Viêm màng não ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và vắc xin phòng bệnh

Viêm màng não là tình trạng viêm màng não và tủy sống.

Video Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh viêm màng não

Mặc dù bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao nhất. Con bạn có thể bị viêm màng não khi vi khuẩn, vi rút hoặc nấm ở bộ phận khác của cơ thể di chuyển theo đường máu đến não và tủy sống.

Theo ước tính của một nghiên cứu năm 2017, trong số 1.000 ca sinh, khoảng 0,1 đến 0,4 trẻ sơ sinh (trẻ dưới 28 ngày tuổi) bị viêm màng não. Đó là một tình trạng đáng báo động, nhưng 90% những đứa trẻ này đều sống sót. Nghiên cứu tương tự cũng ghi nhận từ 20 đến 50% có các biến chứng lâu dài như khó khăn trong học tập và các vấn đề về thị lực.

Điều này thường không phổ biến, nhưng việc sử dụng vắc xin chống viêm màng não vi khuẩn đã làm giảm đáng kể số lượng trẻ sơ sinh mắc bệnh này (theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, trước khi có vắc xin phế cầu, tỉ lệ này là 10 trong số 100.000 trẻ dưới 1 tuổi). Theo ước tính của một bài báo nghiên cứu năm 2011: Từ năm 2002 đến năm 2007, khi vắc xin được tiêm chủng định kì, chỉ có khoảng 8 trong số 100.000 trẻ từ 1 đến 23 tháng tuổi mắc viêm màng não do vi khuẩn.

Các triệu chứng của bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Trẻ mắc viêm màng não thường rất buồn ngủ. Nguồn Medicalnewstoday.comTrẻ mắc viêm màng não thường rất buồn ngủ. Nguồn Medicalnewstoday.com

Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột. Bé khó dỗ dành, đặc biệt là khi được bế. Các triệu chứng khác có thể kể đến:

  • Sốt cao đột ngột
  • Ăn không ngon
  • Nôn mửa
  • Kém năng động hoặc hoạt bát hơn bình thường
  • Rất buồn ngủ hoặc khó thức dậy
  • Cáu kỉnh hơn bình thường
  • Đỉnh đầu (thóp) phồng lên 

Các triệu chứng khác có thể khó nhận thấy ở trẻ, chẳng hạn như:

  • Nhức đầu dữ dội
  • Cứng cổ
  • Nhạy cảm với ánh sáng chói

Thỉnh thoảng, em bé có thể bị co giật. Nhiều khi điều này là do sốt cao chứ không phải do viêm màng não.

Nguyên nhân của bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Vi khuẩn, vi rút hoặc nấm có thể gây viêm màng não cho trẻ.

Viêm màng não do vi rút từ lâu đã là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm màng não. 

Viêm màng não do vi khuẩn phổ biến thứ hai nhưng kể từ khi có vắc xin ngừa viêm màng não do vi khuẩn, nó càng trở nên ít phổ biến hơn. Viêm màng não do nấm rất hiếm.

Viêm màng não do vi rút

Viêm màng não do vi rút thường không nghiêm trọng như viêm màng não do vi khuẩn hoặc nấm, nhưng một số vi rút có thể gây nhiễm trùng nặng. Các loại vi rút phổ biến thường gây ra bệnh nhẹ bao gồm:

  • Các chủng vi rút đường ruột không gây bại liệt: Những vi rút này gây ra hầu hết các trường hợp viêm màng não do vi rút ở Hoa Kỳ. Chúng gây ra nhiều loại nhiễm trùng bao gồm cả cảm lạnh. Rất nhiều người mắc bệnh, nhưng rất ít người bị viêm màng não. Vi rút lây lan khi tiếp xúc với phân bị nhiễm khuẩn hoặc dịch từ miệng.
  • Bệnh cúm: Nó lây lan khi tiếp xúc với chất tiết từ phổi hoặc miệng của người nhiễm vi rút này.
  • Vi rút sởi và quai bị: Viêm màng não là một biến chứng hiếm gặp của những loại virus dễ lây lan này. Chúng dễ dàng lây lan khi tiếp xúc với chất tiết từ phổi và miệng bệnh nhân.

Các loại vi rút có thể gây ra bệnh viêm màng não nặng là:

  • Varicella: Vi rút gây ra bệnh thủy đậu. Nó dễ dàng lây lan khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
  • Vi rút herpes simplex : Mẹ có thể truyền vi rút sang cho con khi còn trong bụng mẹ hoặc khi sinh.
  • Vi rút West Nile: Bệnh này lây truyền qua muỗi đốt.

Trẻ em dưới 5 tuổi bao gồm cả trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị viêm màng não do vi rút. Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi có khả năng bị nhiễm vi rút nặng hơn.

Viêm màng não do vi khuẩn

Trong 28 ngày đầu sau sinh, bệnh viêm màng não do vi khuẩn thường do:

  • Liên cầu nhóm B: Loại này thường lây từ mẹ sang con khi sinh.
  • Trực khuẩn gram âm, chẳng hạn như Escherichia coli (E. coli) và Klebsiella pneumoniae: E. coli có thể lây lan qua thức ăn bị ô nhiễm, thức ăn được chế biến không đảm bảo vệ sinh hoặc từ mẹ sang con trong khi sinh.
  • Listeria monocytogenes: Mẹ mắc bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm vi khuẩn này từ mẹ khi vẫn còn trong bụng mẹ, đôi khi trong quá trình sinh.

Ở trẻ em dưới 5 tuổi, kể cả trẻ sơ sinh trên 1 tháng tuổi, vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm màng não là:

  • Phế cầu khuẩn: Thường có trong xoang, mũi và phổi. Nó lây lan qua không khí khi một bệnh nhân hắt hơi hoặc ho. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Neisseria: Là nguyên nhân phổ biến thứ hai của bệnh viêm màng não do vi khuẩn. Nó lây lan khi tiếp xúc với chất tiết từ phổi hoặc miệng của bệnh nhân. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc bệnh này cao nhất.
  • Haemophilus influenzaetype b (Hib): Lây lan khi tiếp xúc với chất tiết từ miệng của người mang mầm bệnh. Những người mang vi khuẩn thường không bị bệnh nhưng là trung gian truyền bệnh. Các bé phải được tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh trong vài ngày để bị phơi nhiễm. Ngay cả khi đó, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ chỉ trở thành người mang mầm bệnh và không bị viêm màng não.

Viêm màng não do nấm

Viêm màng não do nấm rất hiếm gặp vì nó thường chỉ ảnh hưởng đến người có hệ miễn dịch kém.

Mới phát hiện được 3 loại nấm sống trong đất và một loại sống xung quanh phân dơi và phân chim có thể gây viêm màng nào. Nấm xâm nhập vào cơ thể qua đường thở.

Trẻ sinh non thiếu cân có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu do một loại nấm có tên là Candida. Trẻ em thường mắc loại nấm này trong bệnh viện sau khi sinh. Sau đó, nó có thể di chuyển đến não gây viêm màng não.

Chẩn đoán viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Các xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán xác định viêm màng não và xác định nguyên nhân gây ra bệnh. Các xét nghiệm cần được chỉ định bao gồm:

  • Cấy máu: Nhỏ máu tĩnh mạch lên trên các đĩa có môi trường đặc biệt để vi khuẩn, vi rút hoặc nấm phát triển tốt trên đó. Nếu nhận thấy có sự phát triển trên đĩa, đó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não.
  • Xét nghiệm máu: Máu được lấy ra sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Chọc dò tủy sống: Chất lỏng bao quanh não và tủy sống của sẽ được lấy ra và xét nghiệm. Nó cũng được đặt trên những chiếc đĩa đặc biệt để xem có gì phát triển không.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Bác sĩ có thể chụp CT scanner sọ não để xem có ổ nhiễm trùng hay không, (gọi là áp xe).

Điều trị viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Việc điều trị bệnh viêm màng não phụ thuộc vào nguyên nhân. Trẻ sơ sinh bị viêm màng não do vi rút sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, hãy đưa bé đi khám càng sớm càng tốt bất cứ lúc nào bạn nghi ngờ bị viêm màng não. Bạn không thể chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh này cho đến khi bác sĩ thực hiện chỉ định xét nghiệm vì các triệu chứng tương tự như các bệnh lý khác.

Khi cần thiết, phải điều trị càng sớm càng tốt để có kết quả tốt.

Viêm màng não do vi rút

Thông thường, viêm màng não do vi rút đường ruột chủng không gây bại liệt, cúm, quai bị và sởi là nhẹ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Các bé mắc bệnh này có thể khỏi bệnh trong vòng 10 ngày mà không cần điều trị gì.

Viêm màng não do các vi rút khác như varicella, herpes simplex và vi rút West Nile có thể nghiêm trọng hơn. Điều đó nghĩa là cần phải nhập viện và điều trị bằng thuốc kháng vi rút qua đường tiêm tĩnh mạch.

Viêm màng não do vi khuẩn

Thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch thường được sử dụng để điều trị viêm màng não do vi khuẩn. Bệnh nhân có thể sẽ phải ở lại bệnh viện để điều trị.

Viêm màng não do nấm

Nhiễm nấm được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Bệnh nhân rất có thể sẽ phải điều trị nội trú ở viện trong một tháng hoặc hơn do nhiễm nấm rất khó khỏi.

Dự phòng bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Nguồn Meningitisnow.comNguồn Meningitisnow.com

Vắc xin có thể ngăn ngừa hầu hết nhưng không phải tất cả các loại viêm màng não nếu chúng được sử dụng theo khuyến cáo của CDC Hoa kỳ. Không có biện pháp nào hiệu quả 100%, vì vậy ngay cả trẻ sơ sinh được tiêm phòng cũng có thể bị viêm màng não.

Lưu ý rằng mặc dù có vắc xin viêm màng não, nhưng vắc xin này dành cho một loại viêm màng não do vi khuẩn cụ thể là viêm màng não do não mô cầu. Nó thường được khuyến nghị cho trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ, không được sử dụng cho trẻ sơ sinh.

Ở một số quốc gia như Vương quốc Anh, trẻ sơ sinh thường được tiêm chủng viêm màng não.

Viêm màng não do vi rút

Các loại vắc xin chống viêm màng não vi rút:

  • Vi rút cúm: Vắc xin bảo vệ khỏi bệnh viêm màng não do vi rút cúm gây ra, được tiêm chủng hàng năm từ khi đủ 6 tháng tuổi. Mặc dù trẻ nhỏ hơn không được tiêm vắc xin này, nhưng vắc xin giúp bảo vệ con bạn khi các thành viên trong gia đình và những người xung quanh đều được tiêm chủng.
  • Varicella: Vắc xin thủy đậu: Mũi đầu tiên được tiêm khi con bạn được 12 tháng tuổi.
  • Bệnh sởi, quai bị, rubella (MMR): Nếu mắc bệnh sởi hoặc quai bị có thể dẫn đến viêm màng não. Mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi.

Viêm màng não do vi khuẩn

Vắc xin chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh là:

  • Vắc xin Haemophilus influenzae týp B (Hib): Bảo vệ chống lại vi khuẩn H. influenza. Ở các nước phát triển, vắc xin Hib đã gần như loại bỏ được loại bệnh viêm màng não này. Vắc xin bảo vệ trẻ em khỏi bị nhiễm viêm màng não hoặc trở thành trung gian lây bệnh. Giảm số lượng người mang mầm bệnh để tạo ra miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc ngay cả trẻ sơ sinh không được tiêm chủng cũng được bảo vệ vì chúng ít có khả năng tiếp xúc với người mang mầm bệnh hơn. Mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
  • Vắc xin phế cầu (PCV13): Bảo vệ chống lại viêm màng não do nhiều chủng Streptococcus pneumoniae. Mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
  • Vắc xin viêm màng não cầu khuẩn: Bảo vệ chống lại Neisseria. Không được tiêm cho đến khi 11 tuổi, trừ khi trẻ có vấn đề với hệ thống miễn dịch hoặc họ đang đi du lịch đến quốc gia nơi vi khuẩn phổ biến, trong trường hợp như vậy thì bắt đầu tiêm từ 2 tháng tuổi.

Đối với liên cầu khuẩn nhóm B, có thể dùng kháng sinh cho mẹ khi chuyển dạ để giúp bé không bị mắc bệnh này.

Phụ nữ mang thai nên tránh pho mát làm từ sữa chưa tiệt trùng vì đây là nguồn chứa vi khuẩn Listeria, giúp ngăn người mẹ nhiễm vi khuẩn Listeria và sau đó truyền sang con.

Thực hiện theo các biện pháp phòng ngừa chung để tránh nhiễm trùng và giúp giảm nguy cơ bị viêm màng não do bất cứ loại vi khuẩn hoặc vi rút nào:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chế biến thực phẩm và sau khi:
    • Sử dụng phòng tắm
    • Thay tã cho con
    • Che miệng để hắt hơi hoặc ho
    • Xì mũi
    • Chăm sóc người có nguy cơ bị lây nhiễm hoặc bị nhiễm trùng
  • Thực hiện kỹ thuật rửa tay thích hợp : Rửa bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Đảm bảo rửa sạch cổ tay, kẽ dưới móng tay và nhẫn.
  • Che miệng bằng mặt trong của khuỷu tay hoặc khăn giấy mỗi khi hắt hơi hoặc ho. Nếu dùng bàn tay để che, hãy rửa sạch ngay.
  • Không dùng chung những thứ có thể dính nước bọt như ống hút, cốc, đĩa và đồ dùng. Tránh hôn người bị bệnh.
  • Không chạm vào miệng hoặc mặt nếu tay chưa rửa sạch.
  • Thường xuyên làm sạch và khử trùng các đồ vật bạn chạm vào như điện thoại, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, tay nắm cửa và đồ chơi.

Viêm màng não do nấm

Không có vắc xin cho bệnh viêm màng não do nấm. Trẻ sơ sinh ít có nguy cơ mắc vì không ở trong môi trường nấm sinh sống.

Vì nấm Candida thường có tại bệnh viện, nên chỉ cần thực các biện pháp chống nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng Candida (Candida dẫn đến viêm màng não ở trẻ sinh non nhẹ cân).

Di chứng lâu dài 

Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng không phổ biến nhưng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, trẻ em hầu như sẽ hồi phục hoàn toàn khi được chẩn đoán và điều trị sớm.

Nếu điều trị chậm trễ, bệnh nhân vẫn có thể hồi phục, nhưng có thể để lại một hoặc nhiều ảnh hưởng lâu dài như:

  • Mù lòa
  • Điếc
  • Co giật
  • Não úng thủy
  • Tổn thương não 
  • Khó khăn trong học tập

CDC Hoa Kỳ ước tính 85 đến 90% số người (trẻ sơ sinh và người lớn) bị viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu sống sót. Khoảng 11 đến 19% sẽ có di chứng lâu dài.

Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng khoảng 80 đến 90% những người khỏi bệnh không có di chứng lâu dài. CDC Hoa Kỳ ước tính 92% trẻ em bị viêm màng não do phế cầu sống sót.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!