Video: Hiểu rõ tất cả kiến thức về huyết áp trong 5 phút
Mất nước có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, mất nước có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, như cấp cứu liên quan đến rối loạn thân nhiệt và các vấn đề về thận.
Ngoài ra, mất nước có thể gây ra những thay đổi nguy hiểm về huyết áp.
Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về tình trạng mất nước, ảnh hưởng của mất nước lên huyết áp và các triệu chứng cần lưu ý.
Mất nước ảnh hưởng đến huyết áp của bạn như thế nào?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch và tĩnh mạch. Mất nước có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn, khiến huyết áp tăng lên hoặc giảm xuống. Cùng tìm hiểu kỹ hơn xem mất nước ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào.
Mất nước và hạ huyết áp
Huyết áp thấp được định nghĩa là chỉ số huyết áp của bạn dưới 90/60 mmHg. Mất nước có thể gây hạ huyết áp do giảm thể tích máu.
Thể tích máu là lượng chất lỏng đang lưu thông trong các mạch máu của bạn. Cần duy trì thể tích máu bình thường để có thể tưới máu đến đầy đủ tất cả các mô của cơ thể.
Khi bạn bị mất nước nhiều, có thể gây giảm thể tích máu máu, dẫn đến hạ huyết áp.
Khi huyết áp giảm quá thấp, các cơ quan sẽ không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Lúc đó, bạn có thể bị sốc.
Mất nước và tăng huyết áp
Tăng huyết áp được định nghĩa là khi chỉ số tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên hoặc chỉ số tâm trương (số dưới) từ 90 mm Hg trở lên.
Mất nước có mối liên hệ với tăng huyết áp. Tuy nhiên, nghiên cứu về chủ đề này còn hạn chế. Cần tiến hành bổ sung để tìm hiểu về mối liên hệ này.
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm, nhưng vẫn cần lưu ý rằng mất nước có thể dẫn đến tăng huyết áp do hoạt động của một loại hormon có tên là vasopressin.
Vasopressin được tiết ra khi có một lượng lớn chất hòa tan trong máu (hay nồng độ natri máu tăng cao) hoặc khi thể tích máu thấp. Khi cơ thể mất quá nhiều chất lỏng đều có thể dẫn đến hai tình trạng trên. Để phản ứng với tình trạng mất nước, thận của bạn sẽ tái hấp thụ nước thay vì thải chúng qua nước tiểu. Nồng độ vasopressin trong máu cao cũng có thể khiến mạch máu của bạn co lại. Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp.
Các triệu chứng khác của mất nước
Ngoài những thay đổi về huyết áp, mất nước có những triệu chứng khác cần chú ý.
Thông thường, bạn sẽ cảm thấy những triệu chứng này trước khi phát hiện ra thay đổi huyết áp. Các triệu chứng này bao gồm:
Khát nước
- Khô miệng
- Đi tiểu ít hơn
- Nước tiểu có màu sẫm
- Cảm thấy mệt mỏi
- Choáng váng, chóng mặt
- Giảm tỉnh táo
Ngoài ra, trẻ em bị mất nước có thể có các triệu chứng sau:
- Không thấy tã ướt trong vài giờ
- Khóc không có nước mắt
- Cáu gắt
- Má hóp, mắt hoặc điểm mềm trên hộp sọ (thóp) lõm
- Li bì
Các nguyên nhân mất nước
Ngoài nguyên nhân không uống đủ nước, còn có những nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng mất nước. Các nguyên nhân bao gồm:
- Ốm: Sốt cao có thể dẫn đến mất nước. Ngoài ra, nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nhiều dịch và chất điện giải.
- Tăng tiết mồ hôi: Nước bị mất khi bạn đổ mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi có thể xảy ra khi thời tiết nóng bức, khi tập thể dục và khi bạn bị sốt.
- Đi tiểu thường xuyên: Bạn cũng có thể mất dịch khi đi tiểu. Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, các bệnh lý nền như tiểu đường và uống rượu đều có thể gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên hơn.
Khi nào bệnh nhân mất nước cần đến cơ sở y tế
Điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ
- Lượng dịch mất không giảm
- Nhịp tim nhanh
- Kiệt sức, mất phương hướng hoặc giảm tỉnh táo
- Đi ngoài phân đen hoặc có máu
Đối với tình trạng mất nước kèm huyết áp thấp
Chỉ số huyết áp thấp hơn bình thường, không có các triệu chứng khác, có thể không phải là nguyên nhân đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu huyết áp thấp kèm các triệu chứng khác cần tới ngay cơ sở chăm sóc y tế.
Các triệu chứng cần chú ý bao gồm:
- Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt
- Buồn nôn
- Cảm thấy mệt mỏi
- Mờ mắt
Sốc là một trường hợp cấp cứu y khoa cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Gọi 115 nếu bạn có huyết áp thấp hơn bình thường và có thêm các triệu chứng như:
- Da lạnh hoặc ẩm ướt
- Thở nhanh, nông
- Mạch nhanh và yếu
- Không tỉnh táo
Đối với bệnh cảnh mất nước kèm tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không gây ra triệu chứng. Đa phần tăng huyết áp được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại phòng khám.
Nếu bạn đo huyết áp thường xuyên và thấy các chỉ số huyết áp của bạn luôn ở mức cao, hãy đến gặp bác sĩ.
Bạn nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Điều quan trọng để tránh tình trạng mất nước là đảm bảo cơ thể bạn bổ sung đủ lượng dịch mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng nước hoặc các chất lỏng khác bạn nên uống trong một ngày bao nhiêu được coi là đủ?
Khuyến nghị về lượng dịch đưa vào hàng ngày có thể phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:
- Tuổi tác
- Giới tính
- Cân nặng
- Sức khỏe tổng thể của bạn
- Điều kiện thời tiết
- Mức độ hoạt động của cơ thể
- Tình trạng mang thai hoặc cho con bú
Theo Mayo Clinic, mục tiêu cần hướng tới là uống ít nhất tám cốc nước mỗi ngày.
Nếu bạn cảm thấy nước lọc khó uống, bạn cũng có thể bổ sung nước bằng cách uống:
- Nước ngâm với các lát trái cây, như chanh hoặc dưa chuột
- Nước có ga không đường
- Sinh tố làm từ trái cây và rau
- Trà thảo mộc đã khử caffein
- Sữa
- Súp ít muối
Cũng nên nhớ rằng bạn có thể bổ sung nước từ một số nguồn thực phẩm, đặc biệt là trái cây và rau quả.
Ngoài ra, hãy làm theo các mẹo dưới đây để giúp bản thân luôn ở trạng thái đủ nước:
- Luôn uống khi bạn cảm thấy khát. Cảm thấy khát là dấu hiệu cơ thể cho biết bạn cần thêm dịch.
- Hãy nhớ uống nhiều nước hơn khi bạn đang hoạt động thể chất, đặc biệt ở nơi có khí hậu nóng hoặc bị sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Mang theo một chai nước khi bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình. Bằng cách đó, bạn sẽ luôn có nước trong tay.
- Chọn nước lọc thay vì nước ngọt có đường, nước tăng lực, đồ uống có đường hoặc đồ uống có cồn.
Tổng kết
Mất nước có thể gây thay đổi huyết áp.
Lượng máu giảm có thể dẫn đến tụt huyết áp, thậm chí gây sốc rất nguy hiểm.
Tình trạng mất nước có thể liên quan đến tăng huyết áp. Cần tiến hành thêm các nghiên cứu để hiểu đầy đủ về mối liên hệ giữa tình trạng mất nước và tăng huyết áp.
Bạn có thể phòng tránh tình trạng mất nước bằng cách uống nhiều nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn bị ốm, ở trong môi trường nóng hoặc đang hoạt động thể chất.