Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ: Những điều cần biết

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị phổ biến cho các vấn đề về thị lực. Các phẫu thuật này giúp điều chỉnh các tật khúc xạ. Mục tiêu của phẫu thuật khúc xạ là làm giảm hoặc thậm chí chấm dứt nhu cầu đeo kính mắt hoặc kính áp tròng.

Video các phương pháp mổ tật khúc xạ

Các tật khúc xạ là gì?

Thị lực phụ thuộc vào việc giác mạc và thủy tinh thể hội tụ các tia sáng trên võng mạc như thế nào. Các tia sáng phải gấp khúc (khúc xạ) để hội tụ trên võng mạc. Võng mạc là lớp thần kinh nhạy cảm với ánh sáng nằm ở phía sau của mắt. Nó tạo ra xung động thần kinh từ các tia sáng rồi gửi qua dây thần kinh thị giác đến não.

Tật khúc xạ là các vấn đề về thị lực gây ra chủ yếu do giác mạc cấu tạo bất thường hoặc mắt dài hoặc ngắn hơn bình thường. Giác mạc là phần trong suốt ở phía trước của mắt. Nó uốn cong và tiếp nhận các tia sáng. Tật khúc xạ làm cho ánh sáng từ một vật không được hội tụ trên võng mạc. Điều này dẫn đến nhìn mờ. Các tật khúc xạ có thể xảy ra ở cả mắt bình thường.

Có 4 loại tật khúc xạ:

  • Cận thị: Nhìn rõ các vật ở gần,nhưng khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Mắt dài hơn bình thường theo chiều trước sau. Hoặc giác mạc bị cong quá mức. Hình ảnh hội tụ ở phía trước võng mạc thay vì trên đó.
  • Viễn thị: Nhìn rõ các vật ở xa, nhưng các vật ở gần bị mờ. Mắt ngắn hơn bình thường. Hoặc giác mạc quá phẳng. Hình ảnh hội tụ phía sau võng mạc.
  • Loạn thị: Vật thể bị mờ ở bất kỳ khoảng cách nào. Giác mạc, thủy tinh thể hoặc cả hai đều bất thường nên hình ảnh không hội tụ rõ nét trên võng mạc.
  • Lão thị: còn gọi là mắt lão hóa. Mắt mất khả năng thay đổi tiêu cự do quá trình lão hóa tự nhiên. Điều này thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 đến 50. Phẫu thuật khúc xạ không thể khắc phục vấn đề này. Phẫu thuật có thể làm cho tầm nhìn xa rõ ràng hơn, nhưng thị lực gần lại kém đi.

Các loại phẫu thuật

Các loại phẫu thuật để điều chỉnh tật khúc xạ bao gồm:

  • LASIK (laser in-situ keratomileusis)
  • Cắt gọt giác mạc bằng tia laser (PRK)
  • Mở giác mạc xuyên tâm (RK)
  • Astigmatic keratotomy (AK)
  • Tạo lớp sừng tự động (ALK)
  • Rạch giác mạc bằng nhiệt (LTK)
  • Rạch giác mạc vùng rìa bằng sóng cao tần (CK)
  • Phân đoạn vòng trong giác mạc (Intacs)

Bạn có thể đọc thêm về từng phẫu thuật dưới đây: 

LASIK

Đây là phẫu thuật để điều trị cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Đây là phương pháp định hình lại giác mạc bằng tia laser excimer. LASIK đã thay thế nhiều phương pháp phẫu thuật khúc xạ khác.

Phẫu thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng tia laser lạnh excimer điều khiển bằng máy tính. Nó sử dụng một lưỡi dao vi phẫu gọi là microkeratome hoặc laser femtosecond laser. Với những dụng cụ này, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt một vạt mô ở giữa giác mạc. Một lớp mô mỏng phía dưới sẽ được loại bỏ bằng tia laser excimer, giúp làm phẳng giác mạc. Vạt sau đó được đậy lại mà không cần khâu, nó dính lại vào giác mạc sau vài phút.

Phẫu thuật LASIK sử dụng kỹ thuật mặt song là một phương pháp tiên tiến để lập bản đồ chính xác các biến thể trên bề mặt mắt. Công nghệ này có thể được sử dụng để đánh giá mắt trước mổ. Nó đo mức độ ánh sáng bị gấp khúc khi truyền vào mắt và bị phản xạ trở lại. Điều này tạo ra một bản đồ quang học của mắt và hiển thị các khu vực có vấn đề. Công nghệ này cho phép bác sĩ phẫu thuật LASIK điều chỉnh cài đặt chùm tia laser để có quy trình chính xác hơn. Điều này có thể mang lại thị lực tối ưu hơn và giảm các vấn đề về thị lực vào ban đêm.

Trong hầu hết các trường hợp, thời gian hồi phục sau phẫu thuật rất nhanh chóng, với rất ít tác dụng phụ. Thuốc giảm đau và thuốc nhỏ mắt có thể giúp cải thiện một số triệu chứng sau phẫu thuật như:

  • Khô mắt trong thời gian hồi phục
  • Khó chịu ở mắt trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật

Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Tầm nhìn được điều chỉnh quá mức hoặc chưa được điều chỉnh
  • Loạn thị không đều
  • Giác mạc như bị sương mù bao phủ hoặc thấy chói lóa
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Không có khả năng đeo kính áp tròng
  • Mất vạt giác mạc và cần ghép giác mạc
  • Sẹo giác mạc
  • Nhiễm trùng
  • Nhìn mờ hoặc mất thị lực

Cắt gọt giác mạc bằng tia laser (PRK)

Phẫu thuật này cũng dùng laser excimer được sử dụng cho LASIK. PRK được thực hiện để định hình lại giác mạc giúp điều chỉnh độ cận từ nhẹ đến trung bình.

Chùm tia laser excimer định hình lại giác mạc bằng cách loại bỏ một lượng nhỏ mô khỏi bề mặt bên ngoài. Quá trình này sử dụng máy tính để lập bản đồ bề mặt giác mạc. Nó cũng tính toán lượng mô cần loại bỏ. Phẫu thuật này thường mất một vài phút. Vì bề mặt giác mạc bị cắt bỏ nên phải mất vài tuần để hồi phục.

Các biến chứng sau mổ hay gặp bao gồm:

  • Đau mắt có thể kéo dài trong vài tuần
  • Giác mạc như có màn sương bao phủ ngay sau khi phẫu thuật
  • Chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn trong nhiều tháng sau khi phẫu thuật

Mở giác mạc xuyên tâm (RK)

Phẫu thuật này được sử dụng để điều trị cho các trường hợp cận thị nhẹ. Các bác sĩ sẽ tạo ra các vết rạch trên giác mạc bằng dao mổ kim cương. Các vết rạch làm phẳng trung tâm của giác mạc và thay đổi đường cong của nó. Điều này giúp làm giảm sự khúc xạ. Vì giác mạc bị cắt nên phải mất vài tuần để phục hồi. Đây là một phẫu thuật rất phổ biến, nhưng hiện nay nó gần như được thay thế hoàn toàn bởi LASIK.

Các biến chứng sau mổ như:

  • Thay đổi thị lực trong vài tháng đầu
  • Nhiễm trùng
  • Không thoải mái
  • Giác mạc quá mỏng
  • Khó khăn khi đeo kính áp tròng
  • Nhìn chói
  • Đục thủy tinh thể
  • Mất thị lực

Astigmatic keratotomy (AK)

Phương pháp này tương tự với phương pháp mở giác mạc xuyên tâm (RK). Phẫu thuật này được sử dụng để điều chỉnh chứng loạn thị. Thay vì rạch xuyên tâm, bác sĩ phẫu thuật mắt tạo những vết rạch trên giác mạc theo các đường cong.

Tạo lớp sừng tự động (ALK)

Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp viễn thị và cận thị nặng. Đối với bệnh cận thị, bác sĩ phẫu thuật mắt sẽ rạch một vạt ngang phía trước giác mạc bằng một lưỡi dao đặc biệt (microkeratome). Vạt được lật sang một bên. Một lát mô mỏng được lấy ra khỏi bề mặt của giác mạc. Điều này làm phẳng giác mạc trung tâm và giảm sự khúc xạ. Sau đó vạt mô được đặt trở lại vị trí cũ. Vạt tự gắn lại mà không cần khâu.

