừa được.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mọi người có thể thực hiện nhiều biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh tim và các biến chứng của nó, bao gồm tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và xin lời khuyên từ bác sĩ khi những triệu chứng đầu tiên của bệnh tim xuất hiện.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!