Video: Ốm nghén là gì?
Bài viết này sẽ giúp bạn đọc nắm bắt được thời gian ốm nghén bắt đầu xảy ra cũng như thời điểm mà nó chấm dứt. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ nêu ra các biện pháp giúp kiểm soát tình trạng nôn và buồn nôn, đồng thời hướng dẫn bạn khi nào cần đi khám.
Ốm nghén bắt đầu vào thời điểm nào?
Ốm nghén là tên gọi tương tự của chứng buồn nôn và nôn trong thai kỳ.
Thai phụ có thể gặp các triệu chứng ốm nghén vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, tình trạng ốm nghén khi mang thai xảy ra nhiều, rõ rệt hơn khi có sự kích thích về mùi, vị của thức ăn, nhất là vào buổi sáng. Lúc này thai phụ sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn. Thai phụ trở nên nhạy cảm hơn với mùi vị thức ăn, cảm thấy ăn không ngon và không muốn ăn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
Tuy nhiên mỗi thai phụ có thể biểu hiện triệu chứng khác nhau. Một số thường xuyên nôn mửa, một số buồn nôn cả ngày và một số chỉ buồn nôn do một số mùi hoặc thức ăn nhất định.
Ốm nghén thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, mặc dù một số thai phụ cho biết họ cảm thấy buồn nôn ngay khi mang thai được 4 tuần (tức là chỉ 2 tuần sau khi thụ thai!).
Tuần thứ 4 của thai kỳ là khoảng thời gian bắt đầu có kinh (nếu họ không mang thai). Hầu hết phụ nữ có kết quả thử thai dương tính khi mang thai được 5 đến 6 tuần (thường là từ 1 đến 2 tuần sau kỳ kinh nguyệt dự kiến).
Các triệu chứng có thể bắt đầu nhẹ vào khoảng 6 tuần, nặng hơn và đạt đỉnh điểm vào khoảng 9 đến 10 tuần, sau đó giảm dần khi bạn đến gần 12 đến 14 tuần.
Khi nào ốm nghén chấm dứt?
Nếu bạn bị ốm nghén, bạn có thể đang mong mỏi từng ngày để tình trạng này chấm dứt. Đối với nhiều thai phụ, tình trạng ốm nghén bắt đầu cải thiện trong khoảng 12 đến 14 tuần (khoảng đầu của tam cá nguyệt thứ hai).
Hầu hết tất cả các thai phụ cho biết rằng các triệu chứng của họ hoàn toàn biến mất sau 16 đến 20 tuần, mặc dù có tới 10 % thai phụ bị buồn nôn kéo dài đến khi sinh.
Đôi khi, cảm giác buồn nôn có thể xuất hiện trở lại trong tam cá nguyệt thứ ba khi thai nhi lớn hơn, chèn ép dạ dày và ruột của người mẹ (ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn).
Ốm nghén khi mang thai đôi
Ốm nghén không bắt đầu sớm hơn dù bạn mang thai đôi, nhưng nó có thể trầm trọng hơn khi xuất hiện.
Lý thuyết cho rằng các hormone thai kỳ - chẳng hạn như progesterone và HCG (gonadotropin màng đệm ở người) được sản xuất bởi nhau thai - là nguyên nhân gây ra tình trạng này ở thời điểm khởi phát.
Nếu bạn mang thai đôi, bạn có nồng độ hormone này cao hơn, và do đó, bạn có thể bị ốm nghén nặng hơn.
Ốm nghén có nguy hiểm không?
Mặc dù nó có thể rất khó chịu (hoặc thậm chí cực kỳ khổ sở) và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn, nhưng tin vui là ốm nghén rất hiếm khi có hại cho bạn hoặc thai nhi.
Một nghiên cứu năm 2016 từ Viện Y tế Quốc gia cho thấy rằng những phụ nữ bị ốm nghén có thể ít bị sẩy thai hơn. Ốm nghén có thể cho thấy nhau thai khỏe mạnh đang sản xuất nhiều hormone hỗ trợ quá trình mang thai.
Một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ mắc một dạng ốm nghén nghiêm trọng được gọi là hội chứng ốm nghén nặng. Hội chứng này bao gồm buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng, không kiểm soát được, có thể dẫn đến sút cân, mất cân bằng điện giải, suy dinh dưỡng và mất nước. Nó có thể gây hại cho thai phụ và thai nhi nếu không được điều trị.
Nếu bạn đang nôn nhiều hơn dự kiến, không thể ăn uống, bị sốt, sụt hơn 2 cân trong một tuần hoặc có nước tiểu sẫm màu, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ. Họ có thể kiểm tra cho bạn và thai nhi và giúp kiểm soát tình trạng nôn mửa để bạn có thể được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng.
Bạn có thể làm gì khi ốm nghén?
Mặc dù ốm nghén là một phần hoàn toàn bình thường của một thai kỳ khỏe mạnh nhưng bạn không cần phải chịu đựng những cơn buồn nôn trong suốt 3 tháng! Có một số mẹo và phương pháp điều trị mà bạn có thể thử để giúp giảm bớt tình trạng này. Hãy xem xét các biện pháp khắc phục sau:
- Ăn nhiều bữa nhỏ (ốm nghén nặng hơn khi bụng đói hoặc rất đói).
- Ăn nhiều protein và carbs (và tránh thức ăn nhiều dầu mỡ).
- Nhâm nhi trà gừng hoặc nhai kẹo gừng.
- Uống trà bạc hà hoặc khuếch tán tinh dầu bạc hà.
- Châm cứu hoặc bấm huyệt.
- Uống nước thành từng ngụm nhỏ trong ngày.
- Ăn bánh quy giòn trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng.
- Tránh mùi mạnh bất cứ khi nào có thể.
- Ăn những thức ăn mà bạn không phải nấu như bánh mì sandwich, salad hoặc sinh tố trái cây.
- Uống nước chanh hoặc ngửi một ít nước chanh.
- Tránh để quá nóng.
- Tiếp tục tập thể dục như đi bộ, yoga trước khi sinh hoặc bơi lội.
- Nghỉ ngơi thêm khi có thể.
Nếu bạn thấy rằng các biện pháp khắc phục tại nhà không giúp giữ cho tình trạng ốm nghén của bạn ở mức có thể chịu đựng được, hãy đi khám bác sĩ. Họ có thể kê đơn bổ sung vitamin B6 hoặc thuốc chống buồn nôn an toàn để dùng trong thai kỳ.
Không ốm nghén có phải là bất thường?
Nếu bạn là một trong 20 đến 30% phụ nữ may mắn không bị ốm nghén khi mang thai, bạn có thể đang cảm thấy lo lắng.
Có rất nhiều phụ nữ có thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh mà không hề cảm thấy buồn nôn hay nôn. Một số người nhạy cảm hơn với những thay đổi nội tiết tố hoặc có dạ dày nhạy cảm hơn, điều này có thể khiến họ dễ bị buồn nôn hơn những người khác.
Cảm giác buồn nôn lặp đi lặp lại cũng thường xảy ra – có ngày bạn có thể cảm thấy buồn nôn nhưng những ngày khác lại cảm thấy ổn.
Nếu bạn lo lắng về việc mình không bị ốm nghén hoặc tình trạng ốm nghén biến mất đột ngột, hãy đi khám bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn trấn an hoặc kiểm tra thai nhi bạn để đảm bảo rằng mọi thứ đều ổn.
Tổng kết
Ốm nghén là một thuật ngữ dùng để chỉ cảm giác buồn nôn và nôn mửa có thể xảy ra bất cứ lúc nào (ngày hoặc đêm) trong thai kỳ. Nó thường xảy ra nhất trong tam cá nguyệt đầu tiên. Các triệu chứng có thể bắt đầu sớm nhất là 6 tuần và thường biến mất khi thai được 14 tuần.
Ốm nghén hiếm khi đủ nghiêm trọng để gây hại, mặc dù một số phụ nữ mắc phải một tình trạng gọi là hội chứng ốm nghén nặng có thể phải điều trị y tế.
Có một số biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể thử để giảm bớt cảm giác buồn nôn và nôn mửa khi mang thai.
Những phụ nữ bị ốm nghén được chứng minh là có tỷ lệ sẩy thai thấp hơn nhưng cũng có rất nhiều phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh mà hoàn toàn không bị ốm nghén.
Nếu bạn lo lắng về cảm giác buồn nôn (hoặc không có cảm giác buồn nôn), bạn nên đi khám bác sĩ. Họ sẽ giúp giữ cho bạn và thai nhi đang lớn an toàn và khỏe mạnh nhất có thể!
Xem thêm: