Video tư vấn về bệnh ung thư máu mạn tính
Dưới đây là các phương pháp điều trị cho những người bị bệnh bạch cầu.
Lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân
Việc điều trị có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tuổi và sức khỏe của bệnh nhân. Nó cũng phụ thuộc vào loại bệnh và giai đoạn bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải.
Bốn loại bệnh bạch cầu chính là:
- Bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL)
- Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML)
- Bệnh bạch cầu kinh dòng lympho (leukemia kinh dòng lympho-CLL)
- Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt(CML)
Bác sĩ huyết học, bác sĩ ung thư và nhóm điều trị sẽ giải thích các phương pháp điều trị và quyết định kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu
Các phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mỗi người bệnh, bao gồm
- Ghép tủy xương
- Hóa trị liệu
- Xạ trị
- Liệu pháp điều trị đích
- Liệu pháp miễn dịch
- Các thử nghiệm lâm sàng
Bác sĩ có thể kết hợp một hoặc nhiều phương pháp điều trị với nhau. Dưới đây là thông tin về các phương pháp điều trị này:
Ghép tế bào gốc tạo máu (HPSCT)
Còn được gọi là ghép tủy xương. HPSCT liên quan đến việc sử dụng các tế bào gốc khỏe mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư và giúp sản sinh nhiều tế bào gốc khỏe mạnh hơn.
HPSCT là gì?
Ghép tế bào gốc là quá trình thay thế các tế bào máu trong cơ thể. Để làm được điều này, các tế bào gốc khỏe mạnh sẽ được tiêm vào cơ thể. Các tế bào này di chuyển đến tủy xương-nơi chúng thay thế tế bào gốc tạo máu. Các tế bào gốc tạo máu này chỉ có thể tạo ra những tế bào tương tự chúng, và ở những người bị bệnh bạch cầu, các tế bào này chính là nguyên nhân gây bệnh.
Khi các tế bào gốc tạo máu mới vào tủy xương, chúng sẽ sinh sản các tế bào máu khỏe mạnh và khi được sản xuất đủ, chúng bắt đầu thay thế các tế bào máu bất thường đang gây bệnh.
HPSCT có thể được thực hiện trước hoặc sau một liệu pháp điều trị củng cố (tiêu diệt các tế bào máu bất thường) có thể được thực hiện bằng xạ trị hoặc hóa trị.
Có hai hình thức cấy ghép tủy xương chính:
Ghép tế bào gốc tự thân
Cấy ghép tự thân sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh. Các tế bào gốc này phải được lấy trước khi bắt đầu các phương pháp điều trị khác như hóa trị vì có thể ảnh hưởng đến các tế bào này. Người bệnh cũng phải có tủy xương khỏe mạnh. Ở phương pháp này, tế bào gốc của bệnh nhân sẽ được thu thập, xử lý và đưa trở lại cơ thể người bệnh.
Ghép tế bào gốc đồng loài
Cấy ghép tế bào gốc đồng loài sử dụng các tế bào gốc được hiến tặng. Người cho tế bào gốc phải là một người phù hợp kháng nguyên với bệnh nhân. Người hiến tặng là họ hàng, người thân trong gia đình người bệnh thì tỷ lệ thành công cao hơn.
Quy trình thực hiện
Quá trình tiếp nhận tế bào gốc tương tự như truyền máu. Bác sĩ sẽ đưa tế bào gốc vào máu bệnh nhân bằng đường truyền tĩnh mạch trên cánh tay hoặc ống thông tĩnh mạch trung tâm ở bên phải ngực.
Ống thông tĩnh mạch trung tâm có thể được đặt trước khi thực hiện HPSCT để truyền máu, truyền thuốc hoặc chất dinh dưỡng cho người bệnh.
Thu thập tế bào gốc thường được thực hiện theo một trong hai cách. Tế bào gốc có thể được lấy ra khỏi xương chậu bằng cách đưa một cây kim vào và tủy xương có chứa các tế bào gốc tế bào gốc sẽ được lấy ra. Trước đó người bệnh hoặc người hiến tặng sẽ được dùng thuốc tê tại chỗ để không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện.
Tế bào gốc cũng có thể được thu thập bằng phương pháp gạn bạch cầu. Trong quá trình gạn, người bệnh sẽ được tiêm 5 mũi thuốc để huy động tế bào gốc di chuyển từ tủy xương vào máu. Sau đó, máu được lấy qua đường tĩnh mạch sẽ cho vào máy và tế bào gốc sẽ được tách ra khỏi máu.
Loại bệnh bạch cầu nào có thể được điều trị bằng phương pháp này?
Tất cả các loại bệnh bạch cầu đều có thể được điều trị bằng HPSCT.
Các tác dụng phụ và biến chứng.
Các biến chứng có thể xảy ra, nhưng không phải ai cũng gặp phải
- Thiếu máu
- Suy giảm miễn dịch
- Bệnh ghép chống chủ(GVHD)
Hóa trị liệu
Hóa trị là một phương pháp điều trị chính cho nhiều bệnh ung thư, bao gồm cả bệnh bạch cầu.
Hóa trị liệu là gì?
Hóa trị sử dụng các loại thuốc hoặc hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này điều trị toàn thân, có nghĩa là các loại thuốc được sử dụng tấn công cả các tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh.
Hóa trị liệu được thực hiện như thế nào?
Hóa trị có thể dùng đường uống dưới dạng thuốc viên, viên nang hoặc dạng lỏng, nhưng đa số thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc ống thông tĩnh mạch trung tâm-là một dụng cụ được đưa vào một trong các tĩnh mạch của người bệnh cho phép nhận thuốc qua đường tĩnh mạch.
Thuốc thường được tiêm theo lịch trình nhất định. Lịch dùng thuốc sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu của bệnh nhân và loại thuốc được sử dụng.
Những loại bệnh bạch cầu nào có thể được điều trị bằng cách này?
Tất cả các loại bệnh bạch cầu đều có thể được điều trị bằng hóa trị liệu. Đối với ALL, AML và CLL, đây là phương pháp điều trị chính. Đối với CML, các liệu pháp điều trị đích thường được sử dụng đầu tiên, sau đó là hóa trị.
Các tác dụng phụ và biến chứng là gì?
Như bất kỳ các phương pháp điều trị khác, hóa trị liệu cũng có những tác dụng phụ tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng, liều lượng và thời gian người bệnh điều trị.
Các tác dụng phụ bao gồm:
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Mất cảm giác ngon miệng
- Loét miệng
- Nôn hoặc buồn nôn
Không phải tất cả mọi người đều gặp các tác dụng phụ này. Một số loại thuốc có thể có tác dụng lâu dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư và tim mạch khác. Hãy trao đổi với bác sĩ về những biến chứng của thuốc mà bạn đang dùng.
Xạ trị
Xạ trị không được sử dụng nhiều như hóa trị, nhưng nó có thể hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Xạ trị là gì?
Xạ trị là sử dụng tia xạ năng lượng cao nhằm vào một điểm tập trung để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u.
Xạ trị được thực hiện như thế nào?
Xạ trị bao gồm một vài buổi điều trị một tuần, thường từ 1 đến 10 tuần. Trong các buổi điều trị, tia xạ sẽ nhắm vào một vùng cụ thể trên cơ thể người bệnh. Mỗi buổi sẽ kéo dài từ 10 đến 30 phút.
Những loại bệnh bạch cầu nào có thể được điều trị bằng cách này?
Xạ trị thường không được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu, mặc dù nó có thể được sử dụng cho CLL. Xạ trị có thể thu nhỏ các hạch bạch huyết bị sưng và giúp giảm các cơn đau mà bệnh gây nên.
Tác dụng phụ và biến chứng
Xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào vùng cơ thể được điều trị.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch cũng được sử dụng để điều trị một số loại bệnh bạch cầu.
Liệu pháp miễn dịch là gì?
Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị giúp hệ miễn dịch của người bệnh chống lại các tế bào gây bệnh.
Các loại liệu pháp miễn dịch cho bệnh bạch cầu bao gồm:
- Liệu pháp kháng thể đơn dòng. Liệu pháp này giúp cơ thể sản sinh ra các kháng thể chống lại nhiễm trùng.
- Liệu pháp tế bào CAR-T. Đây là một loại liệu pháp mới sử dụng tế bào T (một loại bạch cầu) của chính cơ thể người bệnh để chống lại bệnh bạch cầu.
- Truyền tế bào lympho của người hiến tặng. Thường được sử dụng kết hợp với liệu pháp tế bào gốc
- Interferon. Liệu pháp này sử dụng các protein nhân tạo để kích thích cơ thể chống lại bệnh bạch cầu.
Hiện có 10 loại thuốc điều trị miễn dịch đã được FDA chấp thuận để điều trị bệnh bạch cầu.
Cách thực hiện
Liệu pháp miễn dịch có thể được thực hiện theo một số cách khác nhau:
- Đường tĩnh mạch
- Thuốc uống
- Tại chỗ
- Đưa thuốc vào bàng quang
Tùy thuộc vào loại ung thư, đường dùng có thể khác nhau. Đối với bệnh bạch cầu, thường là uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Các loại bệnh bạch cầu có thể được điều trị bằng thuốc này
Tất cả các loại bệnh bạch cầu đều có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Tác dụng phụ và biến chứng
Các tác dụng phụ và biến chứng phụ thuộc vào việc điều trị bằng liệu pháp miễn dịch nào cũng như liều lượng thuốc, bao gồm:
- Đau
- Sưng tấy
- Ngứa
- Các triệu chứng giống như cúm
- Tiêu chảy
- Tim đập nhanh
- Tăng hoặc hạ huyết áp
Hãy hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của các thuốc điều trị miễn dịch mà bạn đang dùng.
Liệu pháp điều trị đích
Các liệu pháp điều trị đích có mục tiêu điều trị tương tự như hóa trị, nhưng cách thực hiện khác nhau.
Liệu pháp điều trị đích là gì?
Giống như hóa trị, liệu pháp điều trị đích sử dụng thuốc để thúc đẩy quá trình chết của tế bào và ngăn chặn tế bào ung thư nhân lên và di căn. Tuy nhiên, nếu như hóa trị liệu ảnh hưởng đến tất cả các loại tế bào kể cả những tế bào khỏe mạnh thì liệu pháp điều trị đích chỉ tập trung vào việc thay đổi cấu trúc phân tử và protein của các tế bào ung thư, như thế sẽ không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh và giảm tác dụng phụ của thuốc
Cách thực hiện
Liệu pháp điều trị đích có thể thực hiện dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Các loại bệnh bạch cầu có thể được điều trị bằng thuốc này
Tất cả các loại bệnh bạch cầu có thể được điều trị bằng phương pháp này.
Tác dụng phụ và biến chứng
Vẫn có thể gặp tác dụng phụ với liệu pháp điều trị đích. Nó phụ thuộc vào mỗi loại thuốc mà người bệnh đang dùng. Hãy nói chuyện với các bác sĩ trong nhóm điều trị về các tác dụng phụ tiềm ẩn và những điều bạn mong đợi.
Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm:
- Bong da
- Tăng huyết áp
- Rối loạn đông máu
- Tổn thương tim
- Phản ứng tự miễn
- Nôn hoặc buồn nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Loét miệng
- Rụng tóc
Tế bào miễn dịch
Những nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc sử dụng các tế bào miễn dịch như một loại thuốc điều trị ung thư.
Phương pháp điều trị này là gì
Phương pháp này được gọi là chuyển giao tế bào nuôi (ACT). Đó là khi các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân được sử dụng để chống lại tế bào ung thư. Có nhiều loại, nhưng loại phát triển nhất là liệu pháp CAR-T. Liệu pháp này sử dụng tế bào T được lập trình lại để nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư trên khắp cơ thể.
Phương pháp này được thực hiện như thế nào?
Hiện nay việc sử dụng phương pháp này trong điều trị bệnh bạch cầu còn khá hạn chế. Liệu pháp này thường được tiêm tĩnh mạch.
Các loại bệnh bạch cầu có thể được điều trị bằng thuốc này
Liệu pháp CAR-T được chỉ định cho bệnh nhân dưới 25 tuổi bị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính tái phát hoặc ALL không đáp ứng với bất kỳ phương pháp điều trị nào khác. Hiện đang có các thử nghiệm lâm sàng của liệu pháp này cho các loại bệnh bạch cầu khác và ung thư máu.
Tác dụng phụ và biến chứng
Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp này phải nằm viện trong vài tuần để theo dõi tác dụng của thuốc. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm:
- Hội chứng giải phóng cytokine. Đây là một tình trạng viêm có thể gây ra các triệu chứng giống như cảm cúm, khó thở, lú lẫn và hạ huyết áp.
- Các vấn đề thần kinh. Một số người bị lú lẫn, khó hiểu, khó nói hoặc sững sờ.
Thử nghiệm lâm sàng cho các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu mới
Đối với một số người, tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là một phần hữu ích trong quá trình điều trị của họ.
Thử nghiệm lâm sàng là gì?
Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu được tiến hành trên người để xác định tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Cách thực hiện các thử nghiệm lâm sàng
Các thử nghiệm lâm sàng thường có các tiêu chí đưa vào; điều này có nghĩa là những người tham gia phải đáp ứng các tiêu chí nhất định để được xem xét tham gia vào thử nghiệm lâm sàng. Bạn có thể tìm kiếm cơ sở dữ liệu toàn cầu cho các thử nghiệm lâm sàng này.
Các bác sĩ điều trị cũng sẽ biết về bất kỳ thử nghiệm lâm sàng nào mà bạn đủ điều kiện tham gia và sẽ cập nhật kiến thức đầy đủ về các thử nghiệm lâm sàng ấy.
Rủi ro và lợi ích của các thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng cũng có rủi ro và lợi ích giống như bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào. Tìm hiểu về những lợi ích và rủi ro có có thể giúp người bệnh đưa ra quyết định đúng đắn về việc có nên tham gia thử nghiệm hay không.
Rủi ro có thể bao gồm:
- Tác dụng phụ không rõ
- Điều trị không hiệu quả
- Không được lựa chọn phương pháp điều trị
- Có thể không được bảo hiểm
Các lợi ích có thể bao gồm:
- Giúp đỡ những người cùng mắc bệnh
- Điều trị hiệu quả hơn tiêu chuẩn chăm sóc hiện tại
- Được thăm khám nhiều hơn
Kết luận
Có nhiều loại phương pháp điều trị bệnh bạch cầu khác nhau và việc điều trị phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu mà bệnh nhân mắc phải.
Hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị và ảnh hưởng của mỗi phương pháp lên sức khỏe của bạn để từ đó giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn về phương pháp điều trị bệnh cho bản thân.
Xem thêm: