Video: Tiểu đêm và tiểu nhiều lần
Đi tiểu là cách cơ thể loại bỏ dịch dư thừa ra khỏi cơ thể. Nước tiểu chứa nước, axit uric, urê, các chất độc và thường được tích dần trong bàng quang cho đến khi đầy. Sau khi đầy, nước tiểu sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể.
Thông thường, hầu hết mọi người đi tiểu 6–7 lần mỗi ngày. Tiểu nhiều là khi một người cần đi tiểu hơn 7 lần trong 24 giờ nếu đã uống khoảng 2 lít nước trong ngày.
Có nhiều người gặp phải tình trạng đi tiểu nhiều, đa số các trường hợp có nguyên nhân đơn giản, nhưng đôi khi có thể là một bệnh lý nghiêm trọng. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý đó sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bạn hãy tiếp tục đọc bài viết này để tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây tiểu nhiều, các triệu chứng và khi nào cần đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tiểu nhiều
Đi tiểu là một quá trình phức tạp liên quan đến các hệ thống khác nhau của cơ thể, do đó có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới quá trình này.
Nguyên nhân đi tiểu nhiều có thể là do uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là những chất có chứa caffeine hoặc rượu. Vào ban đêm, nhu cầu đi tiểu có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ, hay được các bác sĩ gọi là chứng tiểu đêm.
Tuy nhiên, tiểu nhiều cũng có thể là đang chỉ ra vấn đề tiềm ẩn nào đó về sức khỏe. Một trong số đó bao gồm các vấn đề về thận hoặc niệu quản, bàng quang, bệnh đái tháo đường hay các vấn đề về tuyến tiền liệt.
Các nguyên nhân hoặc các yếu tố khác liên quan có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Viêm niệu đạo
- Mang thai
- Có khối u ở vùng chậu
- Có khối u bàng quang
- Viêm bàng quang kẽ - là một loại viêm của thành bàng quang
- Sỏi đường tiết niệu
- Sử dụng một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
- Xạ trị
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs - sexually transmitted infections)
- Có các vấn đề thần kinh
Triệu chứng tiểu nhiều
Triệu chứng chính của tiểu nhiều là đi tiểu thường xuyên, nhiều lần hơn mà không tăng lượng nước tiểu. Tại thời điểm này, tần suất đi tiểu có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, những người bị đi tiểu thường xuyên cũng có thể gặp phải:
- Tiểu không hết
- Đau bụng
- Tiểu không tự chủ
- Tiểu đêm
- Tiểu buốt
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Nếu đi tiểu nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy đi khám bác sĩ.
Những người mắc chứng tiểu nhiều có thể gặp phải các triệu chứng khác cần chú ý thêm, bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu
- Tiểu máu
- Tiểu không kiểm soát
- Tiểu gấp
- Tiểu khó
- Thường xuyên cảm thấy khát
- Sốt
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc cả hai
- Tiết dịch âm đạo hoặc dương vật
Tiểu nhiều cũng có thể tiềm ẩn một tình trạng bệnh lý nào đó chẳng hạn như nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng thận nếu không điều trị sẽ dẫn tới hỏng thận vĩnh viễn, nếu điều trị kịp thời sẽ giải quyết tình trạng nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng.
Chẩn đoán tiểu nhiều
Khi chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ hỏi về tiền sử bệnh, tần suất đi tiểu và các triệu chứng khác.
Chẳng hạn như:
- Tính chất của triệu chứng tiểu nhiều, ví dụ như khi nào bắt đầu, số lần đi tiểu thay đổi như thế nào và xảy ra chủ yếu vào thời gian nào trong ngày.
- Loại thuốc đang dùng hiện tại.
- Lượng nước uống hàng ngày.
- Thay đổi bất kì về màu sắc, mùi hoặc độ đặc của nước tiểu.
- Lượng caffeine và rượu uống hàng ngày là bao nhiêu, có thay đổi gì trong thời gian gần đây không.
Các bác sĩ cũng có thể thực hiện khám sức khỏe và chỉ định các xét nghiệm, bao gồm:
- Tổng phân tích nước tiểu
- Siêu âm
- Chụp X-quang, chụp CT ổ bụng và vùng chậu
- Khám thần kinh
- Xét nghiệm về các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Xét nghiệm máu
Xét nghiệm niệu động học
Xét nghiệm niệu động học kiểm tra khả năng giữ và thải nước tiểu của bàng quang, đồng thời kiểm tra chức năng của niệu đạo.
Các quan sát đơn giản bao gồm:
- Khoảng thời gian để một người đi tiểu được
- Lượng nước tiểu được tạo ra
- Đánh giá khả năng dừng dòng nước tiểu giữa dòng
Để có được các phép đo chính xác, bác sĩ có thể sử dụng:
- Thiết bị siêu âm để quan sát sự đầy và rỗng của bàng quang
- Thiết bị để đo áp suất bên trong bàng quang
- Cảm biến để ghi lại hoạt động của cơ và thần kinh
Trước xét nghiệm, bệnh nhân có thể sẽ phải thay đổi lượng nước uống vào cơ thể hay ngừng dùng một số loại thuốc hoặc phải đến phòng khám khi bàng quang đã căng đầy.
Điều trị tiểu nhiều
Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng đi tiểu nhiều.
Ví dụ nếu được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, các bác sĩ sẽ lập kế hoạch quản lý lượng đường trong máu. Nếu bị nhiễm trùng thận thì quá trình điều trị điển hình là sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.
Ngoài ra, những người được chẩn đoán bàng quang hoạt động quá mức có thể được hướng dẫn luyện tập bàng quang, dùng thuốc kháng cholinergic và các biện pháp can thiệp khác.
Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn và theo dõi việc sử dụng các loại thuốc. Các bài tập luyện tập bàng quang cũng rất hữu ích.
Các bài tập luyện tập bàng quang
Các phương pháp điều trị khác thường hướng đến điều trị triệu chứng hơn là điều trị căn nguyên gây bệnh. Dưới đây là một số những ví dụ về các bài luyện tập:
- Luyện tập các cơ sàn chậu (Kegel exercises): Những bài tập thường xuyên hàng ngày mà thường thực hiện khi mang thai có thể tăng cường các cơ của xương chậu và niệu đạo đồng thời hỗ trợ bàng quang. Để có kết quả tốt nhất, hãy thực hiện các bài tập Kegel 10–20 lần mỗi hiệp, 3 lần một ngày, trong ít nhất 4–8 tuần.
- Liệu pháp phản hồi sinh học: Tập kết hợp phương pháp điều trị này với các bài tập Kegel để giúp nhận thức rõ hơn về cách thức hoạt động của cơ thể. Việc nâng cao nhận thức này có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát các cơ vùng chậu.
- Luyện tập bàng quang: Những bài tập liên quan đến việc huấn luyện bàng quang giữ nước tiểu lâu hơn.
- Theo dõi lượng nước hấp thụ vào cơ thể: Uống nhiều nước vào một số thời điểm nhất định có thể là nguyên nhân chính của việc đi tiểu thường xuyên.
Phòng ngừa tiểu nhiều
Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và duy trì lối sống năng động có thể giúp kiểm soát lượng nước tiểu của bạn.
Hạn chế uống rượu và caffein đồng thời không ăn các loại thực phẩm có thể gây kích thích bàng quang hay có tác dụng giống như thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như sô cô la, thức ăn cay và chất làm ngọt nhân tạo.
Tổng kết
Tiểu nhiều là một vấn đề phổ biến. Thông thường, một người bình thường đi tiểu 6–7 lần mỗi ngày.
Những người mắc chứng tiểu nhiều có thể gặp phải các triệu chứng khác như tiểu không hết, tiểu gấp và đau bụng. Khi những triệu chứng này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn cần đi khám bác sĩ.
Các bác sĩ có thể chẩn đoán các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp.
Xem thêm: