Video: cách chữa tiểu buốt
Tổng quan về tiểu buốt
Tiểu buốt là gì?
Tiểu buốt là cảm giác đau hoặc khó chịu khi bạn đi tiểu, điển hình là cảm giác đau buốt, nóng rát. Tiểu buốt không liên quan đến tần suất đi tiểu, mặc dù thay đổi tần suất đi tiểu thường xảy ra cùng với chứng tiểu buốt. Tiểu buốt không phải là một chẩn đoán. Đó là dấu hiệu hoặc triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Ai có thể mắc chứng tiểu buốt?
Nam và nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị tiểu buốt. Nó phổ biến hơn ở phụ nữ. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường liên quan đến tình trạng tiểu buốt. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Ngoài ra những người dưới đây có nguy cơ mắc tiểu buốt cao hơn:
- Phụ nữ mang thai.
- Người mắc bệnh tiểu đường.
- Mắc các bệnh lý về bàng quang.
Các triệu chứng của tiểu buốt là gì?
Các triệu chứng của tiểu buốt có thể khác nhau giữa nam giới và phụ nữ, nhưng họ đều mô tả nó là cảm giác nóng rát, châm chích hoặc ngứa. Nóng rát là triệu chứng gặp phổ biến nhất.
Đau có thể xảy ra khi bắt đầu đi tiểu hoặc sau khi đi tiểu. Đau khi bắt đầu đi tiểu thường là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Đau sau khi đi tiểu có thể là dấu hiệu của vấn đề bàng quang hoặc tuyến tiền liệt. Ở nam giới, cảm giác đau có thể tồn tại ở dương vật trước và sau khi đi tiểu.
Các triệu chứng ở phụ nữ có thể xuất hiện bên trong hoặc bên ngoài. Đau bên ngoài vùng âm đạo có thể do vùng da nhạy cảm này bị viêm hoặc kích ứng. Đau bên trong có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Làm thế nào để chẩn đoán tiểu buốt?
Hãy đi khám nếu bạn cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu. Tiểu buốt có thể là một triệu chứng của tình trạng bệnh lý cần được điều trị. Để chẩn đoán tình trạng tiểu buốt, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác tiền sử y tế đầy đủ của bạn, bao gồm việc hỏi bạn các câu hỏi về tình trạng bệnh hiện tại và trước đây như bệnh đái tháo đường hoặc rối loạn suy giảm miễn dịch. Họ cũng có thể hỏi về tiền sử tình dục của bạn để xác định xem các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau hay không. Các xét nghiệm để tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể cần thiết, đặc biệt nếu nam giới bị chảy mủ từ dương vật hoặc phụ nữ có dịch tiết âm đạo bất thường. Nếu bạn là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì bác sĩ có thể đề nghị thử thai.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các thuốc bạn đang dùng và bất kỳ “biện pháp khắc phục tại nhà” nào bạn đã thử để kiểm soát chứng tiểu buốt.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về các triệu chứng hiện tại và chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu của bạn sẽ được phân tích để tìm bạch cầu, hồng cầu hoặc các hóa chất lạ. Sự hiện diện của các tế bào bạch cầu cho bác sĩ biết bạn bị viêm đường tiết niệu. Cấy nước tiểu sẽ cho biết bạn có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không và nếu có thì là do vi khuẩn nào. Thông tin này cho phép bác sĩ chọn loại kháng sinh hoạt động tốt nhất trong việc điều trị vi khuẩn.
Nếu không tìm thấy dấu hiệu nhiễm trùng trong mẫu nước tiểu của bạn, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung để đánh giá bàng quang hoặc tuyến tiền liệt (ở nam giới). Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu dịch âm đạo hoặc niệu đạo của bạn bằng tăm bông để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng (ở phụ nữ).
Nguyên nhân gây ra tiểu buốt
Những nguyên nhân nào gây ra chứng tiểu buốt?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu buốt. Bạn cũng nên biết rằng không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể xác định được nguyên nhân.
Phụ nữ: Tiểu buốt ở phụ nữ có thể là do:
- Nhiễm trùng bàng quang.
- Nhiễm trùng âm đạo.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Viêm nội mạc tử cung và các nguyên nhân khác bên ngoài đường tiết niệu, như viêm túi thừa đại tràng.
- Viêm bàng quang hoặc niệu đạo. Viêm thường do nhiễm trùng.
Tình trạng viêm cũng có thể do quan hệ tình dục, thụt rửa, dùng xà phòng, giấy vệ sinh có mùi thơm hoặc chất diệt tinh trùng.
Nam giới: Đi tiểu buốt ở nam giới có thể là kết quả của:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu và các nhiễm trùng khác bên ngoài đường tiết niệu như viêm túi thừa đại tràng.
- Bệnh về tuyến tiền liệt.
- Bệnh ung thư.
Đi tiểu buốt ở nam giới và phụ nữ có thể là kết quả của bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc tác dụng phụ của thuốc. Thuốc hóa trị điều trị ung thư hoặc xạ trị vào vùng xương chậu có thể làm viêm bàng quang và gây tiểu buốt.
Chăm sóc và điều trị
Điều trị tiểu buốt như thế nào?
Điều trị chứng tiểu buốt tùy thuộc vào nguyên nhân. Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là xác định xem bạn bị tiểu buốt có phải do nhiễm trùng, do các yếu tố chế độ ăn uống hay vấn đề với bàng quang hoặc tuyến tiền liệt hay không.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng, bạn có thể được kê đơn phenazopyridine. Lưu ý: thuốc này khiến nước tiểu của bạn có màu đỏ cam và làm ố quần lót.
- Viêm do kích ứng da thường được điều trị bằng cách tránh nguyên nhân gây kích ứng.
- Chứng tiểu buốt do tình trạng bệnh lý của bàng quang hoặc tuyến tiền liệt được điều trị bằng cách giải quyết bệnh lý cơ bản.
Bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm bớt cảm giác khó chịu khi đi tiểu đau, bao gồm uống nhiều nước hơn hoặc dùng thuốc hỗ trợ không kê đơn (chẳng hạn như Uristat® hoặc AZO®) để điều trị chứng tiểu buốt. Các phương pháp điều trị khác cần dùng thuốc theo đơn.
Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên, bác sĩ có thể giúp tìm ra nguyên nhân.
Có thể làm gì để ngăn ngừa chứng tiểu buốt?
- Uống nhiều nước hơn. Uống 2 đến 3 lít nước mỗi ngày.
- Nếu bạn là nữ, sau khi đi tiểu, hãy lấy tmột ít khăn giấy mới và lau sạch nước tiểu ở vùng âm hộ.
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Tiểu buốt là một triệu chứng. Nó gây ra cảm giác nóng, đau và / hoặc khó chịu. Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ để xác định xem triệu chứng của bạn có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu hay nguyên nhân y tế khác hay không. Trong mọi trường hợp, bạn đi khám bác sĩ càng sớm thì được chẩn đoán càng sớm và có thể bắt đầu điều trị ngay.
Xem thêm: