Nguyên nhân và cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em
Video: Đừng chủ quan khi trẻ đi ngoài nhiều lần
Tiêu chảy là một cơ chế phản ứng của cơ thể để tự loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Hầu hết các đợt tiêu chảy kéo dài vài ngày đến 1 tuần. Tiêu chảy có thể kết hợp với sốt, buồn nôn, nôn, chuột rút, mất nước và thậm chí là phát ban. Một số nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị tiêu chảy là:
- Nhiễm virus như Rotavirus, nhiễm vi khuẩn như salmonella và đôi khi là ký sinh trùng như Giardia. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy của trẻ. Bên cạnh đi ngoài phân lỏng hoặc phân tóe nước, các triệu chứng của viêm dạ dày ruột do virus thường bao gồm nôn, đau bụng, nhức đầu và sốt.
Điều trị viêm dạ dày ruột do virus có thể kéo dài từ 5 – 14 ngày và cần lưu ý ngăn ngừa tình trạng mất nước. Hãy cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ uống thêm sữa mẹ hoặc dung dịch bù nước và chất điện giải (Oresol). Nước lọc không thể bổ sung natri, kali và các chất dinh dưỡng khác nên không dùng để bù dịch cho trẻ bị tiêu chảy. Hãy hỏi bác sĩ về lượng dịch mà trẻ cần, cách bù dịch cho trẻ, khi nào cho trẻ uống và cách theo dõi tình trạng mất nước.
Đối với trẻ lớn, có thể bù dịch bằng nhiều loại nước, kể cả Oresol. Truyền dịch có thể được chỉ định với những trẻ đang bị nôn và cần bù dịch từ từ.
Nếu gần đây trẻ có đi du lịch nước ngoài hoặc có các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, hãy cho trẻ đi khám ngay vì trẻ có thể cần phải làm xét nghiệm phân.
- Các loại thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh cũng có thể dẫn đến tiêu chảy ở trẻ em và người lớn.
Đối với tiêu chảy nhẹ do thuốc gây ra, hãy cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước. Nếu trẻ bị tiêu chảy sau một đợt kháng sinh, hãy tiếp tục dùng thuốc và hỏi ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ có thể giảm liều, hướng dẫn thay đổi chế độ ăn, bổ sung men vi sinh hoặc chuyển sang một loại kháng sinh khác.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng sữa chua có vi khuẩn sống hoặc men vi sinh có thể làm giảm tiêu chảy do kháng sinh vì chúng giúp bổ sung lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt bởi thuốc.
- Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ em. Các triệu chứng thường đến nhanh chóng, có thể bao gồm nôn mửa và thường biến mất trong vòng 24 giờ.
Điều trị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm cũng giống như tiêu chảy do nhiễm khuẩn: Bù dịch và đi khám bác sĩ ngay nếu có bất thường.
- Các nguyên nhân khác gây ra tiêu chảy bao gồm hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS), bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, dị ứng thực phẩm và bệnh Celiac. Nếu không xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy của trẻ, hãy cho trẻ đi khám ngay.
Nhận biết tình trạng mất nước
Mất nước là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy nhẹ thường không gây mất nước nhưng tiêu chảy vừa hoặc nặng có thể xảy ra tình trạng này.
Mất nước nặng rất nguy hiểm vì nó có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Hãy cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ có một trong các dấu hiệu mất nước sau:
- Chóng mặt và choáng váng
- Miệng khô
- Nước tiểu sẫm màu, có rất ít hoặc không có nước tiểu
- Khóc không ra nước mắt
- Da khô, lạnh
- Mệt mỏi
Khi nào cần cho trẻ đi khám
Tiêu chảy thường hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, hãy cho trẻ đi cấp cứu ngay:
- Li bì
- Lú lẫn hoặc chóng mặt
Cho trẻ đi khám nếu có các triệu chứng:
- Mệt mỏi
- Bị tiêu chảy hơn 3 ngày
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Nôn ra máu lẫn dịch xanh hoặc vàng
- Không uống được hoặc bị nôn hơn 2 lần
- Sốt dai dẳng hoặc trẻ dưới 6 tháng tuổi bị sốt trên 38oC (đo nhiệt độ tại trực tràng)
- Có dấu hiệu mất nước
- Phân có máu
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy từ 3 đợt trở lên
- Đi ngoài phân lỏng hơn 4 lần trong 8 tiếng và không bù dịch được
- Suy giảm miễn dịch
- Phát ban
- Đau dạ dày hơn 2 tiếng
- Không đi tiểu trong 6 tiếng đối với trẻ nhỏ hoặc trong 12 tiếng đối với trẻ lớn
LƯU Ý: Cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sơ sinh bị sốt trên 38oC uống thuốc hạ sốt.
Xem thêm:
- Tiêu chảy: Nguyên nhân, chẩn đoán, các biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Các nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ra máu và biện pháp điều trị
- Tiêu chảy kéo dài: Nguyên nhân và các lựa chọn điều trị
- Tiêu chảy: Nên và không nên ăn gì
- Bệnh tiêu chảy ở phụ nữ mang thai: Có bình thường không? Nguyên nhân và biện pháp điều trị
- Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và thời điểm cần đi khám