Thiếu hụt vitamin K thường ít gặp. Tuy vậy nếu xảy ra sẽ gây chảy máu kéo dài vì cơ thể không có khả năng hình thành cục máu đông và cầm máu. Tình trạng này càng nguy hiểm ở bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu như warfarin.
Trong nội dung của bài viết này, chúng tôi sẽ bàn luận đến chức năng, vai trò của vitamin K đối với cơ thể, cũng như triệu chứng và cách điều trị đối với tình trạng thiếu hụt vitamin K.
Vitamin K là gì?
Vitamin K có 2 loại:
- Vitamin K1, hay còn có tên gọi khác là phylloquinone, có trong các loại rau xanh như cải bó xôi, cải xoăn…
- Vitamin K2, còn có tên gọi khác là menaquinone, có trong các sản phẩm từ động vật như bơ, lòng đỏ trứng gà, thực phẩm lên men…Ngoài ra,vi khuẩn đường ruột cũng tạo ra một lượng nhỏ vitamin này.
Cả 2 loại kể trên đều có khả năng tạo ra các protein, giúp hình thành quá trình đông máu, làm giảm hoặc ngăn ngừa tình trạng chảy máu.
Đa số người lớn đều được cung cấp đủ lượng vitamin K cần thiết thông qua chế độ dinh dưỡng và qua lượng vitamin mà cơ thể tự tạo ra. Một số loại thuốc và bệnh lý nhất định có thể làm giảm quá trình tổng hợp và ức chế quá trình hấp thu vitamin K, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt. Ngoài ra tình trạng này cũng thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây thiếu hụt vitamin K
Video: Bệnh thiếu Vitamin K
Một số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin K ở người lớn:
- Sử dụng các loại thuốc làm loãng máu hay thuốc chống đông. Đây là những loại thuốc ngăn cản sự hình thành cục máu đông, đồng thời chúng cũng ức chế hoạt động của vitamin K.
- Sử dụng các loại kháng sinh có ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và sản xuất vitamin K của cơ thể.
- Ăn uống thiếu chất.
- Sử dụng các loại vitamin A hoặc E liều cao.
Một vài bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin K, bởi chúng gây ra tình trạng kém hấp thu chất béo, ví dụ như:
- Bệnh celiac.
- Bệnh xơ nang.
- Rối loạn đường ruột hoặc đường mật (bao gồm gan, túi mật và ống dẫn mật).
- Cắt bỏ một phần ruột trong phẫu thuật ung thư.
Nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin K ở trẻ sơ sinh:
- Sữa mẹ chứa hàm lượng vitamin K thấp.
- Vitamin K không qua được hàng rào nhau thai.
- Gan của trẻ không thể sử dụng vitamin K một cách hiệu quả.
- Ruột của trẻ không có khả năng sản xuất vitamin K2 trong khoảng thời gian đầu đời.
Lượng vitamin K cần thiết cho cơ thể mỗi ngày và các loại thực phẩm chứa vitamin K
Theo các chuyên gia, lượng vitamin K cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày là:
- 120 microgam đối với nam giới.
- 90 microgam đối với nữ giới.
Các loại thực phẩm giàu vitamin K có thể kể đến như:
- Các loại rau xanh, ví dụ như rau bina, rau cải, rau diếp,…
- Dầu thực vật.
- Một số loại trái cây, ví dụ như việt quất hoặc sung.
- Thịt, bao gồm cả gan.
- Phô mai.
- Trứng.
- Đậu xanh.
- Đậu nành.
- Trà xanh.
Bạn cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của những loại thuốc khác.
Triệu chứng thiếu hụt vitamin K
Thiếu hụt vitamin K có thể gây ra một vài triệu chứng, trong đó điển hình nhất là chảy máu nhiều. Bạn có thể không nhận thấy tình trạng chảy máu đó, chúng thường chỉ được phát hiện khi bạn bị thương như đứt tay.
Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Dễ bị bầm tím.
- Xuất hiện cục máu đông ở dưới móng tay.
- Chảy máu ở các khu vực màng nhầy lót trong của cơ thể.
- Phân đen sẫm, màu hắc ín hoặc dính lẫn máu.
Còn ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ có thể tìm kiếm các dấu hiệu như:
- Chảy máu từ khu vực dây rốn.
- Chảy máu dưới da, mũi, đường tiêu hóa hoặc các bộ phận khác.
- Chảy máu dương vật (trong trường hợp trẻ được cắt bao quy đầu).
- Xuất huyết não tự nhiên – khá nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng.
Chẩn đoán thiếu hụt vitamin K
Để chẩn đoán tình trạng thiếu hụt vitamin K, bác sĩ thường thăm khám tiền sử bệnh của bạn, nhằm tìm hiểu các yếu tố nguy cơ liên quan.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm đông máu là thời gian prothrombin hay xét nghiệm PT. Thủ thuật này được tiến hành bằng cách lấy một lượng máu nhỏ, sau đó thêm hóa chất và xác định thời gian hình thành cục máu đông.
Thông thường, thời gian này rơi vào khoảng 11 đến 13,5 giây. Nếu con số này lớn hơn, có thể bạn đã bị thiếu hụt vitamin K.
Đồng thời, trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn cũng được yêu cầu tránh sử dụng những loại thực phẩm giàu vitamin K, nhằm hạn chế sai lệch kết quả.
Điều trị thiếu hụt Vitamin K
Thông thường, những đối tượng bị thiếu hụt vitamin K sẽ được chỉ định sử dụng một vài loại thực phẩm bổ sung qua đường uống hoặc đường tiêm nếu như khả năng hấp thu qua đường tiêu hóa kém.
Ở người lớn: liều dùng sẽ được quyết định dựa trên tuổi tác và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Thông thường là khoảng từ 1 đến 10 mg và có thể lặp lại sau mỗi 12 giờ.
Ở trẻ sơ sinh
Khi chào đời, trẻ có thể sẽ được tiêm một liều vitamin K, giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra.
Việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh là đặc biệt quan trọng nhất là trong các trường hợp như:
- Trẻ sinh non.
- Người mẹ đang sử dụng các loại thuốc chống co giật, thuốc chống đông máu hoặc thuốc điều trị lao.
- Trẻ kém hấp thu chất béo do các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc bệnh lý về gan.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng việc tiêm vitamin K cho trẻ có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các vấn đề như xuất huyết nội sọ, tổn thương não hoặc tử vong.
Tổng kết
Tình trạng thiếu hụt vitamin K ở người lớn rất ít khi xảy ra do chế độ ăn uống bình thường đã có khả năng cung cấp lượng vitamin đủ cho cơ thể.
Đối với trẻ sơ sinh, việc bổ sung vitamin K khi vừa chào đời có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc phải một số vấn đề về sức khỏe như xuất huyết tự nhiên.
Chế độ ăn uống đầy đủ có khả năng làm giảm hoặc ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt vitamin K.
Xem thêm: