Video: Hình ảnh hở van 2 lá ở tim
Việc điều trị hở van hai lá phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh: diễn biến bệnh có tồi tệ hơn không và người bệnh có các triệu chứng hay không. Nếu van hở nhẹ thường không cần thiết phải điều trị. Nếu hở van hai lá nặng, người bệnh có thể cần phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá. Nếu không được điều trị, hở van hai lá nặng có thể gây suy tim hoặc các vấn đề về nhịp tim. Ngay cả những người không có triệu chứng cũng cần được đánh giá bởi bác sĩ nội tim mạch và bác sĩ phẫu thuật tim mạch để xác định xem liệu can thiệp sớm có thể có lợi hay không.
Triệu chứng hở van hai lá
Một số người bị bệnh van hai lá có thể không gặp các triệu chứng trong nhiều năm. Các dấu hiệu và triệu chứng của hở van hai lá tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hở van và tốc độ tiến triển bệnh:
- Nghe thấy tiếng tim bất thường (tiếng thổi) qua ống nghe
- Khó thở, đặc biệt khi hoạt động mạnh hoặc khi nằm
- Mệt mỏi
- Tim đập nhanh - cảm giác trống ngực
- Phù hai chân, bàn chân hoặc mắt cá chân.
Hở van hai lá thường nhẹ và diễn tiến chậm, có khi còn không tiến triển thêm. Người bệnh có thể không có triệu chứng trong nhiều năm và không biết rằng họ mắc phải tình trạng này. Bác sĩ có thể nghi ngờ hở van hai lá khi phát hiện tiếng thổi ở tim. Tuy nhiên, đôi khi bệnh phát triển nhanh chóng và người bệnh đột ngột xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu bác sĩ nghe thấy tiếng thổi khi nghe tim bằng ống nghe, bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch và làm siêu âm tim.
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng gợi ý hở van hai lá hoặc bất kỳ một vấn đề nào với tim, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Đôi khi những dấu hiệu đầu tiên thực sự là những biến chứng của hở van hai lá như suy tim - một tình trạng mà tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Nguyên nhân của hội chứng hở van hai lá
Tim có bốn van giữ cho dòng máu lưu thông theo hướng chính xác. Các van này bao gồm van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Các lá van đóng mở theo nhịp tim. Đôi khi, các van đóng hoặc mở không thích đáng làm gián đoạn lưu lượng máu từ tim đến cơ thể. Trong hở van hai lá - van giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái đóng không chặt - làm cho dòng máu bị chảy ngược vào tâm nhĩ trái.
Hở van hai lá có thể do các vấn đề của chính van này, còn được gọi là hở van hai lá nguyên phát. Các bệnh của tâm thất trái có thể dẫn đến hở van hai lá thứ phát hoặc hở van hai lá chức năng.
Các nguyên nhân có thể gây ra hở van hai lá bao gồm:
- Sa van hai lá: các lá van phình trở lại tâm nhĩ trái trong khi tim co bóp. Dị
tật tim phổ biến này có thể ngăn van hai lá đóng chặt và dẫn đến dòng máu bị trào ngược lên tâm nhĩ trái.
- Các dây chằng van tim bị hư hỏng: theo thời gian, các dây chằng
neo các lá của van hai lá vào thành tim có thể bị kéo căng hoặc rách, đặc biệt ở những người bị sa van hai lá. Tình trạng này có thể gây rò rỉ dòng máu qua van hai lá đột ngột và có thể phải sửa chữa bằng phẫu thuật tim. Chấn thương ở ngực cũng có thể làm đứt dây chằng van tim.
- Bệnh thấp tim: là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn
không được điều trị - có thể làm hỏng van hai lá, dẫn đến hở van hai lá sớm hoặc muộn trong cuộc đời. Thấp tim hiện hiếm gặp ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển.
- Viêm nội tâm mạc: van hai lá có thể bị tổn thương do nhiễm trùng
nội tâm mạc.
- Nhồi máu cơ tim: tình trạng này có thể làm tổn thương vùng cơ tim nâng
đỡ van hai lá gây ảnh hưởng đến chức năng của van. Nếu tổn thương nặng, tình trạng nhồi máu cơ tim có thể gây ra hở van hai lá đột ngột và nghiêm trọng.
- Bất thường về cơ tim (bệnh cơ tim): theo thời gian, một số bệnh lý như
tăng huyết áp khiến tim làm việc nhiều hơn, dần dần khiến tâm thất trái to ra (phì đại). Điều này có thể kéo căng mô xung quanh van hai lá gây hở van.
- Chấn thương: gặp phải chấn thương, chẳng hạn như trong một tai nạn xe
hơi, có thể dẫn đến hở van hai lá.
- Dị tật tim bẩm sinh: một số trẻ sinh ra đã bị dị tật ở tim, bao gồm cả tổn
thương ở van tim.
- Một số loại thuốc: sử dụng kéo dài một số loại thuốc có thể gây ra hở van
hai lá, chẳng hạn như những loại thuốc có chứa ergotamine (Cafergot, Migergot) được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu và các bệnh lý khác.
- Xạ trị: trong một số trường hợp hiếm gặp, xạ trị ung thư tập trung vào vùng
ngực có thể dẫn đến hở van hai lá.
- Rung nhĩ: là một vấn đề về nhịp tim phổ biến có thể là nguyên nhân tiềm ẩn
gây ra chứng hở van hai lá.
Các yếu tố nguy cơ của hở van hai lá
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hở van hai lá như:
- Tiền sử sa van hai lá hoặc hẹp van hai lá
Tuy nhiên, có một trong hai tình trạng không nhất định là người bệnh sẽ bị hở van hai lá. Tiền sử gia đình mắc bệnh van cũng có thể làm tăng nguy cơ.
- Nhồi máu cơ cơn tim
Tình trạng này có thể làm tổn thương tim gây ảnh hưởng đến chức năng của van hai lá.
- Bệnh tim
Một số loại bệnh tim như bệnh mạch vành, có thể dẫn đến hở van hai lá.
- Sử dụng một số loại thuốc
Những người dùng thuốc có chứa ergotamine (Cafergot, Migergot) và các loại thuốc tương tự cho chứng đau nửa đầu hoặc những người dùng cabergoline có nguy cơ bị hở van hai lá. Tình trạng tương tự cũng ghi nhận với thuốc ngăn chặn sự thèm ăn fenfluramine và dexfenfluramine - hiện không còn được cấp phép.
- Nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc hoặc thấp tim
Nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm này gây ra có thể làm hỏng van hai lá.
- Bệnh tim bẩm sinh
Một số người bẩm sinh đã có van hai lá bất thường dể bị hở van.
- Tuổi
Đến tuổi trung niên, nhiều người bị hở van hai lá do van bị thoái hóa tự nhiên.
Các biến chứng của hở van hai lá
Khi ở mức độ nhẹ, hở van hai lá thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, hở van hai lá nặng có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Suy tim
Suy tim là kết quả khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Hở van hai lá nặng gây tăng gánh cho tim vì khi dòng máu phụt ngược lên tâm nhĩ trái làm giảm lượng máu đi nuôi cơ thể theo mỗi nhịp đập. Tâm thất trái sẽ phì đại và nếu không được điều trị sẽ dẫn tới suy tim. Đồng thời, áp lực tuần hoàn phổi tăng dẫn đến tích tụ chất dịch làm giãn thất phải.
- Rung nhĩ
Sự giãn ra và mở rộng của tâm nhĩ trái có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó các buồng trên của tim đập một cách hỗn loạn và nhanh chóng. Rung nhĩ có thể gây ra huyết khối, khi vỡ bắn ra khỏi tim và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ nếu cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não.
- Tăng áp động mạch phổi
Nếu tình trạng hở van hai lá kéo dài không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, người bệnh có thể gặp tình trạng tăng áp động mạch phổi. Van hai lá bị hở có thể làm tăng áp lực trong tâm nhĩ trái, cuối cùng có thể gây tăng áp động mạch phổi. Điều này có thể dẫn đến suy tim phải.
Chẩn đoán hở van hai lá
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh nhân và tiền sử gia đình về bệnh tim. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám tim mạch cho người bệnh. Hở van hai lá thường tạo ra âm thanh do dòng máu máu phụt ngược lại tâm nhĩ qua van hai lá (tiếng thổi ở tim).
Sau đó, bác sĩ chỉ định xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Để kiểm tra, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Xét nghiệm và thăm dò chức năng
Các xét nghiệm thông thường để chẩn đoán hở van hai lá bao gồm:
- Siêu âm tim
Siêu âm tim thường được sử dụng để chẩn đoán hở van hai lá. Trong kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này, bác sĩ sử dụng một đầu dò sóng âm đặt trên lồng ngực vùng tim người bệnh để quan sát hình ảnh video quả tim đang hoạt động.
Siêu âm tim đánh giá cấu trúc của tim, van hai lá và lưu lượng máu qua tim. Siêu âm tim giúp bác sĩ có cái nhìn cận cảnh về van hai lá và hoạt động của nó. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng siêu âm tim 3-D.
Các bác sĩ có thể tiến hành một loại siêu âm tim khác được gọi là siêu âm tim qua thực quản. Thăm dò này, một đầu dò nhỏ gắn vào đầu ống được đưa xuống thực quản người bệnh, cho phép quan sát van hai lá kỹ hơn so với siêu âm tim thông thường.
- Điện tâm đồ (ECG)
Các điện cực gắn với miếng dính trên da người bệnh đo các xung điện từ tim. Điện tâm đồ có thể phát hiện các phì đại buồng tim, bệnh tim và nhịp tim bất thường.
- Chụp X-quang ngực
Xquang ngực giúp bác sĩ xác định xem tâm nhĩ trái hoặc tâm thất trái có phì đại hay không - các dấu hiệu có thể có của chứng hở van hai lá - và tình trạng phổi.
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI)
Cộng hưởng từ tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về tim. MRI có thể được sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng và đánh giá kích thước và chức năng của tâm thất trái.
- Cắt lớp vi tính tim
Chụp cắt lớp vi tính ngực, bụng và khung chậu để xác định xem người bệnh có đủ điều kiện để sửa van hai lá bằng robot hay không.
- Nghiệm pháp gắng sức
Các nghiệm pháp gắng sức khác nhau giúp đo lường khả năng chịu đựng hoạt động của người bệnh và theo dõi phản ứng của tim đối với các hoạt động đó. Nếu người bệnh không thể tập thể dục, có thể sử dụng các loại thuốc gây tác động tương tự như hoạt động gắng sức lên quả tim.
- Thông tim
Xét nghiệm này không thường được sử dụng để chẩn đoán hở van hai lá. Kỹ thuật xâm lấn này liên quan đến việc luồn một ống thông qua mạch máu ở cánh tay hoặc bẹn đến mạch máu của tim và tiêm thuốc cản quang qua ống thông để có thể nhìn thấy được động mạch trên phim chụp X-quang. Kỹ thuật này cung cấp một hình ảnh chi tiết về các mạch máu tim và hoạt động của tim, cũng có thể đo áp suất bên trong buồng tim.
Điều trị hở van hai lá
Việc điều trị hở van hai lá phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh: người bệnh có triệu chứng và tình trạng tiến triển tồi tệ hơn. Mục tiêu của điều trị là cải thiện chức năng tim đồng thời làm giảm thiểu triệu chứng cho người bệnh và tránh các biến chứng trong tương lai.
Bác sĩ tim mạch sẽ thăm khám và điều trị bệnh van tim. Nếu bạn bị hở van hai lá, hãy cân nhắc điều trị tại trung tâm y tế có đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đa khoa được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị bệnh van tim. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định xét nghiệm để xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Theo dõi
Một số bệnh nhân, đặc biệt là những người hở van hai lá nhẹ, có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này cần sự theo dõi của bác sĩ. Người bệnh có thể cần được đánh giá thường xuyên với tần suất tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Bác sĩ cũng có thể đưa ra lời khuyên về thay đổi lối sống lành mạnh.
Điều trị thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các triệu chứng, tuy nhiên việc dùng thuốc không thể điều trị triệt để tình trạng hở van hai lá.Thuốc có thể bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: loại thuốc này có thể làm giảm phù phổi hoặc chân đi kèm với hiện tượng hở van hai lá.
- Thuốc chống đông máu: những loại thuốc này có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông và có thể được sử dụng khi người bệnh bị rung nhĩ.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp: tăng huyết áp làm cho tình trạng hở van hai lá trở nên tồi tệ hơn, vì vậy nếu người bệnh bị tăng huyết áp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kiểm soát huyết áp.
Phẫu thuật mở và can thiệp nội soi
Hở van hai lá có thể cần được sửa chữa hoặc thay thế. Các bác sĩ có thể đề nghị sửa hoặc thay van hai lá ngay cả khi người bệnh không có các triệu chứng trên lâm sàng, vì điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện tình trạng sau này. Nếu người bệnh có vấn đề về tim khác cần phẫu thuật, bác sĩ có thể sửa chữa hoặc thay thế van hai lá bị bệnh cùng một lúc.
Phẫu thuật van hai lá thường được thực hiện thông qua một vết mổ ở ngực. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu, sử dụng các vết rạch nhỏ hơn so với các vết mổ được sử dụng trong phẫu thuật tim hở. Các bác sĩ tại một số trung tâm y tế có thể thực hiện phẫu thuật tim có sự hỗ trợ của robot, một loại phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu. Trong loại phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật xem tim ở chế độ xem 3-D độ nét cao được phóng đại trên màn hình video và sử dụng các cánh tay robot để sao chép các thao tác sử dụng trong phẫu thuật tim hở.
Bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh xem liệu sửa van hai lá hoặc thay van hai lá là thích hợp nhất cho tình trạng bệnh hiện tại. Bác sĩ cũng đánh giá xem bệnh nhân đủ tiêu chuẩn phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu hay phẫu thuật tim hở.
Các bác sĩ thường ưu tiên sửa van hai lá vì giúp bảo tồn van của chính người bệnh và có thể bảo tồn chức năng tim. Tuy nhiên, nếu không thể sửa van hai lá, các bác sĩ có thể cần tiến hành thay van hai lá.
Các phương pháp can thiệp bao gồm:
- Sửa van hai lá
Bác sĩ phẫu thuật có thể sửa van bằng cách khâu lại lá van, thay dây đỡ van hoặc loại bỏ mô van thừa để các lá van có thể đóng chặt lại. Các bác sĩ phẫu thuật thường có thể thắt chặt hoặc củng cố vòng quanh van bằng cách cấy vòng thắt nhân tạo.
Các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp can thiệp qua da - qua đường ống thông - để sửa van hai lá trong một số trường hợp bằng cách luồn một ống thông có gắn clip vào động mạch ở bẹn và luồn tới đến van hai lá. Các bác sĩ dùng clip để tạo hình lại van. Những bệnh nhân hở van hai lá nặng và không phải là đối tượng có thể phẫu thuật hoặc những người có nguy cơ phẫu thuật cao có thể được cân nhắc thủ thuật này.
Trong một phương pháp can thiệp khác, các bác sĩ có thể sửa tình trạng hở van hai lá - đã được thay thế trước đó - bằng cách chèn một thiết bị để bịt lỗ hở.
- Thay van hai lá
Nếu van hai lá không thể sửa chữa được, người bệnh có thể cần thay van hai lá. Trong thay van hai lá, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng van cơ học hoặc van làm từ mô tim của bò, lợn hoặc người (van sinh học). Các van sinh học bị thoái hóa theo thời gian và cuối cùng thường cần được thay thế. Người bị hở van cơ học cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn ngừa huyết khối. Bác sĩ có thể thảo luận về những rủi ro, lợi ích của từng loại van tim và chọn ra loại van phù hợp từng người bệnh.
Các bác sĩ sẽ xem xét các can thiệp qua da để sửa chữa hoặc thay thế van hai lá. Một số trung tâm y tế có thể thay van hai lá bằng can thiệp qua da như một phần của thử nghiệm lâm sàng cho những người bị bệnh van hai lá nặng không thể phẫu thuật mở. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để thay van với trường hợp van sinh học đã thay không còn hoạt động bình thường.
Tuân theo chỉ định của bác sĩ và chế độ theo dõi sau phẫu thuật, khám lại khi có triệu chứng mới hoặc diễn biến xấu đi của bệnh.
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tuân thủ lối sống lành mạnh có lợi cho tim mạch như:
- Kiểm soát huyết áp: kiểm soát tăng huyết áp là quan trọng trong bệnh hở
van hai lá.
- Thực hiện một chế độ ăn có lợi cho tim mạch: thức ăn không ảnh hưởng
trực tiếp đến tình trạng hở van hai lá. Nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim khác có thể gây suy yếu cơ tim. Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đường, muối và ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng. Ăn nhiều loại rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein như thịt nạc, cá và các loại hạt.
- Duy trì cân nặng hợp lý: giữ cân nặng trong phạm vi cho phép được bác sĩ
khuyến nghị.
- Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: nếu người bệnh đã thay van
tim, bác sĩ có thể đề nghị họ dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa để ngăn ngừa nhiễm trùng được gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Thảo luận với bác sĩ để biết liệu bác sĩ có khuyến nghị bạn dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa hay không.
- Cắt giảm rượu: sử dụng rượu nặng có thể gây ra rối loạn nhịp tim và có thể
làm cho các triệu chứng của người bệnh tồi tệ hơn. Sử dụng rượu quá nhiều cũng có thể gây ra bệnh cơ tim, một tình trạng cơ tim bị suy yếu dẫn đến hở van hai lá. Hỏi ý kiến bác sĩ về ảnh hưởng của việc uống rượu.
- Tránh thuốc lá: nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy cố gắng bỏ thuốc.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp để giúp bạn bỏ thuốc lá. Nên tham gia các hội nhóm về bỏ thuốc lá để được hỗ trợ hoặc trao đổi kinh nghiệm.
- Hoạt động thể chất thường xuyên: bạn có thể tập thể dục trong bao lâu và
cường độ như thế nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn trước khi bắt đầu tập thể dục, đặc biệt nếu bạn đang xem xét các môn thể thao gắng sức.
- Tái khám thường xuyên: thiết lập một lịch trình tái khám thường xuyên với
bác sĩ tim mạch. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào. Nếu bạn là một phụ nữ bị hở van hai lá, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai. Quá trình mang thai khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Khả năng chịu đựng của tim trong trường hợp này phụ thuộc vào mức độ hở van hái lá và khả năng co bóp của tim. Trong suốt thai kỳ và sau khi sinh, bạn nên được theo dõi bởi bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa.
Chiến lược điều trị và chăm sóc
Nếu bạn bị hở van hai lá hãy tuân thủ các bước sau:
- Uống thuốc theo quy định: uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nhận hỗ trợ: có sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè của bạn có thể giúp bạn đối phó với tình trạng của mình. Hỏi bác sĩ về các nhóm hỗ trợ có thể hữu ích.
- Luôn hoạt động: bạn nên duy trì hoạt động thể chất. Bác sĩ có thể đưa ra khuyến nghị về mức độ và loại bài tập thích hợp cho bạn.
Nếu bạn có các triệu chứng của hở van hai lá hay bất cứ bất thường gì liên quan tới tim hãy hẹn gặp bác sĩ. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị cho cuộc hẹn khám:
- Lưu ý các hạn chế trước ngày hẹn khám. Khi bạn đặt lịch hẹn khám, hãy hỏi xem bạn có cần làm gì trước không.
- Viết ra các triệu chứng của bạn, bao gồm bất kỳ triệu chứng nào cả kể không liên quan đến hở van hai lá.
- Viết ra thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tim, dị tật tim, rối loạn di truyền, đột quỵ, tăng huyết áp hoặc tiểu đường, và bất kỳ căng thẳng lớn nào hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
- Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung bạn đang dùng.
- Đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng nếu có thể. Một người đồng hành với bạn có thể giúp bạn ghi nhớ thông tin bạn nhận được.
- Hãy chuẩn bị để thảo luận về chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục. Nếu bạn chưa ăn uống đầy đủ và tập thể dục, hãy sẵn thảo luận với bác sĩ về những thách thức bạn có thể gặp phải khi bắt đầu.
- Viết ra các câu hỏi về những thắc mắc cần bác sĩ giải đáp.
Đối với hở van hai lá, một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bác sĩ bao gồm:
- Nguyên nhân nào có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi?
- Các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi là gì?
- Tôi sẽ cần những xét nghiệm nào?
- Điều trị tốt nhất là gì?
- Các lựa chọn thay thế cho cách tiếp cận chính mà bác sĩ đang đề xuất là gì?
- Tôi có các vấn đề sức khỏe khác. Làm cách nào để có thể quản lý các bệnh cùng nhau một cách tốt nhất?
- Có những hạn chế nào tôi cần tuân theo không?
- Tôi có nên gặp bác sĩ chuyên khoa không?
- Nếu tôi cần phẫu thuật, bác sĩ đề nghị bác sĩ phẫu thuật nào để sửa van hai lá?
- Có thuốc thay thế cho loại thuốc bác sĩ đang kê đơn không?
Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác mà bạn còn thắc mắc.
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Các triệu chứng của bạn bắt đầu khi nào?
- Các triệu chứng của bạn có liên tục hay không thường xuyên không?
- Các triệu chứng ở mức độ như thế nào?
- Điều gì làm cải thiện các triệu chứng của bạn?
- Điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?
Xem thêm: