Tuy nhiên, một số vấn đề về sức khỏe liên quan đến tinh dầu vẫn còn gây tranh cãi.
Bài viết này cung cấp tất cả những kiến thức bạn cần biết về tinh dầu và tác dụng của chúng đối với sức khỏe.
Tinh dầu là gì?
Tinh dầu là những hợp chất chiết xuất từ thực vật.
Các loại tinh dầu lưu giữ hương thơm và mùi vị đặc trưng của từng loại thực vật, còn được gọi với một cái tên khác là "tinh chất".
Mỗi loại cây có một hương thơm đặc trưng khác nhau, do vậy các loại tinh dầu cũng mang những mùi hương độc đáo, đa dạng.
Tinh dầu thu được thông qua quá trình chưng cất bằng hơi nước hoặc các phương pháp cơ học, chẳng hạn như ép lạnh.
Thành phẩm thu được có thể kết hợp với dầu nền để tạo ra một sản phẩm có thể sử dụng ngay.
Phương pháp sản xuất tinh dầu rất quan trọng, vì các chất có hương thơm thu được qua các phản ứng hóa học không được coi là tinh dầu.
Tổng kết: Tinh dầu là chất cô đặc được chiết xuất từ thực vật giữ lại hương thơm và mùi vị tự nhiên, hay còn gọi là “tinh chất”.
Tinh dầu tác động lên cơ thể như thế nào?
Tinh dầu được sử dụng phổ biến nhất trong liệu pháp hương thơm, cùng là ngửi hương thơm tinh dầu nhưng có rất nhiều phương pháp khác nhau.
Tuy nhiên, tinh dầu thường không uống được.
Các hóa chất trong tinh dầu có thể tương tác với cơ thể.
Khi thoa lên da, một số chất có trong tinh dầu sẽ được da hấp thụ.
Người ta cho rằng một số phương pháp có thể tăng hấp thụ tinh dầu, chẳng hạn như chườm ấm lên da. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của các phương pháp này.
Hương thơm từ các loại tinh dầu có thể kích thích hệ viền (hệ thống limbic), là một phần của não bộ có vai trò chi phối cảm xúc, trí nhớ dài hạn, hành vi và khứu giác.
Điều đặc biệt là hệ thống limbic tham gia rất nhiều vào việc hình thành ký ức. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao những mùi hương quen thuộc có thể khơi gợi ký ức và cảm xúc.
Hệ thống limbic cũng đóng vai trò trong việc kiểm soát một số hoạt động sinh lý vô thức, chẳng hạn như nhịp thở, nhịp tim hay huyết áp. Do đó, một số người cho rằng tinh dầu có thể tác động lên cơ thể thông qua mùi hương.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh giả thuyết trên.
Tổng kết: Có thể ngửi hoặc pha loãng tinh dầu và thoa lên da. Hương thơm của tinh dầu có thể kích thích khứu giác, thậm chí còn có tác dụng chữa bệnh.
Một số loại tinh dầu phổ biến
Có hơn 90 loại tinh dầu, mỗi loại có hương thơm đặc trưng riêng và mang lại những lợi ích khác nhau đối với sức khỏe.
Dưới đây là 10 loại tinh dầu phổ biến và công dụng của chúng:
- Tinh dầu bạc hà: được sử dụng để tăng cường trí nhớ, giúp tỉnh táo và hỗ trợ tiêu hóa.
- Tinh dầu hoa oải hương: giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi.
- Tinh dầu gỗ đàn hương: có tác dụng thư giãn đầu óc và giúp tập trung tốt hơn.
- Tinh dầu cam hương: sử dụng để giảm căng thẳng và cải thiện các tình trạng da như bệnh chàm.
- Tinh dầu hoa hồng: có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm lo lắng.
- Tinh dầu cúc La Mã: giúp cải thiện tâm trạng và thư giãn.
- Tinh dầu hoàng lan: sử dụng để điều trị đau đầu, buồn nôn và các bệnh ngoài da khác.
- Tinh dầu tràm trà: có tác dụng chống nhiễm trùng và tăng cường miễn dịch.
- Tinh dầu hoa nhài: giúp chống trầm cảm, hỗ trợ sinh sản và tăng ham muốn tình dục.
- Tinh dầu chanh: hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tâm trạng và giảm đau đầu.
Tổng kết: Có hơn 90 loại tinh dầu thường được sử dụng, mỗi loại mang lại những lợi ích sức khỏe khác nhau. Một vài loại tinh dầu phổ biến như tinh dầu bạc hà, tinh dầu hoa oải hương và tinh dầu gỗ đàn hương.
Lợi ích của tinh dầu đối với sức khỏe
Mặc dù được sử dụng rộng rãi, nhưng ít người biết rằng tinh dầu có tác dụng hỗ trợ điều trị một số vấn đề về sức khỏe.
Dưới đây là những bằng chứng cho thấy tinh dầu có khả năng hỗ trợ điều trị một số vấn đề về sức khỏe hay gặp.
Căng thẳng và lo lắng
Người ta ước tính rằng 43% số người bị căng thẳng và lo lắng sử dụng các liệu pháp thay thế để giảm triệu chứng.
Về liệu pháp hương thơm, các nghiên cứu ban đầu cho kết quả khá khả quan. Nhiều người đã cho rằng hương thơm của một số loại tinh dầu có hiệu quả khi kết hợp với các liệu pháp truyền thống để điều trị lo âu và căng thẳng.
Tuy nhiên, do mùi hương của các tinh dầu, thật khó để tiến hành nghiên cứu một cách chính xác và loại bỏ các thành kiến cá nhân. Do đó, nhiều đánh giá về tác dụng giảm căng thẳng và lo lắng của tinh dầu đã không được chấp thuận.
Điều đáng nói là sử dụng tinh dầu khi massage có thể giúp giảm căng thẳng, mặc dù tác dụng có thể chỉ kéo dài trong khi thực hiện massage.
Một đánh giá gần đây về hơn 201 nghiên cứu cho thấy chỉ có 10 nghiên cứu đủ tin cậy để tiến hành phân tích. Kết quả cho thấy liệu pháp hương thơm chưa thật sự hiệu quả trong việc điều trị lo âu, căng thẳng.
Đau đầu và đau nửa đầu
Vào những năm 90, hai nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng việc thoa hỗn hợp tinh dầu bạc hà và cồn lên trán và thái dương sẽ làm giảm đau đau đầu.
Các nghiên cứu gần đây cũng đã cho thấy cơn đau đầu giảm sau khi thoa tinh dầu bạc hà và tinh dầu oải hương lên da.
Hơn nữa, người ta cho rằng thoa hỗn hợp tinh dầu hoa cúc và dầu mè lên thái dương có thể điều trị chứng đau đầu và đau nửa đầu. Đây là một phương thuốc chữa đau đầu truyền thống của người Ba Tư.
Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng minh hiệu quả của tinh dầu với chứng đau đầu và đau nửa đầu.
Giấc ngủ
Tinh dầu hoa oải hương đã được chứng minh là giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của phụ nữ sau khi sinh con, cũng như của các bệnh nhân mắc bệnh tim.
Một bài đánh giá 15 nghiên cứu về tinh dầu và giấc ngủ cho thấy phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng các loại tinh dầu - chủ yếu là tinh dầu oải hương - có tác động tích cực đến giấc ngủ.
Chống viêm
Người ta cho rằng tinh dầu giúp chống lại các tình trạng viêm nhiễm. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chúng có tác dụng chống viêm.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy ăn kết hợp tinh dầu cỏ xạ hương và tinh dầu kinh giới cay giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Hai nghiên cứu trên chuột đối với tinh dầu caraway và tinh dầu hương thảo cho kết quả tương tự.
Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu đánh giá tác động của các loại tinh dầu đối với bệnh viêm nhiễm ở người. Do đó, hiệu quả và độ an toàn của tinh dầu vẫn chưa được làm rõ.
Kháng khuẩn
Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đã dẫn đến mối quan tâm trong việc tìm kiếm các hợp chất có tác dụng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh các loại tinh dầu phổ biến, chẳng hạn như bạc hà và tràm trà, cũng có tác dụng kháng khuẩn.
Mặc dù những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có vẻ khả quan, nhưng chưa thể phản ánh chính xác những gì mà các loại tinh dầu tác động đối với cơ thể con người. Các nghiên cứu cũng chưa chứng minh được một loại tinh dầu cụ thể có thể điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn ở người.
Tổng kết: Tinh dầu có thể có tác động tích cực đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nghiên cứu khác trên cơ thể người.
Tinh dầu có rất nhiều công dụng khác
Tinh dầu mang lại nhiều lợi ích ngoài việc trị liệu.
Nhiều người sử dụng tinh dầu để khử mùi, tạo hương thơm cho không gian nhà cửa hoặc làm sạch quần áo.
Tinh dầu còn được sử dụng như một chất tạo mùi trong mỹ phẩm handmade và các mỹ phẩm thiên nhiên cao cấp.
Hơn nữa, người ta cho rằng tinh dầu còn là một giải pháp thay thế an toàn và thân thiện với môi trường cho các chất đuổi muỗi nhân tạo, chẳng hạn như DEET (Diethyltoluamide).
Tuy nhiên, hiệu quả của các loại tinh dầu trong việc đuổi muỗi còn gây tranh cãi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một vào loại tinh dầu, chẳng hạn như tinh dầu sả, có thể xua đuổi một số loại muỗi trong khoảng 2 giờ. Thời gian bảo vệ có thể kéo dài đến 3 giờ khi sử dụng kết hợp với vanillin.
Hơn nữa, nhờ các đặc tính của tinh dầu mà một số loại có thể được sử dụng trong công nghiệp để kéo dài hạn sử dụng của thực phẩm.
Tổng kết: Liệu pháp hương thơm không phải là cách sử dụng duy nhất của các loại tinh dầu. Tinh dầu có thể được sử dụng với nhiều công dụng khác nhau, như một chất đuổi muỗi hoặc trong công nghiệp mỹ phẩm.
Lựa chọn tinh dầu sao cho đúng
Nhiều công ty tuyên bố rằng tinh dầu của họ là "tinh khiết" hoặc "đạt chuẩn y tế". Tuy nhiên, các thuật ngữ này không được định nghĩa chính xác và do đó có ít giá trị.
Do tinh dầu là sản phẩm của một ngành công nghiệp không được kiểm soát, chất lượng và thành phần của các loại tinh dầu có thể khác nhau rất nhiều.
Một vài lời khuyên khi lựa chọn tinh dầu:
- Độ tinh khiết: Tìm một loại dầu chỉ chứa các hợp chất từ thực vật, không có chất phụ gia hoặc dầu tổng hợp. Tinh dầu nguyên chất thường chỉ đề cập đến tên của cây (chẳng hạn như tinh dầu oải hương thay vì “tinh dầu hoa oải hương”).
- Chất lượng: Tinh dầu thật là loại tinh dầu ít bị biến đổi nhất trong quá trình chiết xuất. Nên chọn loại tinh dầu không chứa hóa chất được chiết xuất qua quá trình chưng cất hoặc ép lạnh cơ học.
- Thương hiệu: Nên chọn mua một thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tổng kết: Tinh dầu chất lượng cao chỉ chứa các hợp chất từ thực vật và được chiết xuất bằng cách chưng cất hoặc ép lạnh. Tránh các loại tinh dầu đã được pha loãng với nước hoa tổng hợp, hóa chất hoặc các loại dầu khác.
An toàn và phản ứng phụ
Chiết xuất từ thiên nhiên không có nghĩa là hoàn toàn vô hại.
Thực vật và các sản phẩm thảo mộc chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, có thể gây hại cho sức khỏe, và các loại tinh dầu cũng như vậy.
Tuy nhiên, khi ngửi hoặc kết hợp với dầu nền để sử dụng trên da, hầu hết các loại tinh dầu đều được cho là an toàn. Hãy để ý đến những người xung quanh có thể hít phải hương thơm của tinh dầu, như phụ nữ mang thai, trẻ em và thậm chí là vật nuôi.
Tinh dầu có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Phát ban
- Cơn hen
- Đau đầu
- Phản ứng dị ứng
Bình thường, phản ứng phụ hay gặp nhất là phát ban. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tinh dầu có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng hơn và đã từng có một trường hợp tử vong.
Các loại tinh dầu thường thường gây phản ứng phụ là tinh dầu oải hương, tinh dầu bạc hà, tinh dầu tràm trà và tinh dầu hoàng lan.
Tinh dầu có chứa nhiều phenol, chẳng hạn như tinh dầu quế, có thể gây kích ứng da và nên kết hợp với dầu nền khi sử dụng trên da. Đối với tinh dầu làm từ trái cây họ cam quýt, làm cho da tăng nhạy cảm với ánh nắng, thậm chí có thể gây bỏng.
Các chuyên gia không khuyến khích uống tinh dầu, vì ở một liều lượng nhất định có thể gây tử vong.
Rất ít nghiên cứu kiểm tra tính an toàn của những loại tinh dầu đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Các đối tượng này thường được khuyên là không nên sử dụng tinh dầu.
Tổng kết: Tinh dầu thường được coi là an toàn. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng đối với một số người, đặc biệt là khi bôi trực tiếp lên da hoặc nuốt phải.
Kết luận
Tinh dầu thường được coi là an toàn khi ngửi hoặc thoa lên da nếu sử dụng kết hợp với dầu nền. Không nên ăn tinh dầu.
Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy tác dụng hỗ trợ điều trị các vấn đề về sức khỏe còn ít và hiệu quả của tinh dầu thường được phóng đại.
Đối với các vấn đề sức khỏe không nghiêm trọng, sử dụng tinh dầu như một liệu pháp bổ sung thường không gây hại.
Tuy nhiên, nếu đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hoặc đang sử dụng thuốc, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị về việc sử dụng tinh dầu để đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả.
Xem thêm: