Insulin là gì? Các loại insulin trong điều trị đái tháo đường

Insulin là một loại hormone trong cơ thể có nhiệm vụ cho phép glucose trong máu đi vào các tế bào, cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động. Sự thiếu hụt insulin có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường. Insulin cần thiết để duy trì sự sống. Hormone là những sứ giả hóa học hướng dẫn các tế bào hoặc mô hoạt động theo một cách nhất định để kiểm soát một chức năng cụ thể trong cơ thể.

Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu cách cơ thể sản xuất insulin, hậu quả khi thiếu insulin và các loại insulin khác nhau.

Insulin là gì?

Video Vai trò của Insulin đối với cơ thể

Insulin là một chất truyền tin hóa học cho phép các tế bào hấp thụ đường glucose. Tuyến tụy là một cơ quan nằm sau dạ dày, là nguồn cung cấp insulin chính của cơ thể. Các cụm tế bào trong tuyến tụy được gọi là các tiểu đảo sản xuất hormone và xác định số lượng dựa trên mức đường huyết trong cơ thể. Insulin là một hormone polypeptide được tổng hợp và tiết ra từ các tế bào beta của đảo tụy Langerhans.

Mức độ glucose càng cao, insulin đi vào sản xuất càng nhiều để cân bằng lượng đường trong máu. Insulin cũng hỗ trợ chuyển hóa chất béo hoặc protein để tạo năng lượng.

Insulin giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giúp cân bằng nhiều quá trình trong cơ thể. Nếu mức insulin quá thấp hoặc quá cao, dẫn đến lượng đường trong máu cao hoặc thấp quá mức có thể bắt đầu gây ra các triệu chứng. Nếu tình trạng đường huyết thấp hoặc cao tiếp tục xảy ra sẽ gây một số bệnh nghiêm trọng.

Insulin là một loại hormone cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu và sự hấp thu năng lượng (nguồn ảnh: rxlist.com)Insulin là một loại hormone cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu và sự hấp thu năng lượng (nguồn ảnh: rxlist.com)

Các vấn đề về insulin

Ở một số người, hệ thống miễn dịch tấn công các đảo tụy sản xuất insulin của tuyến tụy, từ đó dẫn đến ngừng sản xuất insulin hoặc không sản xuất đủ. Khi đó, glucose sẽ vẫn nằm trong máu và các tế bào không thể hấp thụ lượng glucose để chuyển hóa đường thành năng lượng.

Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh đái tháo đường type 1 và người mắc bệnh đái tháo đường dạng này sẽ cần tiêm insulin thường xuyên để điều trị.

Ở một số người, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì hoặc lười vận động, insulin không có hiệu quả trong việc vận chuyển glucose vào tế bào và insulin không thể thực hiện các hoạt động bình thường. Tình trạng này được gọi là kháng insulin. Bệnh đái tháo đường đường type 2 sẽ phát triển khi các đảo tụy không thể sản xuất đủ insulin để vượt qua tình trạng kháng insulin.

Từ đầu thế kỷ 20, có nhiều loại insulin được cung cấp dưới dạng tiêm để bổ sung insulin cho những người không thể tự sản xuất hoặc bị tăng đề kháng insulin.

Các loại insulin

Các loại insulin khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến lượng đường trong máu (nguồn ảnh: myamericannurse.com)Các loại insulin khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến lượng đường trong máu (nguồn ảnh: myamericannurse.com)Một người có thể dùng các loại insulin khác nhau phụ thuộc vào thời gian họ cần tác dụng của hormone bổ sung để kéo dài.

Phân loại các loại insulin dựa trên một số yếu tố khác nhau:

  • Tốc độ khởi phát (một người dùng insulin có thể mong đợi tác dụng bắt đầu nhanh như thế nào)
  • Đạt đỉnh tác dụng (tốc độ mà insulin đạt được tác động lớn nhất)
  • Giới hạn hoặc thời gian để insulin mất tác dụng
  • Nồng độ insulin, được biểu thị bằng số đơn vị insulin (unit) trong 1 mililit sản phẩm. Ví dụ, insulin nồng độ 100 IU/1 mililit được ký hiệu là U100.
  • Đường đưa insulin vào cơ thể hoặc insulin cần tiêm dưới da, vào tĩnh mạch hoặc vào phổi bằng đường hô hấp.

Insulin thường được đưa vào mô dưới da hoặc mô mỡ nằm gần bề mặt da.

Có ba nhóm insulin chính gồm:

  • Insulin tác dụng nhanh và ngắn (fast-acting insulin)
  • Insulin tác dụng trung bình (intermediate-acting insulin)
  • Insulin tác dụng chậm và kéo dài (long-acting insulin)

Insulin tác dụng nhanh và ngắn

Cơ thể hấp thụ loại này vào máu từ mô dưới da cực kỳ nhanh chóng. Insulin tác dụng nhanh không chỉ giúp điều chỉnh tình trạng tăng đường huyết mà còn kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến sau khi ăn.

Loại insulin này bao gồm:

  • Insulin analog: có tác dụng sau 5 - 15 phút và duy trì tác dụng trong khoảng 4 giờ. Tuy nhiên, liều lượng sẽ ảnh hưởng đến thời gian tác dụng. 
  • Insulin tương tự insulin ở người (Regular human insulin): có tác dụng sau 30 -60 phút và duy trì tác dụng trong khoảng 8 giờ. Liều lượng lớn hơn làm tăng tốc độ khởi phát nhưng cũng làm chậm tác dụng đạt đỉnh của thuốc.

Insulin tác dụng trung bình

Loại này đi vào máu với tốc độ chậm hơn nhưng có tác dụng lâu dài hơn, có hiệu quả nhất trong việc quản lý lượng đường trong máu qua đêm, cũng như giữa các bữa ăn.

Các lựa chọn cho insulin tác dụng trung bình bao gồm:

  • Insulin NPH (Neutre Protamine Hagedorn): Thuốc bắt đầu phát huy tác dụng sau 1 - 2 giờ và đạt đỉnh tác dụng trong vòng 4 đến 6 giờ. Thuốc có thể kéo dài hơn 12 giờ trong một số trường hợp. Một liều lượng rất nhỏ sẽ mang lại tác dụng đạt đỉnh. Một liều lượng cao sẽ làm tăng thời gian NPH đạt đỉnh tác dụng và tổng thời gian duy trì tác dụng.
  • Insulin trộn sẵn: Đây là hỗn hợp của insulin NPH với insulin tác dụng nhanh. Tác dụng của loại này là sự kết hợp của insulin tác dụng trung bình và insulin tác dụng nhanh.

Insulin tác dụng chậm và kéo dài

Insulin tác dụng kéo dài sẽ chậm đến máu và đạt đỉnh tác dụng tương đối thấp, có tác dụng ổn định đường huyết có thể kéo dài hầu hết cả ngày. Loại này hữu ích dùng qua đêm, giữa các bữa ăn và trong thời gian nhịn ăn.

Loại insulin tác dụng kéo dài bao gồm insulin glargine, insulin analog detemir và insulin degludec. Nhóm này có ưu điểm là tác dụng có thể duy trì từ 20 - 22 tiếng nên chỉ cần tiêm 1 mũi trong ngày.

Tổng kết về insulin

Insulin là một hormone quan trọng kiểm soát cách tế bào và mô hấp thu năng lượng cũng như sự chuyển hóa chất béo và protein. Insulin được tổng hợp và tiết ra từ các tế bào beta của đảo tụy Langerhans. Khi các tế bào trong cơ thể không đáp ứng tốt với insulin, tình trạng kháng insulin ngày càng tăng.

Ở một số người, hệ thống miễn dịch tấn công các đảo tụy, làm ngừng sản xuất insulin và có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường type 1. Bệnh đái tháo đường type 2 xảy ra khi tình trạng kháng insulin cùng tồn tại với tuyến tụy không tiết ra đủ insulin để giữ cho mức đường huyết bình thường.

Mọi người có thể tiêm insulin để chống lại tác động của tình trạng kháng insulin. Có các loại insulin là insulin tác dụng nhanh, tác dụng trung bình và tác dụng kéo dài. Việc lựa chọn từng loại insulin sẽ tùy thuộc vào mức độ cần để đường huyết giảm nhanh như thế nào và thời gian cần để kiểm soát đường huyết tốt.

Có phải mọi người bị bệnh đái tháo đường đều cần dùng insulin?

Không hoàn toàn. Insulin là bắt buộc đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 1, nhưng nhiều người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc uống. 

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!