Có nhiều loại vitamin K, tuy nhiên chỉ có hai loại được sử dụng để điều trị là K1 (phytonadione) và K2 (menaquinone), ngoài ra còn có K3 và K4 nhưng ít sử dụng hơn.
Vitamin K được sử dụng chủ yếu để điều trị các rối loạn đông máu hoặc làm giảm tác dụng gây loãng máu của warfarin. Bên cạnh đó, vitamin K cũng được sử dụng trong một vài trường hợp khác tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm.
Các trường hợp sử dụngVitamin K
Trẻ thiếu Vitamin K
Vitamin K đã được chứng minh có hiệu quả trong các trường hợp sau:
- Ở trẻ sơ sinh: phòng ngừa chảy máu do lượng vitamin K trong cơ thể thấp. Trong trường hợp này, dùng vitamin K1 qua đường tiêm thì hiệu quả hơn uống.
- Những người có nồng độ prothrombin trong máu thấp. Vitamin K1 được dùng theo đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch để phòng ngừa hoặc điều trị tình trạng chảy máu dó giảm nồng độ prothrombin do dùng một loại thuốc nào đó.
- Người măc bệnh rối loạn đông máu di truyền (thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K), sử dụng thuốc qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Người đang sử dụng warfarin (một thuốc có tác dụng làm loãng máu). Trong trường hợp này, vitamin K thường được sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, đường tiêm dưới da hầu như không có tác dụng.
Có thể hiệu quả ở người có tình trạng loãng xương: Vitamin K2 hoặc K1 dùng đường uống có thể cải thiện xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương ở những người có xương yếu. Nhưng dường như không hiệu quả ở người bình thường.
Không hiệu quả trong trường hợp xuất huyết não ở trẻ sinh non hay chảy máu não thất do chấn thương.
Có thể có tác dụng nhưng chưa đủ bằng chứng trong các trường hợp:
- Cải thiện hiệu suất hoạt động thể dục thể thao. Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng việc uống vitamin K2 có thể tăng cường hoạt động của tim, từ đó tăng hiệu suất của các hoạt động thể chất.
- Ung thư vú. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống giàu vitamin K2 có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú.
- Các bệnh tim mạch. Chế độ ăn uống giàu vitamin K không làm giảm nguy cơ giảm tử vong do đột quỵ, đau tim hoặc do các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, vitamin K có thể làm giảm quá trình hẹp các mạch máu xung quanh tim.
- Đục thủy tinh thể. Nguy cơ mắc đục thủy tinh thể giảm ở những người có chế độ ăn uống giàu vitamin K2.
- Trầm cảm. Cung cấp lượng vitamin K cao từ thực phẩm có liên quan đến làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm.
- Tiểu đường. Vitamin K2 có thể cải thiện việc kiểm soát đường huyết trên những bệnh nhân tiểu đường.
- Các bệnh về gan. Nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân suy gan giảm khi tiêm vitamin K.
- Ung thư phổi. Bổ sung vitamin K2 thông qua chế độ ăn uống có liên quan đến làm giảm nguy cơ ung thư và tử vong do ung thư phổi.
- Ung thư tuyến tiền liệt. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt giảm ở những người có chế độ ăn uống giàu vitamin K2. Trên vitamin K1 không quan sát thấy điều này.
- Viêm khớp dạng thấp. Sử dụng kết hợp thuốc điều trị viêm khớp và vitamin K2 giúp làm giảm các triệu chứng sưng khớp hơn là sử dụng đơn độc.
Tác dụng phụ Vitamin K
- Đối với đường uống. Vitamin K1 và K2 là an toàn tuyệt đối với hầu hết mọi người khi được sử dụng đúng liều lượng chỉ định: vitamin K1 là 10mg/ ngày và vitamin K2 là 45mg/ ngày. Một số trường hợp có thể gặp phải triệu chứng như đau bụng hoặc tiêu chảy.
- Sử dụng qua da. Kem bôi với nồng độ K1 là 0,1% an toàn với hầu hết mọi người.
- Sử dụng đường tiêm tĩnh mạch. Khi sử dụng đúng cách, vitamin K an toàn tuyệt đối với người dùng.
Lưu ý khi sử dụng Vitamin K
Phụ nữ có thai và cho con bú: Vitamin K an toàn tuyệt đối với phụ nữ có thai và cho con bú khi sử dụng với liều lượng phù hợp.
Trẻ em: Khi dùng theo đường uống hoặc đường tiêm với liều lượng phù hợp, vitamin K an toàn tuyệt đối với trẻ em.
Bệnh nhân suy thận: Bệnh nhân suy thận đang điều trị lọc máu có thể gặp nguy hại khi sử dụng quá nhiều vitamin K.
Bệnh nhân suy gan: Vitamin K không có hiệu quả điều trị các rối loạn đông máu do sự suy giảm chức năng gan gây ra. Trên thực tế, sử dụng vitamin K liều cao có thể khiến tình trạng rối loạn đông máu trở nên trầm trọng hơn.
Người bị giảm bài tiết mật: Người suy giảm bài tiết mật khó hấp thụ vitamin K hơn người bình thường. Do đó, họ thường sẽ cần sử dụng kết hợp muối mật và vitamin K bổ sung để cải thiện khả năng hấp thu.
Những tương tác thuốc thường gặp
Tương tác với Warfarin (Coumadin)
Vitamin K được sử dụng để hình thành và thúc đẩy quá trình đông máu. Trái ngược với đó, Warfarin có tác dụng làm chậm quá trình này. Do vậy, không nên sử dụng kết hợp 2 loại dược chất này với nhau.
Liều dùng và đường dùng
Đối với người lớn:
- Đường uống:
Đối với người loãng xương: dạng MK-4 của vitamin K2 được sử dụng với liều 45 mg/ ngày. Bên cạnh đó, vitamin K1 cũng được sử dụng với liều từ 1-10 mg mỗi ngày.
Đối với người bị rối loạn đông máu di truyền (thiếu hụt các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K): dùng liều 10 mg vitamin K, 2-3 lần/ tuần.
Để hạn chế tác dụng làm loãng máu của warfarin, vitamin K thường được sử dụng một liều duy nhất, từ 1-5 mg. Với những người sử dụng warfarin dài ngày, liều vitamin K duy trì là 100-200 microgam/ ngày.
- Đường tiêm:
Đối với bệnh nhân rối loạn đông máu di truyền: sử dụng 10 mg vitamin K theo đường tiêm tĩnh mạch.
Để hạn chế tác dụng loãng máu của warfarin, sử dụng một liều duy nhất 0.5-3 mg.
Đối với trẻ em:
- Đường uống:
Với trẻ sơ sinh bị xuất huyết do lượng vitamin K thấp: sử dụng 3 liều vitamin K1 với mỗi liều là 1-2 mg trong vòng 8 tuần đầu tiên. Ngoài ra, các liều đơn độc 1 mg K1, 5 mg K2 hoặc 1-2 mg K3 cũng được sử dụng.
- Đường tiêm
Đối với trẻ bị chảy máu, tiêm bắp với liều 1 mg vitamin K1.
Hiện nay, trên thực tế chưa có đủ thông tin khoa học để kết luận rằng lượng vitamin K nên sử dụng hằng ngày là bao nhiêu. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta chỉ nên dùng một lượng vừa đủ với nhu cầu của cơ thể, cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh 0-6 tháng: 2 mcg.
- Trẻ em 7-12 tháng: 2,5 mcg.
- Trẻ em 1-3 tuổi: 30 mcg.
- Trẻ em 4-8 tuổi: 55 mcg.
- Trẻ em 9-13 tuổi: 60 mcg.
- Thanh thiếu niên 14-18 tuổi (bao gồm cả người có thai và cho con bú): 75 mcg.
- Nam giới trên 19 tuổi: 120 mcg.
- Phụ nữ trên 19 tuổi (bao gồm cả người mang thai và cho con bú): 90 mcg.
Xem thêm: