Tăng nhãn áp: Nguyên nhân, triệu chứng, phân loại, điều trị và phòng ngừa

Những người bị bệnh tăng nhãn áp bị tổn thương dây thần kinh thị giác do áp lực thủy dịch (nhãn áp) trong mắt. Nếu không được điều trị, tăng nhãn áp có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực. Bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới. Các phương pháp điều trị bao gồm nội khoa, điều trị bằng laser và phẫu thuật có thể làm chậm quá trình mất thị lực và giữ được thị lực.

Video: Sống khỏe mỗi ngày | 13/01/2019 - Tăng nhãn áp nguy hiểm như thế nào?

Tổng quan về tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là gì?

Bệnh tăng nhãn áp hay còn gọi là glocom hay thiên đầu thống, là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một nhóm các rối loạn về mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Đây là dạng tổn thương dây thần kinh thị giác phổ biến nhất dẫn đến mất thị lực. Trong hầu hết các trường hợp, thủy dịch được tạo nên ở phần trước của mắt. Phần dịch dư thừa này gây áp lực lên mắt, dần dần làm hỏng dây thần kinh thị giác. Áp suất gây ra bởi dịch này được gọi là nhãn áp (IOP).

Tăng nhãn áp ảnh hưởng thần kinh thị giác (nguồn: Y học trực tuyến)Tăng nhãn áp ảnh hưởng thần kinh thị giác (nguồn: Y học trực tuyến)Một số người có nhãn áp bình thường và vẫn bị tăng nhãn áp. Bệnh tăng nhãn áp không được điều trị hoặc kiểm soát kém có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn không thể phục hồi và mù lòa.

Thần kinh thị giác là gì?

Dây thần kinh thị giác đóng một vai trò quan trọng trong chức năng thị lực. Nó gửi tín hiệu từ võng mạc (mô thần kinh ở phía sau mắt, giống như phim của một chiếc máy ảnh đời cũ) đến não. Bộ não dựa vào những tín hiệu này để tạo ra hình ảnh.

Bệnh tăng nhãn áp phổ biến như thế nào?

Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh của mắt phổ biến liên quan đến tuổi tác, ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người Mỹ. Trên toàn cầu, nó là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể.

Ai có thể mắc bệnh tăng nhãn áp?

Bệnh tăng nhãn áp có thể ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi chủng tộc và giới tính, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên theo tuổi tác. Người Mỹ gốc Phi và người Latinh có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn và xu hướng tiến triển bệnh sớm hơn so với các chủng tộc khác. Người châu Á và người Inuit (người bản địa sống ở các vùng Bắc cực của Canada, Đan Mạch (Greenland), Nga (Siberia) và Hoa Kỳ (Alaska)) cũng dễ mắc một dạng bệnh tăng nhãn áp cụ thể được gọi là bệnh tăng nhãn áp góc đóng.

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao gấp đôi. Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ khác như:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp.
  • Viễn thị (đối với bệnh tăng nhãn áp góc đóng).
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp).
  • Sử dụng corticosteroid lâu dài.
  • Cận thị (đối với bệnh tăng nhãn áp góc mở).
  • Tiền sử chấn thương mắt trước đây hoặc phẫu thuật mắt.

Các loại bệnh tăng nhãn áp?

Có một số loại bệnh tăng nhãn áp, bao gồm:

  • Góc mở: Đây là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 90% người Mỹ bị bệnh tăng nhãn áp. Bệnh xảy ra khi có các chất cặn nhỏ tích tụ trong các kênh thoát thủy dịch và từ từ làm tắc nghẽn chúng. Các kênh này ban đầu thông thoáng và hoạt động bình thường, nhưng qua nhiều tháng hoặc nhiều năm, các chất lắng đọng khiến lượng thủy dịch tăng lên và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác. Căn bệnh này có thể không được chú ý trong nhiều năm vì hầu hết mọi người không có triệu chứng.
  • Góc đóng: Còn được gọi là bệnh tăng nhãn áp góc đóng hoặc góc hẹp, loại hiếm gặp này thường xảy ra đột ngột (cấp tính). Nó xảy ra khi góc giữa mống mắt (phần có màu đen của mắt kiểm soát sự tiếp xúc với ánh sáng) và giác mạc quá hẹp. Hậu quả các ống dẫn lưu bị tắc nghẽn, ngăn không cho thủy dịch ra khỏi mắt và gây ra tình trạng tăng nhãn áp cấp tính. Các triệu chứng gồm đau mắt và đau đầu có thể rất nghiêm trọng và cần được xử trí y tế ngay lập tức.
  • Áp lực bình thường: Cứ 3 người thì có 1 người bị tổn thương dây thần kinh thị giác ngay cả khi nhãn áp bình thường hoặc không cao lắm. Các chuyên gia không chắc chắn điều gì gây ra bệnh tăng nhãn áp áp lực bình thường, còn được gọi là bệnh tăng nhãn áp áp lực thấp. Loại này phổ biến hơn ở người châu Á và người Mỹ gốc Á.
  • Bẩm sinh: Một số trẻ được sinh ra với các kênh thoát thủy dịch hình thành bất thường từ khi còn là bào thai. Bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng tăng nhãn áp của em bé khi mới sinh, hoặc các dấu hiệu sẽ rõ rệt hơn trong thời thơ ấu. Tình trạng này còn được gọi là bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh hoặc tăng nhãn áp trẻ em.

Bệnh tăng nhãn áp có ảnh hưởng đến cả hai mắt không?

Hầu hết người mắc bệnh tăng nhãn áp bị cả hai mắt, mặc dù ban đầu bệnh có thể nặng hơn ở một mắt. Với bệnh tăng nhãn áp góc mở, một mắt có thể bị tổn thương trung bình hoặc nặng, trong khi mắt còn lại có thể bị nhẹ. Theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển và gây ảnh hưởng cả hai mắt.

Những người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng ở một mắt có 40% - 80% có nguy cơ phát triển cùng loại bệnh tăng nhãn áp ở mắt còn lại trong vòng 5 đến 10 năm.

Triệu chứng và nguyên nhân của tăng nhãn áp

Nguyên nhân

Bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra mà không tìm thấy bất kỳ nguyên nhân nào, nhưng đa số bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là áp lực thủy dịch. Mắt tạo ra chất lỏng gọi là thủy dịch để nuôi dưỡng các bộ phận bên trong. Chất lỏng này chảy qua đồng tử đến tiền phòng. Ở người khỏe mạnh, chất lỏng sẽ đi qua một kênh dẫn lưu nằm giữa mống mắt và giác mạc và được hấp thu.

Với bệnh tăng nhãn áp, các kênh thoát bị tắc nghẽn bởi các cặn bẩn cực nhỏ, vì vậy thủy dịch tích tụ trong mắt và gây áp lực lên mắt. Cuối cùng, áp lực mắt tăng cao có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác dẫn đến bệnh tăng nhãn áp.

Triệu chứng

Các dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp góc mở có xu hướng thầm lặng và tăng dần khiến người bệnh dễ dàng bỏ sót. Nhiều người bị bệnh tăng nhãn áp góc mở không có triệu chứng đáng chú ý sớm, điều này làm cho việc khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh này trong giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Bởi vì tổn thương của bệnh tăng nhãn áp là không thể phục hồi, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa mù lòa.

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có xu hướng xảy ra đột ngột.

Thay đổi thị lực có thể gặp trong bệnh tăng nhãn ápThay đổi thị lực có thể gặp trong bệnh tăng nhãn áp

 Với bất kỳ loại nào của tăng nhãn áp, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau mắt hoặc cảm giác căng trong mắt.
  • Nhức đầu.
  • Quầng sáng màu cầu vồng xung quanh đèn khi nhìn vào đèn.
  • Thị lực kém, nhìn mờ, tầm nhìn bị thu hẹp (tầm nhìn đường hầm) hoặc điểm mù.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Mắt đỏ.

Chẩn đoán và các xét nghiệm tăng nhãn áp

Có thể một người bị bệnh tăng nhãn áp mà không biết. Vì vậy, kiểm tra mắt thường xuyên là rất quan trọng để phát hiện bệnh tăng nhãn áp hoặc các vấn đề về mắt khác. Khám mắt có thể đánh giá thị giác và dấu hiệu giảm thị lực.

Để chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm không đau sau:

  • Khám mắt dùng thuốc atropine để mở rộng đồng tử và quan sát đáy mắt và dây thần kinh thị giác nằm phía sau của mắt.
  • Soi bằng kính để đo góc tạo bởi mống mắt và giác mạc.
  • Chụp cắt lớp quang học (OCT) để tìm tổn thường vùng đáy mắt, phần sau võng mạc và thần kinh thị giác.
  • Đo nhãn áp bằng kĩ thuật tonometry.
  • Đo độ dày giác mạc bằng kĩ thuật pachymetry.
  • Kiểm tra bên trong mắt bằng một kính hiển vi đặc biệt.
  • Kiểm tra thị lực đánh giá tình trạng mất thị lực.
  • Kiểm tra trường thị giác (đo chu vi) để kiểm tra những thay đổi trong tầm nhìn ngoại vi (khả năng nhìn thấy mọi thứ ở một bên).

Quản lý và điều trị tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp không được điều trị có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn hoặc mù lòa. Các phương pháp điều trị có thể làm chậm quá trình mất thị lực tiến triển, nhưng chúng không thể phục hồi thị lực đã mất. Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu bị đau mắt, đau đầu nghiêm trọng hoặc các vấn đề về thị lực.

Các phương pháp điều trị bệnh tăng nhãn áp bao gồm:

  • Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt kê đơn làm giảm lượng thủy dịch và tăng khả năng thoát dịch để giảm nhãn áp. Hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị bệnh này. Vì bệnh tăng nhãn áp là bệnh mạn tính, nên người bệnh sẽ phải dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày suốt đời.
  • Điều trị bằng laser: Bác sĩ nhãn khoa sử dụng tia laser (chùm ánh sáng mạnh) để giúp cải thiện sự thoát dịch mục đích làm giảm nhãn áp. Mặc dù tia laser có thể điều trị kèm thuốc nhỏ mắt, nhưng không thể thay thế thuốc nhỏ mắt. Kết quả từ các phương pháp điều trị bằng laser là khác nhau, nhưng có thể kéo dài điều trị đến 5 năm. Một số phương pháp điều trị bằng laser cũng có thể được tiến hành lặp lại nhiều lần.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật là một cách điều trị khác giúp giảm nhãn áp, mặc dù xâm lấn hơn nhưng cũng có thể kiểm soát nhãn áp tốt hơn và nhanh hơn thuốc hoặc tia laser. Phẫu thuật có thể làm chậm quá trình mất thị lực nhưng không thể phục hồi thị lực đã mất hoặc chữa khỏi bệnh tăng nhãn áp. Có nhiều loại phẫu thuật cho bệnh tăng nhãn áp, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng cụ thể mà bác sĩ nhãn khoa chỉ định.

Biến chứng của tăng nhãn áp

Ước tính cứ 10 người bị bệnh tăng nhãn áp thì có một người bị suy giảm thị lực ở một mức độ nào đó. Tỉ lệ mù hiếm hơn, ảnh hưởng đến 5% người bị bệnh tăng nhãn áp. 

Phòng bệnh tăng nhãn áp

Phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp thông qua khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mắt và ngăn ngừa suy giảm thị lực. Xét nghiệm tăng nhãn áp nên thực hiện định kỳ mỗi:

  • 1 đến 2 năm với người trên 35 tuổi đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • 2 đến 4 năm với người dưới 40 tuổi.
  • 1 đến 3 năm với người 40 đến 54 tuổi.
  • 1 đến 2 năm với người trong độ tuổi từ 55 đến 64. 
  • 6 tháng đến 12 tháng với người sau 65 tuổi. 

Tiên lượng của tăng nhãn áp

Mù là một biến chứng hiếm gặp đối với người bị tăng nhãn áp nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh tăng nhãn áp là một tình trạng mãn tính và tiến triển thường gây mất thị lực ở một mức độ nào đó theo thời gian. Khi phát hiện bệnh tăng nhãn áp và bắt đầu điều trị càng sớm, khả năng cứu thị lực càng cao. Các phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và chậm quá trình giảm thị lực. Nếu một người có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp, thì việc kiểm tra mắt thường xuyên là điều bắt buộc.

Dành cho bệnh nhân

Khi nào tôi nên gọi cho bác sĩ?

Nên gọi cho bác sĩ nếu có dấu hiệu:

  • Nhìn mờ hoặc kém đi.
  • Ruồi bay trước mắt hoặc đèn chớp.
  • Đau mắt hoặc nhức đầu đột ngột, dữ dội.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
  • Giảm thị lực.

Tôi nên hỏi bác sĩ điều gì khi đến khám

Người bệnh có thể cần hỏi bác sĩ một số câu hỏi như:

  • Tại sao tôi bị tăng nhãn áp?
  • Tôi bị loại bệnh tăng nhãn áp nào?
  • Cách điều trị tốt nhất cho loại bệnh tăng nhãn áp mà tôi mắc phải là gì?
  • Có bất kỳ rủi ro điều trị hoặc tác dụng phụ không?
  • Tôi có thể thay đổi lối sống nào để bảo vệ thị lực của mình?
  • Tôi có nên theo dõi các dấu hiệu của biến chứng không và theo dõi như thế nào?

Lời khuyên

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh tăng nhãn áp, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát nhãn áp và ngăn ngừa mất thị lực. Khám mắt có thể phát hiện bệnh sớm và cứu thị lực người bệnh. Nếu có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp, hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa về tần suất cần đi kiểm tra. Nếu bị bệnh tăng nhãn áp, điều quan trọng là phải sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị bằng laser và phẫu thuật. Việc điều trị và theo dõi đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn và gây ra biến chứng mù loà. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!