Số lượng hồng cầu (RBC): Mục đích, qui trình, kết quả xét nghiệm và ý nghĩa lâm sàng

Số lượng hồng cầu (Red Blood Cell Count - RBC) là một chỉ số của xét nghiệm máu, cho biết số lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu toàn phần.

Chỉ số này rất quan trọng vì hồng cầu có chứa hemoglobin, có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể. Số lượng hồng cầu có thể ảnh hưởng đến lượng oxy mà các mô của cơ thể nhận được. Các mô trong cơ thể đều cần oxy để hoạt động. 

Chỉ số RBC bất thường có thể gây ra những triệu chứng gì?

Chỉ số RBC quá cao hoặc quá thấp đều dẫn đến một số bệnh lý. 

Khi số lượng hồng cầu thấp, một số triệu chứng có thể gặp phải như: 

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Chóng mặt, suy nhược hoặc choáng váng, đặc biệt là khi bạn thay đổi tư thế quá nhanh 
  • Tăng nhịp tim
  • Đau đầu
  • Da, niêm mạc nhợt nhạt 

Ngược lại, khi số lượng hồng cầu cao, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như: 

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Đau khớp
  • Đau ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân
  • Ngứa ngáy, đặc biệt là sau khi tắm
  • Rối loạn giấc ngủ 

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng kể trên, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm máu để xác định số lượng hồng cầu trong máu. 

Ý nghĩa của chỉ số RBC

Theo Hiệp hội Hóa học Lâm sàng Hoa Kỳ (Association for Clinical Chemistry - AACC), chỉ số RBC là một phần của xét nghiệm công thức máu (Complete blood count - CBC) . Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm đánh giá tất cả các thành phần trong máu, bao gồm: 

  • Tế bào hồng cầu
  • Tế bào bạch cầu
  • Huyết sắc tố
  • Hematocrit
  • Tiểu cầu 

Hematocrit để đánh giá thể tích tế bào hồng cầu trong máu. Chỉ số hematocrit là tỉ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần. 

Tiểu cầu là những tế bào nhỏ lưu thông trong máu và tham gia vào quá trình hình thành cục máu đông giúp cơ thể lành thương và ngăn chặn việc mất máu quá nhiều. 

Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu nếu nghi ngờ có vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến số lượng hồng cầu hoặc bạn có những biểu hiện của thiếu oxy trong máu. Những biểu hiện này bao gồm: 

  • Da đổi màu hơi xanh
  • Hoang mang, hoảng sợ
  • Khó chịu và bồn chồn
  • Nhịp thở không đều
Da xanh, mệt mỏi, khó chịu là biểu hiện của thiếu oxy trong máu. Nguồn ảnh: www.mpcp.comDa xanh, mệt mỏi, khó chịu là biểu hiện của thiếu oxy trong máu. Nguồn ảnh: www.mpcp.com

Chỉ số RBC - số lượng hồng cầu thường sẽ là một phần của xét nghiệm sức khỏe định kỳ. Số lượng hồng cầu là một chỉ số để đánh giá sức khỏe tổng thể. Xét nghiệm số lượng hồng cầu cũng có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật. 

Nếu bạn đang mắc bệnh hoặc đang dùng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến số lượng hồng cầu, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm máu để theo dõi tình trạng bệnh hoặc kiểm tra ảnh hưởng của thuốc. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu còn được chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng máu và bệnh bạch cầu.   

Xét nghiệm hồng cầu trong máu được thực hiện như thế nào?

Số lượng hồng cầu là một xét nghiệm máu đơn giản được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện. Điều dưỡng sẽ lấy máu tĩnh mạch, vị trí thường ở mặt trong khuỷu tay. Quy trình lấy máu diễn ra như sau:

  • Sát khuẩn da bằng cồn hoặc thuốc sát trùng.
  • Cột sợi dây thun quanh cánh tay để máu dồn lại ở tĩnh mạch và tĩnh mạch sẽ nổi rõ. 
  • Nhẹ nhàng đưa đầu kim tiêm vào tĩnh mạch và lấy máu vào kim tiêm.
  • Rút kim và tháo dây thun.

Sau đó, mẫu máu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. 

Cần chuẩn bị gì để làm xét nghiệm hồng cầu trong máu?

Thông thường, bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt cho xét nghiệm này. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng, hãy trao đổi với bác sĩ.  

Bác sĩ có thể sẽ có một vài lưu ý hoặc lời dặn, tùy vào các trường hợp cụ thể. 

Rủi ro khi làm xét nghiệm hồng cầu trong máu

Bất kỳ xét nghiệm máu nào đều có nguy cơ chảy máu, bầm tím hoặc nhiễm trùng tại chỗ. Bạn có thể cảm thấy đau hoặc hơi khó chịu khi kim đâm vào cánh tay. 

Chỉ số RBC bao nhiêu là bình thường?

Theo Hiệp hội Leukemia & Lymphoma: 

  • Chỉ số RBC bình thường ở nam giới là 4,7-6,1 triệu tế bào trên mỗi microlit (M/μl).
  • Chỉ số RBC bình thường đối với phụ nữ không mang thai là 4,2-5,4 M/μl.
  • Chỉ số RBC bình thường ở trẻ em là 4,0-5,5 M/μl. 

Các giới hạn có thể chênh lệch một chút tùy thuộc vào phòng xét nghiệm hoặc bác sĩ. 

Nguyên nhân gây tăng hồng cầu

Bạn bị tăng hồng cầu nếu chỉ số RBC của bạn cao hơn bình thường. Một vài nguyên nhân dẫn đến tăng hồng cầu: 

  • Hút thuốc lá
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Mất nước
  • Ung thư biểu mô tế bào thận - một loại ung thư thận
  • Xơ phổi
  • Đa hồng cầu: Bệnh của tủy xương gây sản xuất quá mức các tế bào hồng cầu và có liên quan đến đột biến di truyền. 
Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây tăng hồng cầu. Nguồn ảnh: www.katherinetimes.com.auHút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây tăng hồng cầu. Nguồn ảnh: www.katherinetimes.com.au

Khi bạn đến sống ở vùng cao, chỉ số RBC có thể tăng lên trong vài tuần vì nồng độ oxy trong không khí ở đây thấp hơn.  

Một số loại thuốc như Gentamicin và Methyldopa có thể làm tăng số lượng hồng cầu. Gentamicin là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng máu do vi khuẩn.

Methyldopa thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao bằng cách giãn mạch nhằm cho phép máu lưu thông trong cơ thể dễ dàng hơn. Vì thế, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng vì nó có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. 

Số lượng hồng cầu cao còn là kết quả của chứng ngưng thở khi ngủ, xơ phổi và các tình trạng khác gây ra nồng độ oxy trong máu thấp. 

Các loại thuốc tăng cường hiệu suất như tiêm protein và steroid đồng hóa cũng có thể làm tăng hồng cầu. Bệnh thận và ung thư thận cũng có thể dẫn đến số lượng hồng cầu cao.

Nguyên nhân dẫn đến giảm hồng cầu

Một số nguyên nhân dẫn đến số lượng hồng cầu thấp hơn bình thường: 

  • Thiếu máu
  • Suy tủy xương
  • Thiếu hụt erythropoietin, là nguyên nhân chính gây thiếu máu ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính.
  • Tan máu, hoặc phá hủy hồng cầu do truyền máu và tổn thương mạch máu.
  • Chảy máu trong hoặc ngoài
  • Bệnh bạch cầu
  • Suy dinh dưỡng
  • Đa u tủy: bệnh ung thư do sự tăng sinh quá mức các tế bào plasma trong tủy xương.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng, bao gồm thiếu sắt, đồng, folate và vitamin B6 và B12.
  • Thai kỳ
  • Rối loạn tuyến giáp
Một số loại thuốc có thể làm giảm số lượng hồng cầu. Nguồn ảnh: newsroom.unsw.edu.au
Một số loại thuốc có thể làm giảm số lượng hồng cầu. Nguồn ảnh: newsroom.unsw.edu.au

Một số loại thuốc cũng có thể làm giảm số lượng hồng cầu, đặc biệt là:

  • Thuốc hóa trị liệu
  • Chloramphenicol: Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Quinidine: Điều trị nhịp tim không đều.
  • Hydantoins: Trước đây được sử dụng để điều trị chứng động kinh và co thắt cơ.  

Tế bào hồng cầu và ung thư máu

Bệnh ung thư máu có thể ảnh hưởng đến số lượng và chức năng của các tế bào hồng cầu. Từ đó dẫn đến chỉ số RBC bất thường.  

Mỗi loại ung thư máu có một tác động riêng đến số lượng hồng cầu. Ba loại ung thư máu chính là: 

  • Bệnh bạch cầu: Làm suy giảm khả năng sản xuất tiểu cầu và hồng cầu của tủy xương.
  • Ung thư hạch: Ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu của hệ thống miễn dịch.
  • U tủy: Ngăn cản sản xuất các kháng thể. 

Nên làm gì khi chỉ số RBC bất thường?

Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn nếu kết quả xét nghiệm bất thường. Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm bổ sung. 

Chẳng hạn như kỹ thuật phết máu ngoại vi, sử dụng kính hiển vi để kiểm tra các tế bào máu. Xét nghiệm này có thể phát hiện các bất thường của tế bào máu (chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm), rối loạn bạch cầu như bệnh bạch cầu và các ký sinh trùng trong máu như sốt rét. 

Thiếu máu là tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Một số nguyên nhân thiếu máu như: 

  • Thiếu máu do thiếu sắt, thường dễ điều trị.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm, dẫn đến các tế bào hồng cầu có hình dạng bất thường và bị tiêu hủy nhanh chóng.
  • Thiếu máu do thiếu vitamin, thường do lượng vitamin B12 thấp. 

Thiếu máu do nguyên nhân gì thì đều cần điều trị. Những người bị thiếu máu thường cảm thấy mệt mỏi. Thiếu máu cũng dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, tay chân lạnh, chóng mặt và nhịp tim không đều. 

Sinh thiết tủy xương là một thủ thuật để kiểm tra tủy xương và các tế bào máu có trong tủy xương. Các xét nghiệm chẩn đoán khác, chẳng hạn như siêu âm hoặc điện tâm đồ, có thể kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến thận hoặc tim.

Thay đổi lối sống 

Thay đổi lối sống có thể ảnh hưởng đến chỉ số RBC. Một vài thay đổi như: 

  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tránh thiếu hụt vitamin.
  • Tập thể dục thường xuyên, đòi hỏi cơ thể sử dụng nhiều oxy hơn.
  • Hạn chế sử dụng aspirin.
  • Tránh hút thuốc. 
Lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên có thể ảnh hưởng tích cực đến chỉ số RBC. Nguồn ảnh: www.today.comLối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên có thể ảnh hưởng tích cực đến chỉ số RBC. Nguồn ảnh: www.today.com

Chỉ số RBC có thể giảm nếu bạn thực hiện theo các cách sau:  

  • Giảm lượng sắt và thịt đỏ trong khẩu phần ăn.
  • Uống nhiều nước hơn.
  • Tránh dùng thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu.
  • Bỏ hút thuốc. 

Thay đổi chế độ ăn uống 

Thay đổi chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị tại nhà đối với các trường hợp có chỉ số RBC bất thường. 

Một số lưu ý trong chế độ ăn uống giúp tăng số lượng hồng cầu: 

  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt (như thịt lợn, cá, thịt gia cầm), cũng như đậu khô, đậu Hà Lan và các loại rau lá xanh (chẳng hạn như rau chân vịt).
  • Bổ sung vào chế độ ăn uống các loại thực phẩm như hải sản có vỏ, thịt gia cầm và các loại hạt.
  • Tăng cường lượng vitamin B12 bằng cách bổ sung các loại thực phẩm như trứng, thịt và ngũ cốc. 
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!