Đối với tật viễn thị, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch sâu hơn vào giác mạc bằng microkeratome để tạo thành một vạt. Áp lực trong mắt khiến bề mặt giác mạc căng ra và phồng lên. Giác mạc phồng lên giúp cải thiện khả năng nhìn gần, giúp khắc phục tật viễn thị. Sau đó vạt được đặt trở lại vị trí cũ. Nó gắn lại mà không cần khâu.

Các biến chứng sau phẫu thuật:

  • Thị lực được điều chỉnh quá mức hoặc chưa được điều chỉnh
  • Loạn thị
  • Không có khả năng đeo kính áp tròng
  • Mất vạt giác mạc và cần ghép giác mạc
  • Sẹo
  • Nhiễm trùng
  • Mất thị lực
  • Chói mắt

Rạch giác mạc bằng nhiệt (LTK)

Phương pháp này sử dụng nhiệt từ tia laser đến các cạnh của giác mạc. Điều này làm co các sợi collagen và định hình lại giác mạc. Phẫu thuật được chỉ định với bệnh nhân trên 40 tuổi. 

Rạch giác mạc vùng rìa bằng sóng cao tần (CK)

Phẫu thuật này được chỉ định cho viễn thị từ mức độ nhẹ đến trung bình. Nó sử dụng nhiệt từ sóng cao tần để làm co collagen và thay đổi hình dạng giác mạc. Một đầu dò nhỏ hơn một sợi tóc được sử dụng để đưa nhiệt từ sóng cao tần vòng xung quanh giác mạc, từ đó tạo ra một dải liên tục. Dải này làm tăng độ cong của giác mạc và cải thiện thị lực. Phẫu thuật được chỉ định với bệnh nhân trên 40 tuổi.

Phân đoạn vòng trong giác mạc (INTACS)

Phương pháp dùng để điều trị cận thị nhẹ. Chúng là những vòng mỏng được cấy vào giác mạc. Chúng thay đổi đường cong của giác mạc và cải thiện thị lực.

Chuẩn bị trước mổ

Hầu hết các ca phẫu thuật khúc xạ được thực hiện ở các cơ sở ngoại trú. Bạn sẽ về nhà ngay trong ngày và không phải ở lại bệnh viện qua đêm. Hầu hết các ca phẫu thuật kéo dài dưới 1 giờ. Trước khi phẫu thuật:

  • Có người đưa và đón bạn trước và sau phẫu thuật.
  • Không đeo kính áp tròng trước khi phẫu thuật. Theo lời khuyên của bác sĩ phẫu thuật điều này để ngăn kính áp tròng của bạn không làm ảnh hưởng hình dạng của giác mạc.
  • Không trang điểm mắt trong 2 ngày trước khi phẫu thuật.

Điều gì có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị khúc xạ ít gây khó chịu. Mắt thường được làm tê tại chỗ bằng thuốc nhỏ mắt trước khi phẫu thuật. Bạn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Mắt của bạn có thể được mở bằng mắt mỏ vịt. Đây là một thiết bị giống như lò xo được đặt giữa hai mí mắt.

Sau khi phẫu thuật, bạn có thể uống thuốc giảm đau và nhỏ mắt để giảm bớt khó chịu. Bác sĩ phẫu thuật sẽ kê đơn cho bạn. 

Các biến chứng sau mổ phổ biến nhất bao gồm:

  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Mờ mắt
  • Khó chịu nhẹ
  • Khô mắt

Thời gian hồi phục thay đổi tùy theo từng phẫu thuật. Quá trình phục hồi hoàn toàn có thể mất vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.

Lựa chọn phẫu thuật

LASIK là loại phẫu thuật phổ biến nhất. Ưu điểm của LASIK bao gồm:

  • Ít đau hơn và phục hồi nhanh hơn
  • Nó có thể điều trị nhiều tật cận thị
  • Nó có thể lặp lại để điều chỉnh thị lực nếu cần
  • Mắt không bị yếu đi vì chỉ cắt 1 vạt vào giác mạc
  • Ít hoặc không để lại sẹo giác mạc

Nhưng các loại phẫu thuật khác có thể phù hợp hơn tùy nhu cầu. Và phẫu thuật khúc xạ không phải là lựa chọn của tất cả mọi người. Tham khảo ý kiến của các bác sĩ mắt về loại vấn đề thị lực của bạn và tư vấn loại phẫu thuật phù hợp với bạn nếu cần.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!