Khi mầm bệnh xâm nhập vào các mô bị tổn thương, cơ thể sẽ phản ứng lại và hình thành nên các ổ áp xe.
Video Áp xe hậu môn - dấu hiệu nhận biết và cách điều trị, phòng tránh
Dù bất kì đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh lý này nhưng chúng thường gặp ở người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa , suy giảm miễn dịch và đang sử dụng một số loại thuốc nhất định.
Triệu chứng của áp xe hậu môn trực tràng
Các triệu chứng thường gặp của áp xe hậu môn trực tràng là:
- Đau âm ỉ hoặc đau nhói vùng hậu môn, nhất là khi đại tiện hoặc ngồi xuống
- Khối sưng nóng đỏ, mềm có thể nhìn hoặc sờ thấy được
- Sốt
- Mệt mỏi
- Táo bón
- Chảy máu, chảy mủ
- Cảm giác buồn đại tiện
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu để lâu, áp xe có thể phát triển thành rò hậu môn - một đường hầm bất thường thông giữa ống hậu môn với vùng da xung quanh. Người mắc bệnh lý này cần được phẫu thuật chuyên sâu và đòi hỏi thời gian phục hồi kéo dài. Ngoài ra, nếu không được điều trị thích hợp, áp xe có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm độc và thậm chí tử vong.
Nếu bạn bị sốt cao trên 38oC, ớn lạnh, nôn liên tục, không thể đi ngoài hoặc đau dữ dội vùng hậu môn trực tràng, hãy đi cấp cứu ngay vì đó là các dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đang đi từ ổ áp xe vào máu.
Nguyên nhân gây áp xe hậu môn trực tràng
Áp xe hậu môn trực tràng thường do sự phát triển quá mức của vi khuẩn E. Coli thường gặp trong đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng gặp nhiều ca bệnh liên quan đến thể tụ cầu vàng kháng methiciline.
Bên cạnh đó, người bệnh có môt số yếu tố nguy cơ sau cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn:
- Bệnh lý về ruột như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
- HIV và các bệnh suy giảm miễn dịch khác
- Đái tháo đường
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
- Táo bón hoặc tiêu chảy nghiêm trọng, kéo dài
- Sử dụng các thuốc steroid
- Hóa trị liệu
- Nhiễm bệnh lây qua đường tình dục ở hậu môn trực tràng
- Viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis suppurativa)
Chẩn đoán áp xe hậu môn trực tràng
Để chấn đoán áp xe hậu môn trực tràng, các bác sĩ cần thực hiện một số phương pháp như:
- Khai thác bệnh sử và tiền sử
- Nội soi
- Chụp cắt lớp vi tính hoặc siêu âm trực tràng với các ổ áp xe sâu dưới niêm mạc
- Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh như HIV
Áp xe hậu môn trực tràng dễ nhầm lẫn với trĩ do chúng có các triệu chứng tương tự nhau.
Với áp xe, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, đau dữ dội và không đáp ứng với các phương pháp điều trị trĩ.
Điều trị áp xe hậu môn trực tràng
Áp-xe hậu môn trực tràng hiếm khi tự khỏi hoặc chỉ với điều trị bằng kháng sinh. Bệnh thường chỉ thuyên giảm nếu mủ được thoát ra ngoài. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân có thể gây tê tại chỗ, chích rạch áp xe tại các phòng khám chuyên khoa.
Tuy nhiên, nếu ổ viêm nhiễm nằm sâu hoặc cao trong trực tràng, phẫu thuật cần thực hiện dưới điều kiện gây mê tại bệnh viện.
Sau khi mủ đã được dẫn lưu, bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để đẩy nhanh quá trình lành thương:
Sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau để phòng tránh nhiễm khuẩn cũng như giảm nhẹ các triệu chứng sau phẫu thuật.
Dùng thuốc làm mềm phân giúp vết thương nhanh lành hơn.
Dùng bồn tắm ngồi: một chậu nông dùng để ngâm mình và vệ sinh vùng hậu môn.
Làm sạch nhẹ nhàng sau khi đi vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh, hãy dùng giấy thấm vào nước ấm để làm sạch nhẹ nhàng. Tránh sử dụng các dung dịch chứa cồn hoặc hydrogen peroxide, chúng có thể làm chậm lành thương. Nếu cần, hãy đắp miếng gạc lên vết thương và cố định lại.
Sử dụng kem và gel bôi làm dịu hậu môn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các sản phẩm này.
Việc dẫn lưu sẽ làm các triệu chứng giảm đi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu bạn thấy chảy máu nhiều, sốt, ớn lạnh hoặc nôn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay lập tức.
Xem thêm:
- Áp xe: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
- Áp xe vú: dấu hiệu nhận biết, điều trị và phục hồi
- Áp xe gan: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- Áp xe phổi: triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và tiên lượng
- Áp xe vùng kín (áp xe tuyến bartholin): nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị