Viêm túi mật: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê ở góc hạ sườn phải, ngay phía dưới gan. Túi mật chứa dịch mật do gan sản xuất. Khi ăn, túi mật co bóp tiết dịch mật vào ruột non.

Trong đa số các trường hợp, sỏi mật làm tắc ống mật sẽ khiến dịch mật tích tụ trong túi mật, gây ra tình trạng viêm túi mật. Các nguyên nhân khác gây viêm túi mật bao gồm các bệnh lý ống mật, u đường mật, một số bệnh lý nghiêm trọng và tình trạng nhiễm trùng.

Nếu không được điều trị, viêm túi mật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đôi khi đe dọa tính mạng như vỡ túi mật. Viêm túi mật thường được điều trị bằng cách cắt bỏ túi mật.

Triệu chứng của viêm túi mật

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi mật có thể là:

  • Đau hạ sườn phải hoặc đau quanh rốn dữ dội
  • Đau lan lên vai phải hoặc lan ra sau lưng
  • Đau bụng tăng lên khi chạm vào
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Sốt
Đau bụng là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm túi mật. Nguồn ảnh: Thesurgicalclinics.comĐau bụng là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm túi mật. Nguồn ảnh: Thesurgicalclinics.comCác dấu hiệu và triệu chứng viêm túi mật thường xảy ra sau khi ăn, đặc biệt là sau một bữa ăn lớn hoặc bữa ăn có nhiều dầu mỡ.

Thời điểm cần đi khám

Hãy đi khám nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng lo ngại. Nếu đau bụng dữ dội đến mức bạn không thể ngồi yên hoặc cảm thấy không thoải mái, hãy nhờ người thân đưa bạn đi cấp cứu.

Nguyên nhân gây viêm túi mật

Viêm túi mật có thể do các nguyên nhân như:

  • Sỏi mật. Thông thường, viêm túi mật là biến chứng của sỏi mật. Sỏi mật có thể làm tắc ống mật do sỏi rời khỏi túi mật. Dịch mật tích tụ trong túi mật gây ra tình trạng viêm.
  • Khối u. Các khối u có thể ngăn dịch mật đi ra khỏi túi mật, gây tích tụ dịch mật, có thể dẫn đến viêm túi mật.
  • Tắc nghẽn ống mật. Tình trạng tắc nghẽn ống mật do co thắt hoặc do sẹo đường mật có thể gây viêm túi mật.
  • Nhiễm trùng. Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (Acquired Immuno Deficiency Syndrom – AIDS) và một số bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây viêm túi mật.
  • Tổn thương mạch máu. Các bệnh lý nghiêm trọng có thể làm tổn thương mạch máu và giảm lượng máu đến túi mật, dẫn đến viêm túi mật.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm túi mật

Sỏi mật là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị viêm túi mật.

Các biến chứng của viêm túi mật

Viêm túi mật có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường mật. Dịch mật tích tụ trong túi mật gây viêm túi mật, đồng thời điều này cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường mật.
  • Hoại tử túi mật. Viêm túi mật không được điều trị có thể gây hoại tử túi mật. Đây là biến chứng phổ biến nhất, đặc biệt là ở những người cao tuổi, những người không được điều trị kịp thời và những người mắc bệnh đái tháo đường. Hoại tử túi mật có thể dẫn đến vỡ túi mật.
  • Vỡ túi mật. Vỡ túi mật có thể xảy ra do túi mật bị căng, nhiễm trùng hoặc hoại tử.

Phòng ngừa viêm túi mật

Một số biện pháp giúp ngăn ngừa sỏi mật có thể làm giảm nguy cơ bị viêm túi mật như:

  1. Giảm cân từ từ. Giảm cân nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật. Nếu bạn cần giảm cân, hãy đặt mục tiêu giảm 0,5 – 1 kg/tuần.
  2. Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân là yếu tố nguy cơ gây sỏi mật. Để đạt được cân nặng hợp lý, hãy giảm lượng calo trong khẩu phần ăn và tăng cường tập thể dục. Sau đó, bạn có thể duy trì cân nặng hợp lý bằng cách tiếp tục ăn uống đầy đủ và tập thể dục.
  3. Ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn giàu chất béo và ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Chẩn đoán viêm túi mật

Xạ hình gan mật sử dụng chất đồng vị phóng xạ có thể đánh giá khả năng lưu thông dịch mật của cơ thể. Nguồn ảnh: Medicalnewstoday.comXạ hình gan mật sử dụng chất đồng vị phóng xạ có thể đánh giá khả năng lưu thông dịch mật của cơ thể. Nguồn ảnh: Medicalnewstoday.comCác xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán viêm túi mật bao gồm:

  • Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng hoặc các bất thường ở túi mật.
  • Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, siêu âm nội soi hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) có thể được sử dụng để quan sát hình ảnh túi mật. Các xét nghiệm này có thể cho thấy các dấu hiệu của viêm túi mật, sỏi đường mật và sỏi túi mật.
  • Xạ hình gan mật (Hepatobiliary Iminodiacetic acid – HIDA) giúp theo dõi quá trình sản xuất và di chuyển của dịch mật từ gan đến ruột non cũng như tình trạng tắc nghẽn đường mật. Trong xạ hình gan mật, chất đánh dấu đồng vị phóng xạ sẽ được tiêm vào tĩnh mạch. Chất này sẽ gắn vào các tế bào sản xuất mật. Sau đó, nó sẽ đi theo mật vào túi mật và qua các ống dẫn mật để đến ruột non.

Điều trị viêm túi mật

Người bị viêm túi mật thường phải nằm viện để được theo dõi và điều trị. Đôi khi, người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật.

Để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện:

  • Nhịn ăn. Ban đầu, người bệnh có thể phải nhịn ăn để hạn chế hoạt động của túi mật đang bị viêm.
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch. Đây là biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nếu có tình trạng nhiễm trùng túi mật.
  • Thuốc giảm đau. Những loại thuốc này có thể giúp kiểm soát cơn đau cho đến khi tình trạng viêm túi mật thuyên giảm.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangiopancreatography – ERCP) để lấy sỏi làm tắc đường mật.

Các triệu chứng có thể cải thiện trong 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, tình trạng viêm túi mật có thể tái phát thường xuyên. Trong đa số các trường hợp, biện pháp cuối cùng dành cho người bệnh là phẫu thuật cắt túi mật.

Phẫu thuật cắt túi mật thường được thực hiện qua phương pháp nội soi. Cắt túi mật qua phẫu thuật mở hiếm khi được thực hiện.

Thời gian phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và các tai biến có thể xảy ra trong hoặc sau khi phẫu thuật. Nếu người bệnh có ít nguy cơ gặp tai biến, phẫu thuật có thể được thực hiện trong vòng 48 giờ hoặc trong thời gian nằm viện.

Sau khi túi mật được cắt bỏ, dịch mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non thay vì được dự trữ trong túi mật như trước. Người bệnh cắt túi mật vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Chuẩn bị trước khi đi khám

Hãy đi khám nếu bạn lo lắng về các dấu hiệu hoặc triệu chứng của mình. Trước khi đi khám, bạn nên chuẩn bị một số thông tin dưới đây để sẵn sàng cho cuộc hẹn.

Bạn nên làm gì?

  • Trước khi đi khám, hãy hỏi xem bạn có cần nhịn ăn hoặc chuẩn bị gì không.
  • Liệt kê các triệu chứng và thời gian bắt đầu xuất hiện, kể cả các triệu chứng không liên quan đến lí do đi khám.
  • Liệt kê các thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm cả các vấn đề gây căng thẳng và các thay đổi trong cuộc sống gần đây.
  • Liệt kê tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm chức năng bạn đang dùng và liều lượng mỗi ngày.
  • Nên đi khám cùng người thân hoặc bạn bè để cùng ghi nhớ các thông tin, tránh việc bỏ lỡ hoặc quên hướng dẫn của bác sĩ.
  • Liệt kê các thắc mắc muốn được bác sĩ giải đáp.

Đối với bệnh viêm túi mật, một số câu hỏi cơ bản có thể đặt ra như:

  • Có phải viêm túi mật là nguyên nhân khiến tôi đau bụng không?
  • Có nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng của tôi không?
  • Tôi cần làm những xét nghiệm nào?
  • Tôi có cần phẫu thuật cắt túi mật không?
  • Khi nào tôi cần phải phẫu thuật?
  • Những rủi ro của phẫu thuật là gì?
  • Thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt túi mật là bao lâu?
  • Có phương pháp điều trị nào khác cho bệnh viêm túi mật không?
  • Tôi nên tìm thông tin về bệnh viêm túi mật ở đâu?

Ngoài những câu hỏi đã được chuẩn bị, bạn đừng ngần ngại hỏi thêm những câu hỏi khác khi gặp bác sĩ.

Các câu hỏi của bác sĩ

Bác sĩ có thể sẽ đặt một số câu hỏi như:

  • Các triệu chứng của bạn bắt đầu từ khi nào?
  • Bạn đã từng bị đau như thế này bao giờ chưa?
  • Các triệu chứng xuất hiện liên tục hay ngắt quãng?
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng? 
  • Có biện pháp nào giúp cải thiện các triệu chứng của bạn không?
  • Có điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!