Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, cách điều trị và thời điểm cần đi khám

Tiêu chảy là một tình trạng phổ biến, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả trẻ sơ sinh. Đôi khi, trẻ sẽ bị tiêu chảy và điều này là bình thường vì hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa thích nghi với các loại thức ăn khác nhau. Tuy nhiên, tiêu chảy quá nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước.

Video: Cẩn trọng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

Dưới đây là những điều cần biết về tình trạng tiêu chảy của trẻ sơ sinh và thời điểm cần đưa trẻ đi khám.

Phân của trẻ sơ sinh bình thường trông như thế nào?

Phân của trẻ khá đa dạng về cả màu sắc lẫn tính chất phân, phụ thuộc vào độ tuổi và các giai đoạn khác nhau.

Trên thực tế, có một bảng màu sắc của phân để giúp cha mẹ so sánh và phát hiện những dấu hiệu bất thường trong phân của trẻ. Hãy nhớ rằng phân màu vàng nâu là bình thường.

Màu sắc phân có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Nguồn ảnh: Porngrand.comMàu sắc phân có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Nguồn ảnh: Porngrand.com

Phân trong lần đầu tiên đi ngoài của trẻ sơ sinh được gọi là phân su, lúc này phân không có mùi thối. Phân su chỉ là các chất cặn bã tích tụ trong ruột của trẻ sơ sinh khi còn trong bụng mẹ.

Phân su có màu xanh đen, hơi dính hoặc đặc quánh. Bạn có thể thấy ít phân su lẫn vào phân của trẻ trong 1 – 2 ngày sau sinh.

Sau vài ngày, phân của trẻ sẽ chuyển sang màu vàng đất. Phân có thể lỏng và nát nhưng đó không phải là tiêu chảy trừ khi trẻ đi ngoài nhiều hơn bình thường.

Thế nào là tiêu chảy ở trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh thường có phân nát và hơi sệt, đặc biệt là trẻ bú mẹ hoàn toàn. Trẻ cũng đi ngoài nhiều, có thể đến vài lần trong ngày. Vì vậy, rất khó để xác định rằng trẻ có bị tiêu chảy hay không.

Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài ra phân rất lỏng, đi nhiều lần hơn hoặc có nhiều phân đến mức tràn ra khỏi tã thì có thể trẻ đã bị tiêu chảy.

Trẻ bú sữa công thức một phần hoặc hoàn toàn có phân đặc hơn trẻ bú mẹ. Sữa công thức thường làm phân của trẻ đặc hơn và có màu nâu nhạt. Khi bị tiêu chảy, phân của trẻ bú sữa công thức sẽ có màu như phân của trẻ bú sữa mẹ nhưng ít nát hơn.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy. Hầu hết những nguyên nhân này rất hay gặp và thường tự biến mất. Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thường không kéo dài.

Trong ít trường hợp, tiêu chảy có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cần được điều trị.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ bú mẹ

Một nghiên cứu trên 150 trẻ sơ sinh cho thấy trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ít bị tiêu chảy hơn trẻ bú sữa công thức một phần hoặc hoàn toàn. Khoảng 27% trẻ bú sữa mẹ thường xuyên bị tiêu chảy trong khi con số này ở trẻ bú sữa công thức hoàn toàn là gần 72%.

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh có thể bị tiêu chảy kể cả khi bú sữa mẹ như:

  • Thay đổi chế độ ăn của người mẹ

Sự thay đổi chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú có thể gây tiêu chảy cho trẻ sơ sinh. Ví dụ, nếu người mẹ ăn nhiều thức ăn cay hoặc đồ ngọt, nó có thể thay đổi sữa mẹ, làm tăng nhu động ruột của trẻ, khiến sữa di chuyển quá nhanh trong ruột và dẫn đến tiêu chảy.

  • Một số loại thuốc mà người mẹ sử dụng

Các loại thuốc như thuốc kháng sinh có thể đi vào sữa mẹ và gây tiêu chảy cho trẻ. Một số thực phẩm chức năng bổ sung chất dinh dưỡng như vitamin và bột whey cũng có thể ngấm vào sữa mẹ và kích thích nhu động ruột của trẻ.

Trong giai đoạn cho con bú, bất kỳ loại thức ăn hay loại thuốc nào mà người mẹ sử dụng cũng có thể làm thay đổi sữa mẹ. Đôi khi, chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra tiêu chảy ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở cả trẻ bú bú mẹ và trẻ bú sữa công thức

Nếu trẻ sơ sinh đột ngột bị tiêu chảy thì nguyên nhân có thể là do “cúm dạ dày”. Đây còn được gọi là viêm dạ dày ruột do virus, là một nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể kết hợp với các triệu chứng khác như nôn mửa và sốt nhẹ.

Trẻ bị cúm dạ dày có thể bị tiêu chảy và các triệu chứng khác nhiều lần trong 24 giờ. Tuy nhiên, tình trạng này thường tự biến mất nhanh chóng.

  • Một số thuốc mà trẻ sử dụng

Khi thời tiết thay đổi, trẻ có thể cần dùng một số loại thuốc nhất định. Chúng có thể làm kích thích nhu động ruột và gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Các loại thuốc này có thể là thuốc kháng sinh hay thuốc kháng ký sinh trùng.

Một số trẻ thậm chí còn nhạy cảm với các loại thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt không kê đơn.

  • Những thay đổi trong chế độ ăn của trẻ

Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm. Sự thay đổi chế độ ăn này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Hệ tiêu hóa của trẻ cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang các loại thức ăn đặc. Điều này có thể dẫn đến tiêu chảy nhưng nó sẽ giảm dần khi cơ thể trẻ quen với chế độ ăn mới này.

Các nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở trẻ bú sữa công thức

Trẻ bú sữa công thức thường bị tiêu chảy nhiều hơn trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Nguồn ảnh: Todaysparent.comTrẻ bú sữa công thức thường bị tiêu chảy nhiều hơn trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Nguồn ảnh: Todaysparent.com
  • Thành phần trong sữa công thức

Sử dụng một loại sữa công thức nhất định hoặc thay đổi loại sữa công thức đều có thể gây tiêu chảy cho trẻ sơ sinh. Đôi khi, trẻ bị khó tiêu hóa một số loại sữa công thức. Ngoài ra, trẻ cũng cần thời gian để thích nghi với loại sữa công thức mới. Việc thay đổi sữa có thể dẫn đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

  • Dị ứng sữa hoặc không dung nạp sữa

Dị ứng sữa khác với không dung nạp sữa nhưng chúng đều có thể gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, dị ứng sữa là hiếm gặp, chỉ khoảng 7% trẻ dưới 1 tuổi bị dị ứng với sữa bò.

Dị ứng sữa có thể gây tiêu chảy, nôn mửa hoặc các triệu chứng khác ngay sau khi cho ăn hoặc thậm chí vài giờ đến vài ngày sau đó. Đa số trẻ em sau 5 tuổi sẽ hết dị ứng sữa.

Khác với dị ứng sữa, tình trạng không dung nạp sữa xảy ra khi dạ dày không thể tiêu hóa lactose. Đây là loại đường có trong sữa. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi bị trẻ bị cúm dạ dày. Trẻ có thể bị tiêu chảy ngay sau khi bú mặc dù trước đó trẻ có thể bú loại sữa công thức đó bình thường.

Nếu trẻ bị tiêu chảy khi dùng các loại sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò, hãy kiểm tra các thành phần sau đây:

  • Casein
  • Đường lactose
  • Bột whey

Một số nguyên nhân hiếm gặp khác gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Một số nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp là các bệnh lý nền. Những nguyên nhân này không phổ biến nhưng có thể gây tiêu chảy kéo dài hoặc tái phát nhiều đợt kèm các triệu chứng khác.

Các nguyên nhân hiếm gặp gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột nặng (như viêm đại tràng do Shigella)
  • Nhiễm C. Difficile
  • Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)
  • U thần kinh nội tiết

Ảnh hưởng của tiêu chảy đối với trẻ sơ sinh

Nếu trẻ bị tiêu chảy cấp nặng, bạn cần chú ý đến các biến chứng nghiêm trọng như tình trạng mất nước. Mất nước đặc biệt có nguy cơ xảy ra nếu trẻ bị tiêu chảy kèm nôn mửa hoặc sốt.

Hãy cho trẻ đi khám ngay lập tức nếu trẻ có dấu hiệu mất nước do tiêu chảy. Chúng bao gồm các triệu chứng sau:

  • Khô miệng
  • Khô da
  • Bỏ bú
  • Bú ít
  • Quấy khóc
  • Khóc không ra nước mắt
  • Khóc yếu
  • Mắt trũng
  • Li bì
  • Khó đánh thức
  • Tã khô trong khoảng từ 8 – 12 giờ

Điều trị tại nhà

Không phải lúc nào cũng có thể làm dừng tiêu chảy hoặc ngăn chặn những đợt tiêu chảy ở trẻ sơ sinh nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để làm cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, cũng có nhiều cách để ngăn ngừa tình trạng mất nước và các biến chứng khác tại nhà.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh sẽ tự thuyên giảm mà không cần dùng thuốc. Dưới đây là những biện pháp chăm sóc tại nhà khi trẻ bị tiêu chảy:

  • Bù dịch cho trẻ: Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Nhờ bác sĩ tư vấn về dung dịch bù nước và điện giải cho trẻ sơ sinh như Oresol. Nó có thể giúp trẻ bù lại lượng nước và điện giải đã bị mất theo phân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với các trường hợp tiêu chảy thông thường, bù dịch bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức là đủ.
  • Thay tã cho trẻ thường xuyên để tránh tình trạng hăm tã.
  • Nếu trẻ đang ăn dặm, hãy cho trẻ ăn các loại thức ăn giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy như:
  1. Bánh quy giòn
  2. Ngũ cốc
  3. Mì pasta
  4. Chuối
Lựa chọn các loại thức ăn phù hợp cho trẻ có thể làm cải thiện tình trạng tiêu chảy. Nguồn ảnh: Pediatricswest.orgLựa chọn các loại thức ăn phù hợp cho trẻ có thể làm cải thiện tình trạng tiêu chảy. Nguồn ảnh: Pediatricswest.org

Tránh cho trẻ sử dụng:

  • Các loại thức ăn có thể làm tiêu chảy nặng hơn như:
  1. Sữa bò (nên tránh dùng sữa bò với trẻ dưới 1 tuổi)
  2. Nước táo và các loại nước trái cây khác (nên tránh những loại nước này với trẻ dưới 2 tuổi)
  3. Thức ăn nhiều dầu mỡ
  4. Thức ăn cay
  • Đồ uống thể thao dành cho người lớn
  • Thuốc chống tiêu chảy (trừ khi bác sĩ chỉ định)

Thời điểm cần cho trẻ đi khám

Hãy cho trẻ đi khám ngay nếu bạn thấy trẻ đi ngoài phân trắng, phân lẫn máu đỏ tươi hoặc phân đen, dù trẻ có đang bị tiêu chảy hay không.

Phân nhạt màu hoặc phân trắng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tại gan. Phân lẫn máu đỏ tươi hoặc phân đen cảnh báo khả năng bị chảy máu trong đường tiêu hóa.

Bạn nên cho trẻ đi khám nếu trẻ bị tiêu chảy nặng hoặc đi ngoài phân lỏng hơn 10 lần/ngày.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác mà bạn cần lưu ý để đưa trẻ đi khám kịp thời là:

  • Nôn dữ dội
  • Phát ban 
  • Sốt
  • Sụt cân
  • Không tăng cân
  • Phân lẫn máu đỏ tươi hoặc phân trắng

Kết luận

Tiêu chảy và các triệu chứng tiêu hóa khác thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tiêu chảy có nhiều mức độ khác nhau nhưng nó thường tự khỏi và hầu hết không cần điều trị.

Bạn có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy và bù dịch cho trẻ tại nhà. Đôi khi, tiêu chảy có thể kéo dài hơn bình thường. Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ bị tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy không thuyên giảm sau 24 giờ.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!