Chế độ ăn cho bệnh gan nhiễm mỡ: Nên ăn gì và không nên ăn gì?

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một trong những bệnh lý của gan phổ biến nhất. Trong NAFLD có tình trạng tích lũy quá nhiều chất béo trong gan, có thể dẫn đến xơ gan và suy gan nếu không được điều trị. NAFLD gặp phổ biến ở những người béo phì và đái tháo đường típ 2. NAFLD không phải do lạm dụng rượu gây ra do đó bệnh này không giống như bệnh gan liên quan đến rượu.

Video: Chế độ ăn uống cho người bị bệnh gan

Bình thường trong cơ thể, gan có chức năng thải độc và sản xuất mật là một loại protein chuyển hóa chất béo thành axit béo giúp cơ thể tiêu hóa lipid. Trong bệnh gan nhiễm mỡ, gan bị tổn thương và suy giảm chức năng. Thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng có thể giúp kiểm soát bệnh diễn biến xấu hơn.

Điều quan trọng đầu tiên khi điều trị NAFLD là giảm cân. Giảm cân cần sự kết hợp giữa giảm calo, chế độ tập luyện và chế độ ăn uống lành mạnh.

Nhìn chung, chế độ ăn cho người bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm:

  • Hoa quả và rau
  • Thực vật giàu chất xơ như các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt
  • Hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường bổ sung, muối, carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa
  • Không uống đồ uống có cồn

Số cân mà bạn cần giảm để điều trị NAFLD sẽ phụ thuộc vào lượng mỡ thừa của cơ thể. Tham vấn ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xác định mục tiêu giảm cân phù hợp dựa trên thể trạng của mỗi người. Người có bệnh gan nhiễm mỡ được khuyến khích ăn một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ, protein và chất béo không bão hòa. Dưới đây là một số loại thực phẩm nên đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho gan:

10 loại thực phẩm có lợi cho gan khỏe mạnh

Cà phê

Một tách cà phê hàng ngày có thể giúp bảo vệ gan chống lại NAFLD. Một đánh giá năm 2021cho thấy rằng, uống cà phê thường xuyên có liên quan đến giảm tỉ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, và giảm tỉ lệ xơ hóa gan ở những người đã được chẩn đoán NAFLD. Caffeine trong cà phê cũng giúp cải thiện tình trạng tăng men gan 

Ăn rau xanh giúp ngăn ngừa tích mỡ trong cơ thể

Các hợp chất được tìm thấy trong rau bina và các loại rau lá xanh khác có thể giúp chống lại bệnh gan nhiễm mỡ. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy: Ăn rau xanh giúp làm giảm rõ rệt nguy cơ mắc NAFLD. Có thể giải thích điều này là do trong rau lá xanh có nitrate và polyphenols. Điều thú vị là, nghiên cứu này cho thấy rau bina sống có tác dụng làm cải thiện đáng kể tỉ lệ mắc bệnh, còn rau bina nấu chín lại không có kết quả tốt như vậy. Có thể giải thích kết quả này là do nấu chín rau bina (và các loại rau lá xanh khác) có thể làm giảm hàm lượng polyphenolic và hoạt tính chống oxy hóa của các dưỡng chất trong rau.

Hạt đậu và sản phẩm đậu nành giúp làm giảm nguy cơ NAFLD            

Sản phẩm đậu nành đem lại lợi ích sức khỏe cho người bệnh gan. Nguồn: Exporters IndiaSản phẩm đậu nành đem lại lợi ích sức khỏe cho người bệnh gan. Nguồn: Exporters IndiaCả hạt đậu (đỗ) và đậu nành đều cho thấy nhiều hứa hẹn sẽ giảm nguy cơ mắc NAFLD. Nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh gan chỉ ra rằng các loại đậu như đậu lăng, đậu gà, đậu nành và đậu Hà Lan không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn chứa tinh bột kháng (một loại carbohydrates có tác dụng giống chất xơ hòa tan) giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Ăn các loại đậu thậm chí có thể giúp giảm lượng đường trong máu và chất béo trung tính ở những người béo phì. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 cũng cho thấy chế độ ăn có nhiều hạt đậu đặc biệt giúp giảm nguy cơ mắc NAFLD.

Một số nghiên cứu khác cũng đã phát hiện ra rằng ăn đậu nành (ăn thay thế một khẩu phần thịt hoặc cá, hoặc cho đậu nành lên men vào súp miso) có thể giúp bảo vệ gan. Điều này có thể là do đậu nành chứa hàm lượng cao protein β -conglycinin – một loại protein có khả năng làm giảm lượng chất béo trung tính trong máu và bảo vệ cơ thể chống lại sự tích tụ chất béo nội tạng.

Ngoài ra, đậu phụ là một thực phẩm ít chất béo và là nguồn cung cấp protein dồi dào, là lựa chọn lý tưởng nếu bạn đang cố gắng hạn chế ăn chất béo.

Ăn cá giúp chống viêm và làm giảm lượng chất béo

Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ có nhiều axit béo omega-3. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung omega-3 có lợi cho những người bị NAFLD, do làm giảm mỡ  trong gan, tăng cường cholesterol “tốt” HDL và làm giảm lượng chất béo trung tính.

Bột yến mạch cung cấp chất xơ

Sản phẩm đậu nành đem lại lợi ích sức khỏe cho người bệnh gan. Nguồn: Exporters India

Hình: Yến mạch giàu chất xơ có lợi cho người bị gan nhiễm mỡ. Nguồn: Health line

Các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ như bột yến mạch có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc NAFLD. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống dinh dưỡng giàu chất xơ như yến mạch có hiệu quả đối với những người bị NAFLD và có thể làm giảm lượng chất béo trung tính.

Các loại hạt giúp chống viêm

Chế độ ăn nhiều hạt có liên quan đến tác dụng chống viêm, kháng insulin và chống lại quá trình oxy hóa, cũng như làm giảm tỷ lệ mắc NAFLD. Một nghiên cứu cỡ mẫu lớn ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều hạt làm giảm đáng kể nguy cơ NAFLD - và nghiên cứu cũng kết luận rằng những người bị bệnh gan nhiễm mỡ ăn quả óc chó sẽ cải thiện được chức năng gan.

Nghệ giúp làm giảm tổn thương gan

Hoạt chất chính trong nghệ là curcumin có thể làm giảm các tổn thương gan ở những người bị NAFLD khi sử dụng với liều lượng lớn.

Một nghiên cứu đã cho thấy bổ sung nghệ có thể làm giảm nồng độ men gan alanin aminotransferase huyết thanh (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ.

Hạt hướng dương và tác dụng chống oxy hóa

Hạt hướng dương đặc biệt giàu vitamin E, một chất chống oxy hóa thường được sử dụng trong điều trị NAFLD. Hầu hết các nghiên cứu về NAFLD và vitamin E có trong các thực phẩm bổ sung cho thấy: Một khẩu phần 100 gam hạt hướng dương có khoảng 20 mg vitamin E, cung cấp nhiều hơn 100% giá trị dinh dưỡng cho phép mỗi ngày (DV). Nếu bạn có kế hoạch bổ sung vitamin E vào chế độ dinh dưỡng, ăn hạt hướng dương là một lựa chọn tuyệt vời.

Tăng lượng chất béo không bão hòa

Thay thế thực phẩm giàu chất béo bão hòa (như bơ, thịt mỡ, xúc xích và thịt đông lạnh) bằng nguồn chất béo không bão hòa - như quả bơ, dầu ô liu, bơ hạt và cá béo đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho những người bị NAFLD.

Đây là lý do tại sao chế độ ăn Địa Trung Hải được khuyến khích đối với người bị NAFLD.

Ăn tỏi có lợi cho sức khỏe

Loại gia vị này không chỉ làm tăng thêm hương vị cho món ăn, mà các nghiên cứu thực nghiệm cỡ mẫu nhỏ còn cho thấy rằng bột tỏi có thể giúp giảm trọng lượng cơ thể và giảm lượng chất béo ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ.

Trong một nghiên cứu năm 2020, những người bệnh NAFLD ăn 800mg tỏi mỗi ngày trong 15 tuần đã cho thấy có sự cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và cải thiện chỉ số men gan.

Một nghiên cứu năm 2019 đánh giá về các loại thực phẩm trong chế độ ăn ở những người đàn ông Trung Quốc cho thấy: ăn tỏi sống thường xuyên có thể đẩy lùi tình trạng NAFLD.

6 loại thực phẩm người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên tránh

Nếu bạn bị bệnh gan nhiễm mỡ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tránh hoặc hạn chế tối đa ăn một số loại thực phẩm. Những thực phẩm này thường góp phần làm tăng cân và dễ làm tăng đường huyết sau ăn.

Hãy tránh sử dụng những thực phẩm sau:

  • Rượu: Rượu có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ cũng như các bệnh gan khác.
  • Đường: Tránh xa các loại thực phẩm có đường như kẹo, bánh quy, nước ngọt và nước ép trái cây. Lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan.
  • Đồ chiên rán, xào: Đây là những thực phẩm giàu chất béo và calo.
  • Thêm muối: Tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc NAFLD. Các nghiên cứu khuyến cáo rằng bữa ăn nên hạn chế lượng natri ăn vào dưới 2.3mg mỗi ngày. Những người bị huyết áp cao nên hạn chế lượng muối ăn vào không quá 1.5 mg mỗi ngày
  • Bánh mì trắng, cơm và mì ống: Bột mì trắng thường được chế biến nhiều và các món làm từ bột mì này có thể làm tăng đường máu nhiều hơn ngũ cốc nguyên hạt, do thiếu chất xơ.
  • Thịt đỏ: Thịt bò và thịt lợn chứa nhiều chất béo bão hòa.

Chế độ ăn kiêng cho bệnh gan nhiễm mỡ 

Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, nên khám và được tư vấn bởi với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch ăn uống khoa học. Dưới đây là ví dụ thực đơn hàng ngày điển hình cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Bữa sáng

  • 220g bột yến mạch nóng trộn với 2 muỗng cà phê bơ hạnh nhân, 1 muỗng canh hạt chia và 1 cốc quả mọng hỗn hợp
  • 1 tách cà phê đen hoặc trà xanh

Bữa trưa

  • Salad rau bina với dầu giấm balsamic và dầu ô liu
  • 80g gà nướng
  • 1 củ khoai tây nướng nhỏ
  • 1bát bông cải xanh nấu chín, cà rốt hoặc rau khác

Bữa ăn nhẹ 

  • 1 muỗng canh bơ đậu phộng trộn táo cắt lát hoặc 2 muỗng canh sốt hummus với rau sống

Bữa tối 

  • Salad hạt đậu trộn
  • 80g cá hồi nướng
  • 1 bát bông cải xanh nấu chín
  • 1 bát hạt diêm mạch nấu chín
  • 1 cốc dâu trộn

Thay đổi lối sống trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, người bị bệnh gan nhiễm mỡ còn cần một số thay đổi lối sống khác giúp cải thiện sức khỏe cho gan:

  1. Hoạt động thể chất: Tập thể dục kết hợp với chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm cân và kiểm soát bệnh gan. Cố gắng tập thể dục nhịp điệu ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần.
  2. Kiểm soát mỡ máu: Theo dõi lượng đường và chất béo bão hòa khi ăn để kiểm soát lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đủ để giảm cholesterol, hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc.
  3. Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Đái tháo đường và bệnh gan nhiễm mỡ thường xảy ra cùng nhau. Chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp bạn kiểm soát cả hai bệnh này. Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn cao, bạn có thể cần hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc theo đơn.

Những điểm cần nhớ

Nếu bạn bị NAFLD hoặc có nguy cơ mắc bệnh, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học để cải thiện sức khỏe của gan và phòng bệnh tốt.

Các nghiên cứu cho thấy rằng tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe của gan, giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp giảm cân lành mạnh. Nếu bạn bị NAFLD hoặc có nhiều nguy cơ mắc bệnh gan, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để có một kế hoạch điều trị và phòng bệnh sớm. Việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học, thay đổi lối sống như tăng cường hoạt động thể chất, cải thiện giấc ngủ và giảm lo âu căng thẳng là điều cần thiết giúp đem lại sức khỏe lâu dài.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!