Video: Tiền mãn kinh là gì? Tiền mãn kinh có triệu chứng gì?
Tiền mãn kinh bắt đầu ở các độ tuổi khác nhau. Các dấu hiệu báo hiệu cho thời kỳ này xuất hiện vào khoảng 40 tuổi, một số phụ nữ thậm chí nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa tuổi 30.
Nồng độ estrogen – một nội tiết tố nữ chính - trong cơ thể tăng và giảm không đồng đều trong thời kỳ tiền mãn kinh. Chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài hoặc ngắn lại, bắt đầu có những kỳ kinh không có sự rụng trứng. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng giống như mãn kinh: bốc hỏa, khó ngủ và khô âm đạo. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm bớt các triệu chứng này.
Khi 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt là điểm mốc kết thúc thời kỳ tiền mãn kinh, chuyển sang mãn kinh chính thức.
Triệu chứng của tiền mãn kinh
Một số thay đổi diễn ra trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh bạn có thể nhận thấy như:
- Kinh nguyệt không đều.
Khi sự rụng trứng trở nên khó dự đoán hơn, khoảng thời gian giữa các kỳ kinh có thể dài hoặc ngắn hơn; lượng máu mỗi kỳ kinh nhiều hoặc ít; có thể không có kinh nguyệt trong vài chu kỳ. Nếu kinh nguyệt kéo dài từ bảy ngày trở lên, bạn có thể đang ở giai đoạn tiền mãn kinh sớm. Nếu khoảng cách giữa các kỳ kinh từ 60 ngày trở lên, bạn có thể đang ở giai đoạn cuối tiền mãn kinh.
- Cơn bốc hỏa và khó ngủ.
Cơn bốc hỏa thường gặp trong thời kỳ tiền mãn kinh, cường độ, độ dài và tần số khác nhau. Các vấn đề về giấc ngủ thường do bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi đêm, đôi khi khó ngủ ngay cả khi không có các triệu chứng trên.
- Thay đổi tâm trạng.
Tâm trạng thất thường, cáu kỉnh hoặc tăng nguy cơ trầm cảm có thể xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh. Nguyên nhân là do giấc ngủ bị gián đoạn kết hợp với các cơn bốc hỏa. Thay đổi tâm trạng cũng có thể do các yếu tố không liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh.
- Các vấn đề về âm đạo và bàng quang.
Khi nồng độ estrogen giảm, các mô âm đạo mất khả năng bôi trơn và độ đàn hồi, khiến nữ giới bị đau khi quan hệ. Estrogen thấp cũng khiến bạn dễ bị nhiễm trùng tiết niệu hoặc âm đạo. Mất trương lực mô góp phần gây nên tình trạng són tiểu.
- Giảm khả năng sinh sản.
Khi trứng rụng không đều, khả năng thụ thai sẽ giảm đi. Tuy nhiên, miễn là bạn có kinh thì vẫn có thể mang thai. Nếu muốn tránh thai hãy sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi không có kinh trong 12 tháng.
- Thay đổi chức năng tình dục.
Có nhiều thay đổi trong đời sống tình dục thời kỳ tiền mãn kinh. Nếu trước mãn kinh, đời sống tình dục được duy trì tốt thì sẽ giảm bớt những vấn đề gặp phải trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Khi nồng độ estrogen giảm, sự mất xương diễn ra nhanh hơn so với sự tạo xương, làm tăng nguy cơ loãng xương – một tình trạng khiến xương dễ gãy.
- Thay đổi nồng độ cholesterol máu.
Estrogen giảm dẫn đến những thay đổi nồng độ cholesterol trong máu, như tăng cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL) – một loại cholesterol "xấu" làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đồng thời, giảm cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL) - loại cholesterol "tốt" - cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Khi nào cần đi khám
Một số phụ nữ đi khám ngay vì các triệu chứng tiền mãn kinh, một số khác chịu đựng được những thay đổi, một số thì triệu chứng không quá rõ khiến họ quan tâm chú ý. Sự dao động hormone của thời kỳ tiền mãn kinh gây ra các thay đổi rất nhỏ và xuất hiện dần dần khiến ban đầu bạn có thể không nhận ra được.
Nếu các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, chẳng hạn như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng hoặc thay đổi chức năng tình dục khiến bạn lo lắng, hãy đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân giai đoạn tiền mãn kinh
Thời kỳ tiền mãn kinh cơ thể sản xuất các nội tiết tố nữ estrogen và progesterone không đều. Nhiều thay đổi bạn gặp phải trong thời kỳ tiền mãn kinh là kết quả của việc giảm estrogen.
Các yếu tố nguy cơ tiền mãn kinh sớm
Mãn kinh là một giai đoạn bình thường trong cuộc đời. Một số phụ nữ xuất hiện sớm hơn so với những người khác. Chưa có khẳng định chắc chắn, tuy nhiên một số bằng chứng cho thấy vài yếu tố có thể khiến thời kỳ tiền mãn kinh đến sớm hơn, bao gồm:
- Hút thuốc lá: Mãn kinh sớm hơn ở phụ nữ hút thuốc từ 1 đến 2 năm so với người không hút thuốc.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người mãn kinh sớm thì khả năng mãn kinh sớm cũng cao hơn.
- Điều trị ung thư: Điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu có liên quan đến mãn kinh sớm.
- Cắt tử cung: Việc cắt tử cung mà không cắt buồng trứng thường không gây mãn kinh. Mặc dù không còn kinh nguyệt nữa nhưng thực tế là buồng trứng vẫn sản xuất estrogen. Phẫu thuật như vậy có thể khiến thời kỳ mãn kinh diễn ra sớm hơn so với trung bình. Ngoài ra, nếu một bên buồng trứng không còn, bên còn lại có thể ngừng hoạt động sớm hơn bình thường.
Triệu chứng bất thường trong thời kỳ tiền mãn kinh
Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu nhận biết thời kỳ tiền mãn kinh. Hầu hết điều này là bình thường và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, hãy đi khám nếu:
- Ra máu rất nhiều - bạn phải thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi một hoặc hai giờ trong hai giờ trở lên
- Ra máu kéo dài hơn bảy ngày
- Ra máu bất thường giữa các kỳ kinh
- Các kỳ kinh thường xuyên cách nhau dưới 21 ngày
Những dấu hiệu như trên báo hiệu hệ cơ quan sinh sản gặp vấn đề, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Chẩn đoán tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là một quá trình chuyển đổi từ từ. Không có xét nghiệm hay dấu hiệu nào đủ để xác định bạn đã bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hay chưa. Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên tuổi tác, tiền sử kinh nguyệt, những triệu chứng hay thay đổi đang diễn ra với cơ thể bạn.
Một số bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormone trong máu. Tuy nhiên, ngoài mục đích đánh giá chức năng tuyến giáp, xét nghiệm hormone hiếm khi dùng để đánh giá tiền mãn kinh.
Điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh
Các thuốc sau đây thường được sử dụng điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh.
Liệu pháp hormone.
Estrogen vẫn là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất để làm giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Các chế phẩm estrogen đường toàn thân có ở dạng viên uống, miếng dán da, dạng xịt, gel hoặc kem. Tùy thuộc vào tiền sử bệnh tật trước đây của cá nhân và gia đình, bác sĩ có thể kê đơn estrogen với liều thích hợp để giảm triệu chứng. Bên cạnh đó estrogen toàn thân còn giúp ngăn ngừa mất xương.
Estrogen âm đạo.
Ngoài đường dùng toàn thân, đặt estrogen đường âm đạo cũng là một lựa chọn. Chế phẩm có trên thị trường dưới các dạng viên đặt, vòng, kem đặt âm đạo. Đường dùng này chỉ giải phóng một lượng nhỏ estrogen và hấp thụ bởi các tế bào ở âm đạo. Tác dụng giảm khô âm đạo, các đau đớn và khó chịu khi giao hợp và một số triệu chứng tiết niệu.
Thuốc chống trầm cảm.
Một số thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) làm giảm các cơn bốc hỏa thời kỳ mãn kinh. Thuốc này hữu ích trong kiểm soát cơn bốc hỏa ở những phụ nữ không thể bổ sung estrogen vì có tác dụng phụ hay chống chỉ định với thuốc; những phụ nữ rối loạn tâm trạng thời kỳ tiền mãn kinh.
Gabapentin (Neurontin).
Gabapentin là thuốc dùng để điều trị co giật, nó cũng được chứng minh giúp làm giảm các cơn bốc hỏa. Thuốc này thích hợp cho những người không dùng được estrogen; những người bị đau nửa đầu.
Trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn điều trị nào, hãy trao đổi với bác sĩ về các lợi ích và nguy cơ liên quan đến từng phương thức điều trị.
Thay đổi lối sống
Duy trì lối sống lành mạnh giúp giảm bớt một số triệu chứng của tiền mãn kinh và tăng cường sức khỏe:
- Giảm cảm giác khó chịu ở âm đạo
Sử dụng các chất bôi trơn âm đạo, (Astroglide, K-Y Liquid, ...), kem dưỡng ẩm (Replens, Vagisil Prohydrate, ...). Lựa chọn các sản phẩm không chứa glycerin vì có thể gây bỏng hoặc kích ứng ở những phụ nữ nhạy cảm với glycerin. Duy trì sinh hoạt vợ chồng cũng giúp tăng lưu lượng máu đến âm đạo.
- Ăn uống lành mạnh
Giai đoạn này nguy cơ loãng xương và các bệnh lý tim mạch tăng lên, bởi vậy một chế độ ăn uống lành mạnh là quan trọng hơn bao giờ hết. Áp dụng chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Bổ sung thực phẩm giàu canxi. Tránh uống rượu, caffein nếu các thức uống này gây ra các cơn bốc hỏa. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung canxi, vitamin D dưới dạng thuốc hay các thực phẩm chức năng.
- Tích cực hoạt động
Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa tăng cân, cải thiện giấc ngủ cũng như tâm trạng, cảm xúc. Tập thể dục từ 30 phút trở lên vào hầu hết các ngày trong tuần, lưu ý không tập ngay trước khi đi ngủ. Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là làm tăng mật độ xương, làm giảm nguy cơ gãy xương đùi ở phụ nữ lớn tuổi.
- Ngủ đủ giấc
Cố gắng duy trì thói quen đi ngủ vào một giờ nhất định. Tránh sử dụng caffeine, uống quá nhiều rượu vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn
Thực hành thường xuyên các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga. Các kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong thời kỳ chuyển sang giai đoạn mãn kinh.
Các phương pháp điều trị khác
Một số lựa chọn khác cho điều trị triệu chứng giai đoạn tiền mãn kinh. Các liệu pháp này vẫn đang được nghiên cứu để xác định mức độ an toàn và hiệu quả của chúng.
- Black cohosh
Nguồn gốc từ thực vật, được dùng điều trị chứng bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác. Tuy nhiên không có đủ bằng chứng để chứng minh tác dụng này. Một số nghiên cứu cho kết quả black cohosh có hại cho gan, một số nghiên cứu khác lại không tìm thấy bằng chứng kết luận điều đó. Các nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi liệu chiết xuất thảo mộc này liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú hay không.
- Phytoestrogen
Các estrogen này có trong tự nhiên ở một số loại thực phẩm. Hai loại phytoestrogen chính là isoflavone và lignans. Isoflavone được tìm thấy trong đậu nành, một số loại đậu khác, cỏ ba lá đỏ. Lignans có trong hạt lanh, ngũ cốc nguyên hạt, một số loại trái cây và rau quả. Ngoài ra còn có các hợp chất nguồn gốc từ thực vật có các đặc tính giống như estrogen.
Các nghiên cứu về phytoestrogen vẫn còn tranh cãi về việc liệu nó có thật sự giúp giảm các triệu chứng mãn kinh hay không. Các nghiên cứu cũng chưa có kết quả thống nhất về tác dụng của phytoestrogen với nguy cơ ung thư vú do chất này.
- Hoóc - môn sinh học
Thuật ngữ "hoóc - môn sinh học" dùng để chỉ các hoóc - môn trong chế phẩm giống hệt về mặt hóa học với những hoóc - môn mà cơ thể người sản xuất. Tuy nhiên, các phức hợp hoóc - môn sinh học không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quản lý, vì vậy chất lượng và nguy cơ có thể khác nhau. Cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy hoóc - môn sinh học tổng hợp an toàn hơn hoặc hiệu quả hơn liệu pháp hormone thông thường.
- Dehydroepiandrosterone (DHEA)
Đây là một steroid tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất, có mặt trên thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng, một số người sử dụng để giảm đau khi giao hợp do teo âm đạo. Tuy nhiên, các bằng chứng về hiệu quả của nó còn chưa rõ ràng, một số lo ngại về các tác động có hại.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào điều trị triệu chứng tiền mãn kinh. FDA không điều phối các sản phẩm nguồn gốc thảo dược, một số có thể gây nguy hiểm hoặc tương tác với các loại thuốc khác mà bạn dùng.
Các liệu pháp kết hợp có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm lý như:
Châm cứu. Nghiên cứu về châm cứu để giảm cơn bốc hỏa chưa được kết luận, tuy nhiên khá có triển vọng.
Kỹ thuật thư giãn. Yoga và thiền có thể giúp giảm căng thẳng, từ đó cải thiện các triệu chứng mãn kinh.
Chuẩn bị cho buổi khám
Đôi khi khó để ghi nhớ tất cả thông tin được cung cấp trong một buổi khám. Đi cùng người thân hoặc bạn bè, người đó có thể giúp nhớ điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên mất.
Để chuẩn bị cho buổi khám:
- Ghi lại các chu kỳ kinh nguyệt.
- Ghi nhật ký chu kỳ kinh nguyệt trong vài tháng qua, bao gồm ngày ra máu đầu tiên và ngày cuối cùng của mỗi chu kỳ, lượng máu ra ít hay nhiều.
- Lập danh sách các triệu chứng bạn gặp phải. Mô tả chi tiết, kể cả triệu chứng mà bạn thấy có vẻ không liên quan.
- Ghi lại thông tin về những căng thẳng lớn hoặc thay đổi cuộc sống gần đây.
- Lập danh sách các thuốc và liều lượng đang dùng. Tất cả thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo mộc, vitamin, thực phẩm chức năng.
- Chuẩn bị câu hỏi. Thời gian khám bác sĩ có thể bị hạn chế, vì vậy hãy chuẩn bị danh sách các câu hỏi cần hỏi để tận dụng tối đa thời gian.
Một số câu hỏi thường gặp như:
- Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của tôi?
- Tôi cần làm những xét nghiệm gì?
- Tình trạng hiện tại của tôi có khỏi được không?
- Có phương pháp nào khác thay thế cho cách điều trị mà bác sĩ đưa ra hay không?
- Tôi gặp một số vấn đề sức khỏe khác. Vậy làm cách nào để có thể điều trị tất cả một cách tốt nhất?
- Có thứ gì tôi cần hạn chế không?
- Tôi có cần gặp bác sĩ phụ khoa không?
- Có tờ rơi hay tài liệu in khác mà tôi có thể đọc thông tin không? Bác sĩ có thể giới thiệu trang web để tham khảo thông tin?
- Tôi có cần tái khám hay không?
Các câu hỏi mà bác sĩ có thể hỏi:
- Bạn có còn kinh nguyệt không? Nếu còn thì các kỳ kinh như thế nào?
- Bạn đang gặp phải những triệu chứng nào?
- Những triệu chứng này kéo dài bao lâu rồi?
- Các triệu chứng ảnh hưởng tới bạn như thế nào?
- Bạn có đang dùng thuốc gì, thảo dược, vitamin hay thực phẩm chức năng nào không?
Xem thêm: