Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột, chưa rõ cơ chế khởi phát, đối tượng nào dễ mắc bệnh, và phương pháp điều trị nào giúp kiểm soát bệnh tốt nhất. Mặc dù việc điều trị bệnh Crohn đã đạt được ít nhiều thành tựu trong 3 thập kỉ qua, căn bệnh này vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.

Video: Bệnh Crohn (viêm đường tiêu hóa)

Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng tới bất kì đoạn nào của ống tiêu hóa, từ miệng tới lỗ hậu môn và hay gặp nhất ở ruột non và đại tràng. Tổn thương thường xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí, và có tính ngắt quãng, xen giữa vùng niêm mạc lành và vùng bệnh. 

Bệnh Crohn có mức độ tiến triển từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng đa dạng và thay đổi theo thời gian. Ở các trường hợp nặng, bệnh có thể gây đe dọa tính mạng và biến chứng phức tạp. 

Dưới đây là một số thông tin bạn nên biết về căn bệnh này. 

Triệu chứng bệnh Crohn 

Triệu chứng bệnh thường phát triển từ từ, tăng nặng dần theo thời gian, hiếm khi bệnh xuất hiện trầm trọng đột ngột từ đầu. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Crohn bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Cơn đau quặn bụng
  • Có máu trong phân
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Mất vị giác
  • Sụt cân
  • Cảm giác đại tràng luôn đầy dù đã đi vệ sinh
  • Cảm giác muốn đi đại tiện diễn ra thường trực

Các triệu chứng sớm thường gặp trong bệnh Crohn

Triệu chứng bệnh Crohn. Nguồn ảnh:  Dreamstime.com Triệu chứng bệnh Crohn. Nguồn ảnh:  Dreamstime.com Thỉnh thoảng, các triệu chứng sớm này có thể bị nhầm lẫn với những bệnh rối loạn tiêu hóa khác, như ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày, hoặc dị ứng. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu một trong các triệu chứng trên xuất hiện dai dẳng, kéo dài. 

Khi bệnh Crohn tiến triển, các triệu chứng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, bao gồm:

  • Rò quanh hậu môn, gây đau đớn và có đường rò phân gần lỗ hậu môn
  • Nhiều ổ loét ở bất kì vị trí nào từ miệng tới hậu môn
  • Viêm khớp và viêm da
  • Thở nhanh hoặc giảm khả năng vận động thể lực do thiếu máu.

Phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh Crohn giúp bạn tránh những biến chứng trầm trọng và có thể bắt đầu kế hoạch điều trị sớm.  

Nguyên nhân gây bệnh Crohn 

Cho tới nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Crohn vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiêu, các yếu tố dưới đây được cho là ảnh hưởng tới nguy cơ mắc căn bệnh khó chịu này:

  • Hệ thống miễn dịch 
  • Gen
  • Môi trường

Có tới 20% các trường hợp mắc bệnh Crohn có bố mẹ, con hoặc anh em ruột cũng mắc bệnh này. 

Theo một nghiên cứu năm 2012, các yếu tố gây ảnh hưởng đến mức độ trầm trọng của triệu chứng bệnh Crohn, bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Tuổi
  • Trực tràng có bị tổn thương hay không?
  • Thời gian mắc bệnh

Những người mắc bệnh Crohn có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm), đây cũng là các tác nhân góp phần gây ra những triệu chứng nặng và biến chứng của bệnh. Thêm vào đó bệnh Crohn và bản thân việc điều trị căn bệnh này cũng gây ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, như một vòng luẩn quẩn làm tăng nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. 

Nhiễm nấm phổi và đường tiêu hóa là tình trạng khá thường gặp ở những bệnh nhân Crohn. Do đó việc phát hiện ra những nhiễm trùng này và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng nấm sẽ giúp ngăn những biến chứng phức tạp có thể gặp.  

Crohn có phải là một loại bệnh tự miễn? 

Bệnh tự miễn khiến hệ thống miễn dịch hiểu nhầm và tự tấn công vào cơ thể mình. Mặc dù hệ thống miễn dịch đóng vai tròng quan trọng trong cơ chế viêm của bệnh Crohn, hiện nay vẫn chưa xác định chính xác liệu bệnh tự miễn có là nguồn căn của Crohn hay không, và hiểu biết về nguyên nhân bệnh vẫn còn chưa đầy đủ. 

Chẩn đoán bệnh Crohn 

Không có một xét nghiệm đơn lẻ nào là đủ để khẳng định chẩn đoán bệnh Crohn. Chẩn đoán căn bệnh này đòi hỏi sự phối hợp tỉ mỉ giữa triệu chứng lâm sàng, hình ảnh nội soi ống tiêu hóa, các xét nghiệm (máu, phân,…), chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh:

  • Xét nghiệm máu giúp chỉ ra các biến chứng của bệnh như thiếu máu, hoặc nhiễm trùng. 
  • Xét nghiệm phân nhằm phát hiện chảy máu từ ống tiêu hóa. 
  • Nội soi để đánh giá các tổn thương bên trong ống tiêu hóa.
  • Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cung cấp thông tin về mức độ nặng của bệnh, ví dụ phát hiện đường rò, lỗ thủng do ổ loét Crohn tiến triển.
  • Sinh thiết niêm mạc đường tiêu hóa trong quá trình nội soi để làm giải phẫu bệnh. 

Một khi đã xem xét tất cả các thông tin và xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ loại bỏ những chẩn đoán không phù hợp và đưa ra kết luận bệnh Crohn. Ngoài ra, các xét nghiệm này có thể lặp lại để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh theo thời gian.  

Điều trị bệnh Crohn 

Phối hợp nhiều phương pháp trong điều trị giảm nhẹ triệu chứng bệnh Crohn.   Nguồn ảnh: ibdrelief.com

Phối hợp nhiều phương pháp trong điều trị giảm nhẹ triệu chứng bệnh Crohn. 

Nguồn ảnh: ibdrelief.com

Hiện tại, việc chữa khỏi hoàn toàn bệnh Crohn là điều không thể. Có nhiều lựa chọn điều trị giúp giảm thiểu triệu chứng và kìm hãm sự tiến triển của bệnh. 

Thuốc

Các thuốc trị tiêu chảy và kháng viêm hay dùng để giảm nhẹ các triệu chứng trong bệnh Crohn. Ngoài ra, các thuốc sinh học cũng được dùng cho những trường hợp bệnh từ vừa đến nặng nhằm tác động lên hệ thống miễn dịch của người bệnh. 

Việc sử dụng loại thuốc nào, phối hợp ra sao, phụ thuộc hoàn toàn vào triệu chứng, bệnh sử, mức độ nặng của bệnh và đáp ứng thuốc của cơ thể.  

Nhóm thuốc chống viêm

Có 2 loại thuốc chống viêm chính hay dùng trong điều trị Crohn là 5-asa (5 aminosalicylates) đường uống, và corticoids. Đây là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị bệnh Crohn, sử dụng khi bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc đợt hoạt động trở lại của bệnh. Corticoid thường dùng cho các bệnh nhân triệu chứng nặng và chỉ dùng trong thời gian ngắn để hạn chế tác dụng phụ. 

Các thuốc điều hòa miễn dịch

Hệ miễn dịch tăng hoạt khiến phản ứng viêm xảy ra và dẫn đến các triệu chứng của bệnh Crohn. Các thuốc điều hòa miễn dịch sẽ tác động lên hệ thống này, làm giảm đáp ứng viêm và giới hạn mức độ phản ứng của hệ miễn dịch tự thân.  

Kháng sinh

Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng kháng sinh giúp giảm tỉ lệ một số biến chứng trong bệnh Crohn, ví dụ: dùng kháng sinh giúp giảm nguy cơ tạo đường rò và thủng ruột, là những biến chứng hay gặp.  

Liệu pháp sinh học

Các bệnh nhân mắc Crohn mức độ nặng có thể sử dụng liệu pháp sinh học để giải quyết đáp ứng viêm quá mức và giảm các triệu chứng bệnh. Cơ chế của các thuốc này là khóa các protein đặc hiệu vốn có vai trò thúc đẩy chuổi phản ứng viêm. 

Phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị thuốc tích cực và thay đổi lối sống không cải thiện triệu chứng, thì phẫu thuật có thể được áp dụng. Khoảng 75% các bệnh nhân Crohn phải trải qua ít nhất 1 cuộc phẫu thuật trong suốt thời gian mắc bệnh. 

Một số phẫu thuật giúp cắt bỏ đoạn ruột đã bị tổn thương nặng, và tái kết nối, lưu thông các đoạn ruột lành còn lại. Số khác giúp sửa chữa các các mô sẹo gây xơ dính, mô tổn thương thủng loét thành ruột, ổ mủ sâu do nhiễm trùng,…. 

Chế độ ăn

Thức ăn không phải là nguyên nhân gây bệnh Crohn, nhưng chúng có thể gây tái phát hoặc kích hoạt đợt cấp của bệnh. 

Do đó đồng hành cùng một chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn chế độ ăn phù hợp là điều nên làm cho các bệnh nhân mắc Crohn. Các chuyên gia dinh dưỡng này sẽ giúp bạn hiểu về ảnh hưởng của từng loại thực phẩm đến triệu chứng bệnh và cách sử dụng chế độ ăn thích hợp để cải thiện tình trạng bệnh.  

Khởi đầu, họ sẽ yêu cầu bạn ghi nhật kí thức ăn, chi tiết về món bạn đã ăn, và món đó khiến bạn cảm thấy ra sao. 

Sử dụng chính những thông tin này, chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn lập kế hoạch dinh dưỡng, nhằm tăng hấp thu các dưỡng chất từ thực phẩm, đồng thời giảm thiểu các tác dụng tiêu cực mà thực phẩm có thể gây ra. 

Không phải tất cả các bệnh nhân mắc Crohn đều cùng chung một chế độ ăn, do vị trí tổn thương và mức độ bệnh là khác nhau giữa mỗi cá thể. Việc theo dõi các triệu chứng sau khi ăn thử từng loại thực phẩm sẽ giúp tìm ra thực đơn phù hợp nhằm giảm triệu chứng cũng như các đợt tái phát bệnh.  

Điều chỉnh lượng chất xơ bạn hấp thụ

Cùng là bệnh Crohn, nhưng trong khi một số người cần chế độ ăn giàu chất xơ và đạm, thì nhiều người khác lại phải hạn chế thức ăn giàu xơ, do lượng chất xơ tồn dư trong loại thực phẩm này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa. Khi đó việc chuyển sang chế độ thức ăn ít chất xơ là lựa chọn phù hơp.  

Hạn chế hấp thu chất béo

Bệnh Crohn làm giảm khả năng giáng hóa và hấp thụ mỡ của ống tiêu hóa. Lượng mỡ ứ đọng này sẽ tích tụ trong ruột gây ỉa chảy. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2017 trên chuột cho rằng chế độ ăn giàu chất béo thực vật giúp cải thiện đáng kể hệ lợi khuẩn của ruột, từ đó hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng bệnh Crohn. Cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ ảnh hưởng tích cực của chất béo thực vật lên các bệnh nhân Crohn.  

Hạn chế lượng thực phẩm hấp thụ hàng ngày 

Bệnh Crohn có thể khiến hệ tiêu hóa của người bệnh trở nên kém dung nạp lactose. Do đó việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có thể gây khó chịu vùng dạ dày, quặn bụng, và tiêu chảy ở một số người.  

Uống đủ nước

Bệnh Crohn có thể gây ảnh hưởng tới khả năng hấp thu nước của ống tiêu hóa, dẫn đến tình trạng mất nước trên lâm sàng. Nguy cơ mất nước lại càng tăng lên gấp bội khi người bệnh có tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa. 

Cân nhắc các nguồn vitamin và khoáng chất thay thế

Bệnh Crohn khiến khả năng hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm bị suy giảm. Do đó nếu bạn chỉ ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng vẫn chưa đủ mà nên bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để tìm ra loại viên uống tổng hợp phù hợp với bạn. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa người bệnh và các chuyên gia sức khỏe sẽ giúp xây dựng thực đơn cân bằng và hiệu quả.  

Các phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh Crohn 

Dầu cá rất giàu axit béo Omega-3, rất tốt cho hệ tiêu hóa bị tổn thương bởi Crohn.   Nguồn ảnh: nutraingredients-usa.com

Dầu cá rất giàu axit béo Omega-3, rất tốt cho hệ tiêu hóa bị tổn thương bởi Crohn. 

Nguồn ảnh: nutraingredients-usa.com

Các thuốc bổ và thực phẩm dưới đây thường được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng bệnh:

  • Probiotic (Men tiêu hóa là các lợi khuẩn đường ruột, giúp sản sinh các acid béo chuỗi ngắn tốt cho niêm mạc ruột, tăng số lượng lợi khuẩn sẵn có trong ruột, từ đó kìm hãm các vi khuẩn có hại vốn hay xúc tác cho các đợt hoạt động của bệnh Crohn. Tuy nhiên những dữ liệu khoa học về tính hiệu quả của men tiêu hóa còn hạn chế.
  • Prebiotics (nguồn thức ăn cho probiotics) là các thực phẩm chứa nhiều chất xơ - vốn là thực ăn của các lợi khuẩn. Chuối, yến mạch, hành, tỏi, các loại quả mọng,… là nguồn thực phẩm rất giàu prebiotics, giúp hệ lợi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và tăng sinh. 
  • Dầu cá là thực phẩm giàu Omega-3, đã được chứng minh khả năng điều trị bệnh Crohn trong nghiên cứu năm 2017. Dầu cá thu và cá hồi chứa hàm lượng omega-3 cực lớn. Bạn có thể sử dụng các viên nang dầu cá để bổ sung omega-3 cho cơ thể. 
  • Các loại thực phẩm chức năng như thảo mộc, vitamin, khoáng chất giúp giảm các triệu chứng của bệnh Crohn. Các nghiên cứu về lợi ích của chúng cũng đang được thực hiện, nhằm tìm ra loại mang lại tác dụng điều trị thực sự. 
  • Cây nha đam được nhiều người tin rằng mang lại tác dụng kháng viêm. Phản ứng viêm chính là yếu tố then chốt trong khởi phát và tiến triển bệnh Crohn
  • Châm cứu là một kĩ thuật đông y dùng các kim nhỏ châm vào da để kích thích các huyệt trên cơ thể. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy kết hợp châm cứu và xông ngải cứu giúp cải thiện các triệu chứng bệnh Crohn.

Nếu bạn đang sử dụng một trong các phương pháp điều trị tự nhiên nào trên đây, hãy nói với bác sĩ của bạn, bởi một số chất trong đó có thể gây tương tác với thuốc tây y, gây phản ứng bất lợi.  

Phẫu thuật trong điều trị bệnh Crohn 

Phẫu thuật được xem là lựa chọn điều trị cuối cùng của bệnh Crohn, nhưng có tới 75% các bệnh nhân Crohn cần phải thực hiện phẫu thuật để giảm triệu chứng hoặc giải quyết các biến chứng. 

Khi sử dụng thuốc đơn thuần không còn tác dụng hoặc các tác dụng phụ của thuốc quá nghiêm trọng, các bác sĩ có thể cân nhắc một trong những loại phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật tạo hình: giúp nới rộng và làm ngắn đoạn ruột, nhằm giảm sự tác động có hại mà tổn thương mô và sẹo gây dính, biến dạng ruột gây ra. 
  • Trong quá trình cắt bỏ đoạn ruột, những đoạn bị tổn thương không thể phục hồi bị loại bỏ. Các đoạn ruột khỏe mạnh còn lại được nối với nhau và tái lưu thông ống tiêu hóa. 
  • Hậu môn nhân tạo là một lỗ được bác sĩ phẫu thuật tạo ra ở da bụng, mở thông ruột với bên ngoài để người bệnh có thể loại bỏ phân ra ngoài. Lỗ thông này là vĩnh viễn khi toàn bộ đoạn ruột bên dưới chỗ mở thông đã tổn thương khó hồi phục, hoặc là tạm thời khi bác sĩ muốn cho ống tiêu hóa của bạn được nghỉ ngơi sau phẫu thuật. 
  • Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng khi đoạn đại tràng bị tổn thương không thể  hồi phục nguyên vẹn bởi bệnh Crohn. 
  • Phẫu thuật cắt bỏ cả đại tràng và trực tràng.

Phẫu thuật là biện pháp hữu ích nhằm giảm các triệu chứng của bệnh Crohn, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ, biến chứng do cuộc mổ có thể gây ra. Hãy trò chuyện cùng bác sĩ của bạn nếu bạn có bất cứ băn khoăn lo lắng nào về cuộc phẫu thuật sắp tới.  

6 biến thể của bệnh Crohn 

Dựa vào vị trí tổn thương, bệnh Crohn được chia thành 6 típ nhỏ hơn:

  • Tip dạ dày tá tràng: đây là loại ít gặp, chủ yếu tổn thương ở dạ dày và tá tràng (đoạn đầu của ruột non).
  • Tip viêm hỗng tràng: ít gặp với tổn thương gặp ở đoạn thứ hai của ruột non (hỗng tràng).
  • Tip viêm hồi tràng: tổn thương ở đoạn cuối của ruột non.
  • Tip viêm hồi manh đại tràng: đây là loại hay gặp nhất, tổn thương ở cả hồi tràng, manh tràng và đại tràng. 
  • Tip viêm đại tràng: bệnh chỉ ảnh hưởng đến đại tràng. Cả bệnh viêm đại tràng loét và bệnh viêm đại tràng Crohn đều gây tổn thương chính ở đại tràng, tuy nhiên bệnh Crohn gây viêm xuyên thành, tổn thương sâu hơn. 
  • Tip quanh lỗ hậu môn: thường gây ra rò hậu môn hoặc áp xe cạnh hậu môn.

Bệnh Crohn và Bệnh Viêm đại tràng loét 

Vị trí tổn thương trong bệnh viêm đại tràng loét và bệnh Crohn. 

Vị trí tổn thương trong bệnh viêm đại tràng loét và bệnh Crohn. Nguồn ảnh: verywellhealth.com Vị trí tổn thương trong bệnh viêm đại tràng loét và bệnh Crohn. Nguồn ảnh: verywellhealth.com 

Đây là 2 loại bệnh thuộc nhóm bệnh ruột viêm (IBD - Inflammatory Bowel Disease). Chúng có những điểm tương đồng, và nhiều khi gây nhầm lẫn trong chẩn đoán: 

  • Triệu chứng khởi phát khá giống nhau, bao gồm: ỉa chảy, đau bụng, cơn quặn bụng, chảy máu trực tràng, sụt cân và mệt mỏi. 
  • Đều hay gặp ở   người dưới 35 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc bệnh ruột viêm. 
  • Nhìn chung, bệnh ruột viêm ảnh hưởng tương đương đến cả hai giới, với tỉ lệ dao động theo từng độ tuổi. 
  • Mặc dù đã qua nhiều thập kỉ nghiên cứu, nguyên nhân của bệnh ruột viêm vẫn chưa được tìm ra. Cả hai loại bệnh đều được xúc tác chủ đạo bởi phản ứng quá mức của hệ miễn dịch và có sự tham gia của các yếu tố khác. 

Dưới đây là các đặc điểm khác nhau của hai loại bệnh trên: 

  • Bệnh viêm đại tràng loét chỉ ảnh hưởng đến đại tràng. Trong khi bệnh Crohn có thể ảnh hưởng bất kì đoạn nào của ống tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn.
  • Bệnh viêm đại tràng loét gây tổn thương nông hơn, giới hạn ở lớp niêm mạc. Trong khi bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến tất cả các lớp của thành ống tiêu hóa, thường là tổn thương xuyên thành. 

Những thống kê về bệnh Crohn

Thống kê từ trung tâm kiểm phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ cho thấy:

  • Khoảng 3 triệu người Mỹ mắc bệnh ruột viêm IBD. Trong số đó cơ trên 780000 người mắc bệnh Crohn.
  • Người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao gấp đôi người không hút. 
  • Mặc dù đã được chữa trị (bằng thuốc hoặc phẫu thuật), 50% trường hợp sẽ tái phát hoặc trải qua các triệu chứng khó chịu nhẹ trong vòng 5 năm sau khi điều trị. 
  • Khoảng 11% các bệnh nhân Crohn sẽ phải chịu các đượt hoạt động bệnh kéo dài. 

Bệnh Crohn và các biến chứng  

Bệnh Crohn gây ra nhiều phiền phức cho công việc và cuộc sống của bạn, cũng như vấn đề tài chính. Nếu bạn không có bảo hiểm y tế, việc chi trả quá cao cho các lần khám chữa và điều trị sẽ khiến bạn đau đầu. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến đến cuộc sống hàng ngày của bạn.  

Bệnh Crohn ở trẻ em

Hầu hết các bệnh nhân Crohn được chẩn đoán lần đầu khi ở lứa tuổi 20-30 tuổi. 

Típ bệnh Crohn viêm đại tràng hay gặp ở trẻ em và người lớn trẻ, thường gây ra sự khó khăn trong chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm đại tràng loét ở thời điểm chẩn đoán ban đầu. 

Việc điều trị bệnh Crohn ở trẻ em là vô cùng quan trọng, bởi khi trì hoãn điều trị sẽ khiến các xương yếu và chậm phát triển, và gây các rối loạn phát triển tâm thần ở trẻ. Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Kháng sinh
  • Aminosalicylates
  • Các thuốc sinh học
  • Thuốc điều hòa miễn dịch
  • Corticoid
  • Chế độ 

Các thuốc trên có thể gây ra một số tác dụng phụ trên trẻ em. Điều quan trọng là bạn luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn cho trẻ thuốc điều trị phù hợp.  

Tổng kết

Mặc dù các phương pháp điều trị hiệu quả bệnh Crohn vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Nhiều triệu chứng bệnh đã được kiểm soát tốt ở thời điểm hiện tại. 

Bác sĩ sẽ giúp bạn có được loại thuốc phù hợp, cũng như đưa ra lời khuyên về các phương pháp điều trị giảm nhẹ, và cách thay đổi lối sống, chế độ ăn. 

Nếu bạn có bất kì triệu chứng khó chịu nào của đường tiêu hóa, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để tìm ra nguyên nhân và các giải pháp phù hợp.  

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!