Thông tin cần biết về bệnh gan nhiễm mỡ độ 1

Bệnh gan nhiễm mỡ là một tình trạng bệnh lý ở gan thường gặp trong xã hội hiện đại. Theo các nhà nghiên cứu, cứ bốn người thì có một người bị ảnh hưởng bởi bệnh gan nhiễm mỡ. Căn bệnh này có thể tiến triển bởi nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, khi bệnh chưa diễn biến nặng và chưa kèm biến chứng thì hoàn toàn có thể được kiểm soát thông qua việc điều chỉnh lối sống, sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Việc biết được tình trạng bệnh gan nhiễm mỡ đang ở phân độ nào, sàng lọc những yếu tố nguy cơ là bước đầu tiên để kiểm soát được bệnh.

Một trong những chức năng chính của gan là chuyển hóa lipid từ thức ăn trở thành axit béo giúp cơ thể sử dụng. Nhưng gan không phải là nơi lưu trữ chất béo. Khi có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan (hơn 5%), thì gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Đáp ứng viêm tại gan và quá trình xơ hóa trong nhu mô gan diễn ra nhằm bảo vệ gan tránh bị tổn thương đồng thời tiếp tục làm đúng nhiệm vụ chuyển hóa chất, lọc bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Tình trạng viêm và xơ hóa diễn ra trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực đến các chức năng của gan nếu không có sự can thiệp kịp thời, chủ yếu là thay đổi lối sống. Nếu không được kiểm soát, bệnh sẽ diễn biến nặng dần và gan dần bị mất chức năng.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ

Video: Đặc điểm gan nhiễm mỡ cấp độ 1 và 2

Có 3 giai đoạn được phân độ theo theo sự biến đổi cấu trúc mô bệnh học của gan, và kéo theo tình trạng suy giảm chức năng tương ứng:

  • Giai đoạn 1 – Lượng mỡ trong gan đạt từ 5-10%,  xuất hiện tình trạng viêm gan và gan to hơn bình thường. Về chức năng, gan nhiễm mỡ độ 1 thường vẫn đủ khả năng hoạt động như bình thường. Về cấu trúc, gan đã bị tổn thương và gây ra những thay đổi về mặt vi thể. Đây còn được gọi là xơ gan còn bù.
  • Giai đoạn 2 – Gan nhiễm mỡ độ 2 khi lượng mỡ trong gan chiếm 10-25%. Ngoài các đặc điểm của giai đoạn 1, sẹo (xơ hóa) bắt đầu xuất hiện. Bệnh xơ hóa có thể được phân loại từ F1 đến F4; Giai đoạn 2 của gan nhiễm mỡ liên quan đến quá trình xơ hóa từ F1 đến F3 trên fibroscan. Khi người bệnh đến giai đoạn này, gan bắt đầu xấu đi chuyển sang giai đoạn suy gan. 
  • Giai đoạn 3 - Giai đoạn nghiêm trọng nhất của gan nhiễm mỡ, bệnh tiến triển thành xơ gan mất bù, có thể xuất hiện ung thư gan trền nền gan xơ. Khi đã tới giai đoạn này, lựa chọn duy nhất còn lại là ghép gan.

Các triệu chứng có thể gặp của bệnh gan nhiễm mỡ độ 1

Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 thường kín đáo và dễ bị bỏ qua. Nguồn: 24 MantraTriệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 thường kín đáo và dễ bị bỏ qua. Nguồn: 24 Mantra

Đa phần người bị gan nhiễm mỡ độ 1 sẽ không có biểu hiện gì đáng lưu ý, do đó họ thường phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc vô tình phát hiện khi khám bệnh vì nguyên nhân khác. Ở một số người, có thể xuất hiện các triệu chứng chung như: 

  • Mệt mỏi
  • Đau tức vùng gan (vùng hạ sườn phải)
  • Ăn kém ngon
  • Có thể sờ thấy gan to

Xét nghiệm máu

Nhiều trường hợp bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán sau khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng cao. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm men gan ALT (alanin aminotransferase) và xét nghiệm AST (aspartate inotransferase) để đánh giá chức năng gan. Các xét nghiệm này được chỉ định khi  đã có các triệu chứng lâm sàng báo hiệu suy chức năng gan, hoặc khi khám sức khỏe định kỳ. Men gan tăng cao là biểu hiện của tình trạng hủy hoại tế bào gan do viêm nhiễm, ngộ độc. Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra viêm gan, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Nếu bạn có kết quả xét nghiệm men gan cao, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều thăm dò chẩn đoán hình ảnh sau để đánh giá sâu hơn về gan và phát hiện các tình trạng bệnh khác:

  • Siêu âm ổ bụng
  • Chụp CT, MRI
  • Fibroscan

Những người có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ

  • Uống nhiều rượu
  • Tăng mỡ máu
  • Thừa cân, béo phì
  • Béo bụng: khi vòng bụng >80cm đối với nữ, >90cm đối với nam
  • Mắc bệnh đái tháo đường típ 2
  • Mắc hội chứng chuyển hóa khác
  • Tiền sử gia đình bị gan nhiễm mỡ
  • Dùng thuốc độc cho gan: chẳng hạn như methotrexate (Trexall), tamoxifen (Nolvadex), amiodorone (Pacerone) và axit valproic (Depakote)
  • HC buồng trứng đa nang
  • Phụ nữ mang thai
  • Người cao tuổi

Phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Để phòng bệnh gan nhiễm mỡ và các biến chứng liên quan, điều quan trọng hàng đầu là tuân thủ một lối sống lành mạnh:

  • Hạn chế hoặc tránh rượu.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và carbohydrate tinh chế.
  • Thực hiện các bước để kiểm soát  đường máu, mức chất béo trung tính và mức cholesterol.
  • Tuân thủ điều trị đái tháo đường theo đúng phác đồ.
  • Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.

Thực hiện đầy đủ các bước này sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ độ 1 không bị tiến triển nặng hơn.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!