Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn lây lan từ các tổ chức lân cận như đường mật, ruột thừa, ruột già hoặc từ máu. Đôi khi, áp xe cũng xuất hiện sau một cuộc phẫu thuật hay chấn thương gan.
Video Làm gì khi biết mình bị áp xe gan?
Việc điều trị kịp thời sẽ giúp tình trạng bệnh tiến triển tốt. Tuy nhiên, nếu không được xử lý, áp xe có thể vỡ và gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng của áp xe gan
Áp xe gan có thể vỡ một cách đột ngột và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ của bệnh.
Các triệu chứng thường gặp của áp xe gan
Các triệu chứng thường gặp của áp xe gan là:
- Đau bụng (nhất là vùng hạ sườn phải)
- Phân và nước tiểu sẫm màu
- Ho
- Tiêu chảy
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đau khớp
- Chán ăn
- Buồn nôn, nôn
- Đau ngực khi hít thở
- Đổ mồ hôi
- Giảm cân vô căn
- Vàng da, vàng mắt
Các triệu chứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng
Áp xe gan có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bạn cần được cấp cứu ngay nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Thay đổi trạng thái tâm thần đột ngột như lú lẫn, hôn mê, ảo giác.
- Sốt cao trên 38.5oc
- Co giật không kiểm soát
- Nhịp tim nhanh
- Thở gấp, thở khò khè hoặc khó thở
- Đau bụng dữ dội
- Nôn
Nguyên nhân gây ra áp xe gan
Áp xe gan có thể do các nguyên nhân sau:
- Nhiễm khuẩn từ các viêm nhiễm trong ổ bụng như viêm ruột thừa, viêm túi thừa đại tràng, viêm đường mật hoặc thủng ruột
- Nhiễm khuẩn huyết
- Nhiễm amip entamoeba histolytica (vi sinh vật gây bệnh kiết lỵ. Chúng lây lan qua nước hoặc tiếp xúc giữa người với người)
- Chấn thương gan
- Sau phẫu thuật gan
Các yếu tố nguy cơ gây áp xe gan
Các yếu tố nguy cơ gây áp xe gan nhiễm khuẩn bao gồm:
- Bệnh Crohn
- Nhiễm khuẩn ổ bụng
- Đái tháo đường
- Trải qua phẫu thuật bụng gần đây
- Mới nội soi đường mật
Các yếu tố nguy cơ gây áp xe gan amip bao gồm:
- Tuổi cao
- Nghiện rượu
- Người bị suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS, sử dụng corticosteroid dài ngày, ghép tạng và ung thư
- Người suy kiệt
- Đang ở vùng dịch tễ dễ nhiễm amip
Các cách làm giảm nguy cơ bị áp xe gan
Các cách giúp bạn giảm nguy cơ bị áp xe gan là:
- Tránh sử dụng thức ăn hoặc nước ô nhiễm
- Hạn chế đi lại những vùng thường xảy ra nhiễm amip
Điều trị áp xe gan
Hiện nay, hai phương pháp phổ biến để điều trị áp xe gan là điều trị nội khoa và dẫn lưu rút mủ qua da.
Điều trị nội khoa: bác sĩ có thể sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng hoặc làm kháng sinh đồ từ bệnh phẩm ổ áp xe.
Dẫn lưu rút mủ qua da: hầu hết các ca áp xe gan lớn đều không thể chữa khỏi chỉ bằng kháng sinh. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định dẫn lưu dựa trên kết quả siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính
Thuốc kháng sinh sử dụng trong áp xe gan
Nhiều loại kháng sinh khác nhau có thể được sử dụng để điều trị áp xe gan. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ kê đơn phụ thuộc vào loại sinh vật gây bệnh và mức độ nghiêm trọng hiện tại.
- Kháng sinh nhóm glycoside như amikacin(amikin) hoặc gentamicin (garamycin)
- Clindamycin (cleocin)
- Kết hợp piperacillin và tazobactam (zosyn)
- Metronidazole (flagyl)
Biến chứng của áp xe gan
Áp xe gan có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Chúng bao gồm:
- Phù thũng: ứ dịch, mủ trong mô liên kết
- Viêm nội tâm mạc: viêm niêm mạc và van tim
- Suy gan
- Tràn dịch màng phổi
- Nhiễm khuẩn huyết
- Nhiễm khuẩn ổ bụng
Hãy tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các biến chứng.
Xem thêm:
- Áp xe: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
- Áp xe vú: dấu hiệu nhận biết, điều trị và phục hồi
- Áp xe hậu môn trực tràng: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Áp xe phổi: triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và tiên lượng
- Áp xe vùng kín (áp xe tuyến bartholin): nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị