Viêm ruột thừa: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm, có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm ruột thừa thường xảy ra ở nam giới, độ tuổi mắc bệnh thường gặp nhất: 15-40 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ khoảng 1,3:1. Viêm ruột thừa hay gặp, dễ chẩn đoán nhưng lại thường để lại các biến chứng nặng. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, ruột thừa viêm có nguy cơ vỡ. Hậu quả là vi khuẩn lan tràn, xâm nhập vào ổ bụng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.

Hãy đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về các triệu chứng, chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa. 

Triệu chứng viêm ruột thừa

Triệu chứng và sự nguye hiểm của viêm ruột thứa cấp tính

Khi bị viêm ruột thừa, bạn sẽ xuất hiện một hoặc một số các triệu chứng sau: 

  • Đau bụng ở trên hoặc xung quanh rốn
  • Đau ở phía dưới bên phải của bụng (thuật ngữ y khoa gọi là hố chậu phải)
  • Ăn không ngon
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Chướng bụng
  • Bí trung tiện
  • Sốt nhẹ

Viêm ruột thừa khởi phát với cơn đau quặn mức độ nhẹ, sau đó đau liên tục và tăng dần theo thời gian. Cơn đau bắt đầu ở vùng bụng trên hoặc vùng rốn trước khi di chuyển đến hố chậu phải. 

Nếu bạn bị táo bón và bạn nghi ngờ rằng bạn có khả năng bị viêm ruột thừa, hãy tránh dùng thuốc nhuận tràng hoặc các loại thuốc sổ vì nó làm tăng nguy cơ vỡ ruột thừa. 

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị đau ở bên phải bụng cùng với bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh. Viêm ruột thừa tiến triển nhanh chóng, có khả năng trở thành một cấp cứu y khoa. Bạn hãy ghi nhớ các triệu chứng nói trên để phát hiện sớm bệnh lý này. 

Nguyên nhân viêm ruột thừa

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác của viêm ruột thừa chưa được làm rõ. Các chuyên gia cho rằng bệnh phát triển khi một phần của ruột thừa bị tắc nghẽn bởi một số yếu tố, như:

  • Sự tích tụ của phân cứng
  • Nang bạch huyết mở rộng
  • Giun trong đường ruột
  • Chấn thương
  • Khối u

Khi ruột thừa bị tắc nghẽn, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi bên trong nó. Điều này khiến ruột thừa sưng tấy, hình thành mủ và gây đau bụng. 

Xét nghiệm viêm ruột thừa

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm ruột thừa, họ sẽ tiến hành khám lâm sàng, kiểm tra độ mức độ đau, phản ứng thành bụng ở vị trí hố chậu phải. 

Tùy thuộc vào kết quả khám, bác sĩ sẽ yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu của viêm ruột thừa hoặc loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra các triệu chứng của bạn. 

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm:

Công thức máu toàn phần (CBC)

Đây là xét nghiệm giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Để thực hiện xét nghiệm này, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Viêm ruột thừa thường đi kèm với tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm trùng ở đường tiết niệu hoặc các cơ quan khác trong ổ bụng cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như của viêm ruột thừa.

Xét nghiệm máu giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Nguồn ảnh: neoteryx.com

Xét nghiệm nước tiểu

Để loại trừ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu. Với xét nghiệm này, mẫu nước tiểu của bạn sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Thử thai

Trong một số trường hợp, viêm ruột thừa cần phân biệt với chửa ngoài tử cung (một bệnh lý do trứng đã thụ tinh làm tổ trong vòi trứng thay vì tử cung). Đây cũng là tình trạng cần cấp cứu y khoa kịp thời nhằm tránh nguy cơ vỡ khối chửa, gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mang thai ngoài tử cung, xét nghiệm thử thai sẽ được chỉ định. Để tiến hành xét nghiệm này, nhân viên y tế sẽ thực hiện phân tích mẫu nước tiểu hoặc máu hoặc siêu âm qua đường âm đạo để xác định và phát hiện vị trí khối chửa.

 Khám vùng chậu

Nếu bạn là nữ giới, các biểu hiện có thể do một số bệnh lý không phải viêm ruột thừa như: bệnh viêm vùng chậu, u nang buồng trứng hoặc bệnh lý khác của cơ quan sinh sản 

Để chẩn đoán loại trừ, bác sĩ cần tiến hành khám phụ khoa, bao gồm: khám âm đạo, âm hộ và cổ tử cung, tử cung và buồng trứng. Trong quá trình khám, nếu cần thiết, họ sẽ tiến hành lấy mẫu mô để xét nghiệm. 

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh vùng bụng

Xét nghiệm không những giúp chẩn đoán tình trạng viêm ruột thừa mà còn giúp xác định các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra các biểu hiện của bạn. 

Bác sĩ có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh sau:

  • Siêu âm bụng
  • Chụp X-quang bụng
  • Chụp CT bụng
  • Chụp MRI bụng

Trong một số trường hợp, bạn sẽ không được ăn bất kì thứ gì trong một khoảng thời gian trước khi làm xét nghiệm. 

Chẩn đoán hình ảnh vùng ngực

Một chẩn đoán phân biệt khác của viêm ruột thừa là bệnh viêm phổi thùy ở vị trí thùy dưới phải của phổi.

Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh lý này, xét nghiệm X-quang phổi là cần thiết hoặc xét nghiệm chụp CT ngực để đánh giá phổi chi tiết và chính xác hơn. 

Siêu âm có thể sử dụng để chẩn đoán viêm ruột thừa không?

Câu trả lời là có. Siêu âm ổ bụng là xét nghiệm đơn giản giúp bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu viêm, áp xe hoặc tình trạng khác ruột thừa.

Tất nhiên, bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh khác, như chụp CT. Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để tái hiện lại hình ảnh của các cơ quan trong khi chụp CT sử dụng các tia bức xạ. 

Xét nghiệm siêu âm gúp chẩn đoán viêm ruột thừa So với siêu âm, chụp CT tạo ra hình ảnh chi tiết hơn. Tuy nhiên, có một số nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với tia bức xạ khi chụp CT. Bác sĩ sẽ giải thích thêm về lợi ích và rủi ro tiềm ẩn trước khi thực hiện mỗi xét nghiệm này. 

Điều trị viêm ruột thừa

Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh, kế hoạch điều trị viêm ruột thừa được bác sĩ đưa ra bao gồm một hoặc nhiều bước sau:

  • Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa 
  • Dẫn lưu ổ áp xe bằng kim hoặc phẫu thuật 
  • Thuốc kháng sinh
  • Thuốc giảm đau 
  • Dịch truyền đường tĩnh mạch
  • Chế độ ăn lỏng

Trong một số các trường hợp, viêm ruột thừa tự thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Còn lại hầu hết các trường hợp, bạn cần tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa để điều trị. 

Nếu khối áp xe chưa vỡ, bác sĩ có thể điều trị áp xe trước khi tiến hành phẫu thuật. Đầu tiên, bạn được điều trị kháng sinh, sau đó, nhân viên y tế sẽ dùng kim để hút mủ khối áp xe.  

Phẫu thuật ruột thừa

Để điều trị viêm ruột thừa, bác sĩ áp dụng một loại phẫu thuật được gọi là phẫu thuật mổ ruột thừa. Trong phương pháp này, họ tiến hành cắt bỏ ruột thừa, kết hợp làm sạch ổ bụng nếu ruột thừa bị vỡ trước mổ.

Trong một số trường hợp, bác sĩ lựa chọn phương pháp mổ nội soi để thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Trong những trường hợp khác, họ ưu tiên sử dụng phương pháp phẫu thuật mổ mở để cắt bỏ ruột thừa. 

Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, phẫu thuật mổ ruột thừa cũng có một số rủi ro. Tuy nhiên, những rủi ro của việc mổ ruột thừa nhỏ hơn những rủi ro của việc không mổ. 

