10 điều cần biết về phẫu thuật LASIK

Phẫu thuật LASIK có nghĩa là bạn không còn cần dùng đến các loại kính điều chỉnh khúc xạ. Nhưng không phải nó sẽ phù hợp với tất cả mọi người.

Video phương pháp phẫu thuật SBK Lasik

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với việc đeo kính mắt hoặc kính áp tròng, bạn có thể tự hỏi liệu phẫu thuật LASIK có phù hợp với mình không.

Nói chung, hầu hết những người thực hiện phẫu thuật LASIK bằng laser đều đạt được thị lực 20/20 hoặc tốt hơn, nó giúp tham gia mọi hoạt động một cách tốt nhất. Nhưng hầu hết mọi người vẫn cần kính để lái xe vào ban đêm hoặc đọc sách khi tuổi cao.  

Phẫu thuật LASIK có kết quả tốt. Các biến chứng dẫn đến mất thị lực rất hiếm gặp và hầu hết mọi người đều hài lòng với kết quả. Một số tác dụng phụ, đặc biệt là khô mắt và rối loạn thị giác tạm thời (như chói) khá phổ biến. Nhưng chúng thường hết sau vài tuần hoặc vài tháng và ít khi kéo dài về sau. 

Kết quả phụ thuộc vào tật khúc xạ và các yếu tố khác. Những người bị cận thị nhẹ có xu hướng thành công nhất với các phẫu thuật khúc xạ. Những người cận thị nặng hoặc viễn thị kèm theo loạn thị có kết quả khó đoán trước hơn.

Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp này trước khi quyết định để biết liệu phương pháp này có phù hợp với mình hay không!

Phẫu thuật mắt LASIK bao gồm những loại nào?

Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật sử dụng laser hiện nay  Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comCó rất nhiều phương pháp phẫu thuật sử dụng laser hiện nayCó nhiều phương pháp phẫu thuật khúc xạ đều sử dụng laser. Trong đó, LASIK được biết đến nhiều nhất và được thực hiện phổ biến nhất. Nhiều bài báo, bao gồm cả bài báo này, sẽ sử dụng thuật ngữ "LASIK" để chỉ tất cả các loại phẫu thuật mắt bằng laser.

Thông thường, hình ảnh được hội tụ vào võng mạc ở phía sau của mắt. Với tật cận thị, viễn thị hoặc loạn thị chúng sẽ hội tụ ở phía trước hoặc phía sau võng mạc, dẫn đến nhìn mờ.

  • Cận thị (myopia) là tình trạng nhìn rõ các vật ở gần, nhưng lại bị mờ khi nhìn xa. Khi nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc giác mạc cong quá nhiều, các tia sáng hội tụ ở phía trước võng mạc gây nhìn mờ khi vật ở xa. Bạn có thể nhìn rõ những vật ở gần, nhưng không nhìn thấy những vật ở xa.
  • Viễn thị (hyperopia) là tình trạng nhìn rõ các vật ở xa nhưng các vật ở gần bị mờ. Khi nhãn cầu ngắn hơn bình thường hoặc giác mạc quá phẳng, ánh sáng hội tụ ở phía sau võng mạc. Điều này gây nhìn mờ khi nhìn gần và đôi khi cả nhìn xa.
  • Loạn thị gây ra tầm nhìn chung đều bị mờ. Khi giác mạc cong hoặc phẳng không đồng đều, kết quả dẫn đến loạn thị, làm rối loạn tiêu điểm của tầm nhìn xa và gần.

Theo truyền thống, nhìn mờ được điều chỉnh bằng cách bẻ cong (khúc xạ) tia sáng bằng kính gọng hoặc kính áp tròng. Nhưng việc định hình lại giác mạc (mô trong suốt hình vòm ở phía trước mắt) cũng có thể điều chỉnh khúc xạ và thị lực cần thiết.

Trước khi thực hiện phẫu thuật LASIK, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các phép đo đánh giá chi tiết về mắt và đánh giá tình trạng chung của mắt. Bạn có thể được sử dụng thuốc an thần nhẹ ngay trước khi làm phẫu thuật. Sau khi bạn nằm thoải mái trên bàn mổ, thuốc nhỏ mắt sẽ được nhỏ. Sau đó, họ sẽ sử dụng một loại tia laser đặc biệt để thay đổi độ cong của giác mạc một cách chính xác. Với mỗi xung của chùm tia laser một lượng nhỏ mô giác mạc bị loại bỏ, cho phép bác sĩ phẫu thuật làm phẳng giác mạc hoặc làm nó cong hơn.

Thông thường, bác sĩ sẽ rạch một vạt mô và lật nó ra một bên trước khi định hình lại giác mạc. Ngoài ra còn có các biến thể khác trong đó một vạt rất mỏng được lật lên hoặc không có vạt nào được sử dụng. Mỗi kỹ thuật đều có ưu nhược điểm riêng.

Các bác sĩ phẫu thuật sẽ chuyên về các loại thủ thuật mắt laser cụ thể. Sự khác biệt giữa chúng nói chung là nhỏ và không có cái nào là tốt hơn cái nào. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và sở thích cá nhân, bạn có thể cân nhắc:

  • Phẫu thuật LASIK (Laser-assisted in situ keratomileusis): Hiện nay, đây là phẫu thuật laser được thực hiện phổ biến nhất, LASIK bao gồm việc tạo một vạt giác mạc có độ dày nhất định và sử dụng tia laser excimer để mài mòn lớp đáy của giác mạc. Sau đó vạt được đặt trở lại vị trí ban đầu. Phẫu thuật này rất ít gây khó chịu và quá trình phục hồi thị lực thường diễn ra từ 1 đến 2 ngày.
Một vạt mô giác mạc được lật lên trong phẫu thuật LASIK  Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Một vạt mô giác mạc được lật lên trong phẫu thuật LASIKNguồn ảnh: https://www.pinterest.cLASIK

  • Cắt gọt giác mạc bằng tia laser (PRK): Với PRK, thay vì rạch lấy một vạt, lớp trên cùng (biểu mô) bị cạo đi. Giác mạc phải mất ba hoặc bốn ngày để hồi phục nên sẽ hơi đau và nhìn mờ trong thời gian ngắn.

Người ta cho rằng mặc dù có những nhược điểm này nhưng về mặt lý thuyết PRK an toàn hơn cho những người dễ gặp các chấn thương mắt, ví dụ như người tham gia vào các hoạt động thể thao va chạm, lực lượng thi hành pháp luật hoặc quân đội. Nhưng ngay cả với LASIK, nguy cơ vỡ nhãn cầu vẫn rất thấp, vì vậy có lẽ không có lợi thế đáng kể nào của PRK. LASIK cũng là một lựa chọn tốt hơn PRK khi mức độ cận thị nặng hơn.

  • Phẫu thuật gọt giác mạc dưới biểu mô (LASEK): LASEK tương tự như phẫu thuật LASIK, nhưng vạt được tạo ra bằng cách sử dụng một thiết bị cắt đặc biệt (microkeratome) và để giác mạc tiếp xúc với ethanol. Quy trình này cho phép bác sĩ phẫu thuật loại bỏ ít giác mạc hơn, khiến đây trở thành một lựa chọn tốt cho những người có giác mạc mỏng. Đối với người có nguy cơ bị chấn thương mắt cao hơn, LASEK không có bất kỳ ưu điểm đáng kể nào so với LASIK.
  • Phẫu thuật Epi – LASIK (Epithelial laser-assisted in situ keratomileusis)Trong quy trình, bác sĩ tách biểu mô khỏi phần giữa của giác mạc (lớp đệm) bằng cách sử dụng một thiết bị lưỡi dao cơ học (epikeratome) và định hình lại giác mạc bằng tia laser. Thủ tục này tương tự như LASEK.
  • Phẫu thuật SMILE (Small-incision lenticule extraction): Loại phẫu thuật khúc xạ mới hơn này định hình lại giác mạc bằng cách sử dụng tia laser để tạo ra một mô nhỏ hình thấu kính (hạt đậu) bên dưới bề mặt giác mạc. Thấu kính này được sử dụng để định hình lại giác mạc, phần mô loại bỏ được lấy ra thông qua một vết rạch rất nhỏ.
  • Thấu kính nội nhãn: Các thấu kính điều chỉnh có thể được đặt vào mắt (thấu kính nội nhãn) để cải thiện thị lực. Phương pháp này được thực hiện thường xuyên như một phần của phẫu thuật đục thủy tinh thể (trong đó thủy tinh thể tự nhiên bị đục, cũ được loại bỏ). Nó cũng có thể là một phương pháp thay thế cho LASIK khi người lớn tuổi cần phẫu thuật đục thủy tinh thể trong tương lai.

Những người trẻ hơn với độ cận thị cao mà không thể điều chỉnh bằng kính cũng có thể được sử dụng kính nội nhãn. Nhưng đây không phải là một lựa chọn thông thường cho hầu hết mọi người.

  • Kính sinh học số ít (Bioptics): Kính sinh học số ít kết hợp một hoặc nhiều kỹ thuật, chẳng hạn như thấu kính nội nhãn và LASIK, để điều trị cận thị hoặc viễn thị.

Đôi mắt của bạn có khỏe không?

Nhìn chung, phẫu thuật mắt bằng laser thích hợp nhất cho những người có tật khúc xạ ở mức độ trung bình và không có vấn đề bất thường về thị lực.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ hỏi những câu hỏi chi tiết về tình trạng mắt và đánh giá đôi mắt để đảm bảo rằng bạn không mắc bất kỳ tình trạng nào có thể dẫn đến biến chứng hoặc kết quả phẫu thuật kém. Bao gồm:

  • Một bệnh về mắt dẫn đến suy giảm thị lực và mỏng giác mạc chẳng hạn như bệnh giác mạc chóp. Trên thực tế, nếu bệnh giác mạc chóp mang tính chất gia đình, ngay cả khi bạn không mắc bệnh này, hãy hết sức thận trọng với việc lựa chọn phẫu thuật mắt.
  • Viêm (như viêm giác mạc hoặc viêm màng bồ đào) và nhiễm trùng (như nhiễm virus Herpes simplex) gây ảnh hưởng đến mắt.
  • Chấn thương mắt hoặc bất thường vùng mí mắt.
  • Khô mắt: Điều quan trọng cần biết là nếu bạn bị khô mắt, phẫu thuật LASIK có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
  • Đồng tử giãn. Nếu đồng tử giãn đặc biệt là trong ánh sáng mờ, LASIK có thể không thích hợp. Phẫu thuật có thể dẫn đến các triệu chứng suy nhược như chói sáng, quầng sáng, hiệu ứng ánh sao và hình ảnh ma quái.
  • Tăng nhãn áp. Quy trình phẫu thuật có thể làm tăng nhãn áp, điều này có thể làm cho bệnh tăng nhãn áp trở nên tồi tệ hơn.
  • Đục thủy tinh thể.

Bạn cũng có thể cân nhắc lại về việc phẫu thuật LASIK nếu:

  • Bạn bị cận thị nặng hoặc đã được chẩn đoán mắc tật khúc xạ mức độ nặng. Những lợi ích của phẫu thuật LASIK có thể không bù đắp cho những rủi ro mang lại.
  • Bạn có thị lực khá tốt. Nếu có thể nhìn thấy tốt khi đeo kính áp tròng hoặc đeo kính gọng trong một thời gian thì sự cải thiện từ phẫu thuật có thể không nhiều.
  • Bạn có những thay đổi về mắt do tuổi tác, khiến thị lực kém đi rõ ràng (lão thị).
  • Bạn tham gia các môn thể thao va chạm. Nếu bạn thường xuyên nhận những cú đánh vào mặt và mắt, chẳng hạn như tập võ hoặc đấm bốc, phẫu thuật LASIK không phải là lựa chọn tốt cho bạn. 

Bạn có khỏe mạnh không?

Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ hỏi những câu hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe chung. Một số vấn đề sức khỏe không liên quan đến mắt, có thể làm tăng rủi ro liên quan đến phẫu thuật LASIK hoặc làm cho kết quả khó dự đoán hơn. Bao gồm :

  • Bất kỳ bệnh hoặc tình trạng nào ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và làm suy giảm khả năng phục hồi của cơ thể hoặc khiến bạn dễ bị nhiễm trùng chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus, HIV và các bệnh tự miễn khác.
  • Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch vì bất kỳ lý do gì.
  • Bệnh đái tháo đường không kiểm soát, có thể khiến bạn có nguy cơ bị các biến chứng như bệnh võng mạc đái tháo đường.

Thị lực của bạn có ổn định không?

Nếu bạn bị cận thị, thị lực có thể tiếp tục thay đổi trong suốt tuổi thiếu niên, hoặc thậm chí lâu hơn, đòi hỏi phải thay đổi định kỳ về kính mắt hoặc kính áp tròng. Vì vậy, nên cân nhắc phẫu thuật LASIK với trẻ trên 18 tuổi hoặc lớn hơn nữa. 

Một số tình trạng và thuốc như mang thai, cho con bú, thuốc steroid có thể gây ra những dao động tạm thời trong thị lực của bạn. Chờ cho đến khi thị lực của bạn đã ổn định trước khi xem xét phẫu thuật mắt LASIK.

Bạn có đủ khả năng chi trả không?

Hầu hết các gói bảo hiểm coi phẫu thuật mắt bằng laser là một thủ tục tự chọn và không chi trả. Nên tìm hiểu trước về chi phí phẫu thuật.

Bạn có hiểu các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra không?

Trong khi các biến chứng dẫn đến mất thị lực là rất hiếm, tác dụng phụ nhất định đặc biệt là khô mắt và rối loạn thị giác tạm thời khá phổ biến. Nhưng những vấn đề này thường biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng và rất ít người coi đây là một vấn đề lâu dài.

  • Khô mắt: Phẫu thuật LASIK làm giảm sản xuất nước mắt tạm thời. Trong khoảng sáu tháng đầu tiên sau phẫu thuật, mắt của bạn có thể cảm thấy khô bất thường khi mắt đang hồi phục. Ngay cả sau khi khỏi, bạn có thể tăng thêm cảm giác khô mắt. Bác sĩ nhãn khoa có thể kê thuốc nhỏ mắt để sử dụng trong thời gian này. Nếu tình trạng khô mắt nghiêm trọng, bạn có thể lựa chọn một thủ thuật khác để đặt các nút bịt vào ống dẫn nước mắt nhằm ngăn nước mắt chảy ra khỏi bề mặt mắt.
  • Ánh sáng chói, quầng sáng và tầm nhìn đôi: Sau khi phẫu thuật, bạn có thể khó nhìn vào ban đêm, có thể nhận thấy ánh sáng chói, quầng sáng xung quanh đèn hoặc nhìn đôi. Điều này thường kéo dài vài ngày đến vài tuần, nhưng nó cũng có thể trở thành một vấn đề mạn tính.
  • Thất bại: Nếu tia laser loại bỏ quá ít mô giác mạc, thị lực sẽ không cải thiện rõ ràng như mong đợi. Những người bị cận thị thường gặp phổ biến hơn. Bạn có thể cần một cuộc phẫu thuật khúc xạ khác (được gọi là bổ trợ) trong vòng một năm để loại bỏ thêm mô.
  • Loại bỏ mô quá mức: Cũng có thể tia laser sẽ loại bỏ quá nhiều mô khỏi mắt của bạn. Loại bỏ quá mức khó sửa chữa hơn việc loại bỏ ít mô.
  • Loạn thị: Loạn thị do loại bỏ mô không đồng đều. Điều trị bằng cách phẫu thuật bổ sung, đeo kính gọng hoặc kính áp tròng.
  • Giãn phình giác mạc: Giãn phình giác mạc là một trong những biến chứng nghiêm trọng hơn và xảy ra khi cận thị tiến triển do độ cong của giác mạc.
  • Các vấn đề về lật vạt: Gấp lại hoặc cắt bỏ vạt trước giác mạc trong khi phẫu thuật có thể gây ra các biến chứng bao gồm nhiễm trùng và nước mắt thừa. Lớp mô giác mạc ngoài cùng (biểu mô) có thể phát triển bất thường bên dưới vạt trong quá trình lành.
  • Mất hoặc thay đổi thị lực: Một biến chứng hiếm gặp sau phẫu thuật là mất thị lực. Một số người cũng có thể không nhìn rõ hoặc sắc nét như trước đây. 

LASIK so với kính đọc sách

Vào khoảng đầu đến giữa 40 tuổi, tất cả người lớn đều mất một số khả năng hội tụ vào các vật thể ở gần (lão thị), dẫn đến khó đọc chữ in nhỏ hoặc thực hiện các hoạt động cần nhìn gần.

Một lợi ích có thể có của việc bị cận thị trong suốt cuộc đời là tình trạng này bù đắp cho chứng lão thị chắc chắn sẽ phát triển khi bạn già đi. Mắt cận thị sẽ tự lấy nét các vật ở gần mà không cần đeo kính đọc sách. Phẫu thuật LASIK loại bỏ tiêu điểm gần này vì độ cận thị đã được điều chỉnh. Điều này có nghĩa là khi già đi, bạn sẽ cần phải sử dụng kính đọc sách. Nhiều người vui mừng đánh đổi tầm nhìn xa rõ ràng khi còn trẻ để phải đeo kính lão khi họ già đi.

Người lớn tuổi khi cân nhắc sử dụng LASIK, có thể chọn sử dụng chế độ đơn thị để duy trì khả năng nhìn cận cảnh các vật thể. Với tình trạng đơn thị, một mắt được điều chỉnh để có tầm nhìn xa và mắt còn lại được điều chỉnh để có tầm nhìn gần. Không phải ai cũng có thể điều chỉnh hoặc chịu đựng được chế độ đơn thị này. Tốt nhất nên thử kính áp tròng trước khi tiến hành thủ thuật phẫu thuật vĩnh viễn.

Bạn có thể sinh hoạt mà không đeo kính áp tròng trong vài tuần trước khi phẫu thuật không?

Đây thường không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng hãy biết rằng bạn sẽ phải ngừng đeo kính áp tròng hoàn toàn và chuyển sang đeo kính gọng trong ít nhất một vài tuần trước khi phẫu thuật. Kính áp tròng làm sai lệch hình dạng tự nhiên của giác mạc, có thể dẫn đến các phép đo không chính xác và giảm hiệu quả phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cung cấp các hướng dẫn cụ thể tùy thuộc vào tình trạng và thời gian bạn đã đeo kính áp tròng.

Kỳ vọng đối với LASIK

Hầu hết những người trải qua phẫu thuật LASIK sẽ có thị lực từ tốt đến xuất sắc trong hầu hết các tình huống, trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Bạn sẽ có thể chơi thể thao, bơi lội hoặc thậm chí xem đồng hồ vào buổi sáng đầu tiên mà không phải lo lắng về kính áp tròng hoặc kính áp tròng của mình. Nhưng khi già đi hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu, bạn vẫn có thể phải đeo kính.

Hầu hết mọi người đều rất hài lòng sau khi phẫu thuật LASIK. Nhưng kết quả lâu dài thường chưa có nghiên cứu kỹ. Một phần lý do cho điều này là mọi người hài lòng về tổng thể sau khi phẫu thuật, vì vậy họ cảm thấy không cần phải kiểm tra lại nên dữ liệu theo dõi không được thu thập thêm. Ngoài ra, quy trình LASIK đã được cải tiến theo thời gian - các kỹ thuật và công nghệ liên tục thay đổi. Điều này gây khó khăn cho việc đưa ra kết luận từ các dữ liệu được báo cáo.

Hãy nhớ rằng ngay cả khi quá trình theo dõi hậu phẫu được thực hiện và báo cáo, thị lực vẫn được đo trong điều kiện thử nghiệm tối ưu. Tầm nhìn của bạn trong ánh sáng mờ (chẳng hạn như lúc hoàng hôn hoặc trong sương mù) có thể không tốt như các báo cáo đã đưa ra.

Theo thời gian, độ khúc xạ có thể xấu đi dần theo tuổi tác và thị lực có thể không còn tốt như ngay sau khi phẫu thuật. Đây không phải là một vấn đề lớn, nhưng đôi khi mức độ thay đổi không thể đoán chính xác được.

Làm thế nào để lựa chọn bác sĩ phẫu thuật?

Hầu hết mọi người không có kiến thức trực tiếp về LASIK hoặc bác sĩ phẫu thuật mắt. Một điều nên làm khi chọn một bác sĩ phẫu thuật mắt là nói chuyện với chuyên gia mà bạn biết và tin tưởng. Hoặc hỏi bạn bè, thành viên trong gia đình, những người đã làm LASIK thành công.

Bác sĩ phẫu thuật mắt thường sẽ làm việc với một nhóm, họ có thể giúp bạn đánh giá và đo lường từ ban đầu. Nhưng chính bác sĩ phẫu thuật là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc xác định liệu LASIK có phải là sự lựa chọn thích hợp cho bạn hay không, đánh giá các phép đo để hướng dẫn quy trình, thực hiện thủ thuật và chăm sóc hậu phẫu.

Trao đổi với bác sĩ trước phẫu thuật sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn. Họ có thể giúp bạn hiểu những ưu và nhược điểm của phẫu thuật.

Quyết định cuối cùng

Khi nói đến phẫu thuật mắt LASIK, không có câu trả lời chính xác. Hãy xem xét cẩn thận các yếu tố được nêu ở đây, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, và với mức độ kỳ vọng của bạn vào phẫu thuât. Trao đổi với bác sĩ phẫu thuật mắt mà bạn cảm thấy tin tưởng và giải đáp các thắc mắc của bạn. Cuối cùng, nếu thấy ổn thì hãy tiến hành, còn nếu không hợp thì đừng vội làm gì cả. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!