Các triệu chứng của rối loạn trí nhớ
Triệu chứng chính của chứng rối loạn trí nhớ là không nhớ các kí ức cũ hoặc không có khả năng hình thành ký ức mới. Nếu bị rối loạn trí nhớ, bạn có thể có các biểu hiện sau:
- Khó nhớ lại các việc, sự kiện, địa điểm hoặc chi tiết cụ thể (có thể bao gồm những điều nhỏ như sáng nay ăn gì cho đến những điều lớn như tên của tổng thống hiện tại)
- Khả năng học thông tin mới bị suy giảm
- Hoang mang vì các kí ức bị quên mất
- Không có khả năng nhận ra một địa điểm hoặc một khuôn mặt quen thuộc
- Rối loạn trí nhớ tạo ra những lỗ hổng trong kí ức, và não bộ của bạn trong vô thức có thể tạo ra những kí ức sai lệch để lấp đầy những khoảng trống đó.
Video Phòng tránh bệnh hay quên, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer
Bạn sẽ vẫn giữ được các kỹ năng vận động như khả năng đi bộ, cũng như vẫn giao tiếp tốt với ngôn ngữ bạn đang nói (không thất ngôn).
Phân loại rối loạn trí nhớ
Có nhiều loại rối loạn trí nhớ khác nhau, bao gồm:
Rối loạn trí nhớ ngược
Khi bị rối loạn trí nhớ ngược, bạn sẽ mất đi những ký ức đã có trước đó.
Loại rối loạn trí nhớ này có xu hướng ảnh hưởng đến những ký ức hình thành gần đây trước tiên. Những ký ức cũ hơn, chẳng hạn như ký ức từ thời thơ ấu thường bị ảnh hưởng chậm hơn.
Các tình trạng như chứng sa sút trí tuệ gây ra rối loạn trí nhớ ngược.
Rối loạn trí nhớ xuôi
Khi bị rối loạn trí nhớ xuôi, bạn không thể hình thành những ký ức mới.
Tình trạng này có thể là tạm thời. Ví dụ, bạn có thể gặp phải tình trạng rối loạn trí nhớ xuôi do uống quá nhiều rượu.
Nó cũng có thể là vĩnh viễn. Bạn có thể gặp phải trường hợp này nếu hồi hải mã bị tổn thương. Hồi hải mã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức.
Rối loạn trí nhớ thoáng qua (TGA)
Rối loạn trí nhớ thoáng qua (TGA) là một tình trạng chưa được hiểu rõ. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn sẽ cảm thấy những cơn bối rối hoặc kích động đến và đi lặp lại trong vài giờ.
Bạn có thể bị mất đi phần kí ức trong vòng vài giờ trước khi xảy ra đột quỵ và sẽ không duy trì trí nhớ lâu dài về trải nghiệm đó.
Các nhà khoa học nghĩ rằng TGA xảy ra do kết quả của hoạt động giống như co giật hoặc tắc nghẽn ngắn mạch máu cung cấp cho não. Nó xảy ra thường xuyên hơn ở người trung niên và lớn tuổi.
Chứng hay quên ở trẻ sơ sinh hoặc thời thơ ấu
Hầu hết mọi người không thể nhớ 3 đến 5 năm đầu tiên của cuộc đời. Hiện tượng phổ biến này được gọi là chứng hay quên ở trẻ sơ sinh.
Rối loạn trí nhớ phân ly
Khi bị rối loạn trí nhớ phân ly, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những thông tin quan trọng về bản thân, chẳng hạn như tên, lịch sử cá nhân hoặc gia đình và bạn bè.
Rối loạn trí nhớ phân ly có thể được gây ra bởi một sự kiện đau buồn hoặc căng thẳng, chẳng hạn như những nạn nhân của chiến tranh hoặc của một vụ án tối phạm. Rối loạn trí nhớ phân ly thường xảy ra đột ngột và có thể kéo dài hàng phút, hàng giờ hoặc hàng ngày. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.
Rối loạn trí nhớ sau chấn thương (PTA)
Theo nghiên cứu, hầu hết những người nhập viện vì chấn thương sọ não đều trải qua chứng rối loạn trí nhớ sau chấn thương.
PTA có thể xảy ra sau một thời gian bất tỉnh. Bạn đã tỉnh táo trở lại nhưng có thể cư xử và nói một cách kỳ quái không giống với chính mình. Bạn có thể không nhớ được các sự kiện từ vài phút hoặc vài giờ trước.
Khoảng thời gian PTA kéo dài có thể cho biết mức độ nghiêm trọng của chấn thương não. Theo Headway - một tổ chức từ thiện dành riêng cho những người sống sót sau chấn thương não cho biết: PTA có thể kéo dài dưới 1 giờ đối với chấn thương nhẹ hoặc hơn 24 giờ đối với chấn thương não nặng.
Rối loạn trí nhớ do thuốc
Loại rối loạn trí nhớ này xảy ra khi bạn dùng một số loại thuốc nhất định.
