Dầu dừa: Lợi ích, giá trị dinh dưỡng và các vấn đề còn tranh luận

Ngày nay, dầu dừa ngày càng phổ biến với rất nhiều tác dụng, từ hỗ trợ giảm cân đến làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer.

Dầu dừa đã được sử dụng trong các sản phẩm đóng gói và trong chế biến thực phẩm. Nhiều sản phẩm như đồ chiên, đồ ngọt, dầu gội, cà phê, nước uống,... có chứa dầu dừa.

Vào tháng 7 năm 2016, một cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy 72% người dân tin rằng dầu dừa có lợi cho sức khỏe, nhưng chỉ có 37% chuyên gia dinh dưỡng có cùng quan điểm.

Dầu dừa chứa 80% chất béo bão hòa. Một số chuyên gia đã nghiên cứu về mối liên quan giữa chất béo bão hòa với các bệnh lý tim mạch cũng như các bệnh lý khác.

Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2015 – 2020 (The 2015–2020 Dietary Guidelines for Americans) khuyến nghị hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa ở mức dưới 10% tổng lượng calo/ngày. Tức là, những người cần bổ sung 2000 kcal/ngày nên ăn không quá 20g chất béo bão hòa/ngày.

Video: Lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe

Bài viết này sẽ đề cập đến lợi ích của dầu dừa, giá trị dinh dưỡng cũng như các ý kiến trái chiều về công dụng của dầu dừa đối với cơ thể.

Công dụng của dầu dừa

Có nhiều chuyên gia đồng ý với quan điểm: Dầu dừa có nhiều vai trò đối với sức khỏe con người.

Tăng nồng độ cholesterol tốt

Có hai loại cholesterol: HDL – cholesterol (cholesterol tốt) và LDL – cholesterol (cholesterol xấu). Cholesterol tốt có thể làm giảm nồng độ cholesterol xấu và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất béo trung tính chuỗi trung bình (Medium-chain triglycerides – MCT), một thành phần trong dầu dừa, có thể giúp tăng nồng độ cholesterol tốt. Những người tham gia nghiên cứu đã bổ sung 1 thìa dầu dừa (5ml) 2 lần/ngày trong 8 tuần.

Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ vào năm 2004 lại có kết luận ngược lại. Trong nghiên cứu này, bổ sung MCT vào chế độ ăn làm tăng nồng độ cholesterol xấu ở 17 nam giới trẻ, khỏe mạnh. Các chỉ số đánh giá chức năng tim mạch khác không được đề cập đến.

Một nghiên cứu năm 2016 không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của dầu dừa đối với nồng độ cholesterol là tốt hay xấu.

Tuy nhiên, các phát hiện được công bố vào năm 2018 cho thấy tác động của dầu dừa nguyên chất đối với cholesterol khá giống với tác động của dầu ô liu. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đi đến kết luận. Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác động của dầu dừa đến nồng độ cholesterol máu.

Kiểm soát đường huyết

Chất béo trung tính chuỗi trung bình trong dầu dừa có thể giúp duy trì độ nhạy insulin. Nguồn ảnh: Health.clevelandclinic.orgChất béo trung tính chuỗi trung bình trong dầu dừa có thể giúp duy trì độ nhạy insulin. Nguồn ảnh: Health.clevelandclinic.org

Một nghiên cứu trên động vật năm 2009 cho thấy MCT có trong dầu dừa có thể giúp duy trì độ nhạy insulin. Nghiên cứu cũng thống kê các tác dụng có lợi cho sức khỏe của dầu MCT nguyên chất từ 29 nghiên cứu khác.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu không cho kết luận tương tự.

Giảm căng thẳng 

Dầu dừa nguyên chất có đặc tính chống oxy hóa. Trong một nghiên cứu trên loài gặm nhấm, các nhà khoa học cho rằng dầu dừa có thể giảm căng thẳng khi vận động và cảm lạnh. Các nhà nghiên cứu tin rằng dầu dừa nguyên chất có thể hữu ích trong việc điều trị một số bệnh trầm cảm.

Làm tóc bóng mượt

Một số người bôi dầu dừa lên tóc để tăng độ bóng và bảo vệ tóc khỏi bị hư tổn. Dầu dừa có thể thấm vào da đầu tốt hơn dầu khoáng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên những người cùng chất tóc cho biết: Không có sự khác biệt về tình trạng tóc giữa những người sử dụng và không sử dụng dầu dừa.

Giúp da khỏe mạnh

Một nghiên cứu năm 2017 cho biết bôi dầu dừa lên da có thể tăng cường chức năng hàng rào bảo vệ của da và có tác dụng chống viêm.

Đặc tính này có thể là cơ sở để chế tạo thuốc điều trị cho da. Tuy nhiên, công dụng này không được phát huy khi dầu dừa được bổ sung vào chế độ ăn.

Tiêu diệt nấm candida

Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, dầu dừa có đặc tính chống lại nấm Candida albicans (C. albicans). Đây có thể trở thành một phương pháp điều trị nấm Candida.

Công dụng này có thể là do dầu dừa có chức năng tăng cường hàng rào bảo vệ của da và đặc tính chống viêm. Tuy nhiên, nghiên cứu trong ống nghiệm không sử dụng dầu dừa bình thường mà dùng dầu dừa chưa qua xử lý.

Phòng ngừa bệnh gan

Trong một nghiên cứu năm 2017, những con chuột bị bệnh gan đã được cho ăn với chế độ ăn nhiều đường, có hoặc không có dầu dừa. Kết quả cho thấy, những con chuột được bổ sung dầu dừa đã cải thiện chức năng gan sau 4 tuần so với những con chuột không được bổ sung.

Nghiên cứu này cho thấy một số thành phần trong dầu dừa có thể giúp bảo vệ gan.

Giảm các triệu chứng của bệnh hen

Hít dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen ở thỏ.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào thực hiện trên người. Vì vậy, bạn không nên hít dầu dừa để điều trị hen.

Duy trì cảm giác no

Một số người cho rằng, dầu dừa tạo cảm giác no lâu sau khi ăn, giúp họ hạn chế lượng thức ăn nạp vào.

Tuy nhiên, một nghiên cứu đã so sánh dầu MCT nguyên chất với dầu dừa. Kết quả là, dầu MCT nguyên chất mới là nguyên nhân tạo cảm giác no lâu.

Có lợi cho sức khỏe răng miệng

Một đánh giá năm 2017 đã đề cập đến tầm quan trọng của dầu súc miệng đối với sức khỏe răng miệng. Dầu súc miệng là một phương pháp chăm sóc răng miệng đã có từ lâu. Ngày xưa, người ta đã bôi dầu dừa trong khoang miệng, tương tự như việc súc miệng bằng dầu dừa ngày nay.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu dừa có tác dụng ngăn ngừa tình trạng sâu răng, cải thiện viêm lợi và tác động đến sự cân bằng của hệ vi khuẩn trong miệng.

Giảm cân

Một nghiên cứu cho thấy dầu dừa ít gây ra bệnh đái đường cũng như tình trạng tăng cân ở chuột. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng dầu dừa có thể hỗ trợ giảm cân.

Một trong những lí do gây tăng cân là do chế độ ăn nhiều calo hơn mức cơ thể cần để tạo năng lượng. Tất cả các loại thực phẩm nhiều chất béo và dầu đều có hàm lượng calo cao. 1 thìa dầu dừa (khoảng 14g) chứa 121 kcal, nhiều hơn mỡ lợn và bơ động vật nhưng ít hơn một chút so với dầu hướng dương.

Ăn nhiều chất béo hay thực phẩm giàu calo cùng các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate sẽ khiến bạn không thể giảm cân.

Một số lưu ý

Một số nghiên cứu đã chỉ ra công dụng của dầu dừa nhưng đó là những nghiên cứu nhỏ, không đưa ra kết luận và được thực hiện trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm.

Đã có những nghiên cứu trên người kết luận một số công dụng của dầu dừa. Tuy nhiên, có những nghiên cứu khác trên người lại cho kết quả trái ngược. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để có thể kết luận công dụng của dầu dừa.

Giá trị dinh dưỡng của dầu dừa

Dầu dừa gần như chỉ chứa chất béo. Nguồn ảnh: Nytimes.comDầu dừa gần như chỉ chứa chất béo. Nguồn ảnh: Nytimes.com

100g dầu dừa chứa:

  • 862 kcal
  • 0g protein
  • 100g chất béo, trong đó có 87g chất béo bão hòa
  • 0mg cholesterol

Dầu dừa có chứa vitamin E nhưng không có chất xơ và ít hoặc không có các vitamin cũng như các khoáng chất khác.

Thành phần của dầu dừa gần như 100% là chất béo, hầu hết trong số đó là chất béo bão hòa. Tuy nhiên, cấu trúc của chất béo trong dầu dừa khác với của nhiều loại chất béo động vật khác (chủ yếu là các axit béo chuỗi dài).

Dầu dừa có nhiều MCT. Những chất này khó chuyển hóa thành chất béo dự trữ trong cơ thể và dễ đốt cháy hơn so với chất béo trung tính chuỗi dài (Long-chain triglycerides – LCT). Những nhà nghiên cứu đồng tình với công dụng của dầu dừa cho rằng, vai trò của dầu dừa là do nó có hàm lượng MCT cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị nên coi dầu dừa như các chất béo bão hòa khác cho đến khi có đủ bằng chứng để chứng minh công dụng của nó.

Các loại dầu dừa

Có nhiều loại dầu dừa, mỗi loại sẽ có tác động khác nhau đối sức khỏe.

Nhìn chung, thực phẩm càng ít chế biến thì càng tốt cho sức khỏe, điều này cũng đúng với dầu dừa.

Dầu dừa nguyên chất chiết xuất từ dừa tươi và quá trình chế biến không sử dụng nhiệt độ cao hoặc hóa chất.

Bạn nên sử dụng loại dầu dừa ít chế biến nhất.

Một số ý kiến trái chiều

Nguyên nhân chính khiến nhiều người nhận định rằng dầu dừa không tốt cho sức khỏe là vì hàm lượng chất béo bão hòa cao có trong dầu dừa.

Vào tháng 6 năm 2015, một đánh giá của Cochrane cho thấy, trong một số trường hợp, chất béo bão hòa có thể không gây hại quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, kết luận này không đồng nghĩa với việc chất béo bão hòa có lợi cho sức khỏe. Các chuyên gia vẫn khuyến cáo cần hạn chế lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn.

Vào tháng 6 năm 2017, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association – AHA) đã đưa ra ý kiến mới phản đối việc sử dụng chất béo bão hòa, bao gồm cả dầu dừa, sau khi đánh giá kết quả của hơn 100 nghiên cứu.

Nguyên nhân của các ý kiến trái chiều

Vào năm 2008, một nghiên cứu cho rằng dầu dừa có lợi cho sức khỏe. Trong nghiên cứu này, 31 người đã bổ sung dầu MCT hoặc dầu ô liu vào chế độ ăn giảm cân kéo dài trong 16 tuần.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng dầu MCT, ví dụ như dầu dừa, được chuyển hóa khác so với các loại dầu khác. Họ kết luận rằng MCT có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch như dầu ô liu.

Kết luận này có thể là do MCT có tác động tích cực đến nồng độ HDL – cholesterol và nồng độ cholesterol toàn phần.

Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu không sử dụng dầu dừa mà là dầu MCT nguyên chất 100%. Hàm lượng MCT của dầu dừa là khoảng 14%. Bơ động vật có khoảng 9,2% MCT.

Một người sẽ phải ăn 150g dầu dừa/ngày để đạt đến ngưỡng có tác dụng. Tiêu thụ nhiều dầu như vậy sẽ không có lợi cho sức khỏe.

Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ khuyến nghị hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa ở mức dưới 10% tổng lượng calo. Đối với những người đang kiểm soát nồng độ cholesterol máu, AHA khuyến nghị mức tối đa là 5 – 6%.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy lợi ích đối với sức khỏe đều sử dụng dầu MCT nguyên chất chứ không phải dầu dừa. Các nghiên cứu về dầu dừa thường có quy mô nhỏ và đa số được thực hiện trên động vật. Kết quả của các nghiên cứu này không đủ để đưa ra kết luận về lợi ích của dầu dừa.

Nghiên cứu về lợi ích của việc sử dụng axit béo không bão hòa có kết quả đáng tin cậy hơn.

Một số mẹo

Có thể sử dụng dầu dừa để tạo mùi thơm dịu nhẹ khi nướng bánh. Nguồn ảnh: Bbc.co.ukCó thể sử dụng dầu dừa để tạo mùi thơm dịu nhẹ khi nướng bánh. Nguồn ảnh: Bbc.co.uk

Chất béo và dầu cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng bạn cần sử dụng chúng với lượng vừa phải. Nếu sử dụng dầu dừa, bạn nên sử dụng dầu dừa nguyên chất.

Dưới đây là một số mẹo để lựa chọn, bảo quản và sử dụng dầu dừa:

  • Kiểm tra nhãn và tránh các loại dầu dừa hydro hóa một phần
  • Bảo quản dầu dừa ở nơi tối và mát. Giống như các chất béo bão hòa khác, dầu dừa sẽ ở trạng thái rắn trong nhiệt độ phòng và hóa lỏng khi gặp nhiệt độ cao.
  • Sử dụng dầu dừa khi nướng bánh để có mùi dừa thơm dịu, ngọt nhẹ. Nó là một lựa chọn thay thế tốt cho bơ động vật và shortening. Dầu dừa rất thích hợp để chế biến các món ăn chay.

Kết luận

Dầu dừa giúp bổ sung hương vị và sự đa dạng trong chế độ ăn. Tuy nhiên, các nghiên cứu không chứng minh được rằng dầu dừa tuyệt đối có lợi cho sức khỏe.

Bạn nên nhớ rằng, dù việc thay đổi từ loại dầu này sang loại dầu khác có thể có lợi cho sức khỏe nhưng việc bổ sung quá nhiều dầu (dù là loại nào) vào chế độ ăn sẽ khiến bạn không thể giảm cân hoặc cải thiện sức khỏe tổng thể.

Bạn nên tiêu thụ dầu và chất béo với lượng vừa phải, kết hợp với chế độ ăn khoa học. Bạn cũng nên tập thể dục để đốt cháy calo, thúc đẩy quá trình giảm cân.

Câu hỏi ẩn danh: Nếu dầu dừa không tốt cho sức khỏe, tôi nên sử dụng loại dầu nào?

Trả lời: Nói chung, bạn nên hạn chế tất cả các loại dầu và thay bằng chất béo tự nhiên tốt cho sức khỏe như dầu ô liu và dầu bơ.

- Câu trả lời đại diện cho ý kiến của bác sĩ. Tất cả nội dung đều mang tính chất cung cấp thông tin và không được coi là lời khuyên y tế. -

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!