Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phục hồi

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một nhóm các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa như: Táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng. IBS không phải là bệnh lý có tổn thương thực thể, nghĩa là không gây hư hại cho cấu trúc đường tiêu hóa hoặc làm tăng nguy cơ ung thư đường ruột. Tuy nhiên, đây là bệnh lý tổn thương chức năng hệ tiêu hóa, và người bệnh phải kiểm soát các triệu chứng bệnh thông qua thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.

Rối loạn đường ruột chức năng là gì?

Video Hội chứng ruột kích thích: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

IBS là một loại rối loạn chức năng của hệ đường ruột. Tình trạng này là kết quả của sự rối loạn chức năng hệ thần kinh- ruột, có liên quan đến các vấn đề mất tương tác phối hợp của não và hệ tiêu hóa.

Sự rối loạn vận động của hệ thần kinh-ruột khiến cho hệ tiêu hóa trở nên rất nhạy cảm. Hệ thống cơ trơn đường ruột bị kích thích theo hướng thay đổi hoạt động co bóp và tần suất nhu động ruột . Kết quả là gây đau bụng, tiêu chảy và táo bón.

Các loại IBS khác nhau 

Các nhà nghiên cứu phân loại IBS dựa trên triệu chứng đi ngoài, và việc phân loại IBS có thể ảnh hưởng đến việc điều trị, bởi vì mỗi loại IBS sẽ có thuốc điều trị khác nhau.

Thông thường, những người bị IBS đại tiện bình thường trong một số ngày và bất thường vào những ngày khác. Loại IBS mắc phải tùy thuộc vào nhu động ruột bất thường của người bệnh:

  • IBS kèm theo táo bón (IBS-C): Hầu hết phân sẽ cứng và vón cục.
  • IBS kèm tiêu chảy (IBS-D): Hầu hết phân dạng lỏng, nát.
  • IBS loại hỗn hợp (IBS-M): Phân  đi tiêu có thể cứng và vón cục, xen kẽ phân lỏng và nước trong cùng một ngày.

IBS ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Ở những người bị IBS, cơ trơn thành ruột  có xu hướng co thắt nhiều hơn bình thường. Những cơn co thắt này gây ra đau bụng cơn, mót rặn. Những người bị IBS cũng nhạy cảm hơn, có xu hướng chịu đau kém hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng tăng lượng vi khuẩn đường ruột trong IBS, góp phần gây ra các triệu chứng.

Các tên khác của IBS 

Bạn có thể nghe thấy những cái tên này cho IBS:

  • Viêm đại tràng kích thích.
  • Co thắt đại tràng.
  • Rối loạn tiêu hóa do tâm lý, vì các triệu chứng thường xảy ra khi bạn cảm thấy hồi hộp hoặc căng thẳng, lo lắng về mặt tinh thần.

Ai có nguy cơ bị IBS?

Tình trạng này thường xảy ra nhất ở những người trong độ tuổi thanh thiếu niên đến đầu 40 tuổi. Phụ nữ có thể có nguy cơ mắc IBS cao gấp đôi nam giới. IBS có tính chất gia đình.

Những người mang các yếu tố sau đây sẽ có nguy cơ cao hơn bị IBS:

  • Tiền sử gia đình có người bị IBS.
  • Căng thẳng cảm xúc, tâm lý lo âu, stress.
  • Không dung nạp thực phẩm.
  • Tiền sử lạm dụng thể chất hoặc tình dục.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng.

Các yếu tố khởi phát IBS?

Trong bệnh IBS, một số yếu tố nhất định có thể gây khởi phát các triệu chứng. Các tác nhân phổ biến bao gồm một số loại thực phẩm và thuốc. Căng thẳng lo âu cũng có thể là một nguyên nhân. Một số nhà nghiên cứu cho rằng IBS là phản ứng của ruột đối với các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống.

IBS có phổ biến không?

Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 10% đến 15% dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc IBS. Tuy nhiên, chỉ 5% đến 7%  được chẩn đoán IBS. Đây là căn bệnh phổ biến nhất của hệ tiêu hóa.

Nguyên nhân gây IBS

Các nhà nghiên cứu hiện không xác định chính xác nguyên nhân gây ra IBS. Nguyên nhân gây bệnh có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra, bao gồm:

  • Rối loạn chức năng: Do tăng kích thích đối với cơ trơn đường ruột gây rối loạn nhu động ruột. 
  • Tăng kích thích hệ thần kinh nội tạng: Các dây thần kinh tăng độ nhạy đối với kích thích
  • Rối loạn chức năng não-ruột: Mất tính đồng bộ giữa hệ thần kinh trung ương và các dây thần kinh ruột.

Các triệu chứng IBS

Đau bụng là triệu chứng thường gặp ở người bệnh IBS. Nguồn: GoodpathĐau bụng là triệu chứng thường gặp ở người bệnh IBS. Nguồn: Goodpath

Các triệu chứng của IBS bao gồm:

  • Đau bụng cơn do co thắt cơ trơn, đau bụng thường ở nửa dưới của bụng.
  • Bụng chướng
  • Rối loạn tiêu hóa, đại tiện khó kèm phân cứng hoặc phân lỏng 
  • Tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ giữa hai loại này.
  • Tăng trung tiện.
  • Phân có chất nhầy, có thể có màu trắng.

Phụ nữ bị IBS thường khởi phát các triệu chứng trong kỳ kinh nguyệt. Những triệu chứng này thường lặp đi lặp lại, có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc khó chịu. Khi bạn học được các kỹ năng quản lý cảm xúc và kiểm soát các đợt IBS, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Chẩn đoán IBS

Nếu bạn đang có các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa, hãy đi khám. Để chẩn đoán IBS, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh và khám sức khỏe tổng quát, khám tiêu hóa. Một số câu hỏi của bác sĩ như:

  • Bạn có bị đau bụng xuất hiện trước và sau đại tiện không?
  • Bạn có nhận thấy sự thay đổi về tần suất đại tiện không?
  • Phân có gì khác thường không?
  • Tần suất xuất hiện triệu chứng 
  • Các triệu chứng của bệnh khởi phát khi nào?
  • Bạn dùng những loại thuốc nào?
  • Gần đây bạn có bị ốm hoặc có một sự kiện căng thẳng nào trong cuộc sống không?

Tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán. Xét nghiệm máu, lấy mẫu phân và chụp X-quang có thể giúp loại trừ các bệnh khác.

Nội soi trực tràng

Tùy thuộc vào các triệu chứng, tiền sử bệnh và các yếu tố khác, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng hoặc nội soi toàn bộ đường tiêu hóa để kiểm tra. 

Nội soi đại tràng ống mềm có thể giúp đánh giá tình trạng rối loạn ruột, chảy máu trực tràng hoặc polyp. Bác sĩ nội soi sẽ:

Đưa một ống soi mềm kích thước dài, mỏng, linh hoạt đi vào hậu môn, qua trực tràng, đến đại tràng. Qua đó, bác sĩ đánh giá niêm mạc của trực tràng và của đại tràng.

Dưới đây là các bước thực hiện trong quá trình nội soi. Bác sĩ sẽ:

  • Đưa ống soi qua trực tràng.
  • Đưa ống soi đi lên đoạn trên của đại tràng và kiểm tra toàn bộ đại tràng.
  • Bấm mẫu mô sinh thiết trong đại trạng (nếu cần).
  • Xác định và loại bỏ polyp (các khối u nhỏ nhô vào lòng đại tràng) nếu cần.

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và thậm chí điều trị bằng phương pháp nội soi. Nội soi đại tràng là một thủ tục ít xâm lấn hơn nhiều so với phẫu thuật ổ bụng.

Tôi có cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa không?

Nếu bạn có các triệu chứng IBS, hãy khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ gia đình. Bác sĩ nội khoa có thể chuyển khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa là bác sĩ chuyên chẩn đoán và điều trị các bệnh về hệ tiêu hóa, bao gồm:

  • IBS.
  • Ung thư đại trực tràng (ruột kết).
  • Bệnh gan.
  • Rối loạn nuốt và bệnh lý thực quản.
  • Rối loạn tuyến tụy.

 Điều trị IBS

Chế độ ăn kiêng FODMAP là một lựa chọn phù hợp cho người bị IBS. Nguồn: My Gut FeelingChế độ ăn kiêng FODMAP là một lựa chọn phù hợp cho người bị IBS. Nguồn: My Gut Feeling

Không có biện pháp điều trị cụ thể dành cho tất cả mọi người. Việc điều trị cần cá thể hóa đối với từng người bệnh, và hầu hết mọi người có thể tìm thấy một phương pháp điều trị phù hợp. Các lựa chọn điều trị cơ bản sẽ bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp với cuộc sống của bạn.

Nhiều người nhận thấy rằng với những thay đổi này, các triệu chứng được cải thiện:

Thay đổi trong chế độ ăn uống:

  • Chế độ ăn uống giàu chất xơ: ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các loại hạt.
  • Thêm chất xơ bổ sung vào chế độ ăn uống 
  • Uống nhiều nước: Khoảng 8 cốc mỗi ngày.
  • Tránh uống cà phê, sô cô la, các loại trà và nước ngọt.
  • Hạn chế pho mát và sữa, bởi người bị IBS thường không dung nạp lactose phổ biến hơn bình thường. Đảm bảo bổ sung canxi từ các nguồn thực phẩm, chẳng hạn như bông cải xanh, rau bina, cá hồi hoặc thực phẩm bổ sung.
  • Chế độ ăn uống FODMAP thấp (giảm fructose, galactose, lactose, polyols, fructans) có thể giúp cải thiện các triệu chứng.

Thay đổi chế độ tập luyện:

  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Không hút thuốc.
  • Thử các bài tập thư giãn.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ.
  • Ghi lại các loại thực phẩm bạn ăn để có thể tìm ra loại thực phẩm nào gây khởi phát IBS. Các tác nhân phổ biến là ớt đỏ, hành lá, rượu vang đỏ, lúa mì và sữa bò.

Thay đổi chăm sóc y tế:

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống lo âu, trầm cảm nếu bạn bị trầm cảm và lo lắng cùng với biểu hiện đau bụng nhiều.

  • Các loại thuốc khác có thể giúp trị tiêu chảy, táo bón hoặc đau bụng.
  • Men vi sinh có thể là một lựa chọn giúp cải thiện triệu chứng.
  • Nói với bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện. Bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm để đánh giá các bệnh nền có phải là căn nguyên khởi phát IBS.

Điều gì xảy ra nếu thuốc không có tác dụng?

Trong một số trường hợp, các triệu chứng không đáp ứng với điều trị. Bác sĩ có thể chuyển khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Một số bệnh nhân được cải thiện triệu chứng bệnh thông qua:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).
  • Liệu pháp thôi miên.
  • Phản hồi sinh học.

Phòng bệnh IBS

Vì không xác định được nguyên nhân gây bệnh, không có cách nào để ngăn chặn hoặc tránh mắc bệnh. Nhưng nếu bạn bị IBS, bạn có thể giữ cho các triệu chứng không bùng phát bằng cách tránh các tác nhân gây bệnh.

Làm cách nào để kiểm soát IBS?

Thật khó để có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp ngay từ đầu. Việc lựa chọn có thể phải thử qua nhiều lần, nhiều cách khác nhau. Thật may là gần như tất cả mọi người mắc IBS đều có thể tìm được phương pháp điều trị có ích cho mình.

Thông thường, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt sẽ cải thiện các triệu chứng theo thời gian. Bạn có thể cần một chút kiên nhẫn khi tìm ra các yếu tố kích hoạt bệnh để có thể thực hiện các bước ngừa khởi phát bệnh. Nhưng sau một vài tuần hoặc vài tháng, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong cảm giác của mình. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn lên kế hoạch cho một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất và cải thiện triệu chứng.

Tiên lượng bệnh

Nếu tôi bị IBS, điều đó có nghĩa là tôi có nhiều khả năng mắc các vấn đề nghiêm trọng về đường tiêu hóa không?

Không, IBS không khiến bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh như viêm đại tràng, bệnh Crohn hoặc ung thư tiêu hóa.

IBS có gây tử vong không?

IBS không nguy hiểm đến tính mạng. Sống với tình trạng này có thể là một thách thức hoặc làm giảm chất lượng cuộc sống. Nhưng có nhiều cách để kiểm soát và chung sống với IBS.

Có cách nào chữa khỏi IBS không?

Không có cách chữa khỏi IBS. Mục tiêu của điều trị là kiểm soát và quản lý các triệu chứng.

Khi nào tôi nên đi khám?

Hãy đi khám nếu bạn có các triệu chứng nhiều hơn ba lần một tháng trong hơn ba tháng. Và nếu bạn có các triệu chứng ít thường xuyên hơn, nhưng chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có phương pháp cải thiện bệnh.

Một số triệu chứng có thể chỉ điểm một bệnh lý nghiêm trọng hơn. Hãy đi khám sớm nếu có các dấu hiệu:

  • Chảy máu tiêu hóa, phân lẫn máu đỏ, đen
  • Sốt
  • Gầy sút cân
  • Đau bụng nhiều

Làm thế nào tôi có thể chăm sóc bản thân tốt nhất nếu tôi bị IBS?

Trong một số trường hợp, IBS có thể sẽ kéo dài suốt đời. Nhưng nó không làm giảm tuổi thọ và không làm tăng nguy cơ phẫu thuật điều trị. Để hạn chế triệu chứng, hãy cố gắng xác định và tránh các tác nhân gây khởi phát triệu chứng: một số loại thực phẩm, thuốc và các tình huống căng thẳng. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn uống dinh dưỡng xung quanh nhu cầu cụ thể. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện.

Tôi nên hỏi bác sĩ điều trị điều gì khác?

Nếu bạn có các triệu chứng IBS, hãy hỏi bác sĩ:

  • Các bệnh khác cùng triệu chứng với IBS?
  • Những loại thuốc nào giúp cải thiện triệu chứng?
  • Tôi nên tránh những thực phẩm nào?
  • Tôi nên thực hiện những thay đổi lối sống nào khác?
  • Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp tôi được không?
  • Tôi có nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa không?
  • Khi nào tôi sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn?
  • Tôi có nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe khác không?

Những điểm cần nhớ

Sống chung với hội chứng ruột kích thích có thể là một thách thức. Các triệu chứng IBS, chẳng hạn như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng, thường làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, có các cách để kiểm soát nhằm làm giảm khởi phát các đợt IBS. Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể kiểm soát và cải thiện các triệu chứng thông qua thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Nếu bạn chưa cải thiện được các triệu chứng IBS, hãy đi khám và tham vấn ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn xây dựng kế hoạch điều trị IBS phù hợp với bạn.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Ăn cháo củ sen Uống nước sung nướng Uống nước nghệ tươi Nhai lá cây lược vàng Uống nước lá nổi hãm Uống nước hoa chuối Uống trà gừng Uống nước gạo rang Chườm nóng bụng
Xem thêm
Đi dạo Ngoài đi bộ, bạn cũng có thể thử các bài tập sau cho IBS: Chạy bộ Đạp xe nhàn nhã Thể dục nhịp điệu tác động thấp Bơi lội nhàn nhã Tập thể hình Thể thao có tổ chức Kéo dãn cơ thể để giảm đau yoga
Xem thêm
Ăn nhiều chất xơ Hạn chế gluten Chế độ ăn FODMAP thấp
Xem thêm
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một nhóm các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa như: Táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng. IBS không phải là bệnh lý có tổn thương thực thể, nghĩa là không gây hư hại cho cấu trúc đường tiêu hóa hoặc làm tăng nguy cơ ung thư đường ruột. Tuy nhiên, đây là bệnh lý tổn thương chức năng hệ tiêu hóa, và người bệnh phải kiểm soát các triệu chứng bệnh thông qua thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Hội chứng ruột kích thích được đánh giá là một tình trạng không gây nguy hiểm vì hầu như không đe doạ đến tính mạng. Tuy nhiên, hội chứng này rất khó điều trị dứt điểm và có thể tái đi tái lại nhiều lần, gây khó chịu cho người bệnh trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Một số triệu chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân
Xem thêm
Những người dưới tuổi 45. Những người thường xuyên lo âu, trầm cảm hoặc trong trạng thái tinh thần không ổn định. Nữ giới có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới hai lần. Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về đường ruột.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: IBS
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!