Các nguyên nhân mạn tính gây đau bụng là hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột (IBD– Inflammatory bowel diseases). Triệu chứng có thể gặp như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc chướng bụng.
Trong tất cả các loại thực phẩm, có những loại có thể làm nặng thêm tình trạng đau bụng, nhưng cũng có một số khác giúp làm nhẹ triệu chứng này. Bài viết này sẽ trình bày những thực phẩm nên sử dụng và nên tránh nếu bị đau bụng.
Các loại thực phẩm tốt cho người bị đau bụng
Dưới đây là một số loại thức ăn và đồ uống có thể giúp làm giảm cơn đau bụng hoặc ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.
Chất lỏng
Cơ thể dễ gặp tình trạng mất nước nếu bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Vì vậy cần bù nước và chất điện giải để tránh mất nước.
Các bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân dùng chế độ ăn loãng trong ngắn ngày để làm giảm cơn đau bụng, bao gồm:
- Nước lọc
- Súp loãng
- Nước trái cây pha loãng hoặc nước bí đao
- Kem que làm từ nước trái cây
- Nước uống điện giải
- Trà nhạt (không sữa)
- Trà thảo mộc
- Thạch rau câu
Uống đủ lượng chất lỏng rất cần thiết đối với người bị táo bón. Chất lỏng giúp làm mềm phân, cho phép chúng được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn, giúp duy trì việc đi đại tiện đều đặn.
Nước súp
Nếu người bệnh không ăn được, có thể thay thế bằng súp rau hoặc nước hầm xương.
Nước hầm xương có chứa glutamine, một loại axit amin giúp tăng cường hệ miễn dịch đường ruột (theo 1 nghiên cứu năm 2017). Ngoài ra, glutamin còn thúc đẩy quá trình hấp thu nước và chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Theo một nghiên cứu khác vào năm 2009, rối loạn chức năng miễn dịch đường ruột là nguyên nhân chính gây ra các bệnh sau:
- Dị ứng thức ăn
- Viêm đường ruột
- Bệnh celiac
Táo
Táo chứa chất chống oxy hóa polyphenol, có tác dụng kháng viêm trong viêm đường ruột (theo nghiên cứu năm 2015). Polyphenol sử dụng trong chế độ ăn uống có thể giúp:
- Điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó kiểm soát tình trạng viêm
- Bảo vệ bề mặt của ruột khỏi bị tổn thương
- Cân bằng hệ vi sinh đường ruột (bình thường trong đường ruột có hàng nghìn tỷ vi sinh vật)
Để dễ tiêu hóa hơn, có thể chế biến táo bằng cách hầm hoặc làm nước ép thay vì ăn táo nguyên trái.
Chuối
Chuối giúp bổ sung kali và các chất điện giải khác bị mất do tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Chuối nằm trong chế độ ăn kiêng “BRAT”, được khuyên dùng cho trường hợp đau bụng do tiêu chảy. BRAT là viết tắt của Banana (chuối), Rice (cơm), Applesauce (nước táo) và Toast (bánh mì). Những thực phẩm này rất tốt đối với hệ tiêu hóa, chúng có thể giúp ngăn ngừa chứng đau bụng.
Gừng
Gừng làm giảm cảm giác buồn nôn. Cách dùng là pha trà gừng bằng cách thái hoặc bào gừng tươi sau đó thêm nước nóng. Người bệnh uống nhấm nháp trà gừng nóng giúp làm dịu cơn đau bụng.
Gừng cũng có đặc tính chống viêm có thể giúp ngăn các triệu chứng của hội chứng viêm đường ruột.
Một nghiên cứu năm 2019 đánh giá tác động của việc sử dụng gừng hàng ngày đối với những người bị viêm loét đại tràng, một dạng của viêm đường ruột. Trong 12 tuần, những người bị viêm loét đại tràng nhẹ đến trung bình được cho dùng 2 gam gừng mỗi ngày, nhóm chứng sử dụng giả dược.
Nhóm được bổ sung gừng cho thấy mức độ viêm đường ruột giảm xuống và cải thiện chất lượng cuộc sống so với nhóm chứng.
Tuy nhiên, các tác giả đề xuất rằng các nhà khoa học cần tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng bằng cách sử dụng các liều lượng và thời gian bổ sung gừng khác nhau để chắc chắn về kết quả trên.
Hạt lanh trị táo bón
Những người bị táo bón có thể dùng dầu hạt lanh bên cạnh việc uống nhiều nước hơn. Việc kết hợp cả 2 cách này sẽ làm mềm phân, giúp người bệnh đi đại tiện đều đặn hơn.
Hạt lanh có thể được sử dụng bằng cách cho vào ngũ cốc ăn sáng hoặc thêm vào cùng sinh tố.
Trong khi dùng hạt lanh cần uống nhiều nước, nếu không phân sẽ bị khô và cứng, làm nặng thêm tình trạng táo bón.
Thực phẩm giàu Probiotic
Probiotics (lợi khuẩn) rất có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Mọi người có thể bổ sung probiotic hoặc ăn các thực phẩm giàu probiotic tự nhiên.
Probiotic có thể được sử dụng tốt với người vừa kết thúc đợt điều trị kháng sinh, hoặc dùng điều trị bổ sung cho các bệnh tiêu hóa mạn tính.
Tuy nhiên, thực phẩm giàu probiotic không thực sự phù hợp với những người đang bị đau bụng kèm theo nôn mửa và tiêu chảy. Men vi sinh chỉ nên được bổ sung sau khi hồi phục khỏi những tình trạng này.
Thực phẩm giàu probiotic bao gồm:
- Sữa chua tự nhiên không đường
- Nấm Kefir (nấm Tây Tạng)
- Dưa muối
- Miso
- Tempeh (tương nén)
- Nấm thủy sinh (kombucha)
- Kim chi
Các thực phẩm cần tránh
Dưới đây là một số loại thực phẩm cần tránh đối với người có tình trạng đau bụng.
Chất xơ không hòa tan
Chất xơ có 2 loại là chất xơ hòa tan và không hòa tan. Khi gặp nước, chất xơ hòa tan sẽ hấp thụ nước và trở nên nhầy, hơi giống như gel trong khi đó chất xơ không hòa tan không hấp thụ nhiều nên không bị thay đổi độ đặc đáng kể.
Theo Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, chất xơ hòa tan có lợi cho bệnh tiêu chảy và táo bón. Khi người bệnh uống nhiều nước, nó sẽ giúp làm mềm phân và tăng số lượng phân. Bổ sung chất xơ không hòa tan cũng có lợi cho người bị táo bón.
Tuy nhiên, chất xơ không hòa tan có thể khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn vì nó đẩy nhanh tốc độ vận chuyển thức ăn qua ruột.
Việc tăng lượng chất xơ không hòa tan trong khẩu phần của những người mắc nhóm bệnh này cần rất thận trọng và được đánh giá, tư vấn kĩ lưỡng từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Một số nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm:
- Bột yến mạch
- Lúa mạch
- Quả hạch
- Các loại hạt
- Các loại đậu
- Đậu lăng
- Đậu Hà Lan
Một số nguồn thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan bao gồm:
- Bột lúa mì
- Ngũ cốc
- Các loại rau
Thực phẩm giàu FODMAP
FODMAP là viết tắt của ‘oligosaccarit, disaccarit, monosaccarit và polyol có thể lên men.’ FODMAPS là carbohydrate chuỗi ngắn khó được hấp thu. Thực phẩm chứa nhiều FODMAPS có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau bụng và khó chịu
- Đầy hơi
- Chướng bụng
- Thay đổi tần suất đi đại tiện
Một số thực phẩm giàu FODMAP cần tránh bao gồm:
- Một số loại rau: tỏi, hành tây, đậu, măng tây, bơ, súp lơ, cần tây, nấm, đồ muối chua
- Một số loại hoa quả, bao gồm: táo, lê, đào, dâu, chuối chín, bưởi, xoài, dưa hấu
- Một số sản phẩm thịt, như: xúc xích, thịt chorizo
- Sản phẩm có chứa lúa mì
- Ngũ cốc nguyên cám
- Mật ong
- Mật đường
- Chất tạo ngọt
- Thực phẩm từ sữa
- Sữa đậu nành
- Trà
Sản phẩm từ sữa
Sữa có chứa đường lactose (đường sữa). Một số người không dung nạp (tiêu hóa) được lactose, dẫn đến các triệu chứng sau:
Những người không dung nạp lactose nên tránh tiêu thụ các sản phẩm từ sữa như:
- Sữa
- Phô mai
- Sữa chua
Những người này có thể lựa chọn các sản phẩm từ sữa không chứa lactose, hiện được bày bán rộng rãi trên thị trường.
Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Những người đang bị nôn mửa hoặc tiêu chảy nên tránh thức ăn giàu chất béo như đồ chiên rán. Nguyên nhân là do chúng khó tiêu hóa và có thể làm nặng thêm tình trạng đau bụng.
Các ví dụ về thực phẩm dư thừa chất béo là:
- Đồ ăn nhanh
- Thịt mỡ
- Pho mát, bao gồm cả pho mát kem
- Sữa nguyên chất hoặc sữa chứa hàm lượng 2% chất béo
- Kem, gồm cả kem chua
- Thực phẩm có bổ sung bơ hoặc dầu
Các loại đồ ngọt
Tiêu thụ đồ ngọt (thực phẩm chứa nhiều đường) có thể gây ra hội chứng làm rỗng dạ dày nhanh. Đây là hiện tượng dạ dày nhanh chóng đẩy các chất chứa bên trong xuống tá tràng – phần trên của ruột non.
Hội chứng làm rỗng dạ dày nhanh sẽ dẫn tới tình trạng phân lỏng. Ngoài ra họ có thể gặp các triệu chứng của hạ đường huyết sau khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn đồ ngọt.
Ví dụ về thực phẩm và đồ ngọt cần tránh bao gồm:
- Bánh quy
- Bánh ngọt
- Kem
- Sô cô la sữa
- Nước ngọt có ga
- Nước tăng lực
- Các loại nước ép trái cây
- Sữa chua
Tóm tắt
Những người bị đau bụng có thể khó tiêu hóa được các loại thức ăn như thông thường. Tuy nhiên, họ phải uống nhiều nước để ngăn chặn hiện tượng mất nước.
Thức ăn nhạt, ít mùi vị nồng có thể được sử dụng tốt vì ít gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra chúng còn giúp bổ sung các chất điện giải bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng hoặc các bệnh đường tiêu hóa khác, như chất xơ không hòa tan, thực phẩm giàu chất béo hay các loại đồ ngọt.
Nếu gặp phải triệu chứng khó chịu kéo dài hoặc mức độ tăng dần, người bệnh cần đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.
Xem thêm:
- 11 nguyên nhân phổ biến gây đau bụng dưới kèm tiết dịch âm đạo
- Nguyên nhân gây ra chứng đầy hơi và đau bụng dưới, thời điểm cần đi khám
- Đau bụng dưới trong thai kỳ: Nguyên nhân và điều trị
- Đau hố chậu trái: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- 15 nguyên nhân phổ biến gây ra đau bụng, thời điểm cần đi khám