Dù nguyên nhân gây tiêu chảy ra máu là gì thì các triệu chứng đều có thể được cải thiện với các biện pháp điều trị thích hợp. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị tiêu chảy ra máu. Không nên tự điều trị bằng thuốc chống tiêu chảy vì điều đó có thể khiến tiêu chảy nặng hơn.
Video: Bé bị tiêu chảy, đi phân nhầy có máu có nguy hiểm không
Bác sĩ sẽ đánh giá và tìm nguyên nhân gây tiêu chảy ra máu, sau đó họ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị tương ứng. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đánh giá tình trạng mất nước và chỉ định bù dịch thích hợp.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp có thể gây ra tình trạng tiêu chảy ra máu.
Bệnh ruột viêm (Inflammatory Bowel Disease – IBD)
Bệnh ruột viêm có thể gây tiêu chảy ra máu trong nhiều tuần. Đây là tình trạng viêm ruột mạn tính, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh cụ thể.
Có 2 loại viêm ruột chính: viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis) và bệnh Crohn.
Viêm loét đại tràng. Bệnh này gây ra các tổn thương ở đại tràng và trực tràng. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét đại tràng là tiêu chảy ra máu.
Các dấu hiệu khác có thể đi kèm như:
- Đau bụng
- Mót rặn
- Buồn nôn
- Chán ăn
- Sốt
Các phương pháp điều trị viêm loét đại tràng bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn
- Sử dụng thuốc
- Phẫu thuật
Bệnh Crohn. Loại viêm ruột này có thể biểu hiện trên toàn bộ đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Tiêu chảy là một triệu chứng phổ biến của bệnh Crohn. Nếu bệnh chỉ biểu hiện ở ruột non thì triệu chứng thường là tiêu chảy ra nước. Đôi khi, bệnh Crohn sẽ gây ra tình trạng chảy máu ở trực tràng.
Ngoài tiêu chảy, một số triệu chứng khác của bệnh Crohn là:
- Đau quặn bụng
- Sụt cân
- Sốt
- Loét miệng
Phương pháp điều trị bệnh Crohn có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc
- Thay đổi chế độ ăn
- Phẫu thuật
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ
Tình trạng này xảy ra khi lượng máu đến đại tràng bị giảm. Việc thiếu oxy sẽ gây ra tổn thương cho đại tràng.
Nguyên nhân thiếu máu có thể do tắc nghẽn động mạch từ từ theo thời gian như tình trạng tích tụ cholesterol trong động mạch (xơ vữa động mạch). Nó cũng có thể xảy ra đột ngột do cục máu đông hoặc do tụt huyết áp nặng.
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu và thường đi kèm với đau bụng mức độ từ nhẹ đến nặng.
Một số triệu chứng khác có thể là:
- Chướng bụng
- Sốt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mót rặn
Điều trị viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ có thể bằng:
- Truyền dịch đường tĩnh mạch
- Thuốc kháng sinh
- Nong động mạch và đặt stent động mạch
- Phẫu thuật
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Tiêu chảy ra máu do viêm ruột có thể kéo dài nếu không được điều trị. Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn, tiêu chảy thường không kéo dài hơn 2 tuần và sẽ không tái phát sau khi khỏi bệnh, trừ khi người bệnh bị nhiễm khuẩn trở lại.
Các vi khuẩn có thể gây tiêu chảy ra máu bao gồm:
E coli. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong thức ăn, nước uống và trên da. Nếu không rửa tay trước khi ăn, vi khuẩn có thể theo thức ăn vào bụng và gây ra tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Đặc biệt, chủng vi khuẩn E. coli sinh độc tố Shiga (Shigatoxigenic Escherichia coli – STEC) có thể tạo ra độc tố gây tiêu chảy ra máu.
Các triệu chứng khác của nhiễm STEC là:
- Đau bụng dữ dội
- Nôn mửa
- Sốt
Không có điều trị cụ thể cho tình trạng tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh có thể làm tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn. Bạn nên uống nước và nghỉ ngơi nhiều hơn.
Salmonella. Thông thường, loại vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm kể cả khi thực phẩm trông rất tươi ngon.
Nhiễm Salmonella thường gây tiêu chảy ra máu và các triệu chứng như:
- Sốt
- Co thắt dạ day
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau đầu
Điều trị nhiễm khuẩn salmonella mức độ nặng bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh và chăm sóc tại bệnh viện.
Shigella. Vi khuẩn này thường có trong thức ăn hoặc nước bị nhiễm bẩn và lây qua đường tay – miệng. Shigella có khả năng cao gây bệnh ở những người đi du lịch tại các quốc gia đang phát triển (gọi là tiêu chảy du lịch).
Đôi khi nó có thể gây tiêu chảy ra máu và một số triệu chứng như:
- Sốt
- Đau bụng
- Mót rặn
Điều trị nhiễm Shigella bằng các phương pháp sau:
- Thuốc kháng axit dạ dày như bismuth
- Thuốc kháng sinh
Campylobacter. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người ở Hoa Kỳ bị nhiễm loại vi khuẩn này, nhưng nó thường gây ra tiêu chảy du lịch do ăn phải thịt gia cầm hoặc các loại thực phẩm sống, chưa nấu chín kỹ có chứa vi khuẩn.
Campylobacter thường gây tiêu chảy ra máu. Nó cũng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Sốt
- Đau quặn bụng
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Điều trị nhiễm Campylobacter bằng:
- Thuốc kháng sinh
- Bù dịch
Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người hoặc động vật khác.
- Nấu thịt chín kỹ. Không để thịt gần các loại thức ăn khác.
- Rửa dụng cụ và bề mặt tiếp xúc với thịt sống.
- Không dùng sữa tươi hoặc các loại thực phẩm chưa được tiệt trùng.
- Không dùng nước từ ao hồ và tránh để nước chảy vào miệng khi đi bơi.
Nếu đi du lịch đến những nơi thiếu nước sạch, bạn chỉ nên ăn thức ăn đã nấu chín và uống nước đóng chai. Không dùng đá viên và trái cây chưa gọt vỏ.
Các nguyên nhân khác
Một số bệnh lý có ít nguy cơ gây tiêu chảy ra máu là ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng. Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa do ung thư kết hợp với tiêu chảy do xạ trị ở những người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể làm xuất hiện triệu chứng tiêu chảy ra máu.
Xem thêm:
- Tiêu chảy: Nguyên nhân, chẩn đoán, các biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Tiêu chảy kéo dài: Nguyên nhân và các lựa chọn điều trị
- Tiêu chảy: Nên và không nên ăn gì
- Bệnh tiêu chảy ở phụ nữ mang thai: Có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp điều trị
- Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và thời điểm cần đi khám
- Tiêu chảy ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị