Video Bệnh tim bẩm sinh gồm những bệnh gì?
Có nhiều dạng dị tật tim bẩm sinh khác nhau. Hầu hết là dị tật tại vách ngăn, van tim hoặc mạch máu trong tim. Một số dị tật nghiêm trọng và cần phải được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Thông liên nhĩ (ASD)
Thông liên nhĩ là lỗ thông tồn tại trên vách ngăn giữa hai buồng tim trên - tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái, cho phép máu từ tâm nhĩ trái trộn với máu ở tâm nhĩ phải.
Một số lỗ thông liên nhĩ có thể tự đóng. Lỗ thông vừa hoặc lớn cần được điều trị bằng phẫu thuật tim hở hoặc một thủ thuật khác.
Bác sĩ có thể bịt kín lỗ thông bằng thủ thuật đặt ống thông ít xâm lấn. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ qua đường mạch máu đến tim, sau đó vá lỗ thông bằng nhiều loại thiết bị.
Thông liên thất (VSD)
Thông liên thất là một lỗ thông trên vách ngăn ngăn cách hai buồng tim dưới (tâm thất phải và tâm thất trái). Khi bị thông liên thất, máu sẽ được bơm trở lại phổi thay vì đi nuôi cơ thể.
Nếu lỗ thông liên thất nhỏ, nó cũng có thể tự đóng. Nhưng nếu lỗ thông lớn, bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa nó.
Kênh nhĩ thất toàn phần (CAVC)
Đây là loại dị tật vách ngăn nghiêm trọng nhất. Trong trường hợp này, lỗ thông trong tim ảnh hưởng cùng lúc đến cả bốn buồng tim.
CAVC ngăn máu giàu oxy đến đúng vị trí trong cơ thể. Bác sĩ có thể sửa chữa lỗ thông bằng các bản vá. Nhưng một số người cần nhiều hơn một cuộc phẫu thuật để điều trị tình trạng này.
Các dị tật của van tim
Các van tim kiểm soát dòng chảy của máu qua tâm thất và động mạch của tim. Một số dị tật tim nhỏ có thể liên quan đến van, bao gồm:
Hẹp van: van bị hẹp hoặc cứng và không mở hoặc không cho máu đi qua dễ dàng.
Hở van: van không đóng chặt, làm cho máu bị rò rỉ ngược qua van.
Teo van: van không có cấu trúc bình thường hoặc không có lỗ mở cho máu đi qua, gây ra nhiều vấn đề phức tạp hơn về tim.
Dị dạng van ba lá, hay còn gọi là bệnh tim Ebstein: một khiếm khuyết ở van ba lá, khiến van không đóng chặt được. Những em bé mắc Ebstein cũng thường bị thông liên nhĩ (ASD).
Hẹp van động mạch phổi: đây là dị tật van thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Những em bé bị nặng thường có tâm thất phải căng. Dị tật này thường có thể điều trị bằng thủ thuật đặt ống thông gắn một quả bóng ở đầu để bơm căng lên và kéo van căng ra.
Tứ chứng Fallot
Tứ chứng Fallot là sự kết hợp của bốn dị tật, bao gồm:
- Thông liên thất lớn (VSD)
- Dày tâm thất phải
- Động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất
- Van động mạch phổi bị cứng khiến máu không thể lưu thông dễ dàng từ tim lên phổi
Một em bé sinh ra với tứ chứng Fallot có thể cần phải phẫu thuật tim hở ngay sau khi sinh để khắc phục các vấn đề. Nếu dị tật tại van động mạch phổi không quá nghiêm trọng, em bé có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi lớn hơn một chút.
Các dị tật khác
Còn ống động mạch (PDA)
Nói một cách đơn giản, đây là tình trạng ống nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ xuống trong thời kỳ bào thai không đóng lại sau khi chào đời.
Trong thời kỳ bào thai, phổi chưa hoạt động, sức cản phổi cao, máu từ thất phải vào hệ tuần hoàn phổi ít, chủ yếu đi qua ống động mạch vào động mạch chủ. Sau khi được sinh ra, trẻ bắt đầu lấy oxy từ phổi của chính mình và ống này phải đóng lại. Tình trạng ống động mạch không đóng lại sau sinh được gọi là “còn ống động mạch”. Ống động mạch nhỏ có thể giải quyết đơn giản. Với trường hợp ống động mạch lớn, có thể cần tới phẫu thuật.
Thân chung động mạch
Đó là khi em bé được sinh ra với một động mạch chính dẫn máu ra khỏi tim thay vì hai động mạch riêng biệt như bình thường. Trẻ sẽ cần phẫu thuật ngay trong giai đoạn sơ sinh để sửa chữa dị tật và có thể sẽ cần tiếp tục thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật về sau này.
Chuyển vị đại động mạch l-TGA
Các ngăn bên phải và bên trái của tim em bé bị đảo ngược. Máu vẫn chảy bình thường, nhưng theo thời gian, tâm thất phải sẽ không hoạt động tốt vì nó phải bơm mạnh hơn.
Chuyển vị đại động mạch d-TGA
Trong bệnh lý này, hai động mạch có chức năng vận chuyển máu từ tim đến phổi và đến các cơ quan trong cơ thể không được kết nối như bình thường, chúng bị đảo vị trí (chuyển vị). Điều này có nghĩa là máu nghèo oxy được cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể thay vì đến phổi, và máu giàu oxy trở lại phổi thay vì cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể.
Trẻ sẽ phải phẫu thuật để sửa chữa tình trạng này, thường là trong tháng đầu sau sinh.
Dị tật tâm thất độc nhất
Hiểu một cách đơn giản, tâm thất độc nhất nghĩa là trẻ sinh ra với hai van nhĩ thất vào chung một buồng thất hoặc một van nhĩ thất chung trong khoang nhĩ thất. Các loại dị tật tâm thất độc nhất bao gồm:
- Hội chứng thiểu sản tim trái: động mạch chủ và tâm thất trái chưa phát triển.
- Không có lỗ van động mạch phổi với vách liên thất kín: Em bé không có van động mạch phổi - bộ phận kiểm soát dòng chảy của máu từ tim đến phổi.
- Không có van ba lá (van ba lá là van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải).
Tổng kết
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phát hiện các dị tật tim bẩm sinh khi em bé vẫn còn trong bụng mẹ. Nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể chẩn đoán được các dị tật cho đến khi em bé ra đời và có các biểu hiện bất thường.
Nhiều dị tật tim bẩm sinh nhẹ được chẩn đoán trong thời thơ ấu hoặc thậm chí muộn hơn vì chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Một số người thậm chí không phát hiện ra họ có dị tật tim bẩm sinh cho đến khi trưởng thành.
Dù là loại dị tật tim bẩm sinh nào, hãy yên tâm rằng với những tiến bộ trong các công cụ chẩn đoán và phương pháp điều trị, người bệnh sẽ có cơ hội có một cuộc sống lâu dài và bình thường hơn bao giờ hết.
Xem thêm: