Nhiễm nấm Candida: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng nấm men do nấm Candida gây ra, hầu hết là do Candida albicans. Những loại nấm này được tìm thấy gần như ở khắp mọi nơi trong môi trường. Một số có thể tồn tại vô hại cùng với hệ vi khuẩn đa dạng ở miệng, đường tiêu hóa và âm đạo.

Video nhiễm nấm Candida

Thông thường, nấm Candida được kiểm soát bởi vi khuẩn tại chỗ và hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu hệ vi khuẩn bị thay đổi bởi thuốc kháng sinh hoặc do thay đổi độ pH của môi trường sống thì có thể tạo điều kiện để nấm men phát triển và gây ra các triệu chứng.  

Candida có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc lan rộng, tùy thuộc vào từng người và sức khỏe chung của họ. 

Nhiễm nấm Candida có thể gây ra các triệu chứng ở những người khỏe mạnh. Thông thường nhiễm Candida chỉ giới hạn ở miệng, vùng sinh dục hoặc da. Tuy nhiên, những người có hệ thống suy yếu do bệnh tật hoặc dùng thuốc như corticosteroid hoặc thuốc chống ung thư không chỉ dễ bị nhiễm trùng tại chỗ hơn mà họ còn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng bên trong nghiêm trọng hơn.

Những vị trí cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi nấm Candida bao gồm: 

  • Bệnh tưa miệng - Bệnh tưa miệng là tên gọi chung của bệnh nhiễm trùng miệng do nấm Candida albicans gây ra. Nó lan đến các bề mặt ẩm ướt xung quanh môi, bên trong má, trên lưỡi và vòm miệng.  

Tưa lưỡi (Nguồn ảnh guardian.ng)Tưa lưỡi (Nguồn ảnh guardian.ng)

  • Viêm thực quản - Nhiễm nấm Candida trong miệng có thể lan đến thực quản, gây viêm thực quản.  
  • Nhiễm nấm Candida ở da - Candida có thể gây nhiễm trùng da, thường gặp ở những vùng mặc bỉm/ tã, ở những vùng da ít thông thoáng và ẩm ướt nhiều. Một số vị trí phổ biến gồm vùng mặc bỉm/tả; bàn tay của những người thường xuyên đeo găng tay cao su; vùng da ở gốc móng tay, đặc biệt đối với bàn tay tiếp xúc với độ ẩm; vùng xung quanh bẹn và nếp gấp của mông và các nếp gấp da dưới vú.
  • Nhiễm trùng nấm âm đạo - Nhiễm trùng nấm âm đạo thường không lây truyền qua đường tình dục. Trong suốt cuộc đời, 75% phụ nữ có khả năng bị ít nhất một lần nhiễm nấm Candida âm đạo và có tới 45% bị từ 2 lần trở lên. Phụ nữ có thể dễ bị nhiễm trùng nấm âm đạo hơn nếu họ đang mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường. Việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm Candida. 
  • Nhiễm nấm Candida sâu (ví dụ, nhiễm trùng huyết do nấm candida) - Ở thể nhiễm nấm Candida sâu, nấm Candida xâm nhập vào máu và lây lan khắp cơ thể, gây nhiễm trùng nặng. Điều này đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh có trọng lượng sơ sinh rất thấp và ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng do bệnh tật hoặc các loại thuốc như thuốc chống ung thư. Ở những người này, nấm Candida có thể xâm nhập vào máu qua đường truyền, vị trí mở khí quản hoặc vết thương phẫu thuật. Nhiễm nấm Candida sâu cũng có thể xảy ra ở người khỏe mạnh nếu nấm Candida xâm nhập vào máu do lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch, bỏng nặng hoặc vết thương do chấn thương.

Triệu chứng nhiễm nấm Candida

Nhiễm nấm Candida gây ra các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng. 

  • Bệnh tưa miệng - Bệnh tưa miệng gây ra các mảng trắng giống như sữa vón bên trong miệng, đặc biệt là trên lưỡi, vòm miệng và xung quanh môi. Nếu bạn cố gắng cạo sạch bề mặt màu trắng này, bạn có thể sẽ thấy một vùng bị viêm, đỏ, có thể chảy máu một chút. Có thể có những vùng da bị nứt, đỏ, ẩm ướt ở khóe miệng. Đôi khi các mảng tưa miệng gây đau, nhưng thường thì không đau.  
  • Viêm thực quản - Viêm thực quản do nấm Candida có thể làm nuốt khó hoặc đau và có thể gây đau ngực sau xương ức.
  • Nhiễm nấm Candida ở da - Nhiễm nấm Candida ở da gây ra các mảng da đỏ, ẩm ướt, đôi khi có mụn mủ nhỏ gần đó. 

Nhiễm nấm Candida ở da. (Nguồn ảnh asssa.es)Nhiễm nấm Candida ở da. (Nguồn ảnh asssa.es)

  • Nhiễm trùng nấm âm đạo - Nhiễm trùng nấm âm đạo có thể gây ra các triệu chứng sau: ngứa và / hoặc đau âm đạo; tiết dịch âm đạo đặc với kết cấu như pho mát mềm; cảm giác nóng rát khó chịu xung quanh cửa âm đạo, đặc biệt nếu nước tiểu dính vào khu vực này; đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục.
  • Nhiễm nấm Candidasâu - Khi nấm Candida lan vào máu, nó có thể gây ra một loạt các triệu chứng, từ sốt không rõ nguyên nhân đến sốc và suy đa cơ quan.

Chẩn đoán nhiễm nấm Candida

Bác sĩ sẽ khai thác chi tiết về bệnh sử của bạn. Họ cũng sẽ hỏi về chế độ ăn uống và sử dụng kháng sinh hoặc thuốc có thể ức chế hệ thống miễn dịch gần đây. Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm nấm Candida ở da, bác sĩ có thể hỏi cách bạn chăm sóc da và mức độ tiếp xúc nước.  

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán tưa miệng, nấm Candida ở da hoặc nhiễm trùng nấm âm đạo bằng cách thăm khám đơn giản. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán không chắc chắn, bác sĩ có thể lấy mẫu bằng cách cạo nhẹ bề mặt tổn thương để kiểm tra dưới kính hiển vi hoặc có thể gửi mẫu để nuôi cấy. Nuôi cấy đặc biệt hữu ích nếu bạn bị nhiễm trùng nấm tái phát sau khi điều trị. Trong trường hợp này, việc nuôi cấy có thể giúp xác định liệu nấm Candida có kháng lại liệu pháp điều trị nấm thông thường hay không. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn mắc một bệnh nội khoa chưa được chẩn đoán, làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida - như bệnh tiểu đường, ung thư hoặc HIV - thì bạn có thể cần xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác. 

Để chẩn đoán viêm thực quản do nấm Candida, bác sĩ có thể chỉ định nội soi thực quản – dạ dày. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ thực quản của bạn để được kiểm tra trong phòng xét nghiệm. 

Để chẩn đoán Nhiễm nấm Candida sâu, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu để kiểm tra trong phòng xét nghiệm xem có sự phát triển của nấm Candida hoặc các tác nhân lây nhiễm khác hay không. 

Thời gian điều trị nhiễm nấm Candida

Ở những người khỏe mạnh bị tưa miệng, nhiễm nấm Candida ở da hoặc nhiễm trùng nấm âm đạo, nấm Candida thường có thể được loại bỏ bằng một đợt điều trị ngắn thuốc kháng nấm (đôi khi một liều duy nhất). Tuy nhiên, ở những người bị AIDS hoặc các bệnh khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch, nhiễm nấm Candida có thể khó điều trị và có thể tái phát sau khi điều trị. Ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, nấm candida có thể đe dọa tính mạng nếu nó đi vào máu và lây lan đến các cơ quan quan trọng. 

Phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Nói chung, bạn có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp nhiễm nấm Candida bằng cách giữ cho da sạch và khô, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện một lối sống lành mạnh, bao gồm cả chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng kiểm soát chặt chẽ nồng độ đường máu.

Điều trị nhiễm nấm Candida

Điều trị nhiễm nấm Candida khác nhau tùy thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng: 

  • Tưa miệng - Các bác sĩ điều trị tưa miệng bằng thuốc bôi chống nấm như nystatin và clotrimazole. Đối với những trường hợp nhẹ, có thể ngậm nystatin dạng lỏng trong miệng rồi nuốt hoặc sử dụng viên ngậm clotrimazole tan được trong miệng. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể dùng thuốc chống nấm như fluconazole 1 lần mỗi ngày bằng đường uống.  
  • Viêm thực quản - Viêm thực quản do nấm Candida được điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống như fluconazole. 
  • Nhiễm nấm Candida ở da - Loại nhiễm trùng da này có thể được điều trị hiệu quả bằng nhiều loại bột và kem chống nấm. Khu vực bị ảnh hưởng phải được giữ sạch sẽ, khô ráo và tránh nứt nẻ.
  • Nhiễm trùng nấm âm đạo - Nhiễm trùng nấm âm đạo có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm bôi trực tiếp vào âm đạo dưới dạng viên nén, kem bôi, thuốc mỡ hoặc thuốc đạn. Chúng bao gồm butoconazole (Femstat), clotrimazole (Gyne-Lotrimin), miconazole (Monistat, Vagistat), nystatin (Mycostatin), và tioconazole (Monistat-1, Vagistat-1). Có thể dùng một liều fluconazole uống duy nhất. Bạn tình thường không cần điều trị. 
  • Nhiễm nấm Candida sâu - Loại nhiễm trùng này thường bắt đầu bằng thuốc chống nấm tiêm tĩnh mạch, chẳng hạn như voriconazole hoặc fluconazole. Những người có số lượng bạch cầu rất thấp có thể cần một loại thuốc kháng nấm tiêm tĩnh mạch thay thế, chẳng hạn như caspofungin hoặc micafungin.  

Khi nào cần đi khám


Bạn nên đi khám bất cứ khi nào bạn có các triệu chứng của nhiễm nấm Candida. 

Phụ nữ khỏe mạnh có thể tự điều trị bệnh viêm âm đạo do nấm Candida đơn giản. Đi khám nếu nó vẫn dai dẳng mặc dù đã điều trị tại chỗ hoặc nó tái phát ngay sau khi điều trị.

Tiên lượng

Thông thường, ở những người khỏe mạnh bị nhiễm nấm Candida bên ngoài, nhiễm trùng được điều trị đúng cách sẽ biến mất mà không để lại tổn thương vĩnh viễn. Nhiễm nấm Candida bên ngoài có thể mất nhiều thời gian để điều trị hơn và có nhiều khả năng tái phát ở những người cần dùng kháng sinh trong thời gian dài. 

Ở những người bị bệnh mạn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, các đợt nhiễm nấm Candida có thể kháng điều trị nhiều hơn và có thể tái phát sau khi điều trị kết thúc. Ở những người bị nhiễm nấm Candida sâu, những người được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả có tiên lượng tốt nhất, đặc biệt nếu tình trạng nhiễm trùng của họ có thể ngăn chặn trước khi nó lây lan đến các cơ quan chính. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!