Bệnh tiêu chảy ở phụ nữ mang thai: Có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp điều trị

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón và đầy hơi. Tuy nhiên, tiêu chảy khi mang thai cũng có thể do nhiễm khuẩn đường ruột hoặc rối loạn tiêu hóa.

Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng. Trong thời kỳ mang thai, điều này có thể gây hại cho cả người mẹ và thai nhi. Vì vậy, phụ nữ có thai bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài nên đi khám ngay lập tức.

Bài viết này sẽ đề cập đến tình trạng tiêu chảy khi mang thai cũng như những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ đưa ra các biện pháp chăm sóc tại nhà, thuốc điều trị tiêu chảy và thời điểm cần đi khám.

Thông tin chung về bệnh tiêu chảy ở phụ nữ có thai

Tiêu chảy là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ có thai. Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (American College of Gastroenterology – ACG), không có nghiên cứu nào cập nhật về tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở phụ nữ có thai.

Trong thời kỳ mang thai, tiêu chảy có thể xuất hiện do thay đổi nội tiết tố hoặc do những thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có thể do những nguyên nhân không liên quan đến thai kỳ như nhiễm khuẩn đường ruột hoặc rối loạn tiêu hóa.

Thay đổi nội tiết tố

Một nguyên nhân có thể gây tiêu chảy là sự gia tăng nồng độ prostaglandin. Prostaglandin và oxytocin là 2 hormone giúp kích thích cơn co tử cung nhưng chúng cũng có thể làm tăng nhu động ruột.

Phân di chuyển qua ruột quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy. Tăng nồng độ prostaglandin cũng có thể gây tiêu chảy trong chu kỳ kinh nguyệt.

Một trong số các tác dụng phụ của prostaglandin tổng hợp như thuốc misoprostol (Cytotec) là tiêu chảy. Điều này là do misoprostol có thể kéo nước và chất điện giải vào lòng ruột, làm phân trở nên lỏng hơn. Misoprostol thường được chỉ định để gây chuyển dạ.

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn đường ruột là nguyên nhân phổ biến gây ra tiêu chảy. Ngoài phân lỏng hoặc phân tóe nước, người bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn cũng có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Phân có máu
  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt rét run
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
Tiêu chảy ở phụ nữ có thai có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác. Nguồn ảnh: Whatdreammeans.comTiêu chảy ở phụ nữ có thai có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác. Nguồn ảnh: Whatdreammeans.com

Một số tác nhân có thể gây tiêu chảy do nhiễm khuẩn là:

  • Vi khuẩn như Escherichia coli (E.coli), vi khuẩn họ Campylobacter, Salmonella hoặc Shigella
  • Virus như Norovirus và Rotavirus
  • Ký sinh trùng như Giardia lamblia và Cryptosporidium

Tình trạng tiêu chảy có thể xảy ra khi một người tiếp xúc với các tác nhân này qua đường tiêu hóa (từ nguồn thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm). Tiêu chảy do nhiễm khuẩn có thể xảy ra khi đi du lịch đến các nước đang phát triển có điều kiện vệ sinh kém.

Rối loạn tiêu hóa

Tiêu chảy kéo dài có thể là triệu chứng của một trong số các bệnh rối loạn tiêu hóa như:

  • Các bệnh viêm ruột, trong đó có bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng
  • Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS)
  • Bệnh Celiac (Không dung nạp với gluten)
  • Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (Small intestinal bacterial overgrowth – SIBO)

Các rối loạn trên cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác như:

  • Đau quặn bụng
  • Đầy hơi và chướng bụng
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn
  • Các vấn đề về da và khớp
  • Thiếu máu

Nếu tiêu chảy đi kèm theo các triệu chứng khác, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị.

Các nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở phụ nữ có thai

Tiêu chảy ở phụ nữ có thai cũng có thể gây ra bởi những nguyên nhân sau:

  • Không dung nạp hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Căng thẳng hoặc lo lắng
  • Một số loại thuốc
  • Ăn các loại thực phẩm có chứa chất tạo ngọt tổng hợp như sorbitol, xylitol, hoặc mannitol

Khi nào cần đi khám

Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến người mẹ và thai nhi.

Phụ nữ có thai bị tiêu chảy cần chú ý một số triệu chứng cảnh báo. Nguồn ảnh: Verywellfamily.comPhụ nữ có thai bị tiêu chảy cần chú ý một số triệu chứng cảnh báo. Nguồn ảnh: Verywellfamily.com

Phụ nữ có thai nên được điều trị ngay lập tức nếu gặp một trong số các triệu chứng sau đây:

  • Phân có máu hoặc có nhầy
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ
  • Đi ngoài phân lỏng 6 lần trở lên trong 24 giờ
  • Sốt từ 39oC trở lên
  • Thường xuyên nôn mửa
  • Đau bụng hoặc đau hậu môn dữ dội
  • Có dấu hiệu mất nước như nước tiểu sẫm màu, khát nước, khô miệng, choáng váng hoặc đi tiểu ít hơn

Chăm sóc tại nhà

Video: Làm gì khi bị tiêu chảy?

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng mất nước bằng cách uống nước lọc và các loại nước có chứa chất điện giải như:

  • Nước canh hoặc súp
  • Nước uống thể thao
  • Nước ép trái cây
  • Nước ngọt không chứa caffein

Đối với phụ nữ có thai bị mất nước nặng, bác sĩ có thể chỉ định bù dịch bằng dung dịch bù nước và điện giải Oresol.

Nhiều bác sĩ cũng khuyến khích chế độ ăn chứa các loại thực phẩm không có chất gây kích thích đường tiêu hóa để giúp phục hồi lượng điện giải bị mất do tiêu chảy. Các thực phẩm này thường mềm, ít chất xơ, được nấu chín và không cay như:

  • Sốt táo
  • Chuối
  • Khoai tây
  • Cơm
  • Bánh quy mặn
  • Bánh mì nướng

Ngoài ra, tránh ăn các loại thực phẩm làm bệnh tiêu chảy nặng hơn như các sản phẩm từ sữa, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và đồ uống có chứa caffeine.

Các loại thuốc điều trị tiêu chảy ở phụ nữ có thai

Bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong khi mang thai. Một số loại thuốc có thể gây hại hoặc chưa xác định rõ ảnh hưởng của nó đối với người mẹ và thai nhi.

Một nghiên cứu đối chứng của ACG ở những người phụ nữ có thai cho biết rằng họ không tìm thấy mối liên quan giữa việc dùng loperamide (Imodium) trong 3 tháng đầu của thai kỳ với những bất thường lớn của thai nhi. Loperamide là một loại thuốc không kê đơn có tác dụng tốt trong việc điều trị tiêu chảy cấp.

Tuy nhiên, ACG không khuyến cáo dùng thuốc trị tiêu chảy diphenoxylate-atropine (Lomotil) hoặc bismuth trong khi mang thai.

Họ đã nêu ra những phát hiện về khả năng gây hại của Lomotil đối với thai nhi trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Bismuth có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân, nguy cơ xuất huyết và tử vong ở trẻ sơ sinh.

Tổng kết

Tiêu chảy là một tình trạng rất phổ biến, kể cả ở phụ nữ có thai. Thay đổi nội tiết tố, nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hóa đều có thể gây ra tiêu chảy khi mang thai.

Bạn nên đi khám nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ. Đặc biệt, cần đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng như sốt, mất nước, phân có máu hoặc nôn mửa thường xuyên.

Ngoài ra, cần phải xin ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc trị tiêu chảy nào. Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!