Viêm ruột thừa mạn tính là gì?
Ruột thừa có hình dạng như một chiếc túi nhỏ hình ngón tay hoặc hình xúc xích. Nó được nối với phần dưới cùng của ruột già (hay chính là phần gốc manh tràng).
Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng với biểu hiện đầu tiên dễ nhận thấy thường là đau bụng.
Viêm ruột thừa mạn tính là tình trạng viêm ruột thừa kéo dài trên một tuần.
Bệnh tương đối hiếm gặp, ước tính chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số các trường hợp viêm ruột thừa.
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa mạn tính
Viêm ruột thừa mạn tính gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp bệnh cũng không xác định được căn nguyên rõ ràng.
Thông thường, viêm ruột thừa mạn tính xảy ra do ruột thừa bị viêm và tắc nghẽn. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Tích tụ phân, chẳng hạn như khi bị táo bón
- Phân cứng lại và vôi hóa, còn được gọi là 'sỏi ruột thừa'
- Chấn thương ở bụng
- Khối u
- Tăng kích thước hạch bạch huyết và các tuyến
- Giun
- Sự tích tụ của các dị vật, chẳng hạn như đá, viên bi hoặc ghim
Triệu chứng viêm ruột thừa mạn tính
Viêm ruột thừa mạn tính thường khó chẩn đoán, vì các triệu chứng có thể khá nhẹ và dễ bị nhầm với một số bệnh lý khác.
Đau bụng nhẹ có khi là triệu chứng đầu tiên và duy nhất ở nhiều người
Cơn đau thường nằm ở phía dưới bên phải của bụng nhưng có thể lan dần về phía rốn, âm ỉ hoặc đau buốt.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác mà người bệnh có khả năng gặp phải như:
- Sốt
- Sưng và đau bụng
- Cảm thấy mệt mỏi và không có năng lượng
- Buồn nôn hoặc tiêu chảy
- Cảm thấy khó chịu, không khỏe
Tuy nhiên, không phải ai bị viêm ruột thừa mạn tính cũng sẽ có đầy đủ các triệu chứng này. Các triệu chứng có khi tự thuyên giảm và rồi lại tự xuất hiện trở lại. Điều này khiến các bác sĩ khó khăn hơn trong việc đưa ra chẩn đoán chính xác nếu tại thời điểm khám người bệnh không có các biểu hiện nêu trên.
Viêm ruột thừa mạn tính có nguy cơ đe dọa tính mạng. Vì vậy điều quan trọng là những người bị đau bụng tái phát kèm các triệu chứng trên phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế, nhất là khi các triệu chứng trở nên nặng hơn.
Viêm ruột thừa mạn tính và cấp tính có gì khác biệt?
Mặc dù bệnh viêm ruột thừa cấp tính và mạn tính có nhiều triệu chứng tương tự nhau nhưng vẫn có sự khác biệt quan trọng giữa chúng.
Trong viêm ruột thừa mạn tính, triệu chứng thường đến rồi đi, biến mất rồi lại xuất hiện, cứ lặp đi lặp lại như vậy trong một thời gian dài, thậm chí nhiều năm nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị.
Triệu chứng trong viêm ruột thừa cấp tính lại xuất hiện đột ngột và dữ dội hơn, thường trong khoảng thời gian 24–48 giờ. Những triệu chứng này ít khi bị bỏ qua và cần được cấp cứu ngay lập tức.
Triệu chứng điển hình nhất của viêm ruột thừa cấp tính là đau bụng bắt đầu xung quanh rốn và di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng. Lúc đầu, cơn đau chỉ nhẹ và âm ỉ, sau đó tăng dần lên.
Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa cấp tính bao gồm:
- Buồn nôn có hoặc không nôn
- Sốt nhẹ
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Chán ăn
- Bí trung tiện
Viêm ruột thừa thường xảy ra khi lòng ruột thừa bị tắc nghẹn bởi một vật gì đó, chẳng hạn như dị vật hoặc phân bị vôi hóa.
Viêm ruột thừa mạn tính có thể xảy ra ngay cả khi chỉ bị tắc một phần. Tuy nhiên, sự tắc nghẽn có khả năng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu sự tích tụ các chất gây tắc nghẽn ngày càng nhiều. Hoặc nếu áp lực từ lòng ruột có thể đẩy trôi được một phần khối tắc, tái thông lại được lòng ruột thừa thì các triệu chứng sẽ giảm cường độ hoặc biến mất hoàn toàn.
Các triệu chứng sau đó sẽ xuất hiện trở lại khi ruột thừa có đợt tắc nghẽn và viêm mới.
Chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa mạn tính
Mổ ruột thừa là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với bệnh viêm ruột thừa mạn tính.
Ban đầu, bác sĩ tiến hành khám lâm sàng để xác định xem bụng có mềm không và vị trí đau. Họ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ cần làm thêm một số xét nghiệm để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác có triệu chứng tương tự, bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Viêm thận
- Bệnh Crohn
- Viêm đại tràng
- U nang buồng trứng
- Bệnh viêm vùng chậu (PID)
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Rối loạn tiêu hóa khác
Các xét nghiệm được sử dụng để loại trừ các bệnh này bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Khám phụ khoa
- Thử thai
- Xét nghiệm nước tiểu
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Siêu âm bụng
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Nếu chẩn đoán xác định là viêm ruột thừa mạn tính, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc khuyên dẫn lưu ổ mủ xung quanh ruột thừa do nhiễm trùng.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị phổ biến nhất vẫn là cắt bỏ toàn bộ ruột thừa hay gọi là phẫu thuật mổ ruột thừa.
Cắt ruột thừa thường được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi - một phương pháp xâm lấn tối thiểu. Trong quá trình thực hiện mổ, bệnh nhân được gây mê toàn thân.
Biến chứng viêm ruột thừa mạn tính
Các biến chứng thường gặp của viêm ruột thừa mạn tính là:
- Viêm ruột thừa cấp tính
- Vỡ ruột thừa
- Áp xe ruột thừa
- Nhiễm trùng huyết
- Viêm phúc mạc
Các biến chứng trên đều là những biến chứng nặng và cần được can thiệp y khoa ngay lập tức. Điều quan trọng là không được bỏ qua các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa và phải đi khám bệnh sớm nhất có thể
Tổng kết
Viêm ruột thừa mạn tính diễn biến trong một thời gian dài, đặc trưng bởi các triệu chứng viêm ruột thừa tái đi tái lại theo thời gian. Nó khác với viêm ruột thừa cấp tính, nhưng nó cũng có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Mặc dù một người có thể sống chung với bệnh viêm ruột thừa mạn tính trong nhiều năm, nhưng tuyệt đối không được bỏ qua các triệu chứng. Việc chẩn đoán chậm trễ và điều trị muộn gây tác động xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Đau tái phát ở vùng bụng dưới có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý tiềm ẩn, vì vậy hãy đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
Xem thêm:
- Ruột thừa có chức năng gì? Dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa và biện pháp điều trị
- Viêm ruột thừa: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị
- Ung thư ruột thừa: Phân loại, triệu chứng và biện pháp điều trị
- Dấu hiệu cảnh báo cấp cứu y tế của viêm ruột thừa
- Viêm ruột thừa khi mang thai: Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị