Vitamin A được sử dụng phổ biến nhất để điều trị thiếu vitamin A.
Ngoài ra, vitamin A cũng được dùng để giảm các biến chứng của nhiều bệnh như sốt rét; HIV / AIDS; sởi; hỗ trợ cho khả năng sinh sản; tiêu chảy; tăng cường thị lực; ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; rối loạn da; nhiễm trùng và nhiều bệnh khác, nhưng chưa có bằng chứng khoa học đủ tốt để chứng minh hầu hết các mục đích sử dụng trên.
Vitamin A cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của mắt, da, hệ thống miễn dịch và nhiều bộ phận khác của cơ thể.
Công dụng & hiệu quả của Vitamin A
Hiệu quả ở những trường hợp
- Thiếu vitamin A: uống bổ sung vitamin A có tác dụng ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng của thiếu hụt vitamin A ở những đối tượng bị thiếu protein, tiểu đường, cường giáp, sốt, mắc bệnh gan, xơ nang hoặc mắc rối loạn di truyền abetalipoproteinemia.
- Da lão hóa: hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thoa vitamin A (retinol) trên da sẽ giúp cải thiện màu da, độ đàn hồi và nếp nhăn ở những người có làn da lão hóa. Chưa có nghiên cứu về hoạt động của retinol không kê đơn có tốt như các sản phẩm kê đơn đã được FDA Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị da lão hóa, chẳng hạn như tretinoin (Renova)
- Bệnh sởi: uống vitamin A có thể làm giảm nguy cơ biến chứng hoặc tử vong do bệnh sởi, ở trẻ em mắc bệnh này và thiếu vitamin A
- Khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu: uống vitamin A trong thời kỳ mang thai làm giảm 37% chứng quáng gà ở phụ nữ bị suy dinh dưỡng. Trong trường hợp này, vitamin A có thể hoạt động tốt khi dùng chung với kẽm
- Các mảng trắng bám trong miệng do hút thuốc (bạch sản ở miệng): Nghiên cứu cho thấy uống vitamin A có thể giúp điều trị các tổn thương tiền ung thư ở miệng
- Tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào: hầu hết các bác sĩ đồng ý rằng bổ sung vitamin A liều cao giúp giảm nguy cơ tử vong ở trẻ từ 6-59 tháng tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A nhưng không làm giảm nguy cơ tử vong ở người lớn khỏe mạnh
- Các biến chứng sau khi sinh con: uống vitamin A trong và sau khi mang thai giúp giảm tiêu chảy sau sinh ở phụ nữ bị suy dinh dưỡng. Uống vitamin A trước và trong khi mang thai cũng làm giảm 40% nguy cơ tử vong với đối tượng này
- Tình trạng về mắt do di truyền gây ra giảm thị lực ban đêm và mất thị lực bên (viêm võng mạc sắc tố): Uống vitamin A có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh này
- Bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng): một số nghiên cứu cho rằng uống vitamin A hàng ngày trong 2 tháng có thể làm giảm các triệu chứng và giúp ruột lành lại ở người lớn bị bệnh này
- Da nhăn do tác hại của ánh nắng mặt trời: hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy việc thoa serum vitamin A (retinol) không kê đơn lên da giúp cải thiện làn da mịn màng và giảm nếp nhăn ở những phụ nữ có làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu ban đầu cho thấy tác dụng hoạt động tốt ở các sản phẩm kê đơn đã được FDA chấp thuận, chẳng hạn như tretinoin (Renova)
Có thể không hiệu quả ở các trường hợp
- Dễ bị dị ứng và có phản ứng dị ứng (bệnh dị ứng): Cho trẻ sơ sinh uống một liều vitamin A không giúp ngăn ngừa được bệnh này
- Bệnh phổi ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh (loạn sản phế quản phổi): Nghiên cứu cho thấy tiêm vitamin không làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp ở hầu hết trẻ sơ sinh nhẹ cân
- Tử vong ở trẻ chưa sinh hoặc sinh non: uống bổ sung vitamin A cho mẹ trước, trong hoặc sau khi mang thai không ngăn ngừa tử vong ở trẻ sơ sinh trong năm đầu đời. Cho trẻ sơ sinh uống cũng không ngăn ngừa được tử vong
- Nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng: cho trẻ dùng kèm một liều vitamin A duy nhất để điều trị ký sinh trùng đường ruột, không ngăn ngừa được tái nhiễm so với việc chỉ dùng riêng thuốc đó
- Ung thư da (u ác tính): Nghiên cứu cho thấy uống vitamin A liều cao không làm tăng khả năng sống sót, không tái phát ở những người bị u ác tính
- Sẩy thai: phụ nữ bổ sung vitamin A bằng đường uống, dùng riêng hoặc kết hợp với các vitamin khác trước hoặc trong thời kỳ đầu mang thai, không làm giảm nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu
- Bệnh lao: nồng độ vitamin A thấp thường gặp ở những người bị bệnh lao. Tuy nhiên, uống vitamin A lại không giúp cải thiện các triệu chứng hoặc giảm nguy cơ tử vong ở những người bị tình trạng này.
Gần như không hiệu quả ở các trường hợp
- Ung thư đầu cổ: uống vitamin A không làm giảm nguy cơ phát triển các khối u mới hoặc cải thiện khả năng sống sót ở những người bị bệnh này
- Lây truyền HIV: uống vitamin A bằng đường uống không làm giảm nguy cơ truyền HIV cho thai nhi trong thời kỳ mang thai, cho trẻ sơ sinh trong khi sinh hay trẻ sơ sinh trong thời kỳ cho con bú. Trên thực tế, nghiên cứu ban đầu cho thấy phụ nữ dương tính với HIV uống bổ sung vitamin A trong thời kỳ mang thai có thể tăng nguy cơ truyền HIV sang con qua sữa mẹ
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Uống vitamin A không ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em. Trên thực tế, vitamin A có liên quan đến việc làm tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em
- Viêm phổi: Uống vitamin A bằng đường uống không giúp điều trị hoặc ngăn ngừa viêm phổi trẻ em ở các nước đang phát triển
Không đủ bằng chứng cho các trường hợp
- Mụn: có một số sản phẩm vitamin A kê đơn được FDA chấp thuận để điều trị mụn trứng cá, bao gồm Tazarotene (Tazorac) và adapalene (Differin). Nhưng các sản phẩm này khác các sản phẩm vitamin A không kê đơn, chưa rõ liệu các sản phẩm vitamin A không kê đơn, chẳng hạn như retinol, có thể giúp điều trị mụn trứng cá hay không
- Giảm các tế bào hồng cầu khỏe mạnh do thiếu sắt (thiếu máu): Uống vitamin A có thể giúp tăng mức protein dự trữ sắt, dẫn đến giảm nguy cơ thiếu máu ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển có tình trạng thiếu máu phổ biến, việc bổ sung vitamin A (retinol) cùng với sắt và folate không cải thiện được tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai so với chỉ dùng sắt và folate
- Tự kỷ ám thị: trẻ em mắc chứng tự kỷ thường có lượng vitamin A thấp, liên quan đến các triệu chứng của bệnh này. Nghiên cứu ban đầu cho thấy uống vitamin A sẽ làm giảm nhẹ một số triệu chứng ở trẻ tự kỷ
- Ung thư vú: phụ nữ tiền mãn kinh có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú nếu hấp thụ nhiều vitamin A trong chế độ ăn uống sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn. Vẫn chưa rõ về việc bổ sung vitamin A có mang lại lợi ích tương tự hay không
- Đục thủy tinh thể: Những người hấp thụ nhiều vitamin A trong chế độ ăn uống có nguy cơ bị đục thủy tinh thể thấp hơn
- Ung thư cổ tử cung: nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin A tăng trong máu hoặc có lượng vitamin A cao hơn có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, chỉ xảy ra khi dùng cả hai dạng của vitamin A là retinol và carotenes. Chỉ sử dụng mỗi retinol không có tác dụng liên quan đến bệnh này
- Tiêu chảy do thuốc điều trị ung thư: uống vitamin A không ngăn ngừa được tiêu chảy hoặc đau miệng do hóa trị liệu ở trẻ em
- Với sự phát triển của trẻ nhỏ: uống vitamin A không cải thiện sự tăng trưởng ở trẻ em có chế độ dinh dưỡng bình thường. Tuy nhiên, có thể cải thiện ở trẻ em bị thiếu vitamin A
- U tuyến đại trực tràng (chưa phải ung thư): dùng kết hợp bổ sung selen, kẽm, vitamin A, vitamin C và vitamin E có thể làm giảm sự tái phát của các polyp tiền ung thư trong ruột già
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc COPD: nghiên cứu ban đầu đã phát hiện ra rằng uống đủ lượng vitamin A được khuyến nghị có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh khí thũng, một loại COPD
- Ung thư đại trực tràng: chỉ uống vitamin A hoặc cùng với beta-carotene không giúp ngăn ngừa được ung thư đại trực tràng
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (nhằm cải thiện lưu lượng máu đến tim): nghiên cứu ban đầu cho thấy uống vitamin A có thể làm giảm thời gian chăm sóc đặc biệt trong phẫu thuật và thời gian ở lại bệnh viện sau phẫu thuật này
- Ung thư thực quản: lượng vitamin A và beta-carotene cao hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư thực quản nhưng không giúp ngăn ngừa bệnh này
- Ung thư dạ dày: uống vitamin A riêng hoặc cùng beta-carotene không ngăn ngừa được ung thư dạ dày
- Mụn cóc sinh dục: không rõ liệu các sản phẩm vitamin A không kê đơn, chẳng hạn như retinol, có thể giúp điều trị tình trạng này hay không
- HIV / AIDS: uống vitamin A khi mang thai không làm giảm nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con. Ngoài ra, bổ sung vitamin A trong thai kỳ cũng không ngăn được sự tiến triển của HIV ở phụ nữ đã nhiễm HIV và có hàm lượng vitamin A thấp. Tuy nhiên, bổ sung vitamin A cho trẻ sơ sinh và trẻ dương tính với HIV có thể làm giảm nguy cơ tử vong do HIV
- Tiêu chảy ở người nhiễm HIV / AIDS: uống vitamin A có thể làm giảm nguy cơ tử vong do tiêu chảy ở trẻ em bị thiếu vitamin A, mắc hoặc không mắc HIV. Nhưng vẫn xuất hiện những kết quả trái ngược nhau ở các trường hợp
- Sự phát triển của trẻ sơ sinh: tiêm vitamin A cho trẻ sơ sinh nhẹ cân làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi mãn tính khoảng 13%, đồng thời cũng có thể giúp cải thiện sự phát triển của não trong một năm ở một số trẻ sơ sinh nhẹ cân. Nhưng chỉ tác dụngvới trẻ sơ sinh rất nhỏ phải cung cấp thêm khí nitric oxide
- Mệt mỏi ở những người mắc bệnh đa xơ cứng (MS- multiple sclerosis): nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng uống vitamin A trong một năm làm giảm mệt mỏi ở những bệnh nhân này
- Ung thư bạch cầu (bệnh bạch cầu): nghiên cứu ban đầu cho thấy uống vitamin A cùng thuốc chống ung thư không cải thiện khả năng sống sót ở những người bị tình trạng này so với việc chỉ dùng riêng thuốc chống ung thư. Trên thực tế, khi dùng chung chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc
- Ung thư gan: những người bổ sung vitamin A hoặc những người có nồng độ vitamin A trong máu cao hơn không làm giảm nguy cơ bị ung thư gan
- Ung thư phổi: hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng uống vitamin A không làm tăng khả năng sống sót ở những người bị ung thư phổi. Ngoài ra, bổ sung vitamin A cùng với beta-carotene có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc và những người thường tiếp xúc với amiăng. Nhưng không rõ liệu tác dụng này có phải là do beta-carotene hay không, có thể nguy cơ này liên quan đến việc sử dụng beta-carotene, không phải vitamin A
- Bệnh sốt rét: uống vitamin A có thể làm giảm các triệu chứng sốt rét ở trẻ em dưới 3 tuổi sống ở các khu vực có bệnh này phổ biến. Nhưng uống vitamin A không giúp cải thiện các triệu chứng hoặc ngăn ngừa tử vong do một dạng sốt rét ác tính ảnh hưởng đến chức năng não gây ra
- U lympho không Hodgkin: những người tiêu thụ nhiều vitamin A hơn trong chế độ ăn uống có nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin thấp hơn một chút
- Ung thư da không tế bào hắc tố: nghiên cứu ban đầu đã phát hiện ra tiêu thụ nhiều vitamin A hơn trong chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ ung thư da không do tế bào hắc tố
- Ung thư buồng trứng: nghiên cứu ban đầu đã phát hiện ra uống vitamin A có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng
- Ung thư tuyến tụy: uống vitamin A cùng với beta-carotene không giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tụy
- Bệnh Parkinson: nghiên cứu ban đầu cho thấy nồng độ vitamin A trong máu hoặc chế độ ăn uống không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này
- Phục hồi sau phẫu thuật mắt bằng laser (cắt sừng hoạt tính quang): uống vitamin A cùng vitamin E có thể giúp cải thiện tình trạng lành nhanh hơn sau khi phẫu thuật mắt bằng laser
- Ung thư tuyến tiền liệt: lượng vitamin A hấp thụ qua chế độ ăn uống dường như không làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
- Da có vảy, ngứa (bệnh vảy nến): Tazarotene (Tazorac) là một sản phẩm vitamin A kê theo đơn được FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho tình trạng này và khác các sản phẩm vitamin A không được kê đơn. Không rõ liệu các sản phẩm vitamin A không kê đơn, chẳng hạn như retinol, có thể giúp điều trị tình trạng này hay không
- Viêm và tổn thương trực tràng do xạ trị: nghiên cứu ban đầu cho thấy uống vitamin A (retinol palmitate) có thể làm giảm các triệu chứng trực tràng do xạ trị vùng chậu gây ra
- Bệnh võng mạc do sinh non (rối loạn mắt ở trẻ sinh non có thể dẫn đến mù lòa): nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng trẻ sinh non uống vitamin A có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này
- Nhiễm trùng thận, bàng quang hoặc niệu đạo (nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng tiểu): nghiên cứu ban đầu cho thấy uống vitamin A hàng ngày trong 10 ngày, cùng với thuốc kháng sinh có thể giúp các bé gái 2-12 tuổi bị nhiễm trùng thận phục hồi nhanh hơn
- Mụn cóc: chưa rõ hiệu quả điều trị mụn cóc ở các sản phẩm vitamin A không kê đơn, chẳng hạn như retinol
- Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD- age-related macular degeneration): bệnh về mắt dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi
- Bệnh gan ở những người uống rượu
- Bệnh tăng nhãn áp (một nhóm các rối loạn về mắt có thể dẫn đến mất thị lực)
- Cải thiện chức năng miễn dịch
- Ngăn ngừa và tăng tốc độ phục hồi sau nhiễm trùng
- Thúc đẩy tầm nhìn tốt
- Bệnh xương khớp
- Dị ứng phấn hoa
- Làm lành vết thương
- Các bệnh chứng khác
Cần có thêm bằng chứng để đánh giá về tác dụng của vitamin A với những bệnh trên.
Tác dụng phụ Vitamin A
Khi dùng bằng đường uống: Vitamin A an toàn tuyệt đối với hầu hết mọi người ở lượng dưới 10.000 đơn vị (3.000 mcg) mỗi ngày. Vitamin A có sẵn ở hai dạng khác nhau: vitamin A sẵn có và provitamin A. Liều tối đa hàng ngày 10.000 đơn vị chỉ áp dụng với vitamin A sẵn có. Một số chất bổ sung chứa vitamin A ở cả hai dạng. Do đó, đối với những chất bổ sung này, lượng vitamin A sẵn có nên được sử dụng để xác định xem tổng hàm lượng vitamin A có an toàn hay không. Trong một số trường hợp, thuốc bổ sung vitamin A với lượng lớn hơn 10.000 đơn vị có thể vẫn an toàn nếu một phần vitamin A ở dạng provitamin A. Ví dụ, một chất bổ sung có chứa 23.000 đơn vị vitamin A, trong đó 60% là dạng provitamin A, sẽ vẫn an toàn, do chỉ có 40% hàm lượng vitamin A, hay 9.200 đơn vị, là vitamin A sẵn có.
Vitamin A không an toàn khi dùng bằng đường uống với liều lượng lớn hơn 10.000 đơn vị (3.000 mcg) mỗi ngày. Một số nghiên cứu cho thấy liều cao hơn có thể làm tăng nguy cơ loãng và gãy xương chậu, đặc biệt ở người lớn tuổi. Người hay ăn các thức ăn như sản phẩm từ sữa ít béo đã được tăng cường vitamin A, nhiều trái cây, rau quả thường không cần bổ sung thêm vitamin A hoặc vitamin tổng hợp có chứa vitamin A.
Sử dụng một lượng lớn vitamin A trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm mệt mỏi, khó chịu, thay đổi tinh thần, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, sốt nhẹ, đổ mồ hôi và nhiều tác dụng phụ khác. Ở phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh, bổ sung quá nhiều vitamin A có thể làm tăng nguy cơ loãng và gãy xương chậu.
Ngày càng có nhiều lo ngại về việc dùng liều cao các chất bổ sung, các chất chống oxy hóa như vitamin A có thể gây hại nhiều hơn lợi. Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin A liều cao có thể làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân đồng thời gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khác.
Khi thoa lên da: Vitamin A có thể an toàn khi sử dụng trên da trong thời gian ngắn. Retinol 0,5% huyết thanh đã được sử dụng hàng ngày trong tối đa 12 tuần mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Khi tiêm: Vitamin A an toàn khi được tiêm vào cơ với lượng dưới 10.000 đơn vị (3.000 mcg) mỗi ngày.
Biện pháp phòng ngừa đặc biệt và cảnh báo
Mang thai và cho con bú: vitamin A an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú khi được dùng với lượng khuyến cáo dưới 10.000 đơn vị (3.000 mcg) vitamin A dạng sẵn có mỗi ngày. Liều lớn hơn có thể không an toàn. Vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh nên đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai là phải theo dõi lượng vitamin A được hấp thụ từ tất cả các nguồn trong ba tháng đầu của thai kỳ. Các dạng vitamin A được tìm thấy trong một số loại thực phẩm bao gồm các thực phẩm từ động vật, chủ yếu là gan, một số loại ngũ cốc ăn sáng tăng cường và thực phẩm chức năng.
Video vai trò của vitamin A đối với trẻ em
Trẻ em: vitamin A an toàn cho trẻ em khi được dùng với lượng khuyến cáo, thường dựa trên độ tuổi:
- Dưới 3 tuổi: 2000 đơn vị (600 mcg) / ngày
- Từ 4 đến 8 tuổi: dưới 3000 đơn vị (900 mcg) / ngày
- Từ 9 đến 13 tuổi: dưới 5667 đơn vị (1700 mcg) / ngày
- Từ 14 đến 18 tuổi: dưới 9333 đơn vị (2800 mcg) / ngày
Vitamin A có thể không an toàn cho trẻ em khi dùng đường uống với liều lượng cao hơn so với khuyến cáo. Các tác dụng phụ có thể bao gồm khó chịu, buồn ngủ, nôn mửa, tiêu chảy, mất ý thức, nhức đầu, có các vấn đề về thị lực, bong tróc da, tăng nguy cơ viêm phổi, tiêu chảy và nhiều vấn đề khác.
Sử dụng quá nhiều rượu: uống rượu có thể làm tăng tác dụng có hại của vitamin A đối với gan.
Rối loạn trong đó cơ thể không hấp thụ chất béo đúng cách: những người mắc các tình trạng ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất béo chẳng hạn như bệnh celiac, hội chứng ruột ngắn, vàng da, xơ nang, bệnh tuyến tụy và xơ gan, không có khả năng hấp thụ vitamin A đúng cách. Để cải thiện, nên sử dụng các chế phẩm vitamin A tan trong nước.
Thiếu sắt: thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến khả năng phân hủy và sử dụng vitamin A.
Bệnh gan: quá nhiều vitamin A có thể làm cho bệnh gan trở nên trầm trọng hơn. Do đó, không dùng vitamin A nếu bị bệnh gan.
Suy dinh dưỡng: ở những người bị suy dinh dưỡng thiếu protein nghiêm trọng, uống vitamin A có thể dẫn đến việc cơ thể bị quá liều.
Thiếu kẽm: thiếu kẽm có thể gây ra các triệu chứng thiếu vitamin A. Dùng kết hợp vitamin A và chất bổ sung kẽm có thể cải thiện tình trạng này.
Tương tác thuốc Vitamin A
Tương tác chính
Không kết hợp dùng vitamin A với:
- Thuốc điều trị bệnh về da (Retinoids) tương tác với VITAMIN A
Một số loại thuốc điều trị da đã có tác dụng của vitamin A, nên khi dùng chung có thể gây ra quá liều dẫn đến xuất hiện các tác dụng phụ.
Tương tác vừa phải
Hãy thận trọng với sự kết hợp sau:
Thuốc kháng sinh (kháng sinh Tetracycline) và VITAMIN A
Vitamin A có thể tương tác với một số loại thuốc kháng sinh nên khi dùng một lượng lớn vitamin A cùng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ nghiêm trọng, tăng huyết áp nội sọ. Khi dùng liều lượng bình thường của vitamin A cùng với tetracycline lại không gây ra vấn đề này. Do đó, không dùng một lượng lớn vitamin A cùng thuốc kháng sinh.
Một số loại kháng sinh cần để ý bao gồm demeclocycline (Declomycin), minocycline (Minocin) và tetracycline (Achromycin).
Các loại thuốc có thể gây hại cho gan và VITAMIN A
Dùng một lượng lớn vitamin A đã có thể gây hại cho gan. Nên khi dùng một lượng lớn vitamin A cùng với các loại thuốc có thể gây hại cho gan sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Vì vậy, không dùng chúng cùng với nhau.
Một số loại thuốc có thể gây hại cho gan bao gồm acetaminophen (Tylenol và những loại khác), amiodarone (Cordarone), carbamazepine (Tegretol), isoniazid (INH), methotrexate (Rheumatrex), methyldopa (Aldomet), fluconazole (Diflucan), itraconazole (Sporanox), erythromycin (Erythrocin, Ilosone, những loại khác), phenytoin (Dilantin), lovastatin (Mevacor), pravastatin (Pravachol), simvastatin (Zocor), và nhiều loại khác.
Warfarin (Coumadin) và VITAMIN A
Warfarin (Coumadin) được dùng để làm chậm quá trình đông máu. Sử dụng lượng lớn vitamin A cũng có thể làm chậm quá trình đông máu. Nên khi kết hợp chúng với nhau có thể làm tăng khả năng bị bầm tím và chảy máu. Do vậy, cần đảm bảo kiểm tra máu thường xuyên. Liều dùng warfarin (Coumadin) cũng có thể sẽ cần phải thay đổi.
Liều lượng Vitamin A
Các liều dùng sau đây đã được nghiên cứu trong khoa học:
Người lớn
Đường uống
- Trường hợp chung: Mức khuyến nghị cho chế độ ăn uống (RDA- Recommended Dietary Allowance) đối với vitamin A là 900 mcg mỗi ngày cho nam giới và 700 mcg mỗi ngày cho nữ giới. Đối với phụ nữ mang thai, RDA là 770 mcg mỗi ngày. Đối với phụ nữ đang cho con bú, RDA là 1.300 mcg mỗi ngày
Mức tiêu thụ cao nhất có thể chấp nhận được (UL) đối với vitamin A là 10.000 đơn vị (3.000 mcg) mỗi ngày. UL là mức hấp thụ cao nhất có khả năng không gây ra các tác động có hại. UL cho vitamin A là cho vitamin A dạng sẵn có (retinol) và không bao gồm các carotenoid provitamin A.
Liều lượng vitamin A thường được biểu thị bằng IU, nhưng đôi khi cũng sử dụng microgam. Ăn 5 phần trái cây và rau mỗi ngày đã giúp cung cấp khoảng 50% đến 65% RDA cho người lớn về vitamin A.
- Với bệnh nhân bạch sản miệng (có các mảng bám trắng bên trong miệng thường do hút thuốc): Liều hàng tuần 200.000-300.000 IU vitamin A sử dụng trong 6-12 tháng
- Với phụ nữ có các biến chứng sau khi sinh con: Liều 23.000 IU vitamin A hàng tuần được sử dụng trước, trong và sau khi mang thai. Ngoài ra, liều 23.300 IU vitamin A hàng tuần còn được sử dụng trước và trong khi mang thai
- Với bệnh nhân có khả năng nhìn kém trong điều kiện ánh sáng yếu: Để ngăn ngừa tình trạng này ở phụ nữ mang thai, sử dụng liều hàng tuần 23.000 IU vitamin A trước, trong và sau khi mang thai. Ở phụ nữ có lượng kẽm thấp, dùng kết hợp với 35 mg kẽm mỗi ngày để có hiệu quả tốt nhất
- Đối với bệnh nhân bị viêm võng mạc sắc tố (tình trạng mắt di truyền gây ra thị lực ban đêm kém và mất thị lực bên): liều dùng hàng ngày là 15.000 IU vitamin A, đôi khi là 400 IU vitamin E mỗi ngày
- Bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng): Vitamin A 25.000 IU mỗi ngày sử dụng trong 2 tháng
Trẻ em
Đường uống:
Tổng quát: Mức vitamin A được khuyến nghị (RDA) là:
- Trẻ sơ sinh 6 tháng: 400 mcg / ngày
- 7 đến 12 tháng: 500 mcg / ngày
- 1 đến 3 tuổi: 300 mcg / ngày
- 4 đến 8 tuổi: 400 mcg / ngày
- 9 đến 13 tuổi: 600 mcg / ngày
- 14-18 tuổi, 900 mcg / ngày
- Đối với trẻ em gái 14-18 tuổi đang mang thai: RDA là 750 mcg
- Đối với trẻ em gái 14-18 tuổi đang cho con bú: RDA là 1.200 mcg
Mức hấp thụ cao nhất có thể chấp nhận được (UL) đối với vitamin A cũng đã được thiết lập. UL là mức hấp thụ cao nhất không gây ra các tác động có hại. Các UL cho vitamin A dành cho dạng sẵn có (retinol) và không bao gồm các carotenoid provitamin A.
Đối với trẻ sơ sinh
- 3 tuổi: 600 mcg / ngày (2.000 đơn vị)
- 4 đến 8 tuổi: 900 mcg / ngày (3.000 đơn vị)
- 9 đến 13 tuổi: 1700 mcg / ngày (5.667 đơn vị)
- 14 đến 18 tuổi: 2800 mcg / ngày (9.333 đơn vị)
Đối với bệnh sởi: 100.000 đến 200.000 IU vitamin A, ít nhất hai liều mỗi ngày sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi
Đối với thai chết lưu hoặc trẻ sinh non: nên bổ sung vitamin A cho trẻ
- 6-59 tháng tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A
- Từ 6-11 tháng tuổi, khuyến cáo liều cung cấp là 100.000 IU vitamin A
- Từ 12-59 tháng tuổi, khuyến nghị 200.000 IU vitamin A mỗi 4-6 tháng
Xem thêm: