Video Bệnh tiểu đường (type 1, type 2) & tiểu đường acid ketone (DKA)
Nếu không được kiểm soát liên tục và cẩn thận, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến tích tụ đường máu, làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm, bao gồm đột quỵ và bệnh tim.
Tiểu đường có thể phân thành các loại khác nhau và việc kiểm soát tình trạng bệnh phụ thuộc vào loại bệnh. Không phải tất cả các loại bệnh tiểu đường đều bắt nguồn từ việc một người bị thừa cân hoặc có lối sống thiếu vận động. Trên thực tế, một số loại xuất hiện từ thời thơ ấu.
Phân loại bệnh tiểu đường
3 loại tiểu đường chính có thể gặp là: loại 1, loại 2 và tiểu đường thai kỳ.
- Bệnh tiểu đường loại 1: Còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, loại này xảy ra khi cơ thể không sản xuất được insulin. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 phụ thuộc vào insulin, có nghĩa là họ phải dùng insulin nhân tạo hàng ngày để duy trì sự sống.
- Bệnh tiểu đường loại 2: Bệnh ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin. Trong khi cơ thể vẫn tạo ra insulin, không giống như ở loại 1, các tế bào trong cơ thể không phản ứng với nó một cách hiệu quả như trước đây. Đây là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất và nó có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh béo phì.
- Tiểu đường thai kỳ: Loại này xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai, khi cơ thể trở nên kém nhạy cảm hơn với insulin. Tiểu đường thai kỳ không xảy ra ở tất cả trường hợp và thường tự khỏi sau khi sinh con.
Các loại bệnh tiểu đường ít phổ biến hơn như bệnh tiểu đường đơn gen và bệnh tiểu đường liên quan đến bệnh xơ nang.
Tiền tiểu đường
Các bác sĩ đánh giá một số người mắc tiền tiểu đường khi lượng đường máu thường nằm trong khoảng 100 đến 125 mg / dL.
Mức đường huyết bình thường nằm trong khoảng 70 đến 99 mg / dL, trong khi một người mắc bệnh tiểu đường sẽ có lượng đường máu lúc đói cao hơn 126 mg / dL.
Tiền tiểu đường có nghĩa là lượng đường máu cao hơn bình thường nhưng không quá cao để chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, mặc dù họ thường không gặp phải đầy đủ các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Các yếu tố nguy cơ của tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường loại 2 là tương tự nhau. Đó là:
- Thừa cân
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
- Có nồng độ cholesterol lipoprotein tỉ trọng cao (high-density lipoprotein - HDL) giảm hơn 40 mg / dL hoặc 50 mg / dL
- Tiền sử huyết áp cao
- Bị tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con có cân nặng sơ sinh hơn 4 kg
- Tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome - PCOS)
- Là người gốc Phi, Mỹ bản địa, Mỹ Latinh hoặc Châu Á - Thái Bình Dương.
- Trên 45 tuổi
- Có lối sống ít vận động
Nếu bác sĩ xác định một người bị tiền tiểu đường, họ sẽ khuyến nghị người đó thực hiện những thay đổi có lợi cho sức khỏe để có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tiểu đường loại 2. Giảm cân và có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn thường có thể giúp ngăn ngừa bệnh.
Nguyên nhân gây tiểu đường
Các bác sĩ không biết nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường loại 1. Bệnh tiểu đường loại 2, còn được gọi là tiểu đường kháng insulin, có nguyên nhân rõ ràng hơn.
Insulin cho phép glucose từ thức ăn vào trong các tế bào của cơ thể để cung cấp năng lượng. Tình trạng kháng insulin thường là kết quả của vòng xoắn sau:
- Một người mang gen hoặc điều kiện đặc biệt khiến họ không thể sản xuất đủ insulin để đáp ứng lượng đường họ ăn vào.
- Cơ thể cố gắng tạo thêm insulin để xử lý lượng glucose dư thừa trong máu.
- Tuyến tụy không thể bắt kịp với nhu cầu insulin tăng lên và lượng đường dư thừa bắt đầu xuất hiện trong máu, gây ra các tổn thương.
- Theo thời gian, insulin trở nên kém hiệu quả hơn trong việc đưa glucose đến các tế bào và lượng đường máu tiếp tục tăng.
Trong trường hợp bệnh tiểu đường loại 2, tình trạng kháng insulin diễn ra dần dần. Đây là lý do tại sao các bác sĩ thường khuyên bạn nên thay đổi lối sống nhằm làm chậm hoặc đảo ngược vòng xoắn này.
Lối sống và chế độ ăn uống cho người tiểu đường
Video: Tránh biến chứng tiểu đường: Ăn uống thế nào?
Nếu bác sĩ chẩn đoán một người mắc bệnh tiểu đường loại 2, họ thường sẽ khuyến nghị nên thay đổi lối sống để hỗ trợ giảm cân và tăng cường sức khỏe.
Bác sĩ có thể giới thiệu một người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường đến một chuyên gia dinh dưỡng. Một bác sĩ chuyên khoa có thể giúp một người mắc bệnh tiểu đường có một lối sống năng động, cân bằng và kiểm soát tình trạng bệnh.
Chế độ ăn phù hợp cho người tiểu đường thường bao gồm:
- Ăn một chế độ ăn nhiều thực phẩm tươi, bổ dưỡng, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, protein nạc, sữa ít béo và các nguồn chất béo lành mạnh như các loại hạt.
- Tránh thực phẩm nhiều đường cung cấp calo rỗng hoặc calo không có lợi ích dinh dưỡng, chẳng hạn như nước ngọt có đường, thực phẩm chiên và món tráng miệng nhiều đường.
- Hạn chế uống quá nhiều rượu hoặc duy trì mức uống ít hơn 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào ít nhất 5 ngày trong tuần, như đi bộ, thể dục nhịp điệu, đi xe đạp hoặc bơi lội.
- Nhận biết các dấu hiệu của hạ đường máu khi tập thể dục, đó là chóng mặt, lú lẫn, suy nhược và đổ mồ hôi nhiều.
Mọi người cũng có thể thực hiện các biện pháp để giảm chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI), nó có thể giúp một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 kiểm soát tình trạng bệnh mà không cần dùng thuốc.
Giảm cân chậm và ổn định sẽ giúp bạn duy trì được lợi ích lâu dài.
Sử dụng insulin
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể cần phải tiêm hoặc hít insulin để giữ cho lượng đường máu của họ không trở nên quá cao.
Có nhiều loại insulin khác nhau và hầu hết được phân nhóm theo thời gian tác dụng của chúng, đó là insulin tác dụng nhanh, tác dụng ngắn, tác dụng trung gian và tác dụng kéo dài.
Một số người sẽ sử dụng cách tiêm insulin tác dụng kéo dài để duy trì lượng đường máu luôn ở mức thấp. Một số người có thể sử dụng insulin tác dụng ngắn hoặc kết hợp nhiều loại insulin. Dù là loại nào thì người bệnh cũng sẽ phải kiểm tra mức đường huyết bằng que thử.
Phương pháp kiểm tra lượng đường máu này sử dụng một loại máy đặc biệt cầm tay được gọi là máy đo đường huyết. Một người mắc bệnh tiểu đường loại 1 sẽ sử dụng kết quả đo lượng đường máu đó để xác định lượng insulin họ cần.
Tự theo dõi là cách duy nhất người bệnh có thể biết được lượng đường máu của họ. Mỗi triệu chứng xuất hiện đều có thể là dấu hiệu cho thấy một tình trạng nguy hiểm, trừ trường hợp lượng đường máu hạ rất thấp, khi đó người bệnh cần nạp ngay một lượng đường nhanh.
Sử dụng bao nhiêu là quá nhiều?
Insulin giúp những người mắc bệnh tiểu đường có một lối sống năng động. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là nếu một người dùng quá nhiều.
Quá nhiều insulin có thể gây hạ đường huyết, hoặc lượng đường máu cực thấp, và dẫn đến buồn nôn, đổ mồ hôi và run rẩy.
Do đó, điều cần thiết là mọi người nên đo insulin cẩn thận và ăn một chế độ ăn uống phù hợp để cân bằng lượng đường máu.
Các loại thuốc khác điều trị tiểu đường
Ngoài insulin, các loại thuốc khác có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh.
Metformin
Đối với bệnh tiểu đường loại 2, bác sĩ có thể kê đơn metformin ở dạng viên hoặc dung dịch.
Nó góp phần:
- Giảm lượng đường máu
- Làm cho insulin hoạt động hiệu quả hơn
Thuốc cũng có thể giúp giảm cân. Trọng lượng phù hợp có thể làm giảm tác động của bệnh tiểu đường.
Cũng như bệnh tiểu đường, một người cũng có thể có các nguy cơ sức khỏe khác và họ có thể cần thuốc để kiểm soát những nguy cơ này. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về nhu cầu của họ.
Thuốc ức chế SGLT2 và chất chủ vận thụ thể GLP-1
Vào năm 2018, hướng dẫn mới cũng khuyến nghị kê đơn thuốc bổ sung cho những người mắc:
- Bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Bệnh thận mãn tính
Đây là những chất ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2 (sodium-glucose cotransporter 2 - SGLT2) hoặc chất chủ vận thụ thể glucagon - like peptide -1 (GLP-1).
Đối với những người bị bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch và có nguy cơ cao bị suy tim, hướng dẫn khuyên bác sĩ nên kê đơn thuốc ức chế SGLT2.
Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 hoạt động bằng cách tăng lượng insulin do cơ thể sản xuất và giảm lượng glucose hấp thu vào máu. Nó là một loại thuốc tiêm. Người bệnh có thể sử dụng nó với metformin hoặc một mình. Các tác dụng phụ bao gồm các vấn đề về đường tiêu hóa, như buồn nôn và chán ăn.
Chất ức chế SLGT2 là một loại thuốc mới làm giảm mức đường máu. Chúng hoạt động riêng biệt với insulin và chúng có thể hữu ích cho những người chưa sẵn sàng bắt đầu sử dụng insulin. Thuốc dùng đường uống. Các tác dụng phụ gồm nguy cơ cao bị nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục và nhiễm toan ceton.
Tự theo dõi
Tự theo dõi lượng đường máu là rất quan trọng đối với quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả, nó giúp điều chỉnh lịch trình bữa ăn, hoạt động thể chất và thời điểm dùng thuốc, bao gồm cả insulin.
Mặc dù các máy tự theo dõi đường huyết (self-monitoring blood glucose - SMBG) khác nhau, nhưng chúng thường bao gồm một máy đo và que thử để đọc kết quả, kèm theo một thiết bị để chích da lấy một lượng máu nhỏ.
Tham khảo hướng dẫn cụ thể của máy đo trong mọi trường hợp, vì các máy sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các bước sau sẽ áp dụng cho nhiều loại máy trên thị trường:
- Đảm bảo cả hai tay sạch và khô trước khi chạm vào que thử hoặc máy đo
- Không sử dụng que thử nhiều lần và giữ chúng trong hộp đựng ban đầu để tránh bị ẩm làm thay đổi kết quả.
- Đóng hộp sau khi thử.
- Luôn kiểm tra ngày hết hạn.
- Các máy đo cũ hơn có thể yêu cầu mã hóa trước khi sử dụng. Kiểm tra xem máy hiện đang sử dụng có cần điều này không.
- Bảo quản máy đo và que thử ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Mang theo máy đo và que thử để tham khảo ý kiến bác sĩ khi kiểm tra độ chính xác của chúng.
Mặc dù việc lấy máu có thể gây khó chịu cho một số người nhưng việc chích đầu ngón tay để lấy máu xét nghiệm khá nhẹ nhàng, đơn giản.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Làm sạch khu vực lấy máu bằng nước ấm, xà phòng để tránh cặn thức ăn lọt vào thiết bị và làm sai lệch kết quả đọc.
- Chọn một cái kim châm nhỏ, mỏng để tạo sự thoải mái tối đa.
- Kim châm phải có cài đặt độ sâu để kiểm soát độ sâu của vết chích.
- Nhiều máy đo chỉ yêu cầu một mẫu máu có kích thước như giọt nước.
- Lấy máu ở cạnh bên ngón tay vì vị trí này ít gây đau hơn. Sử dụng ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út có thể dễ chịu hơn
- Trong khi một số máy đo cho phép lấy máy từ các vị trí khác, chẳng hạn như đùi và cánh tay trên, nhưng máu ở đầu ngón tay hoặc cạnh ngoài bàn tay cho kết quả chính xác hơn.
- Nên nặn lấy giọt máu theo chuyển động vuốt hơn là ép ngay tại vị trí chọc kim.
- Vứt bỏ cây kim châm theo quy định loại bỏ các vật sắc nhọn.
Mặc dù việc tự theo dõi liên quan đến điều chỉnh lối sống nhưng nó thường không gây khó chịu.
Biến chứng của tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một tình trạng nghiêm trọng, mạn tính. Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại bệnh tật tại Việt Nam, sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Mặc dù bản thân bệnh tiểu đường có thể kiểm soát được, nhưng các biến chứng của nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và một số có thể gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường bao gồm:
- Bệnh răng miệng và nướu
- Các vấn đề về mắt và mất thị lực
- Các vấn đề về chân, bao gồm tê bì, dẫn đến loét và các vết thương và vết cắt không lành
- Bệnh tim
- Tổn thương thần kinh, chẳng hạn như bệnh thần kinh tiểu đường.
- Đột quỵ
- Bệnh thận
Trong trường hợp bệnh thận, biến chứng này có thể dẫn đến suy thận, dẫn tới giữ nước khi cơ thể không thải nước một cách chính xác và người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang.
Thường xuyên theo dõi mức đường huyết và điều chỉnh lượng đường nạp vào cơ thể có thể giúp người bệnh ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm hơn của bệnh tiểu đường loại 2.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, dùng insulin là cách duy nhất để điều chỉnh và kiểm soát các tác động của tình trạng bệnh.
Tổng kết
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý làm thay đổi cuộc sống, đòi hỏi người bệnh phải kiểm soát lượng đường máu cẩn thận và có một lối sống lành mạnh để có thể kiểm soát nó một cách chính xác. Tiểu đường được phân thành một số loại khác nhau.
Loại 1 xảy ra khi cơ thể không sản xuất insulin. Loại 2 xảy ra khi tiêu thụ quá mức thực phẩm có lượng đường cao làm tăng nồng độ glucose trong máu đồng thời làm giảm sản xuất và giảm tác dụng của insulin.
Người bệnh có thể dùng insulin bổ sung để kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện tiêu thụ glucose. Nếu một người bị tiền tiểu đường, họ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoàn toàn thông qua tập thể dục thường xuyên và một chế độ ăn uống cân bằng, ít đường.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể nghiêm trọng, như suy thận và đột quỵ, vì vậy việc kiểm soát tình trạng bệnh là rất quan trọng.
Bất kỳ ai nghi ngờ mình có thể bị tiểu đường nên đến gặp bác sĩ.
Hỏi:
Nếu tiền tiểu đường không gây ra triệu chứng, làm thế nào để biết tôi mắc bệnh và thực hiện các bước để đảo ngược tình trạng này?
Đáp:
Nói chung, những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thường được kiểm tra tại phòng khám. Các yếu tố nguy cơ được liệt kê ở trên và các nhóm khác nhau có các khuyến nghị hơi khác nhau về thời điểm và tần suất sàng lọc.
Thông thường, chúng tôi sử dụng xét nghiệm gọi là HbA1C để nắm được tổng quan lượng đường của trong 3 tháng trước đó. Xét nghiệm này cũng có thể cho bác sĩ biết khả năng bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai gần - mức độ càng cao thì khả năng này càng cao.
Các bước chính để đảo ngược tình trạng tiền tiểu đường cũng giống như những điều chúng ta nói ở trên - giảm cân nếu bạn thừa cân, tập thể dục thường xuyên và ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
Xem thêm: