Có thể ngăn ngừa mù lòa do bệnh đau mắt hột bằng cách tầm soát và điều trị bằng thuốc kháng sinh và phẫu thuật.
Đau mắt hột là gì? Bệnh đau mắt hột có lây không?
Video đau mắt hột
Bệnh đau mắt hột (hay bệnh mắt hột) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến kết mạc và giác mạc của mắt. Bệnh diễn biến có thể hình thành mô sẹo hoặc vết loét dẫn đến mù lòa. Hiện nay có khoảng 1,9 triệu người trên thế giới bị mù hoặc khiếm thị do bệnh mắt hột, và đây vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở 44 quốc gia. Bệnh lây lan khi vi khuẩn trong dịch tiết từ mắt người bị bệnh lan sang những người khác khi tiếp xúc giữa người với người hoặc do ruồi, đặc biệt là ruồi Musca sorbens. Bệnh xảy ra phổ biến nhất ở các cộng đồng lưu hành với điều kiện vệ sinh kém và không có nguồn nước sạch. Đây là nguyên nhân truyền nhiễm hàng đầu gây mù lòa có thể phòng tránh được trên thế giới. Khoảng 21 triệu người trên thế giới mắc bệnh mắt hột. Phần lớn trong số này là trẻ em từ 3-6 tuổi. Căn bệnh này chủ yếu được phát hiện ở những vùng đất khô cằn gần đường xích đạo, với số ca mắc bệnh nhiều nhất ở vùng cận Sahara, châu Phi.
5 giai đoạn của bệnh mắt hột
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra 1 hệ thống phân loại để phân loại năm giai đoạn của bệnh mắt hột, dựa trên các dấu hiệu lâm sàng được thấy khi bệnh tiến triển.
- Viêm mắt hột có hột (Trachomatous inflammation - follicular -TF): Dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện các hạt, là những u nhỏ hình thành do mô bạch huyết sưng lên ở mặt sau của mí mắt trên và đôi khi lan đến phần trên của mắt. Có ít nhất 5 hạt với kích thước lớn hơn 0,5 mm trên kết mạc lót mặt sau của mí mắt trên.
- Viêm mắt hột nặng (Trachomatous inflammation - intense - TI): Giai đoạn tiếp theo là sưng (viêm) kết mạc che mờ các mạch máu sâu của kết mạc.
- Sẹo kết mạc (Trachomatous scarring - TS): Các dải mô sẹo hình thành trong kết mạc lót bên trong mí mắt trên.
- Lông xiêu, lông quặm (Trachomatous trichiasis - TT): Sẹo mí mắt khiến cho lông mi mọc ngược vào trong và các lông mi cọ vào mắt (lông quặm). Theo thời gian, sự cọ xát này dẫn đến mài mòn giác mạc, lớp bao phủ trung tâm của phía trước mắt.
- Sẹo đục giác mạc: Sự trầy xước giác mạc có thể dẫn đến loét nhiễm trùng và cuối cùng là sẹo mờ đục ngăn ánh sáng vào mắt, dẫn đến mù lòa.
Nguyên nhân của bệnh đau mắt hột
Vi khuẩn gây bệnh đau mắt hột là Chlamydia trachomatis. Có nhiều loại Chlamydia trachomatis khác nhau. Các týp A, B, Ba và C gây mù mắt do hột. Các loại khác (D đến K) có liên quan đến nhiễm chlamydia qua đường tình dục.
Điều kiện sống với điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước không sạch và không rửa mặt thường xuyên đã tạo điều kiện cho vi khuẩn lây truyền và gây bệnh mắt cho những người sống trong vùng lưu hành bệnh mắt hột.
Dạng hoạt động phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, lây lan cho anh chị em, bạn cùng chơi và người chăm sóc. Ở người lớn, phụ nữ chăm sóc trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh hoạt động mạnh hơn.
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh đau mắt hột
Các triệu chứng bao gồm kích ứng mắt, chảy nước mắt, đau, nhạy cảm với ánh sáng và giảm thị lực. Các dấu hiệu bao gồm hột, đỏ, sẹo và mờ giác mạc như mô tả trong năm giai đoạn được liệt kê ở trên.
Chẩn đoán bệnh đau mắt hột
Mặc dù có các xét nghiệm để xác định vi khuẩn, các bác sĩ chủ yếu chẩn đoán bệnh mắt hột bằng cách khám mắt và mí mắt của bệnh nhân. Bác sĩ nhãn khoa có thể chẩn đoán bằng cách xác định năm giai đoạn của bệnh đau mắt hột bằng đèn soi và kính khám mắt.
Điều trị bệnh đau mắt hột. Có thể ngăn ngừa bệnh đau mắt hột không?
Tổ chức Y tế Thế giới thông tin rằng số người có nguy cơ mắc bệnh đau mắt hột đã giảm từ 1,5 tỷ người năm 2002 xuống chỉ còn hơn 142 triệu người vào năm 2019.
Tổ chứ WHO về loại bỏ bệnh đau mắt hột trên toàn cầu vào năm 2020 (GET2020) nhằm mục đích xóa bỏ hoàn toàn căn bệnh này thông qua việc thực hiện chiến lược SAFE để ngăn ngừa và điều trị bệnh đau mắt hột:
S = phẫu thuật để sửa mí mắt bị lật và lông quặm
A = thuốc kháng sinh (azithromycin) để điều trị nhiễm trùng
F = rửa mặt để giảm lây truyền bệnh trong cộng đồng
E = cải thiện vệ sinh môi trường (chẳng hạn như cung cấp nước sạch và các biện pháp vệ sinh để hạn chế ruồi) để giảm sự lây truyền qua người
Thuốc kháng sinh điều trị bệnh là azithromycin (Zithromax). Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm là phổ biến nếu không cải thiện vệ sinh và tiếp cận với nước sạch. Khi bệnh đau mắt hột đã tiến triển thành lông quặm thì cần phải phẫu thuật để mổ quặm. Nếu sẹo giác mạc phát triển, cần phải phẫu thuật ghép giác mạc để phục hồi thị lực.
Nhiều cơ quan chính phủ khác nhau và các tổ chức phát triển phi chính phủ quốc tế (INGDO), chẳng hạn như Chương trình Kiểm soát bệnh đau mắt hột của Trung tâm Carter, phối hợp với nhau để thực hiện chiến lược SAFE.
Bệnh đau mắt hột kéo dài bao lâu?
Một số người bị bệnh đau mắt hột ở mắt sẽ chỉ bị một lần và không để lại sẹo. Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm là phổ biến, và trong nhiều năm, bệnh không được điều trị có thể tiến triển qua 5 giai đoạn dẫn đến mù lòa.
Tiên lượng của bệnh đau mắt hột
Việc thực hiện chiến lược SAFE trên cộng đồng đã cải thiện tiên lượng cho hàng triệu người có nguy cơ. Nếu bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh đau mắt hột sớm, trước khi để lại sẹo ở mí mắt và giác mạc, tiên lượng bảo tồn thị lực là rất tốt.