6 điều cần biết về Cholesterol: vai trò và cách kiểm soát

Các tế bào gan và tế bào ruột có thể sản xuất đủ lượng cholesterol cần thiết cho cơ thể, vì vậy chúng ta không nhất thiết phải thu nhận nguồn cholesterol từ thực phẩm. Việc hạn chế ăn chất béo bão hòa và duy trì cân nặng vừa phải góp phần giữ nồng độ cholesterol ở trong phạm vi có lợi cho sức khỏe. Nhờ đó hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ. Tuy nhiên, nếu không làm xét nghiệm bạn không thể biết nồng độ cholesterol có ở ngưỡng an toàn hay không bởi tăng cholesterol máu không gây ra triệu chứng rõ ràng.

Video: Những điều cần biết về Cholesterol

Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về cholesterol: cholesterol là gì, nguồn gốc, phân loại, nồng độ bình thường. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống, tập luyện để giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một loại chất béo có nhân sterol. Trong điều kiện bình thường, nó ở thể rắn - dạng sáp, có màu trắng hơi vàng. Đây là thành phần rất quan trọng cấu tạo nên màng của các tế bào trong cơ thể con người. Cơ thể con người cần cholesterol để tạo ra vitamin D và một loạt các hormone như testosterone và estrogen .

Nguồn gốc của cholesterol

Khoảng 80% lượng cholesterol trong cơ thể do gan và ruột sản xuất. Chỉ 20% lượng cholesterol đến từ các loại thực phẩm mà ta ăn hằng ngày.

Trong cơ thể, cholesterol hoạt động thế nào?

Cholesterol và chất béo khác như triglycerid được vận chuyển trong máu tới các tế bào. Khác với cholesterol, chức năng chủ yếu của triglycerid là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cả hai chất này đều không tan trong nước nên cần một dạng protein vận chuyển gọi là lipoprotein có tác dụng chuyên chở chất béo đi khắp cơ thể.

Có 4 loại lipoprotein chính

  • Chylomicrons: Vận chuyển triglycerid và cholesterol được hấp thu từ bữa ăn đến gan và các mô trong cơ thể
  • Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (Very low-density lipoprotein - VLDL) : Hạt lipoprotein này do gan sản xuất, và được tế bào cơ, tế bào mỡ chuyển hóa thành lipoprotein tỉ trọng thấp (Low-density lipoprotein LDL).
  • LDL (Low-density lipoprotein) : Đây là dạng lipoprotein vận chuyển cholesterol đến các mô trong cơ thể. LDL xâm nhập vào thành mạch, bị các gốc tự do oxy hóa và gây xơ vữa động mạch .
  • Lipoprotein tỷ trọng cao (High-density lipoprotein - HDL) : Những phân tử này đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển cholesterol từ mô trở lại gan, giúp ngăn chặn sự lắng đọng cholesterol ở thành mạch. HDL có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, có thể ức chế quá trình xơ vữa động mạch.
Các dạng lipoprotein ( Nguồn ảnh: reseachgate)Các dạng lipoprotein ( Nguồn ảnh: reseachgate)

Định lượng nồng độ các lipoprotein trên giúp các bác sĩ đánh giá được nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh đột quỵ. Nhiều LDL trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ngược lại nồng độ cao HDL bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì thế HDL được gọi là cholesterol tốt còn LDL là cholesterol xấu.

Định lượng cholesterol

Kiểm tra nồng độ cholesterol máu (Nguồn ảnh: Medical Health Today)Kiểm tra nồng độ cholesterol máu (Nguồn ảnh: Medical Health Today)Tăng cholesterol máu thường không gây ra biểu hiện lâm sàng, nên cách duy nhất để biết nồng độ cholesterol trong máu có ở mức cho phép hay không là phải định kỳ làm xét nghiệm máu.

Bao lâu cần làm xét nghiệm một lần

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association - AHA) khuyến cáo rằng những người không có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch, cũng như không có các yếu tố nguy cơ khác cần kiểm tra cholesterol lần đầu lúc 9 - 11 tuổi và một lần nữa khi họ ở độ tuổi từ 17 - 21. Sau 20 tuổi, AHA đề nghị mọi người nên xét nghiệm định kỳ 4 đến 6 năm một lần. Những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim có thể cần kiểm tra thường xuyên hơn, vì thế nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất xét nghiệm cholesterol máu định kỳ.

Các chỉ số thể hiện nồng độ lipid máu

Xét nghiệm đánh giá tình trạng mỡ máu gồm các thông số: cholesterol toàn phần, triglycerid, HDL, LDL. Các chỉ số này được đo bằng đơn vị miligam/ deci lít (mg/dL)

Nồng độ bình thường

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nồng độ các chất béo ở ngưỡng dưới đây là tốt cho sức khỏe

Cholesterol toàn phần

Dưới 200 mg / dl

LDL

Dưới 100 mg / dl

HDL

Lớn hơn hoặc bằng 60 mg / dl

Triglycerid

Dưới 150 mg / dl

Làm thế nào để giảm cholesterol

Viện Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đưa ra những lời khuyên sau đây để giúp mọi người duy trì được nồng độ cholesterol trong giới hạn bình thường đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Duy trì cân nặng vừa phải 

Duy trì cân nặng vừa phải (Nguồn ảnh: Henry Ford live well)Duy trì cân nặng vừa phải (Nguồn ảnh: Henry Ford live well)

Thừa cân và béo phì làm tăng nồng độ cholesterol LDL. Mỡ thừa trên cơ thể ảnh hưởng đến chuyển hóa cholesterol khiến cholesterol chậm thải trừ khỏi máu. 

Sự kết hợp của hai yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng. 

Chế độ ăn lành mạnh (Nguồn ảnh : Medium)Chế độ ăn lành mạnh (Nguồn ảnh : Medium)Cơ thể có thể sản xuất đủ lượng cholesterol mà nó cần, vì thế nguồn cung cấp từ thức ăn là không cần thiết. Sử dụng cholesterol nguồn gốc động vật không gây ra bệnh tim mạch. Thay vào đó, chất béo bão hòa mới làm tăng LDL cũng như làm tăng nguy cơ của bệnh tim. Do đó, mặc dù trứng có chứa cholesterol nhưng chúng lại ít chất béo bão hòa và giàu chất dinh dưỡng, vì vậy có thể thêm trứng vào chế độ ăn uống lành mạnh.

Tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Thực phẩm chứa chất béo bão hòa (Nguồn ảnh: Food Navigator)Thực phẩm chứa chất béo bão hòa (Nguồn ảnh: Food Navigator)Để tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, nên hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Thịt đỏ, mỡ hoặc sản phẩm chế biến sẵn
  • Các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, chẳng hạn như sữa nguyên chất, pho mát và kem
  • Bánh ngọt, bánh quy, bánh rán và bánh ngọt
  • Chất béo ở thể rắn, chẳng hạn như bơ thực vật, mỡ lợn 
  • Đồ chiên rán

Tuy nhiên, mọi người có thể sử dụng một lượng vừa đủ chất béo có trong các thực phẩm như dầu ô liu và bơ.

Tránh dùng quá nhiều đường

Tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nồng độ triglycerid trong máu. Vì vậy, mọi người nên hạn chế đường bằng cách tránh dùng đồ uống đóng chai có đường.

Tăng cường chất xơ

Thực phẩm giàu chất xơ (Nguồn ảnh: Food Revolution network)Thực phẩm giàu chất xơ (Nguồn ảnh: Food Revolution network)

AHA ghi nhận tác dụng của chất xơ là có thể cải thiện nồng độ cholesterol. Do đó, để duy trì mức cholesterol khỏe mạnh, mọi người nên bổ sung các loại thực phẩm sau trong chế độ ăn uống hàng ngày:

  • Ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch, gạo lứt, lúa mạch, hạt quinoa và kiều mạch
  • Đậu và đậu lăng
  • Hoa quả và rau
  • Các loại hạt 

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cholesterol (Nguồn ảnh: Deccan chronical)Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cholesterol (Nguồn ảnh: Deccan chronical)Theo CDC, tập thể dục thường xuyên vừa giúp bạn duy trì cân nặng lý tưởng, vừa giúp giảm cholesterol và giảm chỉ số huyết áp.

CDC khuyên rằng người lớn nên tập thể dục với tần suất trung bình 2,5 giờ mỗi tuần. Mọi người có thể tăng tần suất vận động của mình bằng cách đi cầu thang, đi bộ đến cửa hàng hoặc thực hiện các bài tập đơn giản được hướng dẫn trên ti vi.

Bỏ thuốc lá

Thuốc lá phá hủy mạch máu, do đó cholesterol bị oxy hóa có thể tích tụ tại nơi thành mạch bị tổn thương và gây ra các mảng bám trong thành mạch. Bỏ hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Hạn chế uống rượu

Rượu làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến tăng triglycerid. Nồng độ cao các chất béo lưu thông trong hệ tuần hoàn sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.Các bác sĩ khuyên rằng nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày và nữ giới không quá mỗi ly một ngày.

Tiêu thụ phytosterol

Thực phẩm giàu phytosterol (Nguồn ảnh: Health Benefits Times)Thực phẩm giàu phytosterol (Nguồn ảnh: Health Benefits Times)Phytosterol là các hợp chất nguồn gốc thực vật có tác dụng giảm cholesterol. Hai dạng phytosterol thường gặp là sterol và stanol. Chúng có cấu trúc hóa học tương tự như cholesterol, nên có khả năng ngăn cản ruột hấp thụ cholesterol. Bạn có thể bổ sung   phytosterol cho cơ thể bằng cách sử dụng các thực phẩm chức năng chứa phytosterol đơn thuần hoặc ở dạng kết hợp với vitamin. Ngoài ra, các loại thực phẩm như trái cây, rau, dầu và ngũ cốc cũng chứa phytosterol tự nhiên có lợi cho sức khỏe.

Kết luận

Gan và ruột sản xuất cholesterol để đảm bảo cho hoạt động của cơ thể. Cholesterol là một chất rất quan trọng đối với sức khỏe, nhưng nếu nồng độ cholesterol xấu quá cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Con người không cần tiêu thụ cholesterol từ thực phẩm bởi cơ thể có khả năng sản xuất đủ lượng cần thiết. Tuy nhiên, một chút cholesterol từ trứng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bởi trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng nên có thể được bổ sung vào chế độ ăn lành mạnh.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mọi người nên hạn chế ăn chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường. Đồng thời, cần duy trì một lối sống lành mạnh: tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu.

Mọi người cũng nên kiểm tra nồng độ mỡ máu định kỳ, bởi tăng cholesterol máu chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm chứ không có bất kì triệu chứng lâm sàng nào để nhận biết.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!