U nang buồng trứng: Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa

Buồng trứng là một cơ quan của hệ sinh sản nữ. Vị trí buồng trứng nằm ở vùng bụng dưới và hai bên tử cung. Phụ nữ có hai buồng trứng sản xuất trứng và các hormon estrogen và progesterone.

Video U nang buồng trứng: Dấu hiệu, Các giai đoạn, Ảnh hưởng mang thai và Thời điểm cần mổ

Đôi khi, trong buồng trứng sẽ phát triển những u nang chứa đầy dịch. Trong hầu hết các trường hợp, u nang buồng trứng không đau và không gây ra triệu chứng.

Phân loại u nang buồng trứng

Có nhiều loại u nang thực thể của buồng trứng như u bì và u lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, u nang cơ năng là loại phổ biến nhất. Hai loại u nang cơ năng bao gồm nang bọc noãn và nang hoàng thể.

Nang bọc noãn

Trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới, trứng phát triển trong nang trứng của buồng trứng. Khi đến kỳ kinh nguyệt, nang trứng này vỡ ra và giải phóng noãn. Nhưng nếu nang không vỡ, chất dịch bên trong nang có thể tiến triển thành u nang buồng trứng.

Nang hoàng thể

Thông thường, sau khi nang trứng giải phóng noãn, nó bắt đầu sản xuất progesterone và trở thành hoàng thể. Nếu trứng không được thụ tinh bởi tinh trùng, hoàng thể sẽ biến mất. Nếu thai kỳ không xảy ra và hoàng thể không biến mất, nó có thể chứa đầy chất dịch và tiến triển thành u nang. 

Các loại u nang buồng trứng khác bao gồm:

  • U bì (U quái): có thể chứa tóc, chất béo và các mô khác
  • U nang tuyến: khối u không phải ung thư có thể phát triển trên bề mặt bên ngoài của buồng trứng
  • U lạc nội mạc tử cung: nội mạc thường phát triển bên trong tử cung có thể hiện diện ở bên ngoài tử cung như buồng trứng, tiến triển thành u. Một số phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Tình trạng này làm buồng trứng chứa một số lượng rất nhiều các u nang nhỏ. Điều đó có thể làm cho buồng trứng to ra. Nếu không được điều trị, buồng trứng đa nang có thể gây vô sinh.

Triệu chứng của u nang buồng trứng

U nang buồng trứng tiến triển có thể gây đau thắt vùng chậu trong chu kỳ kinh nguyệt.  Nguồn ảnh: Pinterest

U nang buồng trứng tiến triển có thể gây đau thắt vùng chậu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Nguồn ảnh: Pinterest

Thông thường, u nang buồng trứng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xuất hiện khi u nang tiến triển. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chướng bụng 
  • Đau bụng âm ỉ
  • Đau bụng kinh
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau vùng thắt lưng 
  • Căng ngực
  • Buồn nôn và nôn

Các triệu chứng nghiêm trọng của u nang buồng trứng cần được cấp cứu ngay lập tức bao gồm:

  • Đau dữ dội vùng hạ vị 
  • Sốt
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Thở nhanh

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của u nang buồng trứng bị vỡ hoặc xoắn nang buồng trứng. Cả hai biến chứng này đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.

Biến chứng của u nang buồng trứng

Hầu hết các u nang buồng trứng đều lành tính và tự khỏi mà không cần điều trị. Những u nang này thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phát hiện một khối u nang buồng trứng khi khám định kỳ.

Xoắn nang buồng trứng là một biến chứng hiếm gặp của u nang buồng trứng. Đây là do khối u nang lớn làm cho buồng trứng bị xoắn hoặc di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Nguồn cung cấp máu cho buồng trứng bị cắt, và nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây tổn thương hoặc chết các tế bào của buồng trứng. Mặc dù không phổ biến, nhưng xoắn nang buồng trứng chiếm gần 3% các ca phẫu thuật cấp cứu phụ khoa.

Các u nang bị vỡ có thể gây đau dữ dội và chảy máu trong. Biến chứng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Chẩn đoán u nang buồng trứng

Bác sĩ có thể phát hiện u nang buồng trứng khi thăm khám vùng chậu định kỳ. Siêu âm giúp xác định kích thước, vị trí, hình dạng và thành phần (rắn hoặc chứa đầy chất lỏng) của u nang.

Các công cụ chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán u nang buồng trứng bao gồm:

  • Chụp CT
  • MRI
  • Siêu âm

Vì phần lớn các u nang biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng, bác sĩ có thể chưa đưa ra kế hoạch điều trị ngay lập tức mà sẽ chỉ định theo dõi. Bác sĩ có thể siêu âm lại cho bạn trong vài tuần hoặc vài tháng sau đó.

Nếu không có bất kỳ thay đổi nào về tình trạng của bạn hoặc nếu u nang tăng kích thước, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng, bao gồm:

  • Thử thai để đảm bảo bạn không mang thai
  • Kiểm tra nồng độ hormon như quá nhiều estrogen hoặc progesterone
  • Xét nghiệm máu CA-125 để tầm soát ung thư buồng trứng

Điều trị u nang buồng trứng

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị để loại bỏ u nang nếu nó không tự biến mất hoặc nếu phát triển lớn hơn.

Thuốc tránh thai

Nếu bạn bị u nang buồng trứng tái phát, bác sĩ có thể kê thuốc tránh thai để ngừng rụng trứng và ngăn chặn sự tiến triển của các u nang mới. Uống thuốc tránh thai cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.

Nội soi ổ bụng

Nếu u nang nhỏ và kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy loại trừ ung thư, bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng để phẫu thuật cắt bỏ u nang. Quy trình này bao gồm việc bác sĩ rạch một đường nhỏ gần rốn và sau đó đưa một dụng cụ nhỏ vào bụng để phẩu thuật loại bỏ u nang.

Phẫu thuật mở bụng

Nếu bạn có một u nang lớn, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ u nang thông qua vết mổ mở bụng. Bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết và nếu xác định rằng đó là ung thư, họ có thể tiến hành phẫu thuật cắt cả tử cung và buồng trứng của bạn.

Phòng ngừa u nang buồng trứng

Không thể ngăn chặn được u nang buồng trứng. Tuy nhiên, khám phụ khoa định kỳ có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng. U nang buồng trứng lành tính không tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể tương tự các triệu chứng của u nang buồng trứng. Do đó, điều quan trọng là phải đến khám bác sĩ của bạn để được chẩn đoán chính xác. Các triệu chứng như:

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng chậu
  • Ăn mất ngon
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đầy bụng

Tiên lượng

Tiên lượng u nang buồng trứng ở phụ nữ tiền mãn kinh là tốt.  Nguồn ảnh: medicinenet.com

Tiên lượng u nang buồng trứng ở phụ nữ tiền mãn kinh là tốt.

Nguồn ảnh: medicinenet.com

Hầu hết các u nang buồng trứng biến mất trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, u nang buồng trứng tái phát có thể xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ bị mất cân bằng nội tiết tố.

Nếu không được điều trị, một số u nang buồng trứng có thể làm giảm khả năng sinh sản. Điều này phổ biến với u lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang. Để cải thiện khả năng sinh sản, bác sĩ có thể cắt bỏ hoặc làm giảm kích thước u nang. U nang cơ năng và u nang bì không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Bác sĩ có thể chỉ định theo dõi u nang buồng trứng hoặc khuyên bạn nên phẫu thuật để loại bỏ bất kỳ khối u nào phát triển trên buồng trứng sau thời kỳ mãn kinh. Điều này là do nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng lên sau thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, u nang buồng trứng không làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Một số bác sĩ sẽ loại bỏ u nang nếu nó có đường kính lớn hơn 5 cm.

Hỏi:

U nang buồng trứng có ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ hoặc người đang cố gắng mang thai?

Tiến sĩ Alana Biggers đáp:

Một số loại u nang buồng trứng có liên quan đến giảm khả năng sinh sản trong khi những loại khác thì không. U lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang có thể làm giảm khả năng mang thai của phụ nữ. Tuy nhiên, u nang cơ năng và u bì không ảnh hưởng đến khả năng mang thai trừ khi chúng tăng kích thước quá lớn. Nếu bác sĩ phát hiện ra u nang buồng trứng khi bạn đang mang thai, việc điều trị có thể tùy thuộc vào loại hoặc kích thước của u nang. Hầu hết các u nang đều lành tính và không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn có thể cần phẫu thuật nếu nghi ngờ ung thư hoặc nếu u nang buồng trứng bị vỡ, xoắn hoặc kích thước quá lớn.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu u nang buồng trứng kích thước 40mm và không có các biểu hiện, triệu chứng bất thường thì có thể là u cơ năng và không gây nguy hiểm.
Xem thêm
Hội chứng buồng trứng đa nang sẽ làm rối loạn quá trình rụng trứng, làm giảm cơ hội mang thai.
Xem thêm
U nang buồng trứng cơ năng thường là u lành tính, có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm. Ngược lại, u nang buồng trứng thực thể thường tiến triển chậm, âm thầm qua nhiều năm
Xem thêm
Bạn không nên quá lo lắng bởi buồng trứng đa nang cũng là một căn bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, do đó bạn vẫn có khả năng mang thai một cách tự nhiên
Xem thêm
Buồng trứng đa nang là rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormon và kháng insulin, gây nên rất nhiều triệu chứng: chu kỳ kinh không đều, không có kinh, rậm lông, mụn, thừa cân, rụng tóc, buồng trứng rất nhiều nang khi siêu âm,…
Xem thêm
Đa phần u nang buồng trứng trái đều lành tính, có thể tự tiêu mà không cần điều trị. Nhưng trong một số trường hợp, khối u phát triển với kích thước lớn, bác sĩ có thể phát hiện thấy khối u di căn khi khám phụ khoa hoặc siêu âm.
Xem thêm
Chu kỳ kinh nguyệt không đều, thường kéo dài bất thường là dấu hiệu thường gặp nhất của hội chứng buồng trứng đa nang.
Xem thêm
Khả năng thành công tùy thuộc vào độ dày của vỏ buồng trứng và mức độ đáp ứng của từng người.
Xem thêm
Nang buồng trứng là một căn bệnh phụ khoa rất dễ gặp ở chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh có thể kiểm soát nhưng nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến vô sinh, ung thư
Xem thêm
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng khá đa dạng, tuy nhiên thường gặp nhất là do các vấn đề liên quan đến rối loạn nội tiết tố nữ, sự thay đổi hormon, các bệnh lý về nội mạc tử cung hoặc buồng trứng,...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Nang buồng trứng
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!