Viêm ruột thừa cấp tính

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm ruột thừa nặng, xuất hiện đột ngột. Các triệu chứng có xu hướng phát triển nhanh chóng trong vòng một đến hai ngày. 

Bệnh cần được điều trị ngay lập tức để tránh nguy cơ vỡ ruột thừa. Đây là một biến chứng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong. 

Viêm ruột thừa mạn tính

Viêm ruột thừa mạn tính ít gặp hơn viêm ruột thừa cấp tính và các triệu chứng cũng tương đối nhẹ hơn. Chúng có khả năng biến mất trước khi xuất hiện trở lại trong khoảng thời gian vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm. 

Chính vì vậy loại viêm ruột thừa này thường khó chẩn đoán hơn. Đôi khi, bệnh không được chẩn đoán cho đến khi tiến triển thành viêm ruột thừa cấp tính. 

Viêm ruột thừa ở trẻ em

Ước tính có khoảng 70.000 trẻ em bị viêm ruột thừa mỗi năm ở Hoa Kỳ. Mặc dù bệnh phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi, nhưng nó có thể gặp ở mọi lứa tuổi. 

Ở trẻ em và thanh thiếu niên, viêm ruột thừa thường gây đau bụng ở gần rốn. Cơn đau với mức độ tăng dần và di chuyển xuống hố chậu phải 

Các triệu chứng khác trẻ có thể gặp, như:

  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Sốt
  • Buồn nôn 
  • Nôn 

Nếu con bạn xuất hiện các triệu chứng của viêm ruột thừa, hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức. 

Thời gian hồi phục cho bệnh viêm ruột thừa

Thời gian hồi phục cho bệnh viêm ruột thừa của bạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Sức khỏe tổng quát  
  • Liệu bạn có bị biến chứng do viêm ruột thừa hoặc phẫu thuật hay không
  • Phương pháp điều trị là gì

Nếu bạn phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bạn có thể được xuất viện vài giờ sau khi kết thúc phẫu thuật hoặc ngày hôm sau. 

Nếu bạn phẫu thuật mổ mở, thời gian hồi phục thường lâu hơn, yêu cầu chăm sóc theo dõi nhiều hơn.

Trước khi bạn ra viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ và kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau để hỗ trợ quá trình hồi phục. Họ cũng khuyên bạn điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh hoạt động gắng sức hoặc thay đổi một số thói quen hàng ngày trong thời gian chữa bệnh. 

Có thể mất vài tuần để bạn hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật. Nếu bạn xuất hiện các biến chứng, quá trình hồi phục cần nhiều thời gian hơn.  

Viêm ruột thừa trong thời kỳ mang thai

Viêm ruột thừa cấp là trường hợp cấp cứu ngoài sản khoa thường gặp nhất cần phẫu thuật trong thai kỳ và chiếm khoảng 0,04% đến 0,2% ở phụ nữ mang thai. 

Các triệu chứng của viêm ruột thừa có thể bị nhầm lẫn với cảm giác khó chịu thường ngày khi mang thai. Mang thai cũng khiến ruột thừa di chuyển đến nơi khác trong ổ bụng, dẫn đến thay đổi vị trí của cơn đau. Điều này làm cho việc chẩn đoán càng khó khăn hơn.

Các lựa chọn điều trị trong thời kỳ mang thai có thể bao gồm một hoặc nhiều bước sau đây: 

  • Phẫu thuật mổ ruột thừa 
  • Dẫn lưu áp xe bằng kim hoặc phẫu thuật
  • Thuốc kháng sinh

Việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ có nguy cơ làm tăng biến chứng, bao gồm cả sảy thai. 

Biến chứng tiềm ẩn của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như áp xe ruột thừa. Hơn nữa, ổ áp xe này có thể rò rỉ mủ và vi khuẩn vào ổ bụng. 

Vỡ ruột thừa cũng là biến chứng nguy hiểm do phân và vi khuẩn lan tràn vào ổ bụng, làm cho ổ bụng nhiễm trùng và viêm. Tình trạng này còn được gọi là viêm phúc mạc, gây nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong. 

Ngoài ra vi khuẩn từ ổ áp xe hoặc ruột thừa bị vỡ có khả năng xâm nhập vào bàng quang hoặc đaị tràng, di chuyển theo mạch máu đến các cơ quan khác của cơ thể. 

Để ngăn ngừa hoặc điều trị những biến chứng này, bác sĩ cần kê đơn kháng sinh, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác. Trong một số trường hợp, bạn có nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ hoặc biến chứng do điều trị. Tuy nhiên, các rủi ro liên quan đến kháng sinh và phẫu thuật có xu hướng ít nghiêm trọng hơn so với các biến chứng tiềm ẩn của viêm ruột thừa không được điều trị. 

Phòng bệnh viêm ruột thừa

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa viêm ruột thừa. Nhưng một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý này. Mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn vấn đề này, nhưng thực tế cho thấy, bệnh viêm ruột thừa ít gặp hơn ở những quốc gia có chế độ ăn giàu chất xơ. 

Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm:

  • Trái cây
  • Rau
  • Đậu lăng, đậu Hà Lan tách hạt và các loại đậu khác
  • Bột yến mạch, gạo lứt, lúa mì nguyên hạt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác

Bổ sung chất xơ bằng một số cách như:

  • Rắc cám yến mạch hoặc mầm lúa mì lên ngũ cốc ăn sáng, sữa chua và salad
  • Nấu ăn hoặc nướng với bột mì nguyên cám 
  • Sử dụng gạo lứt thay vì gạo trắng
  • Thêm đậu tây hoặc các loại đậu khác vào món salad
  • Ăn trái cây tươi tráng miệng

Yếu tố nguy cơ của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa gặp ở bất kỳ ai. Nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm: 

  • Tuổi tác: Viêm ruột thừa phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi.
  • Giới tính: Viêm ruột thừa thường gặp ở nam hơn nữ.
  • Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị viêm ruột thừa có nguy cơ cao mắc bệnh này cao hơn.
  • Mặc dù cần nghiên cứu thêm, nhưng chế độ ăn ít chất xơ cũng làm tăng nguy cơ viêm ruột thừa. 

Phân loại viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa được chia thành viêm ruột thừa cấp tính và mạn tính. Trong trường hợp viêm ruột thừa cấp tính, các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng và khởi phát đột ngột. Trong trường hợp mạn tính, các triệu chứng xu hướng nhẹ hơn, xuất hiện và biến mất trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm. 

Tình trạng bệnh có thể đơn thuần hoặc phức tạp. Trong đó những trường hợp viêm ruột thừa đơn thuần là những trường hợp không có biến chứng. Các trường hợp phức tạp liên quan đến các biến chứng, chẳng hạn như áp xe hoặc ruột thừa bị vỡ. 

Viêm ruột thừa và các biện pháp hỗ trợ tại nhà

Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của viêm ruột thừa. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được can thiệp y khoa. Và sẽ không an toàn nếu bạn chỉ dựa vào các biện pháp khắc phục tại nhà để điều trị. 

Nếu bạn tiến hành mổ ruột thừa, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau để hỗ trợ quá trình hồi phục của bạn. Ngoài việc dùng thuốc theo quy định, các biện pháp sau giúp bệnh nhanh khỏi hơn, bao gồm: 

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Uống nhiều nước
  • Đi dạo nhẹ nhàng mỗi ngày
  • Tránh các hoạt động gắng sức và nâng các vật nặng 
  • Giữ cho vết mổ sạch sẽ và khô ráo

Trong một số trường hợp, bác sĩ khuyến khích bạn điều chỉnh chế độ ăn uống. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn sau khi phẫu thuật, bạn có thể ăn những thức ăn ít hương vị như bánh mì nướng và cơm tẻ. Nếu bạn bị táo bón, bổ sung chất xơ giúp cải thiện tình trạng này.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!