Video: Hội chứng rối loạn lo âu
Những cảm giác lo lắng và hoảng sợ này khó kiểm soát, không tương xứng với mức độ nguy hiểm thực tế, có thể kéo dài và gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Người bệnh có thể tránh những địa điểm hoặc tình huống để ngăn chặn những cảm giác này. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ thời thơ bé hoặc những năm thiếu niên và tiếp diễn đến tuổi trưởng thành.
Một số ví dụ về các loại của rối loạn lo âu như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, ám ảnh chuyên biệt và rối loạn lo âu chia ly. Bệnh nhân có thể mắc nhiều hơn một chứng rối loạn lo âu. Đôi khi rối loạn lo âu là kết quả của một tình trạng bệnh lý cần điều trị. Và dù bạn mắc phải dạng rối loạn lo âu nào thì việc điều trị cũng là cần thiết.
Triệu chứng của rối loạn lo âu
Các dấu hiệu và triệu chứng rối loạn lo âu phổ biến bao gồm:
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng
- Có cảm giác nguy hiểm sắp xảy ra, hoảng sợ hoặc diệt vong
- Tăng nhịp tim
- Thở nhanh
- Đổ mồ hôi
- Run sợ
- Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi
- Khó tập trung hoặc suy nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoài nỗi lo hiện tại
- Khó ngủ
- Gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa
- Gặp khó khăn trong việc kiểm soát lo lắng
- Có nhu cầu tránh những thứ gây ra lo lắng
Một số loại rối loạn lo âu là:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: đặc trưng bởi lo âu mãn tính, lo lắng thái quá và căng thẳng, ngay cả khi có rất ít hoặc không có yếu tố kích động. Sự lo lắng không tương ứng với hoàn cảnh thực tế, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất. Nó thường xảy ra cùng với các rối loạn lo âu hoặc trầm cảm khác.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: đặc trưng bởi những suy nghĩ ám ảnh và/hoặc hành vi lặp đi lặp lại (cưỡng chế). Các hành vi lặp đi lặp lại như rửa tay, đếm, kiểm tra hoặc làm sạch thường được thực hiện với hy vọng ngăn chặn những suy nghĩ ám ảnh. Tuy nhiên, việc thực hiện những hành động này chỉ là sự giải tỏa tạm thời. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn thường gặp hiện nay.
- Rối loạn hoảng loạn: đặc trưng bởi các cơn sợ hãi dữ dội và lặp đi lặp lại kèm theo các triệu chứng thực thể bao gồm đau ngực, tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt hoặc đau bụng.
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn: có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với một sự kiện hoặc thử thách đáng sợ và xảy ra tổn thương thực thể nghiêm trọng. Các sự kiện có thể kích phát loại rối loạn này bao gồm các cuộc tấn công cá nhân bạo lực, thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra, tai nạn hoặc chiến đấu quân sự.
- Rối loạn lo âu xã hội: đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức trong các tình huống xã hội hàng ngày. Rối loạn lo âu xã hội có thể chỉ giới hạn trong một số tình huống, chẳng hạn như lo lắng căng thẳng khi phát biểu trước đám đông, ăn uống trước mặt người khác, hoặc nghiêm trọng đến mức các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Rối loạn lo âu do thuốc: đặc trưng bởi các triệu chứng lo âu hoặc hoảng loạn dữ dội do việc lạm dụng thuốc, uống thuốc, tiếp xúc với các chất hóa học độc hại hay khi ngưng thuốc đột ngột.
- Rối loạn lo âu chia ly: là nỗi sợ hãi phải chia ly, rời xa những người đã gắn bó, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Rối loạn lo âu chia ly là một phần bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ từ 8-12 tháng tuổi và thường biến mất khi trẻ được 2 tuổi.
Khi nào nên đi khám
Hãy đến gặp bác sĩ nếu:
- Cảm thấy như mình đang lo lắng quá nhiều và điều đó đang cản trở công việc, các mối quan hệ hoặc các phần khác của cuộc sống.
- Nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc lo âu khiến bản thân khó chịu và khó kiểm soát
- Cảm thấy chán nản, gặp rắc rối với việc sử dụng rượu hoặc ma túy, hoặc có những lo lắng khác về sức khỏe tâm thần cùng với lo âu
- Nghĩ rằng sự lo âu có thể liên quan đến một vấn đề sức khỏe thể chất
- Có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát – nếu rơi vào trường hợp này, hãy tìm sự trợ giúp ngay lập tức
Những lo lắng có thể không tự biến mất và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy đến gặp bác sĩ tâm thần trước khi tình trạng lo lắng của bản thân trở nên tồi tệ hơn. Việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nếu nhận được sự trợ giúp sớm.
Nguyên nhân của rối loạn lo âu
Nguyên nhân của rối loạn lo âu vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Những trải nghiệm trong cuộc sống chẳng hạn như các sự kiện đau buồn dường như gây ra chứng rối loạn lo âu ở những người vốn đã dễ bị lo lắng. Yếu tố di truyền cũng có thể góp phần.
Đối với một số người, lo âu có thể liên quan đến một bệnh lý tiềm ẩn. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng lo âu là những dấu hiệu đầu tiên của một bệnh lý. Nếu bác sĩ nghi ngờ sự lo âu của bạn có thể có nguyên nhân từ bệnh nào đó, thì họ có thể yêu cầu xét nghiệm hoặc các phương pháp kiểm tra để tìm dấu hiệu của bệnh. Ví dụ về các bệnh lý, tình trạng có thể liên quan đến lo âu bao gồm:
- Bệnh tim
- Bệnh tiểu đường
- Các bệnh về tuyến giáp, như cường giáp
- Rối loạn hô hấp, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen suyễn
- Lạm dụng hoặc cai ma túy
- Bỏ rượu, thuốc chống lo âu (benzodiazepines) hoặc các loại thuốc khác
- Đau mãn tính hoặc hội chứng ruột kích thích
- Các khối u hiếm sản sinh ra một số hormone chống trả-hoặc-bỏ chạy (fight-or-flight hormone)
Đôi khi lo âu có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Sự lo âu của bạn có thể là do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nếu:
- Không có bất kỳ người thân cùng huyết thống nào (như cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc chứng rối loạn lo âu
- Không bị rối loạn lo âu khi còn nhỏ
- Không tránh những điều hoặc tình huống nhất định vì lo âu
- Đột ngột xuất hiện cảm giác lo âu dường như không liên quan đến các sự kiện trong cuộc sống và không có tiền sử lo âu trước đây
Các yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu
Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu:
- Chấn thương. Trẻ em đã phải chịu đựng sự lạm dụng, chấn thương hoặc chứng kiến các sự kiện đau buồn có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Người lớn trải qua một sự kiện đau buồn cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu.
- Căng thẳng do bệnh tật. Có một tình trạng sức khỏe hoặc bệnh nghiêm trọng có thể gây ra lo âu đáng kể về các vấn đề như điều trị và tương lai của bạn.
- Căng thẳng tích tụ. Một sự kiện lớn hoặc một sự tích tụ của các tình huống căng thẳng nhỏ hơn trong cuộc sống có thể gây ra lo âu quá mức - ví dụ, một cái chết trong gia đình, căng thẳng công việc hoặc lo lắng liên tục về tài chính.
- Tính cách. Nhiều người có một số loại tính cách dễ bị rối loạn lo âu hơn những người khác.
- Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần khác, như trầm cảm, thường cũng bị rối loạn lo âu.
- Có người thân mắc rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có thể xảy ra trong gia đình.
- Ma túy hoặc rượu. Sử dụng ma túy, rượu hoặc cai nghiện có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu.
Các biến chứng của rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu không chỉ làm bạn lo lắng. Nó cũng có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn các tình trạng tinh thần và thể chất khác, chẳng hạn như:
- Trầm cảm (thường xảy ra với rối loạn lo âu) hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác
- Lạm dụng chất kích thích
- Khó ngủ, mất ngủ
- Các vấn đề về tiêu hóa
- Đau đầu và đau mãn tính
- Cách ly xã hội
- Các vấn đề ở trường học hoặc cơ quan
- Chất lượng cuộc sống kém
- Tự tử
Phòng ngừa rối loạn lo âu
Không có cách nào để dự đoán chắc chắn điều gì sẽ khiến ai đó mắc rối loạn lo âu, nhưng bạn có thể thực hiện các bước để giảm tác động của các triệu chứng nếu lo âu:
- Nhận trợ giúp sớm. Lo âu, giống như nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác, có thể khó điều trị hơn nếu bạn để lâu.
- Luôn hoạt động. Tham gia vào các hoạt động yêu thích và khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân. Tận hưởng tương tác xã hội và các mối quan hệ, điều này có thể làm giảm bớt lo âu của bạn.
- Tránh sử dụng rượu hoặc ma túy. Sử dụng rượu và ma túy có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu. Nếu nghiện bất kỳ chất nào trong số này, việc bỏ nó có thể khiến bạn lo lắng. Nếu bạn không thể tự bỏ hay cai nghiện được, hãy đến gặp bác sĩ hoặc tìm một nhóm hỗ trợ để giúp bạn.
Chẩn đoán rối loạn lo âu
Bạn có thể bắt đầu bằng cách gặp bác sĩ để tìm hiểu xem liệu lo âu của bạn có thể liên quan đến sức khỏe thể chất hay không. Bác sĩ sẽ kiểm tra liệu có các dấu hiệu của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn cần điều trị không.
Tuy nhiên, bạn có thể cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bạn bị lo âu nghiêm trọng. Bác sĩ tâm thần là một bác sĩ y khoa chuyên chẩn đoán và điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần.
Để giúp chẩn đoán rối loạn lo âu, bác sĩ tâm thần có thể:
- Đánh giá tâm lý. Điều này liên quan đến việc thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi để giúp xác định chẩn đoán và kiểm tra các biến chứng liên quan. Rối loạn lo âu thường xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác - như trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện - có thể khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.
- So sánh các triệu chứng với các tiêu chí trong DSM-5. Nhiều bác sĩ sử dụng các tiêu chí trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, để chẩn đoán chứng rối loạn lo âu.
Điều trị rối loạn lo âu
Hai phương pháp điều trị rối loạn lo âu chính là liệu pháp tâm lý và thuốc. Bệnh nhân có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ sự kết hợp của cả hai. Có thể mất một số lần thử và sai để tìm ra phương pháp điều trị nào phù hợp nhất với từng người.
Tâm lý trị liệu
Còn được gọi là liệu pháp trò chuyện (tư vấn tâm lý) liên quan đến việc làm việc với một nhà trị liệu để giảm các triệu chứng lo âu của bệnh nhân. Nó có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng lo âu.
Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) là hình thức tâm lý trị liệu hiệu quả nhất cho chứng rối loạn lo âu. CBT chung là một phương pháp điều trị ngắn hạn, tập trung vào việc dạy bệnh nhân các kỹ năng cụ thể để cải thiện các triệu chứng và dần dần quay trở lại các hoạt động đã tránh vì lo lắng. CBT bao gồm liệu pháp tiếp xúc, trong đó bệnh nhân dần dần gặp phải đối tượng hoặc tình huống gây ra sự lo lắng để xây dựng niềm tin rằng mình có thể quản lý tình huống và các triệu chứng lo lắng.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng để giúp giảm các triệu chứng, tùy thuộc vào loại rối loạn lo âu mà bệnh nhân mắc phải và liệu có mắc các vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tâm thần khác hay không. Ví dụ:
- Một số loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu.
- Thuốc chống lo âu có tên là buspirone có thể được kê đơn.
- Trong một số trường hợp hạn chế, bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác, như thuốc an thần (còn được gọi là benzodiazepine) hoặc thuốc chẹn beta. Những loại thuốc này chỉ để giảm các triệu chứng lo âu trong thời gian ngắn và không được dùng lâu dài.
Hãy trao đổi với bác sĩ về lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ có thể có của thuốc.
Phong cách sống và các biện pháp khắc phục tại nhà
Trong khi hầu hết những người bị rối loạn lo âu cần liệu pháp tâm lý hoặc thuốc để kiểm soát lo âu, thay đổi lối sống cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Đây là những gì có thể làm:
- Tiếp tục hoạt động thể chất. Xây dựng một thói quen hoạt động thể chất hầu hết các ngày trong tuần. Tập thể dục là một cách giảm căng thẳng hiệu quả. Nó có thể cải thiện tâm trạng và giúp chúng ta khỏe mạnh. Bắt đầu từ từ và tăng dần số lượng, cường độ hoạt động dần lên.
- Tránh rượu và chất kích thích. Những chất này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu. Nếu bạn không thể tự bỏ các chất này, hãy đến gặp bác sĩ hoặc tìm một nhóm hỗ trợ để giúp bạn.
- Bỏ hút thuốc và cắt giảm hoặc bỏ uống đồ uống có chứa caffein. Cả nicotine và caffeine đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu.
- Sử dụng các kỹ thuật thư giãn và kiểm soát căng thẳng. Kỹ thuật hình dung, thiền và yoga là những ví dụ về kỹ thuật thư giãn có thể làm dịu lo âu.
- Ưu tiên giấc ngủ. Làm những gì có thể để đảm bảo ngủ đủ giấc cho cơ thể cảm thấy được nghỉ ngơi. Nếu ngủ không ngon, hãy đến gặp bác sĩ.
- Ăn uống lành mạnh. Ăn uống lành mạnh - chẳng hạn như tập trung vào rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và cá - có thể giúp giảm lo lắng.
Biện pháp thay thế
Một số phương pháp điều trị bằng thảo dược đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị chứng lo âu, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ những rủi ro và lợi ích. Thảo dược và thực phẩm chức năng không được giám sát giống như các loại thuốc. Người tiêu dùng không thể luôn chắc chắn về những gì nhận được và liệu nó có an toàn hay không. Một số chất bổ sung này có thể tương tác với các thuốc khác, thậm chí là nguy hiểm.
Do vậy, trước khi dùng các biện pháp thảo dược hoặc thực phẩm chức năng, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng chúng an toàn và sẽ không tương tác với bất kỳ loại thuốc nào đang dùng.
Ứng phó và hỗ trợ
Để ứng phó với chứng rối loạn lo âu, đây là những gì bạn có thể làm:
- Tìm hiểu về chứng rối loạn lo âu. Trao đổi với bác sĩ. Tìm hiểu điều gì có thể gây ra tình trạng cụ thể của mình và phương pháp điều trị nào có thể tốt nhất cho bản thân. Hãy để gia đình và bạn bè tham gia cùng và yêu cầu sự hỗ trợ của họ.
- Bám sát kế hoạch điều trị. Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Giữ các cuộc hẹn trị liệu và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà bác sĩ trị liệu giao cho. Sự nhất quán có thể tạo ra sự khác biệt lớn, đặc biệt là khi dùng thuốc.
- Hãy hành động. Tìm hiểu điều gì gây ra lo âu hoặc khiến mình căng thẳng. Thực hành các chiến lược đã đề ra cùng bác sĩ để sẵn sàng ứng phó với cảm giác lo âu trong những tình huống này.
- Hãy viết nhật kí. Theo dõi cuộc sống cá nhân của mình có thể giúp xác định điều gì gây ra căng thẳng và điều gì dường như giúp mình cảm thấy tốt hơn.
- Tham gia một nhóm hỗ trợ lo âu. Hãy nhớ rằng mình không đơn độc. Có nhiều nhóm hỗ trợ để giúp đỡ, chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm về bệnh.
- Học cách kiểm soát thời gian. Bạn có thể giảm bớt lo lắng bằng cách học cách kiểm soát thời gian và năng lượng của mình một cách cẩn thận.
- Giao lưu. Đừng để những lo âu cô lập bản thân khỏi những người thân yêu hoặc các hoạt động xã hội.
- Phá vỡ chu kỳ. Khi bạn cảm thấy lo âu, hãy đi bộ nhanh hoặc tìm hiểu kỹ một sở thích để tập trung tâm trí khỏi những lo lắng.
Chuẩn bị cho lần đi khám
Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi khám tổng quát và nếu cần bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Trước cuộc hẹn, bạn có thể lập một danh sách:
- Các triệu chứng lo lắng của bạn. Lưu ý thời điểm triệu chứng xảy ra, bất cứ điều gì dường như làm cho chúng tốt hơn hay tồi tệ hơn và mức độ ảnh hưởng của chúng đến các hoạt động và tương tác hàng ngày của bạn.
- Nguyên nhân khiến bạn căng thẳng. Bao gồm bất kỳ thay đổi lớn nào trong cuộc sống hoặc những sự kiện căng thẳng mà bạn đã giải quyết gần đây. Cũng ghi nhận bất kỳ trải nghiệm đau thương nào bạn đã có trong quá khứ hoặc khi còn nhỏ.
- Bất kỳ tiền sử gia đình nào về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Lưu ý nếu cha mẹ, ông bà, anh chị em hoặc con cái của bạn đã gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào.
- Bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác mà bạn gặp phải. Bao gồm cả các vấn đề thể chất và sức khỏe tinh thần.
- Tất cả các loại thuốc bạn đang dùng. Bao gồm bất kỳ loại thuốc, vitamin, thảo mộc hoặc các chất bổ sung khác và liều lượng.
- Các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn để tận dụng tối đa cuộc hẹn của bạn.
Một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ bao gồm:
- Nguyên nhân có khả năng nhất khiến tôi lo lắng là gì?
- Các vấn đề tâm lý hoặc các vấn đề sức khỏe thể chất có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm sự lo lắng của tôi không?
- Tôi có cần bất kỳ xét nghiệm nào không?
- Tôi có nên gặp bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học không?
- Loại liệu pháp nào có thể giúp tôi?
- Thuốc có giúp ích không? Nếu vậy, có thuốc thay thế chung cho loại thuốc đang kê đơn không?
- Tôi có thể thực hiện biện pháp nào tại nhà để hỗ trợ cho việc điều trị không?
- Tôi có thể tìm kiếm thêm thông tin về bệnh ở đâu?
Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác trong cuộc hẹn của bạn.
Những gì mong đợi từ bác sĩ của bạn
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, chẳng hạn như:
- Các triệu chứng là gì, và mức độ nghiêm trọng của chúng? Chúng ảnh hưởng đến đời sống của bạn như thế nào?
- Bạn đã bao giờ lên cơn hoảng sợ chưa?
- Bạn có tránh những điều hoặc tình huống nhất định vì chúng khiến bạn lo lắng không?
- Cảm giác lo âu của bạn là thỉnh thoảng hay liên tục?
- Lần đầu tiên bạn bắt đầu nhận ra cảm giác lo âu của mình là khi nào?
- Có bất cứ điều gì cụ thể dường như kích hoạt sự lo lắng của bạn hoặc làm cho nó trở nên tồi tệ hơn không?
- Điều gì, nếu có, dường như cải thiện cảm giác lo âu của bạn?
- Bạn đã có những trải nghiệm đau thương nào gần đây hoặc trong quá khứ?
- Bạn có bệnh lý nào về thể chất hoặc tinh thần không?
- Bạn có dùng loại thuốc theo đơn nào không?
- Bạn có thường xuyên uống rượu hoặc sử dụng thuốc kích thích không?
- Bạn có người thân nào bị lo âu hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm không?
Xem thêm: