Ngay cả với các bệnh lý mạn tính của đường tiêu hóa, chế độ ăn cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Video: Làm gì khi bị tiêu chảy?
Khi bị tiêu chảy, một số loại thực phẩm có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường trở lại. Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm nên tránh vì nó có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
Các loại thực phẩm nên ăn khi bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Trong đó, BRAT là một chế độ ăn được khuyến khích áp dụng khi bị tiêu chảy.
BRAT là viết tắt của:
- B = Bananas: chuối
- R = Rice: cơm
- A = Applse: táo
- T = Toast: bánh mì nướng
Những thực phẩm này không có chất gây kích thích đường tiêu hóa nên sẽ không làm tiêu chảy nặng thêm. Chúng là các loại thực phẩm mềm, chứa ít xơ nên giúp phân rắn hơn.
Các loại thực phẩm khác có trong chế độ ăn BRAT bao gồm:
- Các loại ngũ cốc nấu chín
- Bánh quy mặn
- Sốt táo và nước táo
Bạn cũng cần uống nhiều nước để bù lại lượng dịch đã mất đi. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại nước khác như:
- Nước canh từ xương gà hoặc xương bò hầm đã bỏ mỡ
- Nước bổ sung điện giải, nước dừa bổ sung vitamin và chất điện giải (tránh những loại có nhiều đường)
- Dung dịch bù nước dạng uống Oresol
- Các loại trà không chứa caffein
Sau khi bắt đầu hồi phục, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như trứng chưng và rau luộc vào chế độ ăn của mình.
Các loại thực phẩm không nên ăn khi bị tiêu chảy
Nhiều loại thực phẩm không nên ăn khi đang bị tiêu chảy hoặc đang hồi phục sau bệnh tiêu chảy. Chúng có thể kích thích hệ tiêu hóa và làm tiêu chảy nặng hơn hoặc kéo dài thời gian tiêu chảy.
Các loại thực phẩm nên tránh khi bị tiêu chảy bao gồm:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa (bao gồm cả bột whey có sữa)
- Thức ăn nhiều dầu mỡ
- Thức ăn cay
- Thực phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là những thực phẩm có chất phụ gia
- Thịt lợn và thịt bê
- Cá mòi
- Rau sống
- Lá đại hoàng
- Hành tây
- Ngô
- Trái cây họ cam quýt
- Dứa, anh đào, các loại quả mọng, quả sung, nho và nho khô
- Rượu bia
- Cà phê, nước ngọt, đồ uống có ga hoặc đồ uống chứa caffein
- Chất tạo ngọt tổng hợp như sorbitol
Phương pháp điều trị và chăm sóc tại nhà
Nhiều trường hợp tiêu chảy diễn ra trong thời gian ngắn và đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc tại nhà như thay đổi chế độ ăn, uống nhiều nước và dùng thuốc không kê đơn. Các thuốc không kê đơn như thuốc chống tiêu chảy bismuth có thể giúp ngăn hoặc làm giảm tiêu chảy.
Trong một số trường hợp, tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng có thể cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Men vi sinh có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh bằng cách bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa. Điều này cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy nặng, người bệnh có thể phải nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Thời điểm cần đi khám
Mặc dù đa số trường hợp tiêu chảy có thể được điều trị tại nhà bằng các thuốc không kê đơn, nghỉ ngơi và thay đổi chế độ ăn tạm thời, nhưng nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, bạn nên đi khám bác sĩ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không cải thiện hoặc nếu có dấu hiệu mất nước.
Người bệnh có dấu hiệu mất nước và một số triệu chứng khác cần phải đi cấp cứu ngay để được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng khác cần theo dõi bao gồm phân đen hoặc phân có máu, đau bụng dữ dội hoặc sốt từ 39°C trở lên. Bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ nếu gặp một trong các triệu chứng trên.
Đối với trẻ em bị tiêu chảy, các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi cấp cứu bao gồm:
- Tiêu chảy không cải thiện sau 24 giờ
- Tã khô từ 3 giờ trở lên
- Sốt từ 39°C trở lên
- Khô miệng, khô lưỡi
- Khóc không ra nước mắt
- Nếp véo da bụng mất chậm
- Mắt trũng, má hóp
- Phân đen hoặc phân có máu
Kết luận
Chế độ ăn vừa có thể là nguyên nhân, vừa có thể là phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy, hãy nghỉ ngơi, uống nhiều nước và thực hiện chế độ ăn BRAT sau vài giờ. Sau 1 – 2 ngày ăn các loại thực phẩm không có chất gây kích thích đường tiêu hóa, bạn có thể bắt đầu bổ sung các loại thực phẩm như thịt gà nạc xay và trứng chưng vào chế độ ăn.
Tuân thủ chế độ ăn này có thể làm cơ thể phục hồi nhanh hơn, giúp bạn có thể quay trở lại chế độ ăn bình thường sớm nhất có thể.
Xem thêm:
- Tiêu chảy: Nguyên nhân, chẩn đoán, các biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Các nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ra máu và biện pháp điều trị
- Tiêu chảy kéo dài: Nguyên nhân và các lựa chọn điều trị
- Bệnh tiêu chảy ở phụ nữ mang thai: Có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp điều trị
- Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và thời điểm cần đi khám
- Tiêu chảy ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị