Video Thuốc Amitriptylin
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sản xuất vào cuối năm 1950 là liệu pháp hóa dược điều trị cho bệnh trầm cảm. Ngày nay, các loại thuốc chống trầm cảm khác ít tác dụng phụ hơn được sử dụng phổ biến như chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI).
Bác sĩ thường kê đơn Amitriptyline cho bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc chống trầm cảm khác. Tuy nhiên, có những cách sử dụng khác của Amitriptyline không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép.
Bài viết giúp bạn tìm hiểu thêm về cách sử dụng, tác dụng phụ, thận trọng và các tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng Amitriptyline.
Amitriptyline là thuốc gì?
Amitriptyline là một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) được kê đơn, giúp tăng lượng serotonin và norepinephrine trong não - hai chất hóa học dẫn truyền thần kinh có liên quan đến chứng trầm cảm.
Amitriptyline có cấu trúc đặc biệt, gắn được vào các thụ thể trong não như alpha-adrenergic, histaminic và muscarinic. Do đó, Amitriptyline có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng khác.
Một số ví dụ về các loại thuốc trong nhóm chống trầm cảm 3 vòng bao gồm:
- Clomipramine
- Desipramine
- Doxepin
- Imipramine
- Nortriptyline
- Protriptyline
- Trimipramine
Amitriptyline được sản xuất thành nhiều dạng bào chế khác nhau với 6 hàm lượng chính là: 10 mg, 25 mg, 50 mg, 75 mg, 100 mg và 150 mg.
Công dụng Amitriptyline
Amitriptyline được bác sĩ kê đơn để điều trị trầm cảm ở người lớn.
Ngoài ra, Amitriptyline có thể được sử dụng điều trị các tình trạng sau:
- Tăng tiết nước bọt
- Mất ngủ
- Hội chứng ruột kích thích
- Đau mạn tính
- Viêm bàng quang kẽ hay hội chứng đau bàng quang
- Đau nửa đầu
- Đau sau zona
- Chứng lo âu
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn
Tác dụng phụ Amitriptyline
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của Amitriptyline là:
Amitriptyline cũng có thể gây nhìn mờ, bí tiểu, tim đập nhanh và tăng nhãn áp cấp tính khi thuốc liên kết với các thụ thể muscarinic trong cơ thể.
Khi Amitriptyline gắn vào các thụ thể histaminic có thể gây ra an thần, lú lẫn và mê sảng.
Những người bị co giật nên sử dụng Amitriptyline một cách thận trọng vì có thể làm giảm ngưỡng co giật.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng ở tim có thể xảy ra khi Amitriptyline liên kết với các thụ thể alpha-adrenergic dẫn đến hạ huyết áp tư thế đứng hoặc rối loạn nhịp tim.
Cách dùng và liều lượng Amitriptyline
Tùy thuộc vào đáp ứng của người bệnh với thuốc, bác sĩ có thể tăng liều 25 mg trong 3-7 ngày. Liều lượng hiệu quả của Amitriptyline là liều kiểm soát các triệu chứng mà không gây ra quá nhiều tác dụng phụ.
Liều tối đa hàng ngày của Amitriptyline là 150 - 300 mg/ngày.
Khi dùng đúng liều lượng, các triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 2 - 4 tuần. Nên duy trì một liều lượng hiệu quả trong ít nhất 3 tháng để ngăn ngừa các triệu chứng quay trở lại.
Nếu muốn ngừng sử dụng Amitriptyline, tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ, lập kế hoạch giảm liều từ từ để ngăn ngừa các triệu chứng cai nghiện. Ngừng đột ngột Amitriptyline có thể gây ra tác dụng phụ.
Các triệu chứng cai nghiện có thể bao gồm:
Mỗi người có thể có phản ứng khác nhau khi ngừng thuốc, vì vậy các bác sĩ sẽ đưa ra lịch trình giảm dần liều lượng thuốc phù hợp với tình trạng người bệnh.
Theo dõi bất kỳ triệu chứng bất thường nào và thông báo cho bác sĩ biết ngay để điều chỉnh tốc độ giảm liều phù hợp.
Thận trọng Amitriptyline
Nghiên cứu ngắn hạn đã chỉ ra rằng thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ hình thành ý tưởng và hành vi tự sát ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn trẻ tuổi. Nghiên cứu cho thấy, những người trên 24 tuổi không gây ra những tác động tương tự.
Trước khi kê đơn Amitriptyline cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên, bác sĩ nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc. Trong quá trình điều trị, bác sĩ và người chăm sóc cần theo dõi các triệu chứng trầm cảm, ý nghĩ tự sát và bất kỳ hành vi bất thường nào trở nên nghiêm trọng.
Nếu có tiền sử dị ứng với Amitriptyline nên hạn chế sử dụng thuốc.
Không nên dùng Amitriptyline, nếu có tiền sử bệnh tim chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, suy tim hoặc xuất hiện cơn đau tim gần đây.
Người trên 50 tuổi và bất kỳ ai có tiền sử bệnh tim đều được làm điện tim trước khi bắt đầu điều trị Amitriptyline. Cần phải làm xét nghiệm thường xuyên trong quá trình điều trị để bác sĩ có thể kiểm tra và đánh giá các tình trạng sức khỏe tim mạch.
Amitriptyline có thể làm trầm trọng thêm bệnh tăng nhãn áp góc đóng, bí tiểu và co giật. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào gặp phải để loại trừ các tình trạng nguy hiểm trước khi bắt đầu điều trị.
Liều Amitriptyline thường thấp hơn ở những người suy gan hoặc thận.
Tương tác thuốc Amitriptyline
Dùng Amitriptyline và một số loại thuốc khác có thể gây ra 3 tương tác chủ yếu là: Tương tác với chất ức chế monoamine oxidase (MAOI), kéo dài thời gian khử cực và tái cực tâm thất (QT) và hội chứng serotonin.
Tương tác MAOI
MAOIs là một loại thuốc chống trầm cảm khác. Không nên dùng Amitriptyline và MAOI cùng một lúc. Thời gian chuyển từ MAOI đến khi bắt đầu dùng Amitriptyline là 2 tuần.
MAOIs hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của enzyme monoamine oxidase - có nhiệm vụ phân hủy các monoamine trong cơ thể.
Monoamines bao gồm epinephrine, norepinephrine, dopamine, serotonin và tyramine. Khi nồng độ của các chất hóa học này tăng lên, có thể dẫn đến tình trạng sau:
- Tăng nhịp tim
- Tăng nhiệt độ cơ thể
- Co giật
- Tăng huyết áp
- Kích động
Thuốc MAOI bao gồm:
- Isocarboxazid
- Phenelzine
- Tranylcypromine
- Selegiline
Thời gian QT kéo dài
Khoảng QT trên điện tâm đồ là một thước đo quan trọng để đánh giá sự dẫn truyền điện thế của tim. Khi khoảng thời gian này kéo dài là báo hiệu tình trạng bất thường có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Amitriptyline có thể làm kéo dài khoảng QT. Kết hợp Amitriptyline với những thuốc khác có cùng tác dụng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển chứng loạn nhịp tim.
Một số ví dụ về các loại thuốc khác có thể kéo dài khoảng QT bao gồm:
- Astemizole
- Cisapride
- Disopyramide
- Ibutilide
- Indapamide
- Pentamidine
- Pizomide
- Procainamide
- Quinidine
- Sotalol
- Terfenadine
Hội chứng serotonin
Hội chứng serotonin xảy ra khi lượng serotonin trong cơ thể quá nhiều. Có thể gây ra các triệu chứng từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng của hội chứng serotonin bao gồm:
- Giãn đồng tử
- Đỏ da
- Khô da
- Tăng nhu động ruột
- Vã mồ hôi nhiều
- Tăng nhiệt độ cơ thể
- Nhịp tim nhanh
- Căng cứng cơ
- Co giật
- Kích động bất thường
- Lo âu
- Bồn chồn
- Buồn nôn
- Nôn
- Rối loạn định hướng
- Thay đổi trạng thái tinh thần
Amitriptyline làm tăng lượng serotonin trong não - khi dùng Amitriptyline cùng các loại thuốc khác có tác dụng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng serotonin.
Một số loại thuốc khác có thể làm tăng lượng serotonin trong não bao gồm:
- Isocarboxazid
- Phenelzine
- Procarbazine
- Safinamide
- Selegiline
- Tranylcypromine
Kết luận
Amitriptyline thường được kê đơn để điều trị trầm cảm. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm giảm lo âu, điều trị hội chứng ruột kích thích và đau mạn tính.
Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng Amitriptyline có thể xảy ra là buồn ngủ, đau đầu và chóng mặt, tuy nhiên có một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.
Dùng bất kỳ thuốc chống trầm cảm nào cũng nên theo dõi cẩn thận diễn biến các triệu chứng. Một số người có những suy nghĩ, hành vi tự sát khi dùng Amitriptyline và cần được phát hiện và hỗ trợ tâm lý cũng như y tế kịp thời.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể tương tác với Amitriptyline. Điều quan trọng là các bác sĩ phải cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và rủi ro khi bổ sung Amitriptyline vào phác đồ điều trị cho người bệnh.