Video Tầm soát sơ vữa động mạch ngăn ngừa đột tử
Khi tình trạng này trở nên nặng hơn, nhiều mô trong cơ thể sẽ không được cung cấp đầy đủ máu và oxi. Hơn nữa, các mảng xơ vữa hoàn toàn còn có thể bị vỡ ra, tạo thành những cục máu đông di chuyển tự do trong lòng mạch và gây tắc mạch. Do vậy, nếu không được điều trị, xơ vữa động mạch có thể dẫn tới nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy tim và đột quỵ.
Tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch hiện nay ngày càng tăng và có xu hướng tăng dần theo tuổi nhưng cũng có rất nhiều biện pháp giúp bạn ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng này.
Có thể bạn chưa biết?
Xơ vữa động mạch là một dạng xơ cứng động mạch, tình trạng thành động mạch trở nên “xơ cứng”, mất đi sự đàn hồi cần thiết để đảm bảo việc vận chuyển máu thỏa đáng đến các cơ quan. Thuật ngữ “xơ vữa động mạch” và “xơ cứng động mạch” đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng thực tế chúng biểu thị hai tình trạng có đôi chút khác biệt.
Những ai có nguy cơ bị xơ vữa động mạch?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch, bao gồm những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được.
Tiền sử gia đình
Nếu nhiều thành viên trong gia đình bạn mắc xơ vữa động mạch, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao hơn gặp phải tình trạng này, kèm theo đó là các bệnh tim mạch khác.
Ít vận động
Không ai có thể phủ nhận lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe tim mạch. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp cho cơ tim khỏe mạnh và tăng cường quá trình vận chuyển oxy và máu đi khắp cơ thể. Ngược lại, lối sống tĩnh tại, lười vận động có thể dẫn tới nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh về tim.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm yếu thành mạch tại một số vị trí, qua đó làm giảm sự linh hoạt và chun giãn của mạch, là điều kiện thuận lợi cho cholesterol và các chất khác trong máu tích tụ lại theo thời gian.
Hút thuốc lá
Các chất hóa học trong khói thuốc, điển hình là nicotin, gây tác hại vô cùng to lớn tới sức khỏe tim mạch.
Đái tháo đường
Những người mắc đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng tăng đường huyết mạn tính và kháng insulin, gây hình thành nhiều chất trung gian hóa học làm tổn hại và rối loạn chức năng mạch máu.
Nguyên nhân gây ra xơ vữa động mạch
Sau đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng xơ vữa động mạch:
Cholesterol trong máu cao
Cholesterol là một loại chất béo màu vàng, sáp được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể cũng như trong một số loại thức ăn. Tuy nhiên, nếu mức cholesterol trong máu quá cao, chúng sẽ tích tụ lại tại những vị trí nhất định trong hệ tuần hoàn, tạo thành các mảng bám cứng chắc và có thể gây tắc nghẽn động mạch
Chế độ ăn
Một chế độ ăn uống mất cân bằng, ít rau xanh, nhiều dầu mỡ và chất béo bão hòa, đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt… có thể dẫn tới nhiều hậu quả xấu về sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh có liên quan đến xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì…
Tuổi tác
Tuổi càng tăng, tim và mạch máu của bạn sẽ phải làm việc càng nhiều để bơm và nhận máu. Các động mạch có thể trở nên cứng và kém đàn hồi theo thời gian, là điều kiện thuận lợi cho sự tích tụ của các mảng xơ vữa.
Các triệu chứng của xơ vữa động mạch
Hầu hết các triệu chứng của xơ vữa động mạch không biểu hiện cho đến khi tình trạng tắc nghẽn xảy ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau thắt ngực
- Đau tay, chân hoặc bất kỳ vị trí nào có động mạch tắc nghẽn
- Yếu cơ tay, chân do giảm lưu thông máu
- Chuột rút cơ vùng mông khi đang đi bộ
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Lú lẫn, xảy ra nếu tắc nghẽn ảnh hưởng đến tuần hoàn máu não
- Mất vận động hoặc cảm giác một bên cơ thể, xảy ra nếu tắc nghẽn nặng động mạch não
Tuy xơ vữa động mạch có thể chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Khó chịu hoặc đau ngực
- Đau vai, lưng, cổ, cánh tay và hàm
- Đau thượng vị
- Khó thở
- Vã mồ hôi
- Xây xẩm
- Buồn nôn hoặc nôn
Các triệu chứng đột quỵ bao gồm:
- Yếu hoặc tê bì mặt, tay, chân
- Nói khó
- Lời nói khó hiểu
- Thị lực bất thường
- Mất thăng bằng
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là những tình huống cấp cứu trong y tế. Do vậy, khi bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy gọi ngay 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự trợ giúp kịp thời.
Làm thế nào để chẩn đoán xơ vữa động mạch?
Nếu nghi ngờ bạn có các triệu chứng của xơ vữa động mạch, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám một số dấu hiệu sau đây:
- Mạch yếu
- Phình mạch, xảy ra khi thành động mạch yếu và giãn rộng bất thường
- Vết thương chậm lành, cho thấy lưu lượng máu tới mô bị hạn chế
- Tiếng thổi bất thường khi máu chảy qua đoạn động mạch xơ vữa và bị hẹp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng nghe tim bạn để phát hiện kịp thời những tiếng tim bất thường và có thể yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp cận lâm sàng nếu nghi ngờ bạn bị xơ vữa động mạch.
Các phương pháp cận lâm sàng có thể được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm máu kiểm tra nồng đồ độ cholesterol
- Siêu âm Doppler mạch, là kĩ thuật sử dụng sóng âm để khảo sát động mạch, qua đó cho biết liệu lòng mạch có bị tắc nghẽn hay không
- Chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay, giúp tìm kiếm sự tắc nghẽn động mạch ở tay hoặc chân bằng cách so sánh huyết áp giữa các chi
- Chụp mạch cộng hưởng từ hoặc chụp mạch cắt lớp vi tính, giúp tạo ra hình ảnh các động mạch lớn trong cơ thể một cách chi tiết
- Chụp mạch vành, là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh tương tự như chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, trong thủ thuật này, thuốc cản quang sẽ được tiêm trực tiếp vào tim hoặc mạch vành bệnh nhân, qua đó giúp dựng hình mạch máu của tim và phát hiện kịp thời những vị trí hẹp bất thường.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG), giúp khảo sát hoạt động điện của tim. Thông qua đó phát hiện những diện tim đập bất thường có thể do giảm lưu lượng máu gây ra.
- Nghiệm pháp gắng sức, theo dõi nhịp tim và huyết áp khi bạn tập thể dục trên máy chạy bộ hoặc xe đạp cố định
Điều trị xơ vữa động mạch như thế nào?
Phương pháp điều trị trước tiên phải kể đến là thay đổi lối sống và thay đổi chế độ ăn. Một chế độ ăn giảm chất béo và cholesterol cùng một chế độ luyện tập thể dục hợp lí và đều đặn có thể là tất cả những gì bạn cần trong giai đoạn sớm để kiểm soát tình trạng xơ vữa và cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn về lâu dài.
Thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch
Thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa cũng như điều trị xơ vữa động mạch, đặc biệt đối với những người mắc đái tháo đường typ 2, cụ thể như sau:
Chế độ ăn
Một chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), để có được một chế độ ăn hợp lí, bạn nên tập trung vào các loại thực phầm sau đây:
- Các loại trái cây và rau quả
- Ngũ cốc nguyên cám
- Các sản phẩm từ sữa ít béo
- Gia cầm và cá, đã bỏ da
- Các loại hạt và cây họ đậu
- Dầu thực vật
Một số chú ý khác về chế độ ăn:
- Tránh sử dụng thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường như kẹo và nước ngọt. Theo những nghiên cứu gần đây, một nữ giới bình thường không nên ăn quá 6 muỗng cà phê hay 100 calo đường mỗi ngày và một nam giới không nên dùng quá 9 muỗng cà phê hay 150 calo đường.
- Ăn nhạt, giảm muối. Hãy cố gắng hạn chế lượng muối bạn ăn vào trong ngày không vượt quá 2300 miligam. Lý tưởng nhất là không quá 1500 miligam mỗi ngày.
- Tránh sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, như chất béo chuyển hóa. Hãy thay thế chúng bằng chất béo không bão hòa. Nếu bạn cần giảm lượng cholesterol trong máu, hãy giảm lượng chất béo bão hòa xuống không quá 5-6% tổng lượng calo trong khẩu phần ăn. Cụ thể, đối với một người lao động bình thường cần khoảng 2000 calo mỗi ngày, lượng chất béo bão hòa sẽ không được vượt quá 13 gam.
Hoạt động thể chất:
Tập thể dục cường độ cao ít nhất 75 phút hoặc cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần
Ngoài ra, bạn cũng cần:
- Bỏ thuốc lá
- Duy trì cân nặng hợp lí
- Giữ tinh thần thoải mái
- Điều trị các tình trạng liên quan đến xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, cholesterol máu cao, ngưng thở khi ngủ, béo phì và đái tháo đường
Thuốc hoặc các biện pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu bệnh nặng hơn, cụ thể như sau:
Các thuốc điều trị xơ vữa động mạch:
- Thuốc giảm cholesterol, bao gồm nhóm statin
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE), góp phần làm giảm huyết áp
- Thuốc chẹn beta, giúp giãn mạch, giảm nhịp tim, qua đó giảm nhu cầu tiêu thụ oxi của cơ tim
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch
Aspirin có thể đặc biệt hiệu quả đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một phác đồ sử dụng aspirin hợp lí theo chỉ định của bác sĩ có thể làm giảm nguy cơ gặp phải các các biến chứng tim mạch tiếp theo nếu bạn đã và đang bị xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, nếu không có tiền sử các bệnh tim mạch xảy ra do xơ vữa, bạn chỉ sử dụng aspirin như một loại thuốc dự phòng nếu bạn có nguy cơ chảy máu thấp và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa cao. Bạn hãy nhớ thảo luận chi tiết và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt khi sử dụng aspirin để tránh các tác dụng không mong muốn xảy ra.
Phẫu thuật
Nếu các triệu chứng xuất hiện đặc biệt nghiêm trọng hoặc khi tình trạng giảm tưới máu có thể gây hoại tử các mô, phẫu thuật có thể được chỉ định.
Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật bắc cầu: sử dụng một mạch máu khác trong cơ thể hoặc một đoạn mạch nhân tạo để kết nối phần trên và phần dưới đoạn mạch bị tắc hoặc hẹp, giúp cho máu có thể lưu thông qua đoạn mạch đó
- Liệu pháp làm tan huyết khối: làm tan cục máu đông bằng cách tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào động mạch bị tắc hoặc hẹp
- Nong mạch vành và can thiệp mạch vành qua da: sử dụng ống thông và bóng chèn để nong rộng lòng động mạch vành đoạn bị tắc hoặc hẹp, và đôi khi chèn một stent để giữ cho lòng động mạch luôn duy trì mở ra
- Cắt bỏ mảng xơ vữa: loại bỏ mảng xơ vữa khỏi động mạch bằng cách sử dụng một catheter có gắn một lưỡi dao sắc ở một đầu và nạo sạch mảng xơ vữa
Xơ vữa động mạch gây ra những biến chứng nào?
Xơ vữa động mạch có thể gây:
- Suy tim
- Nhồi máu cơ tim
- Nhịp tim bất thường
- Đột quỵ
Ngoài ra, xơ vữa động mạch cũng có thể dẫn tới:
Bệnh mạch vành (CAD)
Hệ mạch vành là hệ thống mạch máu, cung cấp máu và oxi trực tiếp nuôi dưỡng cơ tim. Các bệnh mạch vành xảy ra khi thành động mạch vành bị xơ cứng, từ đó không đảm bảo khả năng cung cấp oxi thỏa đáng cho cơ tim.
Bệnh động mạch cảnh
Bạn có thể xác định vị trí các động mạch cảnh tại cổ của mình, ngay tại bờ trước của cơ ức đòn chũm. Đây là các động mạch có vai trò dẫn máu từ tim lên nuôi dưỡng não. Do vậy, nếu các mảng xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch cảnh, não bộ sẽ bị thiếu oxi và các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động bình thường, thậm chí có thể dẫn tới tổn thương các tế bào não vĩnh viễn.
Bệnh động mạch ngoại vi
Khi các động mạch ngoại vi bị hẹp do mảng xơ vữa, các vị trí như chân hoặc tay sẽ bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào mức độ hẹp của lòng mạch và vị trí tắc mà có thể gây nhiều triệu chứng khác như giảm hoạt động, đau cơ, teo cơ, hay thậm chí là hoại tử cơ.
Bệnh thận
Các động mạch thận cung cấp máu cho thận. Trong khi đó, thận có vai trò lọc máu giúp loại bỏ các chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, xơ vữa động mạch thận rất có thể dẫn đến suy thận và gây ra những hậu quả nặng nề.
Tổng kết
Xơ vữa động mạch ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam cũng như các nước khác trên toàn thế giới. Khi gặp phải tình trạng này, bạn có thể thấy sức khỏe của mình được cải thiện trong quá trình điều trị, nhưng điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian. Sự cải thiện bạn đạt được sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như:
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh
- Bệnh có được điều trị kịp thời hay không
- Bệnh đã ảnh hưởng tới các cơ quan khác hay chưa
Cần chú ý rằng bạn sẽ không thể đảo ngược tình trạng xơ cứng của động mạch. Tuy nhiên, việc điều trị nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh hoặc ngăn không cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm: