Loãng Xương: Yếu tố nguy cơ, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Loãng xương là tình trạng giảm mật độ xương. Cơ thể sản xuất xương mới ít hơn, thay vào đó tái hấp thu các chất cấu tạo nên mô xương nhiều hơn. Khi bị loãng xương, xương trở nên xốp và yếu hơn, tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt ở khớp háng, đốt sống và một số xương khác như cổ tay. Tổ chức Loãng xương Quốc tế (IOF) ước tính có hơn 44 triệu người ở Hoa Kỳ đang bị loãng xương.

Video Loãng xương | Dấu hiện nhận biết, Điều trị, Ăn uống và Phòng bệnh

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân loãng xương và cách chẩn đoán cũng như một số phương pháp điều trị.

Triệu chứng loãng xương

Loãng xương thường tiến triển chậm, nhiều khi phát hiện một cách tình cờ do bị gãy xương hoặc gãy xương sau một sự cố nhỏ ví dụ ngã rất nhẹ.

Các vị trí gãy xương thường gặp ở người loãng xương là khớp háng, cổ tay, các đốt sống. Gãy đốt sống có thể dẫn đến thay đổi tư thế như gù, vẹo cột sống. Ngoài ra có thể biểu hiện giảm chiều cao hoặc không mặc vừa quần áo trước đây.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây loãng xương

Dưới đây đề cập đến một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương, trong đó có yếu tố có thể thay đổi được, có yếu tố thì không.

Cơ thể liên tục phá hủy mô xương cũ và tạo ra xương mới để duy trì mật độ, sức mạnh và tính toàn vẹn của cấu trúc xương. Mật độ xương đạt đến đỉnh điểm ở những năm 20 tuổi và bắt đầu yếu đi vào khoảng 35 tuổi. Theo thời gian, quá trình hủy xương xảy ra nhanh hơn quá trình tạo xương. Loãng xương hình thành khi sự hủy xương vượt quá mức mà tạo xương có thể bù lại được.

Loãng xương gặp ở cả hai giới nhưng phụ nữ đặc biệt sau mãn kinh hay gặp hơn. Tình trạng này là do sự giảm đột ngột của estrogen – một hooc môn nữ giới có ảnh hưởng đến quá trình tạo xương. Theo tổ chức loãng xương quốc tế, từ 50 tuổi trở đi, cứ 3 người nữ hoặc 5 người nam sẽ có 1 người bị gãy xương do loãng xương.

Các yếu tố không thay đổi được

Hiệp hội khớp Hoa Kỳ đưa ra các yếu tố nguy cơ gây loãng xương không thể thay đổi được như sau:

  • Tuổi: Nguy cơ loãng xương tăng sau tuổi 30 và đặc biệt sau khi mãn kinh.
  • Giảm hoóc-môn sinh dục: Nồng độ estrogen thấp hơn ảnh hưởng đến quá trình tạo xương
  • Chủng tộc: Người da trắng và người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác.
  • Chiều cao và cân nặng: Người có chiều cao trên 170cm hoặc cân nặng dưới 56kg tăng nguy cơ bị loãng xương (theo tiêu chuẩn nước ngoài).
  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người bị loãng xương thì có nguy cơ loãng xương cao hơn.
  • Tiền sử gãy xương: Người trên 50 tuổi bị gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ khả năng cao bị loãng xương.
  • Chế độ ăn và lối sống

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Không hoạt động
  • Bất động

Các bài tập thể dục chịu trọng lượng giúp ngăn ngừa loãng xương. Những bài tập này kiểm soát các áp lực tác động lên xương, giúp khuyến khích sự phát triển của xương.

  • Một số thuốc và bệnh lý

Một số loại thuốc hoặc tình trạng bệnh tật làm thay đổi nồng độ hoóc-môn, trong khi đó một số loại thuốc làm giảm khối lượng xương.

Các bệnh ảnh hưởng đến nồng độ hoóc-môn có thể kể đến như cường giáp, cường cận giáp, hội chứng Cushing.

Nghiên cứu công bố vào năm 2015 cho thấy những phụ nữ chuyển giới mà có điều trị hoóc-môn có thể tăng nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng androgen trong vòng một năm trước khi bắt đầu điều trị hoóc-môn có thể làm giảm nguy cơ này. Nam chuyển giới dường như không có nguy cơ loãng xương cao. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận những điều này.

Các bệnh lý làm tăng nguy cơ loãng xương được kể đến như sau:

  • Một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp
  • Hội chứng Cushing - một rối loạn tuyến thượng thận
  • Rối loạn tuyến yên
  • Cường giáp, cường cận giáp
  • Thiếu estrogen hoặc testosterone
  • Các rối loạn hấp thụ khoáng chất như trong bệnh celiac

Các loại thuốc sau đây làm tăng nguy cơ loãng xương:

  • Glucocorticoid, ví dụ prednisolone. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây loãng xương do dùng thuốc.
  • Hoóc-môn tuyến giáp
  • Thuốc chống đông máu, ví dụ heparin, warfarin
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI), các thuốc kháng axit dạ dày có ảnh hưởng đến hấp thu khoáng chất
  • Một số loại thuốc chống trầm cảm
  • Vitamin A ở dạng retinoid
  • Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide
  • Thiazolidinediones – một thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 – có nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc này làm giảm sự hình thành xương
  • Một số thuốc ức chế miễn dịch: cyclosporin làm tăng cả quá trình hủy và hình thành xương
  • Chất ức chế aromatase và các phương pháp điều trị làm giảm hoóc-môn sinh dục
  • Hóa chất điều trị một số bệnh ung thư, ví dụ letrozole (Femara) điều trị ung thư vú, leuprorelin (Lupron) điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Điều trị loãng xương

Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm mục đích:

  • Làm chậm hoặc ngăn ngừa loãng xương nặng lên
  • Duy trì mật độ và khối lượng xương 
  • Phòng ngừa gãy xương
  • Giảm đau
  • Tối đa hóa chức năng để thực hiện sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày 

Nhiều biện pháp phòng ngừa bằng thay đổi lối sống, thực phẩm chức năng, thuốc có thể giúp những người có nguy cơ loãng xương đạt được những mục tiêu này.

Thuốc điều trị loãng xương

  • Bisphosphonates: Đây là nhóm thuốc  làm chậm quá trình mất xương, từ đó giảm nguy cơ gãy xương.
  • Thuốc chủ vận hoặc đối kháng estrogen: Nhóm này còn có tên là SERMS: thuốc điều biến thụ thể estrogen chọn lọc. Raloxifene (Evista) là một ví dụ. Nhóm thuốc này làm giảm nguy cơ gãy xương đốt sống ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
  • Calcitonin (Calcimar, Miacalcin): Ngăn ngừa gãy xương đốt sống ở phụ nữ mãn kinh, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau.
  • Hoóc-môn tuyến cận giáp: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt hormone này để điều trị những người có nguy cơ gãy xương cao vì nó kích thích sự hình thành xương.
  • Kháng thể đơn dòng (denosumab, romosozumab): Liệu pháp miễn dịch với một số trường hợp loãng xương sau mãn kinh.

Phương pháp điều trị loãng xương trong tương lai

Liệu pháp tế bào gốc đang được nghiên cứu trong điều trị loãng xương. Năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện tiêm tế bào gốc vào chuột giúp ngăn ngừa quá trình mất xương và loãng xương. Cơ chế của hiện tượng này có điểm tương đồng với ở người, do vậy họ hi vọng có thể áp dụng được với con người.

Các nhà khoa học cho rằng yếu tố di truyền có vai trò quan trọng quyết định mật độ xương. Các nghiên cứu đang tìm hiểu xem gen nào phụ trách cấu tạo xương, gen nào chịu trách nhiệm trong quá trình mất xương với hi vọng sẽ tìm ra hướng mới điều trị loãng xương trong tương lai.

Phòng ngừa loãng xương như thế nào?

Các phương pháp điều trị kể trên không làm đảo ngược được tình trạng loãng xương, do đó phòng bệnh là điều hết sức cần thiết. Dưới đây đưa ra một số biện pháp phòng ngừa loãng xương bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh lý này:

Cung cấp đủ canxi và vitamin D

Người từ 19 tuổi trở lên cần 1000mg canxi mỗi ngày; phụ nữ trên 51 tuổi, người từ 71 tuổi trở lên mỗi ngày cần 1200mg.

Nguồn thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như:

  • Thực phẩm từ sữa: sữa, pho mát, sữa chua
  • Rau lá xanh: cải xoăn, bông cải xanh
  • Cá xương mềm: cá hồi, cá ngừ 
  • Ngũ cốc ăn sáng bổ sung

Nếu chế độ ăn không đủ cung cấp thì có thể sử dụng thực phẩm bổ sung để đảm bảo nhu cầu canxi mỗi ngày.

Vitamin D là yếu tố quan trọng trong hấp thụ canxi, do đó cũng cần chú ý tới bổ sung vitamin này. Nguồn thực phẩm giàu vitamin D là cá nước mặn và gan. Tuy nhiên, hầu hết vitamin D cung cấp cho cơ thể có từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy các bác sĩ khuyên nên thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ở mức độ vừa phải.

Thay đổi lối sống

Thay đổi một số thói quen không tốt trong cuộc sống để giảm nguy cơ loãng xương:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm phát triển xương mới, thậm chí còn giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ
  • Hạn chế uống rượu: Xương sẽ chắc khỏe hơn, ngoài ra còn giảm nguy cơ té ngã, từ đó giảm nguy cơ gãy xương
  • Tập các bài tập thể dục chịu trọng lượng thường xuyên, ví dụ như đi bộ, các bài tập này thúc đẩy xương khỏe mạnh và tăng cường hỗ trợ của hệ cơ.
  • Các bài tập tăng cường sự linh hoạt và cân bằng, ví dụ yoga, phần nào giúp làm giảm nguy cơ té ngã và gãy xương

Đối với những người đã bị loãng xương, dinh dưỡng, tập thể dục và phòng té ngã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ gãy xương cũng như tỷ lệ mất xương theo thời gian.

Hình ảnh: Tập thể dục giúp ngăn ngừa loãng xương, duy trì sự dẻo dai của cơ thể. Nguồn: Vietnam NetHình ảnh: Tập thể dục giúp ngăn ngừa loãng xương, duy trì sự dẻo dai của cơ thể. Nguồn: Vietnam Net

Phòng té ngã

  • Loại bỏ các vật cản gây mất an toàn trên lối đi, dọn dẹp đồ đạc lộn xộn.
  • Kiểm tra thị lực thường xuyên, đeo kính đúng số đo.
  • Lắp đặt các thanh nắm trên lối đi hoặc trong phòng tắm
  • Đảm bảo trong nhà đủ ánh sáng
  • Tập các bài thể dục giúp giữ thăng bằng, chẳng hạn như thái cực quyền

Lực lượng dự phòng bệnh tật Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến nghị kiểm tra mật độ xương cho tất cả phụ nữ từ 65 tuổi trở lên hoặc những phụ nữ trẻ hơn nhưng có nguy cơ cao bị gãy xương.

Chẩn đoán loãng xương

Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ. Nếu nghi ngờ loãng xương, bác sĩ sẽ chỉ định đo mật độ xương.

Đo mật độ xương sử dụng phương pháp có tên hấp thụ tia X năng lượng kép, viết tắt là DEXA. DEXA cho thấy được nguy cơ gãy xương do loãng xương, đồng thời cũng giúp theo dõi đáp ứng với điều trị.

Hai loại thiết bị thực hiện được phương pháp DEXA:

  • Thiết bị đo trung tâm: Sử dụng tại bệnh viện để đo mật độ xương tại cổ xương đùi và các đốt sống, người bệnh nằm trên bàn trong cả quá trình đo.
  • Thiết bị đo ngoại vi: Máy đo di động có thể đem đi nhiều nơi, đo mật độ xương ở cổ tay, gót chân hoặc ngón tay.

Kết quả đo DEXA được trình bày dưới dạng điểm T-score hoặc Z-score.

Điểm T-score so sánh khối lượng xương của một cá nhân với khối lượng xương đỉnh ở người trẻ tuổi.

Điểm từ -1.0 trở lên cho thấy sức mạnh của xương tốt

Điểm từ -1,1 đến -2,4 biểu hiện thiếu xương

Điểm từ -2,5 trở xuống là loãng xương

Điểm Z-score so sánh khối lượng xương của một người với khối lượng xương của những người khác có cùng thể trạng và độ tuổi.

Đo mật độ xương 2 năm một lần để theo dõi đánh giá tiến triển và đáp ứng điều trị.

Các xét nghiệm khác

Siêu âm xương gót chân là một phương pháp khác đánh giá loãng xương, có thể mang theo sử dụng ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phương pháp này ít phổ biến hơn, nhược điểm là không cho ra điểm số như DEXA để so sánh và theo dõi.

Biến chứng loãng xương

Theo thời gian, xương trở nên yếu hơn do đó dễ bị gãy xương hơn và khi đã gãy xương thì mất nhiều thời gian hơn để liền lại.

Loãng xương khi tiến triển gây đau âm ỉ, dần dần các đốt sống lún xẹp, chiều cao ngày càng giảm dần. Tình trạng còn nặng nề hơn nếu bị gãy cổ xương đùi, người bị loãng xương cần nhiều thời gian hơn để hồi phục, một số người mất khả năng sinh hoạt độc lập.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về tầm soát loãng xương hay bất kỳ lo ngại nào về bệnh lý này.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Một số thuốc điều trị loãng xương: Calci và vitamin D; Estrogen và SERM; Biphosphonat...
Xem thêm
Đo loãng xương hay đo mật độ xương (tên tiếng Anh Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hay DXA), hay chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương.
Xem thêm
Khoa Cơ Xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm Cơ Xương khớp – Bệnh viện E; Bệnh viện Việt Đức...
Xem thêm
Điều trị loãng xương không dùng thuốc: Chế độ ăn uống; Chế độ sinh hoạt; Tập thể dục ngoài trời; ...
Xem thêm
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng việc bổ sung canxi trong khoảng 24 đến 48 giờ trước khi thực hiện đo loãng xương. Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa lời khuyên không nên đeo đồ trang sức kim loại hoặc mặc quần áo có các chi tiết kim loại như nút, khóa kéo… khi thực hiện kỹ thuật này.
Xem thêm
Như chúng ta đã biết một trong các nguyên nhân gây loãng xương phổ biến là do thiếu canxi và vitamin D
Xem thêm
Máy đo loãng xương là thiết bị được dùng để đo mật độ xương, phát hiện và đánh giá tình trạng loãng xương. Bác sĩ cũng nhờ thiết bị này để đánh giá nguy cơ mắc bệnh và theo dõi diễn tiến loãng xương ở người bệnh đang điều trị để có phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Xem thêm
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Xem thêm
Đau nhức đầu xương; Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Loãng xương
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!