Bệnh thiếu máu cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị

Bệnh thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch vành) là tình trạng đau ngực tái phát xảy ra khi một vùng của tim không nhận đủ lượng máu cần thiết. Tình trạng này dễ xảy ra nhất khi gắng sức hoặc phấn khích, do lúc này tim đòi hỏi một lượng máu lớn hơn. Bệnh thiếu máu cơ tim khá phổ biến ở Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Video Thiếu máu cơ tim có triệu chứng là gì? Khi nào nguy hiểm?

Bệnh thiếu máu cơ tim xảy ra khi các hạt cholesterol trong máu bắt đầu tích tụ trên thành các động mạch cung cấp máu cho tim, hình thành nên các mảng bám. Những chất lắng đọng này làm hẹp lòng các động mạch và cuối cùng gây tắc nghẽn dòng chảy của máu. Sự suy giảm lưu lượng máu sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ tim. 

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim có thể tiến triển từ từ nếu các động mạch dần dần bị tắc nghẽn, hoặc có thể xảy ra nhanh chóng nếu động mạch đột ngột bị tắc nghẽn. Một số người bị bệnh hoàn toàn không có triệu chứng, trong khi những người khác có thể bị đau ngực dữ dội (đau thắt ngực) và khó thở, có thể dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim

May mắn thay, bệnh thiếu máu cơ tim có thể được điều trị thành công bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật. Đáng mừng hơn nữa, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì một lối sống tốt cho tim mạch, chẳng hạn như ăn ít chất béo, ít natri, tích cực hoạt động thể chất, không hút thuốc lá và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý. 

Nếu không được điều trị, bệnh thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến tổn thương tim nghiêm trọng, gây nhồi máu cơ tim, sốc tim và có thể đe dọa tính mạng. Cần gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn hoặc người xung quanh có các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó thở, có thể đi kèm với môi xanh hoặc tái nhợt, nhịp tim nhanh và đau ngực dữ dội. Bạn cũng nên tìm sự hỗ trợ kịp thời nếu bạn đang được điều trị đau thắt ngực nhưng có các triệu chứng nhẹ tái phát hoặc dai dẳng.

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim là gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim làm giảm lưu lượng máu đến các động mạch vành mang oxy đi nuôi tim. Sự suy giảm lưu lượng máu này dẫn đến một số triệu chứng, có thể khác nhau về cường độ giữa các cá thể. 

Bạn có thể gặp các triệu chứng thiếu máu cơ tim hàng ngày hoặc thi thoảng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau ngực, tức ngực hoặc khó thở, với tính chất: 

  • Giảm bớt khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc
  • Có thể cảm thấy như thể cơn đau bắt đầu từ ngực, lan ra cánh tay, lưng hoặc các khu vực khác
  • Có thể cảm thấy đầy hơi hoặc khó tiêu (phổ biến hơn ở phụ nữ)
  • Xảy ra nhiều lần, triệu chứng ở mỗi lần thường giống nhau.
  • Xảy ra khi tim phải làm việc nhiều hơn, thường là lúc gắng sức
  • Thường kéo dài trong một thời gian ngắn (năm phút hoặc ít hơn) 
Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở bệnh thiếu máu cơ tim. Nguồn ảnh: vascularhealthclinics.orgĐau ngực là triệu chứng thường gặp ở bệnh thiếu máu cơ tim. Nguồn ảnh: vascularhealthclinics.org

Các triệu chứng nghiêm trọng có thể báo hiệu một tình trạng đe dọa tính mạng. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn hoặc người bên cạnh có bất kỳ triệu chứng đe dọa tính mạng nào sau đây, bao gồm: 

  • Đau ngực, thường ở bên trái của cơ thể (cơn đau thắt ngực)
  • Da lạnh, ẩm
  • Buồn nôn có hoặc không kèm theo nôn
  • Đau ở cổ hoặc hàm
  • Thở nhanh hoặc thở gấp
  • Đau vai hoặc cánh tay 

Nguyên nhân nào gây ra bệnh thiếu máu cơ tim?

Tình trạng thiếu máu cơ tim xảy ra do giảm lưu lượng máu qua một hoặc nhiều mạch máu mang oxy đến tim (động mạch vành). Khi lưu lượng máu giảm, cơ tim không nhận được lượng oxy cần thiết để hoạt động bình thường. 

Bệnh thiếu máu cơ tim có thể tiến triển chậm, do mảng bám tích tụ theo thời gian hoặc có thể xảy ra nhanh chóng nếu động mạch đột ngột bị tắc nghẽn. Vì lý do này, bệnh xảy ra thường xuyên nhất ở những người bị xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám trên thành động mạch vành), có cục máu đông, co thắt động mạch vành hoặc các bệnh nặng làm tăng nhu cầu oxy của tim. 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu cơ tim là gì?

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh thiếu máu cơ tim. Nguồn ảnh: israel21c.orgBéo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh thiếu máu cơ tim. Nguồn ảnh: israel21c.org

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim. Nhưng không phải tất cả những người có các yếu tố nguy cơ đều sẽ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm: 

  • Bệnh tiểu đường
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao
  • Nồng độ chất béo trung tính trong máu cao
  • Huyết áp cao
  • Béo phì
  • Không hoạt động thể chất
  • Hút thuốc lá 

Giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim

Bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim của mình bằng các biện pháp sau:

  • Kiểm soát chặt chẽ bệnh tiểu đường, nếu có
  • Hoạt động thể chất thường xuyên
  • Giữ nồng độ cholesterol ở mức lành mạnh
  • Duy trì huyết áp bình thường
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Giảm lượng cholesterol và chất béo trong chế độ ăn uống  

Điều trị bệnh thiếu máu cơ tim 

Để xác định xem bạn có bị thiếu máu cơ tim hay không, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. 

Thuốc dùng để điều trị bệnh thiếu máu cơ tim

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị thiếu máu cơ tim: 

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): làm giãn mạch và hạ huyết áp
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB): làm giảm huyết áp 
  • Thuốc chống thiếu máu cục bộ như ranolazine (Ranexa) 
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông 
  • Thuốc chẹn beta: làm giảm nhịp tim 
  • Thuốc chẹn kênh canxi: làm giảm khối lượng công việc trên cơ tim 
  • Nitrat: làm giãn mạch máu 
  • Statin: làm giảm cholesterol 

Bác sĩ sẽ lựa chọn các loại thuốc thích hợp cho bạn, tùy thuộc vào tình trạng cá nhân của bạn. Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ chính xác kế hoạch điều trị và dùng các loại thuốc theo hướng dẫn.

Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu cơ tim

Nếu điều trị bằng thuốc không đủ hiệu quả, phẫu thuật có thể sẽ được chỉ định, bao gồm các phương pháp:

  • Nong mạch vành và đặt stent: thủ thuật loại bỏ mảng bám và khôi phục lưu lượng máu trong các động mạch bị tắc 
Nong và đặt stent mạch vành. Nguồn ảnh: hopkinsmedicine.orgNong và đặt stent mạch vành. Nguồn ảnh: hopkinsmedicine.org
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: quy trình giúp khôi phục lưu lượng máu đến tim bằng cách định hướng dòng chảy qua các động mạch được cấy ghép 

Bạn có thể làm gì để cải thiện bệnh thiếu máu cơ tim? 

Ngoài việc tuân thủ kế hoạch điều trị, bạn có thể cải thiện tình trạng của mình bằng cách: 

  • Kiểm soát chặt chẽ bệnh tiểu đường, nếu có
  • Hoạt động thể chất thường xuyên 
  • Giữ cholesterol ở mức lành mạnh 
  • Duy trì huyết áp bình thường 
  • Bỏ thuốc lá 
  • Giảm cholesterol và chất béo trong chế độ ăn uống  

Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh thiếu máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh thiếu máu cơ tim. Nguồn ảnh: visiblebody.comNhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh thiếu máu cơ tim. Nguồn ảnh: visiblebody.com

Bạn có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng bằng cách tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ đã chỉ định riêng cho bạn. 

Các biến chứng của bệnh thiếu máu cơ tim bao gồm: 

  • Rối loạn nhịp tim  
  • Đau thắt ngực mãn tính 
  • Suy tim sung huyết 
  • Tổn thương tim 
  • Nhồi máu cơ tim  

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!