Nguyên nhân viêm họng là gì?
Một số loại vi rút phổ biến có thể gây viêm họng bao gồm:
- Rhinovirus, coronavirus hoặc parainfluenza
- Adenovirus, có thể gây viêm kết mạc, còn được gọi là đau mắt đỏ, và gây các triệu chứng giống như cảm lạnh
- Bệnh cúm
- Virus Epstein-Barr, gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân
Bệnh bạch cầu đơn nhân (Mononucleosis hoặc Mono) là một bệnh nhiễm vi rút truyền nhiễm gây ra một loạt các triệu chứng giống như bệnh cúm. Vi rút có thể lây lan qua nước bọt, vì vậy một người có thể bị nhiễm bệnh khi dùng chung đồ dùng, tiếp xúc với người bị bệnh khi họ ho và hắt hơi, hoặc khi hôn, còn được gọi là “căn bệnh của những nụ hôn”. Bệnh bạch cầu đơn nhân chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên và thanh niên, nhưng cũng có thể bị ở trẻ em.
Nguyên nhân viêm họng ít phổi biến hơn là nhiễm trùng do vi khuẩn. Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus nhóm A) là nguyên nhân gây ra viêm họng khoảng 20–40% ở trẻ em. Người ta thường gọi viêm họng do nhiễm Streptococcus nhóm A là viêm họng liên cầu.
Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác có thể gây ra viêm họng bao gồm:
- Streptococcus nhóm C và G
- Chlamydia
- Bệnh lậu
- Mycoplasma pneumoniae
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng bao gồm:
- Có tiền sử dị ứng
- Có tiền sử bị viêm xoang thường xuyên
- Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc
Quá trình lây truyền
Cả hai dạng viêm họng do vi rút và vi khuẩn đều có thể lây lan. Vi trùng gây viêm họng có xu hướng sống trong mũi và họng.
Khi một người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi, họ sẽ tiết ra những hạt nhỏ có chứa vi rút hoặc vi khuẩn vào không khí. Một người có thể bị nhiễm bệnh do:
- Hít thở những giọt nhỏ này vào
- Chạm vào các vật bị ô nhiễm và sau đó chạm vào mặt, mắt, mũi, miệng
- Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bị ô nhiễm
Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm hoặc chạm vào mặt.
Mọi người thường hồi phục sau các bệnh nhiễm trùng do vi rút, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh của virus, mọi người có thể bị lây nhiễm trước khi có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người bệnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm họng lây lan sang người khác bằng cách ở nhà cho đến khi họ không còn sốt và đã dùng kháng sinh ít nhất 24 giờ.
Triệu chứng của viêm họng
Triệu chứng chính của bệnh viêm họng là đau, khô hoặc ngứa họng. Các triệu chứng bổ sung có thể xuất hiện tùy thuộc vào loại nhiễm trùng, chẳng hạn như các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm.
Các triệu chứng của viêm họng do vi rút bao gồm
- Ho
- Đau đầu
- Sổ mũi
- Kích ứng mắt
- Sưng amidan
- Chảy nước mũi sau
- Sưng hạch bạch huyết
- Mệt mỏi
Viêm họng liên quan đến tăng bạch cầu đơn nhân có thể có các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau bụng, đặc biệt là ở phía trên bên trái
- Mệt mỏi nhiều
- Kém ăn
- Sưng hạch bạch huyết
- Phát ban
Các triệu chứng của viêm họng do vi khuẩn có thể bao gồm:
- Đau khi nuốt
- Hạch bạch huyết ở cổ sung to nhưng mềm, di dộng
- Các mảng trắng hoặc mủ có thể nhìn thấy ở phía sau cổ họng
- Amidan sưng và đỏ
- Đau đầu
- Đau bụng
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Phát ban, được gọi là bệnh tinh hồng nhiệt (Scarlatina)
Bệnh lý tương tự
Tổn thương viêm vùng họng là một tình trạng phổ biến và do nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là một tình trạng gây viêm trong thanh quản hoặc hộp thanh. Thanh quản nằm ở phía trước của cổ họng, phía trên khí quản và nó chứa các dây thanh âm.
Viêm dây thanh âm có thể gây khàn giọng, một số người thậm chí có thể bị mất giọng tạm thời.
Mọi người có thể bị viêm thanh quản do căng dây thanh âm sau hoạt động la hét hoặc hoạt động nói quá mức.
Các nguyên nhân khác của viêm thanh quản bao gồm:
- Dị ứng
- Trào ngược axit dạ dày
- Nhiễm vi rút
- Nhiễm khuẩn
Viêm amiđan
Amidan là tập hợp các mô nằm ở hai bên của yết hầu. Viêm amidan là kết quả của nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn trong đó liên cầu nhóm A khá thường gặp.
Viêm amidan hiếm khi nghiêm trọng và thường tự khỏi hoặc chỉ với một đợt kháng sinh uống trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ amidan nếu tình trạng này kéo dài hoặc tiếp tục tái phát. Viêm amidan tái phát có thể được định nghĩa là 7 đợt trong 1 năm, 5 đợt trong 2 năm hoặc 3 đợt trong 3 năm. Việc nghỉ học thường xuyên của trẻ do tình trạng viêm amidan cũng có thể là một yếu tố khiến chuyên gia y tế khuyên nên cắt bỏ.
Nếu viêm amidan tiến triển thành áp xe thì cần phải phẫu thuật dẫn lưu.
Các triệu chứng của bệnh viêm amidan và viêm họng tương tự nhau. Viêm họng có thể bao gồm cả viêm amidan. Triệu chứng của hai loại bao gồm:
- Đau họng
- Amidan đỏ và sưng
- Chấm trắng hoặc vàng trên amidan
- Khó nuốt
- Đau bụng
- Đau đầu
- Cứng cổ
Loét họng
Vết loét là một vết thương có mủ có thể hình thành trên cổ họng, miệng, dây thanh âm hoặc ống tiêu hóa. Nguyên nhân của loét họng bao gồm:
- Nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn
- Tổn thương niêm mạc họng
- Hóa trị liệu
- Axit dạ dày do nôn mửa hoặc trào ngược axit
Các triệu chứng của viêm loét họng tương tự như viêm họng. Chúng bao gồm:
- Khó hoặc đau khi nuốt
- Mảng trắng trong cổ họng
- Sốt
- Ớn lạnh
- Sưng hạch bạch huyết
- Buồn nôn
Khi nào đến gặp bác sĩ
Những người bị viêm họng nên liên hệ bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế nếu họ gặp bất kỳ trường hợp nào sau đây:
- Các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày
- Khó khăn nghiêm trọng hoặc đau khi nuốt
- Khó thở
- Phát ban
- Không uống được
- Khó mở miệng
- Thay đổi giọng nói
Chẩn đoán
Đau họng có thể do nhiều bệnh lý tiềm ẩn khác nhau. Mặc dù nhiễm vi rút là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm họng, nhưng điều quan trọng vẫn là chẩn đoán chính xác nguyên nhân để điều trị bệnh thành công.
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ khai thác các triệu chứng hiện tại và được kiểm tra họng, tai, mũi để tìm dấu hiệu nhiễm trùng.
Khi một cá nhân có dấu hiệu nhiễm vi rút rõ ràng, bác sĩ có thể sẽ không tiến hành xét nghiệm thêm.
Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn, họ có thể yêu cầu cấy dịch cổ họng để xác định chẩn đoán. Xét nghiệm tiến hành bằng cách lấy dịch cổ họng bằng tăm bông và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Điều trị và biện pháp chăm sóc tại nhà
Video Chữa viêm họng trẻ tại nhà
Phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh viêm họng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản của nó.
Đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê cho người bệnh một đợt kháng sinh uống, chẳng hạn như amoxicillin hoặc penicillin. Thuốc kháng sinh giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như sốt thấp khớp.
Điều cần thiết là phải hoàn thành toàn bộ liệu trình kháng sinh để đảm bảo nhiễm trùng đã khỏi và ngăn ngừa tái nhiễm.
Viêm họng do vi rút không đáp ứng với kháng sinh và thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, thuốc không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen, có thể giúp giảm đau và hạ sốt.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp tăng tốc độ phục hồi bao gồm:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Giữ nước
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí
- Ngậm viên ngậm để làm dịu cổ họng
- Súc miệng bằng nước muối
- Thay đổi bàn chải đánh răng
- Uống đồ uống ấm, chẳng hạn như trà, nước chanh hoặc nước dùng
Phòng ngừa viêm họng
Mọi người có thể giảm nguy cơ mắc hoặc lây truyền bệnh viêm họng và các bệnh nhiễm trùng khác bằng cách:
- Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn truyền nhiễm
- Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc
- Tránh dùng chung đồ ăn thức uống
Tổng kết
Viêm họng hiếm khi là một tình trạng nghiêm trọng và thường xảy ra cùng với cảm lạnh và cúm. Viêm họng do vi rút thường tự khỏi trong vòng vài tuần, nhưng viêm họng do vi khuẩn có thể cần một đợt kháng sinh để ngăn ngừa biến chứng.
Các biến chứng của viêm họng, chẳng hạn như sốt thấp khớp, rất hiếm. Bất kỳ ai có các triệu chứng nghiêm trọng, tái phát hoặc dai dẳng nên đi khám bác sĩ.
Thực hành vệ sinh tốt và che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi có thể giúp ngăn ngừa nhiễm hoặc lây lan vi trùng có thể gây viêm họng.
Xem thêm:
- 8 nguyên nhân gây đau họng thường gặp và biện pháp điều trị
- 15 biện pháp tự nhiên giúp làm giảm triệu chứng đau họng
- Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp điều trị
- Đau họng ở trẻ em: Các phương pháp điều trị và mẹo làm dịu cơn đau
- Đau họng: Chế độ ăn và biện pháp chăm sóc tại nhà