Sau đây là một số loại thuốc có thể gây ra rối loạn trí nhớ:
Benzodiazepine như alprazolam (Xanax) và chlordiazepoxide (Librium).
Thuốc an thần như zolpidem (Ambien) và zopiclone (Imovane).
Thuốc mê toàn thân như pentobarbital natri (Nembutal Natri) và phenobarbital.
Thuốc mê tác dụng ngắn như flunitrazepam (Rohypnol) và ketamine.
Rối loạn trí nhớ do thuốc thường là tạm thời. Điều này đặc biệt rõ ràng ở những người lớn tuổi đang dùng nhiều loại thuốc khác nhau.
Nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn trí nhớ.
Sa sút trí tuệ
Khả năng hoạt động của bộ nhớ trong não phụ thuộc vào độ tuổi của nó.
Để dẫn đến tình trạng rối loạn trí nhớ, não của bạn phải bị suy giảm ở một diện đủ rộng. Điều này có thể do bệnh Alzheimer hoặc các tình trạng sa sút trí tuệ khác gây ra.
Những người bị sa sút trí tuệ thường mất đi những kí ức gần trước và nhiều hơn, sau đó mới đến các kí ức đã tồn tại lâu.
Thiếu oxy não
Sự suy giảm nồng độ oxy có thể ảnh hưởng đến toàn bộ bộ não và dẫn đến mất trí nhớ. Tình trạng này được gọi là thiếu oxy não. Nếu tình trạng thiếu oxy không quá nghiêm trọng dẫn đến tổn thương não không hồi phục thì mất trí nhớ có thể chỉ là tạm thời.
Tồn thương hồi hải mã
Hồi hải mã là một bộ phận của não, thuộc hệ viền limbic chịu trách nhiệm về trí nhớ. Các hoạt động của nó bao gồm hình thành, tổ chức sắp xếp các ký ức và truy xuất chúng ra khi cần thiết.
Các tế bào của hồi hải mã mong manh và tiêu thụ nhiều năng lượng nhất của não bộ. Chúng dễ bị tổn thương bởi thiếu oxy và các yếu tố độc hại khác như các chất độc.
Khi hồi hải mã bị suy thoái, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành những ký ức mới. Nếu hồi hải mã bị tổn thương ở cả hai bán cầu đại não, bạn có thể bị mất hoàn toàn trí nhớ ngược.
Chấn thương vùng đầu
Các chấn thương vùng đầu, cũng như các tình trạng tổn thương khác của hệ thần kinh trung ương như đột quỵ, u não, viêm màng não có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng khác nhau của não bộ. Các rối loạn này có thể bao gồm mất trí nhớ vĩnh viễn.
Chấn động não thường làm gián đoạn ký ức trong khoảng vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần trước và sau khi bạn bị thương.
Rượu
Uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn có thể gây mất kí ức tạm thời. Đây là một dạng của mất trí nhớ ngược.
Rối loạn sử dụng rượu lâu dài có thể gây ra hội chứng Wernicke - Korsakoff, một tình trạng rối loạn của hệ thần kinh trung ương dẫn đến mất trí nhớ tiến triển do không đủ vitamin B1 (thiamine). Hội chứng Weinicke – Korsakoff biểu hiện bằng việc người bệnh khó khăn trong việc hình thành những ký ức mới mà không nhận ra điều đó.
Tình trạng chấn thương hoặc căng thẳng
Các chấn thương (có thể thuộc vùng đầu hoặc không) và căng thẳng nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn trí nhớ. Trong các tình trạng đó, tâm trí của bạn từ chối những suy nghĩ, cảm xúc hoặc thông tin quá tải để xử lý.
Một tình trạng rối loạn trí nhớ dạng quên phân ly - gọi tắt là rối loạn phân ly có thể dẫn đến việc đi du lịch hoặc lang thang không rõ mục đích. Người bệnh không nhớ vì sao mình lại rời nhà đi, mình sẽ đi đâu hay sẽ làm gì trong chuyến đi.
Liệu pháp điện trị liệu (ECT)
Điện trị liệu (ECT) dùng trong điều trị trầm cảm hoặc các bệnh lý khác, có thể dẫn đến mất trí nhớ ngược khoảng kí ức vài tuần hoặc vài tháng trước khi điều trị.
Bạn cũng có thể gặp rối loạn trí nhớ xuôi nhưng thường sẽ khỏi trong vòng 4 tuần.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến dẫn đến rối loạn trí nhớ
Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ:
- Tiền sử của các cơn đau đầu Migrain
- Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như huyết áp cao hoặc cholesterol máu cao
- Chấn thương hoặc phẫu thuật não
- Đột quỵ
- Căng thẳng
Các biến chứng của rối loạn trí nhớ
Những người bị rối loạn trí nhớ, thậm chí nhẹ cũng có thể bị giảm chất lượng cuộc sống. Họ có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc hàng ngày hay trong các hoạt động xã hội do khó nhớ lại những kỷ niệm trước đây và ghi nhớ những kỷ niệm mới.
Trong một số trường hợp mất trí nhớ không hồi phục, họ sẽ quên vĩnh viễn những kí ức trước đây.
Những người bị rối loạn trí nhớ trầm trọng có thể cần được giám sát suốt cả ngày.
Làm thế nào để chẩn đoán rối loạn trí nhớ
Rối loạn trí nhớ có thể được chẩn đoán bởi bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Họ sẽ bắt đầu bằng các câu hỏi về tình trạng trí nhớ của bạn cũng như các biểu hiện khác đi kèm.
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ có thể yêu cầu người thân hoặc người đang chăm sóc cho bệnh nhân hỗ trợ trả lời các câu hỏi do họ có thể không nhớ được câu trả lời nếu tình trạng rối loạn trí nhớ nặng.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng các bài kiểm tra nhận thức để đánh giá trí tình trạng về trí nhớ hoặc đề xuất thêm các xét nghiệm khác.
Ví dụ: MRI hoặc CT scan có thể được đề xuất để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương não.
Xét nghiệm máu được để xuất để kiểm tra sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức như không đủ lượng vitamin B1, vitamin B12 (cobalamin) hoặc vitamin D.
Xét nghiệm máu cũng có thể chỉ ra các bệnh nhiễm trùng có thể gây mất trí nhớ chẳng hạn như bệnh Lyme, HIV hoặc giang mai.
Nếu lo lắng về tình trạng sức khỏe mà chưa có đủ điều kiện đến khám các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bạn cũng có thể đến các cơ sở y tế gần nhà để được đánh giá tổng quát về tình trạng bệnh.
Điều trị rối loạn trí nhớ
Để điều trị rối loạn trí nhớ chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Rối loạn trí nhớ do độc chất hóa học như ngộ độc rượu, có thể được giải quyết bằng cách giải độc. Một khi thuốc đã ra khỏi hệ thần kinh trung ương, các vấn đề về trí nhớ có thể sẽ thuyên giảm.
Rối loạn trí nhớ do chấn thương nhẹ vùng đầu có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng vài phút hoặc vài giờ. Rối loạn trí nhớ do chấn thương nặng ở đầu có thể kéo dài đến 1 tuần. Trong một số trường hợp hiếm gặp, rối loạn trí nhớ do chấn thương đầu rất nặng có thể kéo dài hàng tháng.
Rối loạn trí nhớ do sa sút trí tuệ thường không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê các thuốc để hỗ trợ học tập và trí nhớ, chẳng hạn như donepezil (Aricept), galantamine (Razadyne ER) hoặc rivastigmine (Exelon).
Nếu tình trạng rối loạn trí nhớ kéo dài, bác sĩ sẽ đề xuất một vài bài tập vật lý trị liệu cho não bộ. Các liệu pháp này có thể giúp bạn tiếp thu thông tin mới và biết một vài kỹ năng ghi nhớ áp dụng cho cuộc sống hàng ngày. Bác sĩ trị liệu cũng có thể hướng dẫn một vài phương pháp hỗ trợ trí nhớ và các kỹ thuật sắp xếp thông tin trong não bộ để giúp bạn truy xuất chúng dễ dàng hơn khi cần.
Dự phòng rối loạn trí nhớ
Những thói quen lành mạnh sau đây có thể làm giảm nguy cơ mất ý thức, chấn thương đầu, sa sút trí tuệ, đột quỵ và các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây mất trí nhớ:
- Tránh sử dụng nhiều rượu hoặc sử dụng ma túy.
- Sử dụng mũ bảo vệ đầu khi bạn chơi các môn thể thao có nguy cơ chấn động cao.
- Thắt dây an toàn khi di chuyển bằng ô tô.
- Điều trị sớm các nhiễm trùng tránh tình trạng lây lan vào hệ thần kinh trung ương. Với người lớn tuổi, hãy kiểm tra mắt hàng năm và hỏi bác sĩ về tác dụng phụ chóng mặt có thể gặp phải của các loại thuốc đang dùng. Điều này có thể giúp ngăn ngừa té ngã ở người lớn tuổi.
- Luôn tham gia các hoạt động tinh thần trong suốt cuộc đời. Ví dụ, tham gia các lớp học, khám phá những địa điểm mới, đọc sách mới và chơi các trò chơi thử thách tinh thần.
- Duy trì hoạt động thể chất.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein ít chất béo. Điều này giúp ngăn ngừa đột quỵ và các vấn đề tim mạch khác có thể gây ra rối loạn trí nhớ, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng để thúc đẩy sức khỏe não bộ.
- Uống đủ nước. Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của não, đặc biệt là ở phụ nữ.
Tổng kết
Rối loạn trí nhớ trong một số ít các trường hợp có thể kéo dài vĩnh viễn, trong nhiều trường hợp khác chúng có thể tự khỏi. Rối loạn trí nhớ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn và khi đó bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Một lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ rối loạn trí nhớ.
Xem thêm: